Đời sống văn hóa và truyền thống lịch sử

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 22 - 26)

Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ TIỂU VÙNG VĂN HÓA THÁI NGUYÊN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.1. Sơ lược về điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa và truyền thống lịch sử ở thành phố Thái Nguyên

1.1.3. Đời sống văn hóa và truyền thống lịch sử

Có thể nói, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế xã hội, Thái Nguyên cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch của thành phố.

Thành phố Thái Nguyên có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, được biết đến với những địa danh nổi tiếng: Đền Mỏ Bạch, Đền Xương Rồng, Ðền thờ Ðội Cấn, Nhà lao Thái Nguyên, Khu di tích lịch sử 915 Gia Sàng... nơi ghi dấu sự kiện vang dội cả nước, chấn động nước Pháp, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Ðội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo.

Thái Nguyên là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống lịch sử lâu đời. Lịch sử dân tộc đã khắc ghi chiến thắng của quân dân Đại Việt do Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy đập tan quân xâm lược nhà Tống năm 1076 trên sông Như Nguyệt (sông Cầu). Phía tây của phòng tuyến ấy kéo dọc sông Cầu tới cực Nam đất Thái Nguyên ngày nay. Nhân dân địa phương cùng quan quân triều đình nhà Lý chặn đứng và tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở vùng Vạn Nhai (Võ Nhai), vùng phía Đông sông Cầu góp phần đánh tan chủ lực giặc Tống do Quách Quỳ chỉ huy trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, khiến vương triều Tống không một lần dám đưa quân trở lại xâm lược Đại Việt. Chính trong giai đoạn lịch sử này, mảnh đất Thái Nguyên đã sinh ra con người làm rạng rỡ quê hương

- Dương Tự Minh. Đây cũng là vị anh hùng được nhân dân lập nhiều đền thờ nhất ở thành phố Thái Nguyên.

Là trung tâm công nghiệp đầu tiên của miền bắc, TP Thái Nguyên trở thành trọng điểm bắn phá của địch. Tiếp nối lịch sử, ngày 17-10-1965, giặc Mỹ huy động 29 lượt máy bay tập trung đánh phá cầu Gia Bẩy và xã Gia Sàng, giết hại 147 người, phá sập nhiều nhà cửa, phương tiện làm ăn sinh sống của nhân dân. TP Thái Nguyên chính thức bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Trong suốt tám năm trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân, dân thành phố đã xây dựng gần 100 trận địa bắn máy bay địch.

23 máy bay các loại, trong đó có chiếc máy bay thứ 1.000 và hai chiếc máy bay ném bom chiến lược B52 đã bị bắn rơi trên bầu trời TP Thái Nguyên.

Vượt lên bom đạn ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ, chính quyền, hoạt động sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, trên đồng ruộng vẫn được duy trì. Ðiện vẫn sáng, gang vẫn ra lò, hơn 70 cơ sở thuộc 13 ngành nghề thủ công nghiệp vẫn hoàn thành chỉ tiêu sản xuất; giá trị tổng sản lượng lương thực, thực phẩm, rau xanh đều tăng; các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục vẫn đạt kết quả cao; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm của nhân dân thành phố gửi ra chiến trường. Hơn 4.000 người con ưu tú của thành phố đã lên đường chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Sự hy sinh anh dũng ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Do có những đóng góp, cống hiến lớn lao trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, TP Thái Nguyên và 19 tập thể, bốn cá nhân đã được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 30 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Tỉnh. Nằm trải dọc bên bờ sông Cầu, thành phố Thái Nguyên có 25 phường xã và 95 điểm di tích lịch sử văn hoá đã kiểm kê.

Có thể kể đến một số các điểm tham quan văn hóa tiêu biểu của thành phố như:

+ Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Toạ lạc giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, trên một vùng đất rộng 39.000m2. Tại đây thời Pháp thuộc năm xưa từng là khuôn viên của toà sứ, toà phó sứ tỉnh Thái Nguyên. Bảo tàng Văn hoá Các Dân Tộc Việt Nam hướng ra đảo tròn trung tâm Thành phố, phía sau là một khuôn vườn rộng nhiều cây cối cổ thụ, tạo phong cảnh râm mát, có dòng Sông Cầu như một dải lụa mềm ngày đêm miệt mài chảy về xuôi.

Khởi công xây dựng ngày 19/12/1960, Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam (lúc đó gọi là Bảo Tàng Việt Bắc) và được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1962. Là một công trình kiến trúc lớn, đẹp nhất của tỉnh Thái nguyên, và có lẽ cũng là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất cả nước, kể từ khi hoàn thành đến nay Bảo tàng luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Thái nguyên. Với hơn 3000m2 sử dụng cho trưng bày, kho bảo quản và các hoạt động khác. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày hơn 10000 hiện vật, tài liệu thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt nam. Bảo tàng được xây dựng thành 5 khối kiến trúc là 5 phòng trưng bày lớn:

- Phòng Việt - Mường: gồm dân tộc Việt, Mường, Thổ, Chứt.

- Phòng Tày - Thái: Gồm dân tộc Tày, Nùng, Thái, Lao, Lự, Sán Chay, Bố Y.

- Phòng Mông - Dao và nhóm Nam á khác: Gồm H`Mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo.

- Phòng Môn - Khơ Me: Gồm dân tộc Ba Na, Khơ Mú, Sơ Đăng, Cờ Ho, Hrê, Cờ Tu, Mạ…

- Phòng Hán- Hoa: Gồm các dân tộc Hoa Ngái, Sán Dìu, Hà Nhì, Lô Lô, Gia Lai, Ê Đê…

Cả 5 phòng trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt nam có chung giải pháp mỹ thuật trưng bày khá hoàn hảo, khoa học, vừa tập trung được những giải pháp trưng bày hiện đại theo phong cách Châu Âu, vừa phát huy được cách tạo dáng đẹp, cách sắp xếp gần gũi với tư duy và phong cách của người Việt Nam. Xem toàn bộ hệ thống trưng bày của Bảo tàng, ta dễ dàng cảm nhận được những nét đại cương về tộc người, về văn hoá vật chất, văn hoa tinh thần và đời sống xã hội của 54 dân tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam

+ Đền thờ Đội Cấn, đền Mỏ Bạch, đền Mẫu Thoải Bến Than, đền Cột Cờ, đền Xương Rồng, chùa Phủ Liễn, đình Hùng Vương… cũng là những địa điểm văn hóa, tâm linh tiêu biểu của thành phố.

+ Bảo tàng Thái Nguyên thành lập ngày 23/12/1991, trụ sở nằm trên đường Cách mạng tháng tám ở khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên.

+ Thư viện tỉnh Thái Nguyên nằm trên đường Cách mạng tháng tám, ở khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên.

+ Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong, đại đội 915, đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên). [55]

Tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng đang từng ngày đổi mới, theo chủ trương đúng, bước đi phù hợp, với đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, có sự đoàn kết, thống nhất từ trong Ðảng tới ngoài quần chúng, Ðảng bộ TP Thái Nguyên nhất định sẽ tiếp tục lãnh đạo, động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng thành phố ngày càng phát triển cả về kinh tế và văn hóa xã hội, để thành phố xứng đáng là một trong những trung tâm lớn mạnh của cả nước, văn minh, hiện đại.

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)