Khái quát về truyền thuyết Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 46 - 50)

Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ TIỂU VÙNG VĂN HÓA THÁI NGUYÊN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN

1.3. Tổng quan về văn học dân gian Thái Nguyên

1.3.2. Khái quát về truyền thuyết Thái Nguyên

Nền văn học dân gian Thái Nguyên khá đa dạng bởi nhiều loại hình khác nhau, ở thể loại nào cũng có những dấu ấn riêng cả về nội dung và hình thức.

Truyền thuyết Thái Nguyên được nhắc đến như một thể loại quan trọng bậc nhất trong kho tàng địa phương.

Như đã nói ở trên, Truyền thuyết Thái Nguyên nổi đậm màu sắc tiếp xúc và hội tụ. Truyền thuyết địa danh hiện còn vô số các mẫu kể: Giếng Dội, Núi Xem, Núi Văn, Núi Võ, Vực Ách, Gò Chùa (Đại Từ) Đồi Vua Mọc, Đá Miếu Nữ Tướng (Phú Lương)…Trong đó có nhiều mẫu kể ở Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên như: Sự tích Đền Cô Thắm, Sự tích Miếu Nữ Tướng, Sự tích Gò

Chúa Chỏm, Sự tích Núi Cô Tiên, Núi Đong Quân…đều chứa đựng khá nhiều mô - típ truyền thuyết dân tộc Kinh. Có thể cho rằng đó là những truyện có liên hệ ít nhiều với các truyền thuyết về Thánh Gióng và Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, các truyền thuyết lịch sử về Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn…trên đất Thái Nguyên vẫn là những mẫu kể đáng chú ý hơn cả. Bởi lẽ từ đó hiện ra những con người Thái Nguyên thật sự khổng lồ về ý chí. Họ là những anh hùng dân tộc giữa đời thường, rất đáng khâm phục mà không hề xa cách trong cảm quan thẩm mỹ dân gian.

Nghiên cứu truyền thuyết Thái Nguyên truyền tụng từ đời này sang đời khác không thể không nhắc đến một số nội dung như đánh giặc giữ nước, xây dựng địa vực cư trú, làm ăn, có công khai sơn phá thạch, tạo dựng đời sống - xăn hóa cho cộng đồng. Hay những nhóm truyền thuyết tiêu biểu:

+ Nhóm truyền thuyết về nhân vật Dương Tự Minh và lễ hội Đền Đuổm của người Kinh ở Thái Nguyên

Nhóm truyền thuyết này kể về nhân vật Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở làng Quan Triều, làm thủ lĩnh phủ Phú Lương - một trong năm phủ của đất nước Đại Việt hồi thế kỷ XII, gồm đất tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và vùng giáp ranh 3 tỉnh ngày nay, dưới triểu ba đời vua nhà Lý là: Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt. Truyền thuyết về núi Đuổm và Dương Tự Minh ghi lại công trạng của ông - người anh hùng đã được nhân dân truyền tụng và sống trong lòng nhân dân các dân tộc suốt mấy trăm năm nay.

Không chỉ riêng ở lễ hội Đền Đuổm, quanh thành phố Thái Nguyên cũng có rất nhiều những đền thờ khác gắn liền với các truyền thuyết về vị tướng như đền Túc Duyên, đền Mỏ Bạch, … để thể hiện sâu sắc lòng biết ơn đến người anh hùng có công lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Truyền thuyết về lễ hội Đình Phương Độ

Truyền thuyết về Dương Tự Minh còn được gắn với truyện kể về đình Phương Độ. Truyền thuyết kể về vị Thành hoàng được thờ ở đình Phương Độ, thuộc xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, cách T.P Thái Nguyên 25km về phía Đông Nam. Vị Thành hoàng này có tên là Cao Sơn Quý Minh Đại vương - tức Dương Tự Minh, vị Phò mã triều Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa như đã kể trên.

