CHƯƠNG 1. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Cơ sở lý luận của đề tài
1.1.3. Khái niệm về thương lái, doanh nghiệp
Trong từ điển Bách khoa Việt Nam không có khái niệm thương lái.
Thương lái là một thuật ngữ xuất phát từ từ "lái". "Lái" có nghĩa là người buôn bán một hàng hóa nhất định (ví dụ lái trâu, lái buôn, lái vườn). Thương lái là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Thương lái thường được hiểu là người thu gom nông sản hàng hóa từ nông dân.
Trong thực tế, những người mua gom hàng hóa có quy mô rất khác nhau từ nhỏ đến lớn và thường đảm trách các khâu không giống nhau: thu gom lúa, phơi sấy, xay xát gạo nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến gạo thương phẩm. Do vậy, tùy quy mô và chức năng mà thương lái thường được gọi với nhiều thuật ngữ khác: cò chân ruộng (cò lúa), thương lái, hàng xáo, cò gạo, chủ vựa... Trong thương mại nói chung, người ta thường sử dụng thuật ngữ
"thương nhân". "Thương nhân" là người mua – bán (thương mại) hàng hóa nói chung. Tuy nhiên, theo Luật Thương mại, thương nhân được định nghĩa:
"Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh".
Theo định nghĩa trên, "thương lái" không phải là "thương nhân", tuy nhiên trên thực tế người ta hiểu thương lái là thương nhân vì họ chính là chủ thể tham gia hoạt động thương mại trong quá trình kinh doanh hàng hóa nông sản và đóng vai trò trọng yếu tiêu thụ nông sản của nông dân.
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tài sản và tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được cấp giấy đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp
luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên trị trường (Theo mục 7 điều 1 chương 1 luật doanh nghiệp 2014).
Quá trình kinh doanh thực hiện một cách liên tục, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích để sinh lợi. Như vậy doanh nghiệp là tổ chức kinh tế vị lợi, mặc dù thực tế một số tổ chức doanh nghiệp có các hoạt động không hoàn toàn nhằm mục tiêu lợi nhuận.
- Vai trò của thương lái, doanh nghiệp
Thương lái có một số ưu điểm nổi bật như sau:
- Chiếm số lượng lớn, có vốn, có phương tiện vận chuyển đa dạng và thường đảm nhiệm luôn khâu phơi sấy và xay xát;
- Rất cơ động, linh hoạt và mềm dẻo trong việc xác định giá cả và phương thức thanh toán cũng như phương thức hỗ trợ nông dân;
- Có nhiều kinh nghiệm và rất nhạy cảm về giá, chất lượng hàng hoá, am hiểu địa bàn, hiểu tâm lý nông dân và doanh nghiệp;
- Chịu khó đi vào các vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh để mua lúa đưa về các cơ sở xay xát tư nhân gia công bán lại cho các doanh nghiệp.
Như vậy thương lái có vai trò rất quan trọng, giúp cho nông dân, đặc biệt, nông dân ở những vùng sâu, vùng xa tiêu thụ được lúa hàng hóa, đồng thời giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Không có thương lái, các doanh nghiệp rất khó có đủ nguyên liệu đầu vào. Bản thân doanh nghiệp không thể ký hợp đồng trực tiếp tiêu thụ nông sản cho nông dân còn nông dân thì chỉ muốn bán cho các thương lái và việc mua bán với thương lái dễ dàng dàng hơn. Vì thế, thương lái hiện nay được coi là cánh tay nối dài của các Công ty lương thực.
- Vai trò của doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp tăng nhanh đã giải quyết được nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động. Thu nhập cao
và tăng nhanh của lao động khối doanh nghiệp góp phần cải thiện và nâng cao mức sống chung của toàn xã hội và tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.
Lợi ích cao hơn mà tăng trưởng doanh nghiệp đem lại là tạo ra khối lượng hàng hoá và dịch vụ lớn hơn, phong phú hơn, chất lượng tốt hơn, thay thế được nhiều mặt hàng phải nhập khẩu, góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng trong nước và tăng xuất khẩu, đó cũng là yếu tố giữ cho nền kinh tế ổn định và phát triển những năm qua.
Các loại hình kinh tế trong doanh nghiệp phát triển đa dạng gồm nhiều thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn, các loại hình doanh nghiệp tư nhân tuy còn nhỏ nhưng phát triển nhanh và rộng khắp ở các ngành và các địa phương trong cả nước, loại hình kinh tế tập thể đang được khôi phục và có bước phát triển mới.
