Truyền thuyết vùng ven sông Cầu trong tâm thức dân gian

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 84 - 88)

Chương 3. TRUYỀN THUYẾT VÙNG VEN SÔNG CẦU TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI LỄ HỘI VÀ TÂM THỨC DÂN GIAN

3.3. Truyền thuyết vùng ven sông Cầu trong tâm thức dân gian

“Cây chung một cội, nước từ một nguồn”, có thể thấy giá trị lớn lao nhất trong những sáng tác truyền thuyết dân gian chính là tâm thức hướng về cội nguồn. Truyện sẽ cho ta thấy nguồn gốc, sự ra đời của một điều gì đó. Truyền thuyết ấy sẽ đi theo cả ngàn năm sau này luôn nhắc nhở ta về sự bắt đầu để bày tỏ lòng biết ơn và hướng đến.

Truyền thuyết vùng ven sông Cầu thể hiện nhiều nội dung khác nhau:

giá trị lịch sử, giá trị trong đời sống hàng ngày của người dân, văn hóa tâm linh tín ngưỡng trong mỗi con người… nhưng ở đó luôn có một cây cầu nối để dù ở bất kì đâu, những người dân luôn nhớ về quê hương, nhớ về công lao của những người đi trước. Hướng về cội nguồn - lòng biết ơn đã trở thành một tập tục đẹp, mang sức sống trường tồn trong cuộc sống người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước, từ đó góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu thương của người dân Việt Nam. Có thể nói, tinh thần và tình cảm cộng đồng như hòa trong một gia đình Tổ quốc lớn, nó sẽ lớn hơn nữa thể hiện ở việc duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp được để lại. Kể lại một câu chuyện truyền thuyết cho những lớp người đi sau lắng nghe, cùng trò truyện về một giá trị văn hóa lịch sử, hay đơn giản chỉ là tuyên truyền đến cho những người xung quanh cùng được biết đến nguồn gốc những cái tên địa danh tiêu biểu xung quanh mình…

Bấy nhiêu thôi cũng là cách để ta hướng về cội nguồn.

Bằng tâm thức dân gian, hãy hướng về cội nguồn để lưu giữ được những nét đẹp truyền thống ngàn đời.

3.3.2. Tâm thức đoàn kết sức mạnh cộng đồng

Như đã nói ở trên, hướng về cội nguồn tổ tiên dân tộc cũng là cách để đoàn kết sức mạnh cộng đồng. Được nhìn nhận là một đặc điểm nổi bật trong hệ thống căn tính của người Việt, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tinh thần cộng đồng đã trở thành thứ “vũ khí” đặc biệt giúp dân tộc Việt Nam đứng vững trước bao thách thức của thiên nhiên, và chiến thắng bao cuộc xâm lăng của ngoại bang.

Từ lịch sử cho đến hiện tại, đâu đâu ta cũng bắt gặp những biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc. Lịch sử cùng nhau đoàn kết kháng chiến, thắng lợi vẻ vang. Cùng nhau tôn vinh, nhớ ơn những người đã có công với dân tộc. Và cùng nhau duy trì, phát huy những vẻ đẹp ấy đến mãi mai sau. Chuỗi truyền thuyết kể lại hành trình những vị anh hùng góp công đánh đuổi ngoại xâm như Dương Tự Minh, Trần Hưng Đạo, Đội Cấn…; cho ta thêm những thông tin về các vị thần che chở, bảo ban dạy dỗ nhân dân. Chính từ những điều đó, nhân dân tự đặt trách nhiệm lên vai phải biết cùng nhau tiếp nối những truyền thống vẻ vang như chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, trải dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần đại đoàn kết luôn là sức mạnh nội tại để toàn dân tộc Việt Nam chung vai sát cánh vượt lên trên mọi thác ghềnh tới bến bờ vinh quang. Xâm lược đô hộ, thống trị, chia cắt…, bao nhiêu thế lực với bấy nhiêu sự đàn áp khốc liệt, người dân Việt Nam vẫn vững bước tiến lên - mạnh mẽ và oai hùng, đất nước Việt Nam vẫn phát triển trường tồn - sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bởi thế, nhân nghĩa, yêu thương là giá trị văn hóa vĩnh hằng của người Việt, tạo nên tinh hoa văn hiến dân tộc Việt, làm nên sức mạnh phi thường đất Việt.

3.3.3. Tâm thức bảo tồn và lưu truyền văn hóa, văn học dân gian

Vai trò chính của mỗi truyền thuyết xưa trong thời đại ngày nay chính là bảo tồn và lưu truyền văn hóa, văn học dân gian. Mỗi sáng tác là những nguồn tư liệu quý để giáo dục học sinh lòng yêu nước, yêu những nét đẹp văn hóa, hướng về cội nguồn và đoàn kết dân tộc.

