Truyền thuyết về Bà Chúa bản tỉnh và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với lễ hội Đền Cột Cờ

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 72 - 75)

Chương 3. TRUYỀN THUYẾT VÙNG VEN SÔNG CẦU TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI LỄ HỘI VÀ TÂM THỨC DÂN GIAN

3.1. Truyền thuyết vùng ven sông Cầu trong mối quan hệ với lễ hội tôn

3.1.4. Truyền thuyết về Bà Chúa bản tỉnh và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với lễ hội Đền Cột Cờ

Theo dấu tích lịch sử từ thế kỷ thứ XVI, sau khi mất thành Thăng Long, tàn dư của nhà Mạc chạy lên các tỉnh phía Bắc, để tập kết luyện quân chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Vào thời điểm này có một nữ tướng nhà Mạc đã cắm cờ doanh trại tại đây để luyện quân. Khi quân của bà rút đi người dân nơi đây đắp lên ngôi đền nhỏ để thờ vị nữ tướng này, dân gian truyền lại gọi là thờ Bà Chùa bản tỉnh và ngôi đền có tên là Đền Cột Cờ.

Đền Cột Cờ phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên hiện nay có diện tích gần 300m2. Đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thờ Bà Chúa bản tỉnh và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ca ngợi các bậc tiền bối trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hàng năm, Đền có nhiều lễ hội sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu bản sắc thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự như: Lễ khai xuân vào mồng 6 tháng Giêng, Lễ Sơn Trang vào mồng 10 tháng 2, ngày giỗ tổ Đức Thánh Trần vào ngày 20 tháng 8 hay tiệc bà Chúa bản tỉnh vào 24 tháng 8 âm lịch.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 7/7/2014, UBND tỉnh đã ký quyết định và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử Đền Cột Cờ. Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền Cột Cờ với mong muốn Đền sẽ có những biện pháp tốt hơn nữa để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử này.

Hằng năm, Lễ hội Đền Cột Cờ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức long trọng, trong đó phần Lễ có báo cáo hoạt động của Ban quản lý di tích trong năm và dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong phần Lễ thường có một số nghi lễ như: Cúng phát tấu thỉnh Phật Đại khoa; cúng Thành khao Sơn trang; dâng hương tế lễ; hô thần khai quang an vị… Phần hội có múa lân, hát múa văn nghệ và diễn sướng hầu đồng của người dân trong vùng.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là nghi lễ Hầu đồng và hệ thống lễ hội “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Đền Cột Cờ cũng nằm trong hệ thống tín ngưỡng này nên các hoạt động sinh hóa tín ngưỡng cũng được tổ chức như sau:

Lên đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ phủ, đây là nghi lễ nhập hồn của các vị thánh Tam phủ, Tứ phủ vào thân xác của các ông đồng, bà đồng là sự tái hiện lại hình ảnh của các vị thánh, nhằm phán truyền, ban phước lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Lên đồng thường diễn ra vào nhiều dịp trong một năm. Với những thầy Đồng đền, trong một năm có lẽ lễ hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới), lễ hầu Thượng Nguyên (tháng giêng), lễ hầu nhập hạ (tháng tư), lễ tán hạ (tháng bảy), lễ tất niên (tháng chạp), lễ Hạp ấn (25 tháng chạp)… Trong các dịp này, hai lần được coi là quan trọng hơn cả là tháng ba giỗ thánh mẫu và tháng tám giỗ cha.

Việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng trong các lễ hầu đồng tùy thuộc vào điều kiện của các Đồng đền nhưng màu sắc của các lễ vật phải phù hợp với các giá đồng.

Đền Cột Cờ cùng với việc tổ chức các nghi lễ hầu đồng cho các đồng đền thì còn tổ chức các hoạt động lễ hội “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”.

Tương truyền ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Đức thánh Trần. Theo quan niệm của dân gian “tháng tám giỗ cha” là nói về ngày giỗ Đức Thánh Trần. Ngày “giỗ cha” là khi Trần Quốc Tuấn qua đời, ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức năm Hưng Long thứ 8, ngày 5 tháng 9 năm 1300). Ông mất tại dinh ở Phủ Đệ Vạn Kiếp, nay là đền thờ Kiếp Bạc thuộc Chí Linh, Hải Dương.

Kiếp Bạc cùng với Bảo Lộc (Nam Định - quê hương ông), nhiều nơi khác trong đó có đền Cột Cờ là nơi tổ chức lễ hội đáp ứng tâm nguyện của nhân dân về chiêm bái và “giỗ cha”.

“Tháng ba giỗ mẹ” - lễ được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch và theo tương truyền đây chính là ngày Thánh mẫu Liễu Hạnh mất. Vào dịp lễ này nhân dân thường cầu yên ấm, gia đình yên vui, nhà nhà hạnh phúc.

Ngoài những ngày lễ chính trên, đền còn tổ chức các ngày lễ khác như:

+ Ngày mông 6 tháng Giêng: Lễ khai xuân thu hút đông đảo nhân dân các xã trong vùng đến dâng hương, vui chơi, du xuân, hái lộc…

+ Ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch là lễ Sơn Trang + Ngày mồng 10 tháng 4 là lễ vào hè

Thông qua các dịp lễ hội, người dân càng thêm gắn bó với quê hương, góp phần cố kết cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng ở đây được chính quyền địa phương quan tâm, diễn ra thường xuyên và đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Chính các hoạt động này liên kết chặt chẽ nhân dân địa phương đồng thời là một hình thức giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho cộng đồng dân cư.

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)