Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch CCKT ngành công nghiệp gắn với phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp gắn với phát triển kinh tế tỉnh thái nguyên đến năm 2020 (Trang 28 - 34)

Chương 1: LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN ĐIẠ BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

1.1. Cơ sở lý luận về chuyển dịch CCKT công nghiệp gắn với phát triển

1.1.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch CCKT ngành công nghiệp gắn với phát triển kinh tế

1.1.3.1 Nhóm nhân tố chủ quan

a. Nhân tố thị trường và nhu cầu tiêu dùng của xã hội

Thị trường là khâu trung gian giữa sản xuất và tiêu dùng, nơi mà nhà kinh doanh và người tiêu dùng gặp nhau nhằm xác định ba vấn đề chính là: sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, sản xuất như thế nào và sản xuất hàng hóa bán cho ai?. Căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng của xã hội, các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất hàng hóa phù hợp, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thị trường là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế, sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của một nước, địa phương ở các khía cạnh sau:

- Tạo ra quá trình mở rộng và khai thác những tiềm năng phát triển của

ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Thúc đẩy phân công LĐXH, đa dạng hóa ngành nghề, khuyến khích mở rộng đầu tư trong và ngoài nước tạo ra tăng trưởng nhanh ngành công nghiệp.

- Sự cạnh tranh và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường kích thích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ ở trong ngành công nghiệp và trong nội bộ từng ngành công nghiệp.

- Kích thích lợi ích kinh tế và tạo ra động lực mới phát triển ngành công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường hiện có một số loại thị trường: thị trường hàng hóa dịch vụ, khoa học - công nghệ, thông tin, vốn, bất động sản, lao động và thị trường chứng khoán. Nhà nước quản lý thị trường bằng các công cụ quản lý gián tiếp, đó là thể chế, chính sách kinh tế tạo điều kiện để thị trường hoạt động, tác động các doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất ra hàng hóa phù hợp với nhu cầu của xã hội. Vì vậy, thị trường tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng làm cho SXCN phát triển, đáp ứng sản phẩm tiêu dùng xã hội; thu nhập bình quân đầu người tăng, kéo theo sự dịch chuyển lao động từ nông thôn vào thành thị, cơ cấu SXCN tăng lên, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành CN nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng cao và đa dạng.

b. Nhân tố các nguồn lực

Nguồn lực của một quốc gia, địa phương có vai trò quan trọng hình thành và tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Nguồn lực tác động đến chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp gồm:

- Vị trí địa lý của một quốc gia, địa phương góp phần hình thành và chuyển dịch CCKT. Những nước và địa phương có biển, thuận lợi về đường biển, đường hàng không, nhất là nằm trong một khu vực phát triển năng động về kinh tế cho phép phát triển mạnh ngành công nghiệp khai thác các nguồn lợi tự nhiên trong

đại dương, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp đánh bắt và chế biến thủy hải sản... Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về biển, lại nằm trong khu vực ASEAN với nền kinh tế phát triển năng động, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH. Đây là yếu tố quan trọng tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch CCKT và cơ cấu ngành công nghiệp.

- Tài nguyên thiên nhiên: là một trong các nguồn lực cơ bản của quá trình sản xuất, là điều kiện cần thiết cho sản xuất công nghiệp, một quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú, nếu khai thác và sử dụng có hiệu quả sẽ cho phép phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản để thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, phải sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

- Dân số, sức lao động là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế và công nghiệp. Dân số và tốc độ tăng dân số của một nước có ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch CCKT của một nước. Nếu tốc độ tăng dân số quá cao, không phù hợp, sẽ làm kinh tế chậm lại. Chất lượng nhân lực là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao.

Quy mô dân số và thu nhập của dân cư tăng sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn, đó là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng cho xã hội, làm tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp.

- Vốn đầu tư là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, Nhà nước sử dụng vốn ngân sách và huy động vốn xã hội, trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, tạo sự chuyển dịch CCKT, nhất là chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ làm tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang tiến hành CNH, HĐH cần một khối lượng vốn lớn, cần huy động từ trong nước và nước ngoài. Vốn trong nước có tính quyết định để đầu tư vào sản xuất, thúc đẩy nhanh, bền vững quá trình chuyển dịch CCKT và cơ cấu ngành công nghiệp. Nguồn vốn nước ngoài gồm: vốn viện

trợ phát triển chính thức ODA, vốn FDI, vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Các nguồn vốn này bù đắp những thiếu hụt của vốn trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường tiêu thụ, thực hiện chuyển dịch CCKT và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước phải có chiến lược đầu tư hợp lý, phân bổ và sử dụng vốn có hiệu quả để nền kinh tế phát triển và chuyển dịch CCKT đúng hướng.