Bản thân mỗi sáng tác truyện đã mang trong đó tâm thức của dân gian về việc lưu truyền từ đời này sang đời khác nhằm giúp thế hệ đi sau hiểu được nguồn gốc lịch sử, những giá trị lớn lao mà lịch sử đem lại. Để từ đó có thái độ biết ơn, trân trọng những thành quả từ đó.

Qua mỗi truyền thuyết, ta thấy không chỉ làm nổi bật lên giá trị nội dung, nghệ thuật của thể loại mà ở đó còn là những trang viết sâu sắc về văn hóa dân tộc cần được lưu truyền. Là tục lệ nhớ ơn tổ tiên, những người có công, cứu giúp dân lành. Là những anh hùng đi ra từ tầng lớp nông dân nhưng lại có những suy nghĩ và hành động xuất chúng. Là những vị thần, bà tiên được trời phái xuống cứu chúng sinh, phát triển đời sống hàng ngày.

Ngày nay, những người trẻ tuổi, đặc biệt là các em học sinh thành phố thường ít quan tâm hơn đến những truyền thuyết về chính lịch sự quê hương mình. Chính vì vậy, ngoài tư tưởng giáo dục cần có những biện pháp hành động cụ thể để mỗi người đều hiểu được tầm quan trọng của văn học, văn hóa quê hương mình.

Để làm được điều đó, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi giáo viên cần định rõ những mục tiêu và lập kế hoạch cụ thể. Đưa những tác phẩm truyền thuyết vùng ven sông Cầu vào những tiết văn học địa phương, tiết học chủ đề hay sinh hoạt ngoại khóa. Thiết kế giờ học theo hướng mới, sáng tạo, hiệu quả để học sinh có thể tự do phát triển khả năng và tự cảm thấy yêu thích môn học, say mê muốn được tìm hiểu về truyền thuyết, lịch sử, văn hóa địa phương mình. Tích cực tổ chức các buổi tham quan, học hỏi tại các đền, di tích nơi có những sáng tác truyền thuyết mà các em được học để mỗi học sinh có cái nhìn thực tế, được lắng nghe những câu chuyện lịch sử. Từ đó, tự tư duy mỗi bản thân học sinh thấy được trách nhiệm của mình với lịch sử và với tương lai đất nước. Giáo dục cho học sinh chính ngày hôm nay chính là cách tuyên truyền hiệu quả nhất cho cả dân tộc ngày mai.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có sự quan tâm sát sao hơn đến các địa danh. Tổ chức các hoạt động văn hóa mở để nhân dân được biết đến và tham gia, điều đó sẽ giúp giá trị được nhân rộng trong cộng đồng.

* Tiểu kết

Ở chương này ta thấy được rằng, truyền thuyết vùng ven sông Cầu thật sự có mối liên hệ mật thiết với lễ hội và tâm thức dân gian. Các nghi lễ tâm linh, những phong tục tập quán, những hoạt động lễ hội đã trở thành những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Mỗi truyền thuyết gắn liền với những vị anh hùng, những vị thần che chở cho nhân dân. Họ lập đền thờ để tưởng nhớ bày tỏ lòng biết ơn, bên cạnh đó mỗi dịp lễ hội diễn ra hàng năm cũng là cơ hội để con dân khắp nơi hướng về.

Dù là chương trình lớn hay những lễ hội truyền thống quy mô nhỏ, nhưng người dân vẫn luôn không quên gợi nhắc tinh thần đoàn kết dân tộc từ lịch sử, hiện tại và mãi sau này.

Trong đời sống hiện nay, đối tượng người lớn tuổi, trung niên mang nhiều tâm thức sâu sắc hơn về những lịch sử và giá trị truyền thống của dân tộc.

Họ sẽ là cầu nối tuyên truyền đến thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa, văn học, lịch sử của đất Việt ta suốt bao thế kỉ để cùng phát huy truyền ngàn đời “uống nước nhớ nguồn”.

Nghiên cứu truyền thuyết trong mối quan hệ với lễ hội và tâm thức dân gian đã giúp chúng ta tìm hiểu được những phong tục, tập quán, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian,… của người dân quanh vùng ven sông Cầu. Ngày nay, lễ hội đang từng bước khôi phục và bảo tồn nhiều nét văn hóa xưa cổ truyền, đặc biệt là phần lễ. Dù hình thức lễ hội có sự đổi thay bởi tác động của lịch sử và xã hội nhưng tinh thần chung của lễ hội vẫn mãi ngân lên trong trái tim con người bởi nó được cố định từ truyền thuyết. Như vậy, lễ hội chính là

“dòng sữa mát” nuôi dưỡng truyền thuyết và là cầu nối gắn kết nhân dân đến gần hơn với những nét cổ truyền ngàn đời nay.

Một phần của tài liệu Truyền thuyết vùng ven sông cầu (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)