+ Nhóm truyền thuyết về nàng công, chàng Cốc

Đây là nhóm truyền thuyết khá nổi tiếng xoay quanh mối tình của đôi trai gái là nàng Công và chàng Cốc, gắn với địa danh hồ Núi Cốc. Truyền thuyết về sông Công, núi Cốc kể lại câu chuyện tình của nàng Công, chàng Cốc, ngày nay gắn với địa danh hồ Núi Cốc thuộc địa phận huyện Đại Từ - một danh thắng của Thái Nguyên. Hồ mang nét đẹp với khung cảnh thiên nhiên kỳ thú “sơn thủy hữu tình”. Đây là một vùng đất nên thơ, lung linh sắc màu huyền thoại, vì vậy, đã tạo không khí cho một mảng truyền thuyết kể về đôi trai gái chung thủy, sắt son, giữ vững tình yêu trước mọi khó khăn chia cách để trở nên bất tử.

+ Nhóm truyền thuyết của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay…

Nhóm truyền thuyết này phong phú ở bộ phận có mẫu kể về người anh hùng chống xâm lăng, giữ vững địa bàn cư trú, trong đó nổi bật là nhóm truyện kể về các thủ lĩnh quân sự cùng chung tư tưởng với mạch kể về Dương Tự Minh. Đó còn là nhóm truyền thuyết kể về nhân vật Lưu Nhân Chú, miếu Nữ tướng, gò Chúa Chổm, đền Cô Thắng, gốc tích Ao Đồng… Những truyền thuyết được thêu dệt thành vô số các huyền thoại gắn liền với các huyền tích và dường như đã trở thành tài sản chung của toàn dân tộc.

Đặc biệt, ở các địa vực cư trú của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng… có rất nhiều truyền thuyết địa phương kể về những vị có công khai sơn phá thạch, lập bản dựng làng mà người dân tin là có thật, được chép lại cả trong các thần tích thần phả, gắn liền với các đền thờ, miếu thờ thành hoàng ở nhiều bản làng vùng

Tày như thần tích cây đa Liên Hà xã Tân Thái, huyện Đại Từ…. Các truyền thuyết này cùng chứa đựng tính đặc trưng, nội dung phổ biến toàn dân tộc và ít nhiều có tự tương đồng với những truyền thuyết của người Kinh, gần gũi với những truyền thuyết như An Dương Vương, Thánh Gióng… Ngoài ra có thể kể đến những nhóm truyền thuyết về những người có công được lập đền thờ nhớ ơn như Cô bé Xương Rồng với truyền thuyết Đền Xương Rồng, Mẫu Thoải - mẹ Nước với truyền thuyết Đền Mẫu Thoải - Bến Than…

Có thể đây nói dù là nhóm truyền thuyết nào cũng đều mang những nét đặc trưng riêng của địa phương và con người Thái Nguyên, là những truyền thuyết có ngọn nguồn sáng tạo từ tâm thức dân gian chung của không chỉ của dân tộc Kinh mà toàn thể người dân Thái Nguyên cùng nhau một lòng hướng về cội nguồn, truyền thống, văn hóa dân tộc.

* Tiểu kết

Thái Nguyên - thủ đô gió ngàn không chỉ là một mảnh đất có tiềm lực kinh tế mà còn là nơi hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa, văn học lâu đời.

Những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, xã hội là cơ sở để nền văn học địa phương mang những giá trị đặc biệt. Không chỉ là nét đẹp của thiên nhiên mà còn là nét đẹp của con người nơi đây trong không gian sinh hoạt văn hóa.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để làm nảy sinh, tồn tại và phát triển một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, cộng đồng. Chính từ những đặc điểm đó đã tạo cơ sở cho việc nghiên cứu luận văn, tạo nên một kho tàng văn học dân gian phong phú địa phương mà tiêu biểu là truyền thuyết. Những di tích lịch sử, những câu truyện ấy đã đi sâu vào trong tiềm thức người dân quê hương để từ đó khơi dậy lòng yêu và tự hào về quê hương mình.

Tìm hiểu về những khái niệm, đặc điểm, loại hình của truyền thuyết dân tộc nói chung và những nét cơ bản về truyền thuyết Thái Nguyên nói riêng sẽ là căn cứ để so sánh, phân tích những giá trị tiêu biểu của truyền thuyết vùng ven sông Cầu ở những chương sau.

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)