- Nhân tố tiềm năng khoa học kỹ thuật công nghệ

Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đang phát triển như vũ bão trên thế giới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch CCKT của mỗi quốc gia, từng địa phương, ngành. Đối với cơ cấu ngành công nghiệp, sự phát triển khoa học công nghệ tác động đến phân công lao động xã hội và phân chia cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp thành nhiều ngành nhỏ hơn, chuyên môn hóa sâu, làm xuất hiện nhiều ngành mới với quy mô sản xuất có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao như: điện tử, tin học, viễn thông, sinh học, chế tạo vật liệu mới... Các ngành công nghiệp truyền thống sử dụng nhiều lao động dần dần giảm trong tỷ trọng và giá trị sản xuất công nghiệp.

c. Định hướng chiến lược phát triển kinh tế và môi trường thể chế của mỗi nước trong từng giai đoạn

Cơ cấu kinh tế mang tính khách quan và tính lịch sử xã hội, nhưng chịu sự tác động, chi phối của nhà nước. Nhà nước tác động gián tiếp bằng cách định hướng chiến lược phát triển kinh tế, khuyến khích mọi lực lượng sản xuất xã hội nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cũng như nội bộ cơ cấu ngành công nghiệp. Nhà nước có thể tập trung vốn đầu tư phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời hướng dẫn cho mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo mục tiêu KT-XH theo ý chí của nhà nước.

Bên cạnh đó, nhà nước điều hành nền kinh tế thông qua hệ thống pháp

luật, chính sách kinh tế và các công cụ điều tiết, chủ yếu qua chính sách thuế như: đối với những ngành hoặc sản phẩm cần hạn chế thì nhà nước đánh thuế cao, những ngành sản xuất hoặc sản phẩm cần phát triển thì nhà nước miễn giảm thuế hoặc đánh thuế thấp; đối với những ngành sản xuất không có lãi hoặc nhà đầu tư không muốn đầu tư nhưng sản phẩm cần cho xã hội, để bảo đảm an sinh xã hội thì nhà nước đầu tư sản xuất. Sự ổn định về chính trị xã hội của một đất nước, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sẽ tạo ra lợi thế trong việc chuyển dịch CCKT, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Định hướng chiến lược kinh tế và thể chế chính sách của nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển và chuyển dịch CCKT và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.

1.1.3.2 Nhóm nhân tố khách quan

a. Xu hướng chính trị xã hội của khu vực và thế giới

Sự biến động về chính trị xã hội của một nước hay một số nước có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động ngoại thương, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ của các nước, buộc các nước phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế và CCKT, để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nổ ra vào năm 1997 ở châu Á, bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan ra hầu hết các nước trong khu vực đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho các nước này hay tình hình suy giảm kinh tế của Mỹ hiện nay đang tác động hàng ngày đến tình hình kinh tế của thế giới hoặc những thay đổi trong hệ thống chính trị ở một số nước cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

b. Tác động của cách mạng khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức Hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ và sự bùng nổ của thông tin đang làm xuất hiện nhiều ngành kỹ thuật mới với công nghệ cao, tác động rất lớn đến sự phát triển KT-XH của các nước, chi phối mọi lĩnh vực từ sản xuất đến lưu thông, tiêu dùng và đời sống xã hội, sinh hoạt của mỗi người dân.

Cách mạng thông tin đang diễn ra sôi động hiện nay tác động sâu sắc vào hoạt động KT-XH thế giới, làm cho nền văn minh công nghiệp truyền thống chuyển thành nền văn minh thông tin và tri thức trên cơ sở sự dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế tri thức đang trở thành thời cơ và thách thức to lớn đối với các nước đang phát triển. Công nghệ thông tin đang được áp dụng mạnh trong hoạt động kinh tế một cách tự động hóa giúp các nhà đầu tư nắm bắt nhu cầu thị trường, định hướng sản xuất, thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu. Thành tựu của khoa học công nghệ đã tạo ra động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển sức sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.

Từ những phân tích trên, cho thấy nhân tố bên ngoài là nhân tố quan trọng tác động đến hình thành và chuyển dịch CCKT, nhất là đối với các nước đang phát triển nhưng nhân tố bên trong vẫn giữ vai trò quyết định đối với chuyển dịch CCKT, bảo đảm cho kinh tế phát triển bền vững.

c. Xu thế toàn cầu hóa kinh tế và khu vực hóa

Ngày nay toàn cầu hóa về kinh tế trở thành xu thế khách quan của thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống KT-XH. Do sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất quốc tế, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, làm cho xã hội hóa hoạt động sản xuất tăng lên và phân công lao động sâu sắc hơn, các vùng tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế, vượt ra khỏi phạm vi của một nước, hướng tới phạm vi toàn cầu.

Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, có mặt tích cực và không ít tiêu cực, có thời cơ và cả thách thức đối với mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển; tạo ra sự phát triển kinh tế thông qua thu hút đầu tư, chuyển giao KHCN, tự do hóa thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển dịch CCKT, nhất là nội bộ ngành công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, khai thác nguồn lực trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

Việc di chuyển nguồn vốn đầu tư giữa các quốc gia tạo ra việc quốc tế hóa nguồn vốn đầu tư, phân công lao động quốc tế trên cơ sở chuyên môn hóa diễn ra trong nội bộ của từng ngành công nghiệp, làm cho quá trình sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh được chia thành nhiều công đoạn, được thực hiện bởi những công ty khác nhau ở những nước khác, hình thành nên việc quốc tế hóa lực lượng sản xuất. Sản phẩm sản xuất ra tiêu dùng nội địa và cả thị trường nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Để tồn tại và phát triển được trong môi trường tự do hóa thương mại quốc tế, các quốc gia chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất thông qua chuyển giao công nghệ, mua phát minh sáng chế, thu hút chuyên gia giỏi để sản xuất ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp gắn với phát triển kinh tế tỉnh thái nguyên đến năm 2020 (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)