Chương 1: LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN ĐIẠ BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
1.2. Cơ sở thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế của một số quốc gia và một số địa phương trong nước
1.2.2. Tổng quan về kinh nghiệm chuyển dịch CCKT công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế của một số địa phương trong nước
1.2.2.1. Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội
Để phát huy vai trò đầu tầu của Thủ đô Hà Nội đối với phát triển kinh tế, tiếp theo Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XI, Đại hội XII đã xác định: "Cơ cấu kinh tế ở Hà Nội là: Công nghiệp - thương mại, du lịch - nông nghiệp nhưng thay đổi quan hệ tỷ lệ nội bộ và các trọng điểm phát triển" Trong đó "Công nghiệp Hà Nội phải phát triển với tốc độ nhanh, hiệu qủa kinh tế lớn, trên cơ sở cải tiến cơ cấu sản xuất với phương châm ưu tiên những ngành đòi hỏi công nghệ và hàm lượng chất xám cao..." [29].
Đại hội XIII Đảng bộ thành phố Hà nội (năm 2000)đã chủ trương chuyển dịch CCKT công nghiệp: "Tiếp tục phát triển công nghiệp có chọn lọc; ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; coi trọng sản xuất tư liệu sản xuất, các mặt hàng xúât khẩu, thay thế hàng nhập khẩu, các ngành hàng có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh lân cận và cả nước. Những năm trước mắt lực chon phát triển một số sản phẩm chủ lực thuộc các ngành: Điện - điện tử - thông tin, cơ khí, dệt - may - da, chế biến thực phẩm, vật liệu mới. Phát triển các ngành công nghiệp mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô " [30].
Qua nghiên cứu chuyển dịch CCKT ngành công nghiệp Hà Nội những năm đổi mới, có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Những năm trước đổi mới, cơ cấu ngành công nghiệp Hà Nội theo mô hình của các nước XHCN, phát triển công nghiệp khai thác, công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, hoá chất... ít quan tâm phát triển công nghiệp tiêu dùng; hầu hết thiết bị, công nghiệp, nguyên nhiên liệu, phụ tùng thay thế phụ thuộc vào nhập khẩu. Sang giai đoạn đổi mới, công nghiệp Hà Nội chuyển sang phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, tận dụng tiềm năng thế mạnh của Hà Nội và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với dịch vụ và nông nghiệp.
Cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành
công nghiệp chế biến, xây dựng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác.
- Từ năm 1993 trở đi, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng, đóng góp quan trọng phát triển công nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế có sự chuyển dich theo hướng phát triển mạnh kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế công nghiệp ngoài nhà nước.
- Thành phố phát triển công nghiệp có chọn lọc, hướng vào những ngành có hàm lượng chất xám. Tuy vậy, trong cơ cấu GTSX nội ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng không đều và thiếu ổn định giữa các nhóm ngành.
- Xuất khẩu hàng công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên địa bàn thành phố có 06 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 60% diện tích, giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động, đóng góp gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu. Thành phố có 16 dự án cụm công nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, do chậm quy hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghiệp và đổi mới thiết bị công nghệ, nhất là tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp dẫn đến ô nhiễm môi trường về không khí, bụi, khói, nước, chất thải... đang là vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết.
1.2.2.2. Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01/11/2004 về phê chuẩn phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020. Nội dung cơ bản là: Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố công nghiệp vào trước năm 2015 - 2017, là trung tâm công nghiệp, giữ vai trò đầu tầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; phát triển mạnh các ngành công nghiệp và đẩy mạnh chuyển dịch CCKT công nghiệp theo hướng ưu tiên và tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử, tin học, viễn thông, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí chế tạo máy.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung phát triển trở thành một trung tâm
công nghiệp lớn của cả nước, các ngành sản xuất khá tiên tiến với quy mô sản xuất hàng hoá lớn. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp rất phong phú, với lực lượng khoa học đông đảo, được đào tạo ở các nước tiên tiến là nhân tố rất quan trọng phát triển thành phố. CCKT là: dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp, trong ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Sản phẩm công nghiệp phục vụ tốt nhu cầu thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện nay công nghiệp thành phố chiếm 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, 50% giá trị sản xuất công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố đã tiến hành quy hoạch và và thực hiện các chương trình mục tiêu chuyển đổi đầu tư theo hướng tập trung các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, HĐH trang thiết bị, đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu quy hoạch. Tập trung đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị của các ngành khai thác, chú trọng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho hàng xuất khẩu. Số lượng và giá trị sản xuất khu vực công nghiệp nhà nước có xu hướng giảm, khu vực ngoài nhà nước tăng cả về số lượng, giá trị và lao động; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao.
Từ năm 2000 đến nay, công nghiệp Thành phố đã chuyển mạnh sang sản xuất các hàng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp năm 2006 đã tăng lên 2,5 lần so với năm 2003. Công nghiệp chế biến phát triển tốt, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh và đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Thành phố tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp trọng điểm nên đã xuất hiện thêm nhiều ngành công nghiệp mới có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhiều năng lực sản xuất mới đưa vào sản xuất với trang thiết bị hiện đại, làm tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp; đã chú trọng 03 ngành công nghiệp chủ lực là: cơ khí, điện tử và hoá dược; từng bước chuyển dịch các ngành sử dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành; thực hiện hợp tác giữa các ngành công
nghiệp của thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
1.2.2.3. Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương
Qua 30 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị cũng được quan tâm đầu tư, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông thoáng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống, học tập và làm việc của người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhìn lại năm 1997, Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu USD gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ, thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%…
Đến nay, Bình Dương phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gấp hơn 34,3 lần so với thời điểm 1997. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng gấp 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17.741 triệu USD, tăng gần 49 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng gần 39,6 lần, tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%, tăng 3,4 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60,8% - dịch vụ 36,2% - nông nghiệp 3,0%.
Đạt được kết quả như hôm nay là do trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Nếu năm 1997, Bình Dương có 6 KCN tập trung ở hầu hết phía nam với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay, đã phát triển lên 28 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích trên
10.000 ha được phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ hạ tầng bảo đảm mà trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư hiệu quả với 17.266 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn là 129.498 tỷ đồng và 2.367 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 20,3 tỷ USD.
Sự hoàn thiện của hạ tầng các KCN ngày càng đưa tiếng vang của Bình Dương đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng để ưu tiên chọn lựa.
Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn lớn có tiếng trên thế giới.
Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh ưu tiên hàng đầu. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, tỉnh đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc TW vào năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh đã mạnh dạn thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín để lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để có cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.