Doanh nghiệp phát triển nhanh trong tất cả các ngành và ở khắp các địa phương đã tạo ra cơ hội phân công lại lao động giữa các khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất kinh doanh nhỏ của hộ gia đình là khu vực lao động có năng suất thấp, thu nhập không cao, chiếm số đông, thiếu việc làm sang khu vực doanh nghiệp, nhất là công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao và thu nhập khá hơn. Những năm gần đây, sản phẩm hàng hoá và dịch vụ do khối doanh nghiệp tạo ra ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại mặt hàng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ được nâng lên, do đó đã giải quyết cơ bản nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ ngày càng cao của toàn xã hội, góp phần nâng cao mức sống vật chất của dân cư và tăng nhanh lượng hàng hoá xuất khẩu. Nhiều sản phẩm trước đây thường phải nhập khẩu cho tiêu dùng thì nay đã được các doanh nghiệp sản xuất thay thế và được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm như: Ô tô, xe máy, phương tiện vận tải, các mặt hàng đồ điện, điện tử, may mặc, thực phẩm, đồ uống, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, sản phẩm phục vụ xây dựng,... Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu
cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo,...).
- Các hình thức mua bán
+ Phương thức mua bán trực tiếp
Khái Niệm: Là việc bên mua và bên bán trực tiếp giao dịch với nhau, trực tiếp thiết lập quan hệ mua bán với nhau.
Đặc điểm: Quan hệ mua bán giữa các chủ thể được thiết lập một cách trực tiếp mà không cần phải thông qua bên thứ ba để thiết lập.
+ Phương thức mua bán qua trung gian
Khái niệm:Mua bán qua trung gian là phương thức giao dịch trong đó hai bên mua và bán thông qua người thứ ba để ký kết và thực hiện hợp đồng.
Đặc điểm:
– Có sự lệ thuộc.
– Lợi nhuận bị chia sẻ.
– Hàng hóa có các yêu cầu đặc biệt.
Các loại hình trung gian:
Mô giới (Broker).
Đại lý (Agent).
+ Phương thức mua bán đối lưu (counter trade)
Khái niệm: Là một phương thức giao dịch trao đổi hàng hoá, trong đó xuất khẩu kết hợp chặt chẽ với nhập khẩu, người bán đồng thời là người mua, lượng hàng giao đi có giá tri tương xứng với lượng hàng nhận về.
Đặc điểm
Xuất khẩu có quan hệ chặt chẽ với nhập khẩu
Mục tiêu của giao dịch không phải là ngoại tệ
Đồng tiền làm chức năng tính giá là chủ yếu
Đảm bảo điều kiện cân bằng: cân bằng về hàng, về giá, về điều kiện giao hàng, về tổng giá trị hàng giao.
+ Phương thức mua bán gia công quốc tế
Bên giao gia công và bên nhận gia công có trụ sở thương mại ở 2 nước khác nhau.
Nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm di chuyển qua biên giới.
Đặc điểm:
Quyền sở hữu không thay đổi.
Tiền công tương đương với lượng lao động hao phí.
Được hưởng các ưu đãi về thuế và thủ tục hải quan.
+ Giao dịch tái xuất khẩu Khái niệm
Là phương thức giao dịch trong đó người kinh doanh bán lại hàng hóa đã nhập trước đây nhưng không qua chế biến gì, nhằm thu về một khoản lợi nhuận.
Đặc điểm:
Hàng hoá chưa qua bất kỳ một khâu gia công và chế biến nào.
Mục đích: thu về một lượng ngoại tệ lớn hơn mức vốn bỏ ra ban đầu.
Giao dịch luôn có sự tham gia của ba bên.
Hàng hoá có cung cầu lớn vá biến động liên tục.
Hưởng ưu đãi về thuế và hải quan.
+ Các phương thức mua bán, giao dịch đặc biệt
Đấu giá quốc tế: Là phương thức giao dịch đặc biệt ở đó người bán đưa hàng ra bán công khai, những người mua tự do cạnh tranh giá cả và người bán sẽ bán cho người nào trả giá cao nhất.
Bản chất: Giao dịch mua bán giữa một người bán và nhiều người mua Nguyên tắc đấu giá: Công khai, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích các bên.
Đấu thầu quốc tế: Là phương thức mua sắm đặc biệt, người mua công bố các điều kiện mua hàng để các người bán hàng cạnh tranh giành quyền cung cấp.
+ Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa
Khái niệm:
Sở giao dịch hàng hóa là một thị trường đặc biệt, ở đó người mua, người bán thông qua người môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng để lấy một khoản lợi nhuận thu từ khoản chênh lệch giá khi ký kết hợp đồng và khi thực hiện hợp đồng.
+ Nhượng quyền thương mại
Khái niệm:
Là hoạt động kinh doanh thương mại. Theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ qua các điều kiện sau:
Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Lợi ích của nhượng quyền kinh doanh thương mại:
+ Giao dịch tại hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế
Khái niệm:
Là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày và giới thiệu hàng hoá dịch vụ nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.