Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. So sánh và phân tích hiệu quả hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Bình của một cấp so với mô hình hai cấp
3.5.1. So sánh về chức năng, nhiệm vụ của 02 mô hình
3.5.1.1. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp 3.5.1.1.1. Chức năng
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý biến động về sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng và quản lý hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có con dấu riêng, được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.
3.5.1.1.2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận trên địa bàn cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý biến động về đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
c) Lưu trữ, quản lý và chỉnh lý toàn bộ hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu thuộc tính địa chính đối với tất cả các thửa đất trên địa bàn cấp huyện; gửi thông báo chỉnh lý biến động cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp xã để chỉnh lý hồ sơ địa chính đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền; kiểm tra việc cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính của Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Cung cấp số liệu địa chính cho cơ quan chức năng xác định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và tài sản khác gắn liền với đất đối với người sử dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
đ) Lưu trữ, quản lý bản lưu, bản sao giấy chứng nhận và các giấy tờ khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định;
e) Thực hiện trích đo địa chính thửa đất, khu đất và tài sản gắn liền với đất; kiểm tra chất lượng tài liệu trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất cung cấp trước khi sử dụng, quản lý;
g) Thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện và cấp xã;
h) Cung cấp trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và các thông tin khác về đất đai, tài sản gắn liền với đất phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của cộng đồng;
i) Thực hiện việc thu phí, lệ phí và các dịch vụ về cung cấp thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất, trích đo địa chính thửa đất, khu đất, trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật;
k) Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật;
l) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành;
m) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường giao.
3.5.1.2. Chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Bình mô hình một cấp .
3.5.1.2.1. Chức năng
a. Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
b. Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng;
được Nhà nước bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc và mở tài khoản theo quy định của pháp luật.
3.5.1.2.2. Nhiệm vụ
1. Thực hiện việc đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Thực hiện việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).
3. Thực hiện việc đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
4. Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
5. Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; chỉnh lý bản đồ địa chính; trích lục bản đồ địa chính.
7. Kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
8. Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
9. Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật.
12. Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành và tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực công tác được giao.
3.5.1.3. Đánh giá chung
Qua cơ cấu tổ chức của 02 mô hình trên nhận thấy rằng, việc tổ chức hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp có những thuận lợi và khó khăn riêng đối với công tác quản lý Nhà nước về nhân sự và công tác chuyên môn. Ta có thể dễ dàng nhận thấy những mặt thuận lợi của mô hình này lại chính là điểm hạn chế của mô hình còn lại.
* Đối với mô hình Văn phòng đăng ký được tổ chức theo hai cấp:
Thuận lợi: Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện tại địa bàn quản lý nên chịu sự giám sát trực tiếp của UBND huyện. Do vậy, nếu có sự không hài lòng hoặc phản ánh của công dân về những hành vi, biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức thì được tiếp nhận và giải quyết kịp thời với sự giám sát và chịu trách nhiệm thường xuyên của UBND huyện.
Công tác phối hợp giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các cán bộ địa chính xã, thị trấn thuận lợi, dễ dàng do cùng chịu sự quản lý của UBND huyện.
Khó khăn:
+ Đối với việc chỉ đạo công tác chuyên môn không thường xuyên, kịp thời.
+ Việc giải quyết hồ sơ ở các huyện, thành không thống nhất do không được chỉ đạo chung về chuyên môn.
* Đối với mô hình Văn phòng đăng ký được tổ chức theo một cấp:
Thuận lợi:
Sau khi đi vào hoạt động, cơ cấu tổ chức được kiện toàn, nhiệm vụ và quy trình giải quyết hồ sơ cho công dân tại Chi nhánh đã đi vào ổn định vì phần lớn nội dung công việc và thẩm quyền tại Chi nhánh không có sự thay đổi lớn.
Thời gian đầu, Các chi nhánh tại các huyện, thành họp giao ban thường xuyên giữa các tuần nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đồng thời tổ chức mở các các buổi tập huấn chuyên môn cho cán bộ tại các Chi nhánh về đăng ký, quản lý dữ liệu địa chính, kỹ thuật đo vẽ nhà đất, trích lục, trích đo địa chính nhà đất, công tác lưu trữ và cung cấp thông tin địa chính…Thỉnh thoảng, lãnh đạo phụ trách của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh còn trực tiếp xuống Chi nhánh để kiểm tra, hướng dẫn Chi nhánh để phát huy những gì đã làm đạt được và sửa chữa những khuyết điểm.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đầu vào của hồ sơ, Chi nhánh đã cử cán bộ chuyên môn của Chi nhánh trực tiếp xuống bộ phận một cửa của UBND huyện trực tiếp tiếp nhận và hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ. Nhờ đó việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Chi nhánh từng bước được thống nhất, chuẩn hóa theo đúng quy định. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính; quản lý tốt công tác tách, hợp thửa đất, không đẻ xảy ra tình trạng manh mún, không đúng quy định.
Trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm trong quá trình tác nghiệp của cán bộ chuyên môn cũng được nâng lên rõ rệt, có sự thống nhất trong sự am hiểu và giải quyết hồ sơ tại các Chi nhánh tại các huyện, thành phố. Luôn có sự năng động, nhiệt tình trong công việc được giao, đảm bảo chất lượng, số lượng, đúng
thời gian và đúng quy định các văn bản về đất đai theo pháp luật hiện hành trong công tác cấp giấy chứng nhận và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Việc chỉ đạo công tác chuyên môn luôn được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ không thống nhất ở mỗi huyện, thành phố do không được chỉ đạo chung về chuyên môn. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính và tổ chức kiểm tra, chỉ đạo chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính của cấp trên và cấp dưới dễ dàng được thực hiện
Khó khăn:
Công tác phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và các phòng ban của UBND huyện như: phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế hạ tầng, cán bộ địa chính xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn do không cùng chịu sự quản lý của UBND huyện.
Số lượng công việc của Chi nhánh tăng cao đòi hỏi nhịp độ làm việc của cán bộ cũng tăng lên.
Hầu hết máy móc, thiết bị của Chi nhánh đã cũ, sử dụng quá lâu dẫn đến hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu của công việc. Về nguồn nhân lực cũng đang thiếu hụt.
Hầu hết ý kiến của các cán bộ, lãnh đạo đã và đang công tác tại Văn phòng đăng ký đất đai đều cho rằng việc thực hiện theo mô hình một cấp thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả công việc tốt hơn.
Theo phương pháp chuyên gia, dựa vào phiếu phỏng vấn ý kiến của các cán bộ, lãnh đạo đã và đang công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai, ý kiến của ông Nguyễn Văn Hải- giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Bình cho hay:” Việc thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai một cấp điều đầu tiên phải nói là tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy trình giải quyết công việc đã được thống nhất. Thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được đảm bảo theo đúng quy định, tình trạng tồn động hồ sơ quá
hạn cơ bản đã chấm dứt”.