CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Khó khăn, tồn tại và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án
3.4.1. Những khó khăn, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công tác GPMB, thu hồi đất tại dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện dự án, cụ thể có 03 khó khăn chính là:
1- Trong quá trình kê khai, kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất, do công tác quản lý hồ sơ, sổ sách, bản đồ ở địa phương còn lỏng lẻo, không được cập nhật thường xuyên dẫn đến sai xót trong việc xác định nguồn gốc đất và chủ sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường GPMB.
2- Nhận thức về pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, một số người dân cố tình không chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến công ác bồi thường, GPMB như: Không cho Hội đồng bồi thường tiến hành kê khai, kiểm đếm hoặc xây dựng mới một số tài sản trên đất, trồng mới các loại cây trên đất bị thu hồi sau khi có thông báo công khai quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện dự án, nhằm mục đích lấy đền bù, gây khó khăn trong công tác kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ; Đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ ngoài chế độ của Nhà nước, đề nghị được bồi thường đất, tài sản bằng với giá thỏa thuận ở những khu vực giáp ranh hoặc đề nghị được bồi thường theo đơn giá tương đương với đơn giá bồi thường, hỗ trợ của thành phố Hà Nội.
3- Đối với trường hợp các hộ dân được giao đất tái định cư thì giá đất tái định cư một số ô lại cao hơn giá đất tại vị trí thu hồi nên người dân phải nộp thêm tiền chênh lệch về giá đất đó. Vì vậy một số hộ dân không chấp nhận với lý do khi nhà nước thu hồi đất, họ vừa mất đất, mất nhà lại phải nộp thêm tiền sử dụng đất để ra khu tái định cư gây cản trở, khó khăn cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB.
3.4.2. Nguyên nhân của những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc
1- Công tác quản lý đất đai ở địa phương còn lỏng lẻo, không được cập nhật thường xuyên dẫn đến những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, chủ sử
dụng đất; việc lấn chiếm đất công, sử dụng đất không đúng mục đích được giao vẫn chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm.
2- Các chính sách về bồi thường, GPMB thường xuyên có sự thay đổi và điều chỉnh trong khi đó cán bộ làm công tác bồi thường GPMB còn ít, chưa đồng bộ và thường xuyên có sự thay đổi. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác còn hạn chế chưa đáp ứng được với yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ về bồi thường GPMB đang ngày càng khó khăn, phức tạp. việc chưa xử lý dứt điểm và triệt để đối với những trường hợp vi phạm pháp luật gây bức xúc cho những chủ sử dụng đất đã chấp hành đúng chính sách pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến công tác kiểm kê, lập phương án BT.
3- Quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư của từng tỉnh khác nhau, đặc biệt là các khu vực giáp ranh với thành phố Hà Nội, giá bồi thường chênh lệch lớn nên các hộ dân bị thu hồi đất so bì, đòi hỏi nhà nước bồi thường theo đơn giá tương đương với đơn giá Hà Nội không chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ của nhà nước.
4. Nhận thức của một số người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất còn hạn chế, vấn đề tái định cư còn chậm, chưa được quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện đồng bộ và kịp thời.
3.4.3. Một số giải pháp khắc phục đẩy nhanh tiến độ GPMB các Dự án
Để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, hạn chế những khiếu nại phát sinh, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đưa dự án sớm vào triển khai hoạt động tôi đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau:
* Nhóm giải pháp về chính sách
1- Phải xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác GPMB để tăng cường sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường GPMB.
2- Bổ sung các quy định về việc kê khai, kiểm đếm bắt buộc đối với các trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc kiểm kê lập phương án bồi thường, GPMB; Bổ sung thêm đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với một số vật nuôi, tài sản… không có trong quy định như hỗ trợ di chuyển vật nuôi là gia súc, gia cầm… để giảm bớt khó khăn cho các hộ dân có đất bị thu hồi.
3- Việc bồi thường thiệt hại về đất ở bằng cách giao đất ở khu TĐC, nên xem xét theo quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư đồng bộ, bảo đảm đủ điều kiện cho người sử dụng đất tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, có như vậy khi thu hồi đất, GPMB phải bố trí tái định cư sẽ được dễ dàng và thuận lợi hơn.
* Nhóm giải pháp kinh tế
1- Vận dụng tối đa các chế độ chính sách trong bồi thường, GPMB để đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất; Có biện pháp hỗ trợ cho các trường hợp không trong quy định về bồi thường, hỗ trợ như hỗ di chuyển vật nuôi là gia súc, gia cầm … để giảm bớt khó khăn cho các hộ dân có đất bị thu hồi;
2- Đơn giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc và đất khá thấp so với tình hình giá cả thị trường hiện nay và Thành phố Hà Nội (tỉnh giáp ranh) nên người dân có sự so sánh vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cũng khó khăn. Để khắc phục tình trạng này hàng năm UBND tỉnh cần điều chỉnh đơn giá bồi thường về đất, tài sản trên đất cho phù hợp và sát với giá thị trường. Đồng thời, nghiên cứu hệ số trượt giá cho phù hợp từng giai đoạn khác nhau và phù hợp với các khu vực giáp ranh để không có sự chênh lệch khập khiễng về giá bồi thường, hỗ trợ.
* Nhóm giải pháp kỹ thuật
1- Các cơ quan quản lý đất đai từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh cần trú trọng hơn nữa trong công tác quản lý đất đai ở địa phương mình, phải thường xuyên cập nhật kịp thời các biến động về đất đai vào bản đồ địa chính, sổ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai, thu hồi đất, bồi thường GPMB như: xác nhận nguồn gốc đất đai, quy chủ, lập hồ sơ bồi thường được thuận lợi hơn, không phải điều chỉnh phương án bồi thường do xác định nhầm loại đất…
2- Tăng cường số lượng, chất lượng làm công tác bồi thường, GPMB để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, từng bước làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai làm cho người sử dụng đất cũng như cán bộ quản lý về đất đai thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
3- Chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi chiếm đất, xây dựng trái phép, tạo lập tài sản vật nuôi, cây trồng trên đất nhằm mục đích trục lợi khi nhà nước thu hồi đất. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý và sử dụng đất ở tất cả các cấp, tiếp thu ý kiến của người dân, giải đáp chính xác và kịp thời các thắc mắc, kiến nghị của người dân để tạo được lòng tin với dân, điều đó sẽ giúp cho công tác bồi thường GPMB diễn ra thuận lợi và dễ dàng.