CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY HỘ NGHÈO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
1.1. TỔNG QUAN VỀ HỘ NGHÈO
Theo các nhà khoa học, nghèo là một vấn đề khó có khái niệm chung để đo lường và hiểu cho thấu đáo. Do đó, tùy vào quan niệm và cách tiếp cận mà người ta đưa ra những định nghĩa khác nhau về nghèo đói. Hội nghị chống nghèo đói khu vực Châu Á–Thái Bình Dương tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào 9/2003, các quốc gia đã thống nhất cao và cho rằng: Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của địa phương.
“Abapia Sen, chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người được giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1998 cho rằng: Nghèo là tất cả những ai mà thu nhập thấp hơn dưới 1 đô la Mỹ (USD) mỗi ngày cho mỗi người, số tiền được coi như đủ mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại”. [3]
Ngân hàng thế giới cho rằng: Nghèo là khái niệm đa chiều vượt khỏi phạm vi túng thiếu về vật chất. Nghèo không chỉ gồm các chỉ số dựa trên thu nhập mà còn bao gồm các vấn đề liên quan đến năng lực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, dễ bị tổn thương, không có quyền phát ngôn và không có quyền lực.
Tóm lại, các quan niệm về nghèo đói nêu trên phản ảnh 3 khía cạnh:
Thứ nhất: Không được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu cho con người.
Thứ hai: Có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.
Thứ ba: Thiếu cơ hội lựa chọn, tham gia quá trình phát triển cộng đồng.
Hiểu theo nghĩa tương đối, nghèo đói là phạm trù chỉ mức sống của một cộng đồng hay một nhóm dân cư được coi là thấp nhất so với mức sống của một cộng đồng hay nhóm dân cư khác trong một quốc gia. Định nghĩa này không phản ánh bản chất của nghèo đói, vì theo đó, nghèo đói được coi là tình trạng phổ biến và vĩnh hằng trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, kể cả quốc gia giàu có nhất, vì thế, không thể xóa bỏ được tình trạng này. Một định nghĩa khác thuyết phục hơn cho rằng nghèo đói là kết quả của tình trạng bất bình đẳng về xã hội và kinh tế trong quá trình phát triển của nhân loại, có thể xóa bỏ được bằng cách các Chính phủ và tổ chức quốc tế thực hiện những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm xóa bỏ chính sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế đó. Hiểu một cách chung nhất thì nghèo đói là tình trạng một bộ phận dân cư vì những lý do nào đó không được hưởng và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người, những nhu cầu mà xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của chính xã hội đó. Biểu hiện của việc không được hưởng và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản đó chẳng hạn là tình trạng thiếu ăn, suy dinh dưỡng, mù chữ, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ tử vong trẻ em sơ sinh cao, tuổi thọ thấp...
b. Đặc điểm hộ nghèo
Hộ nghèo tập trung ở các vùng có điều kiện sống khó khăn, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, khiến cho các điều kiện sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực. Sự kém phát triển về hạ tầng cũng là nguyên nhân đặc biệt khiến cho các vùng này bị tách biệt với các vùng khác làm hạn chế khả năng phát triển kinh tế.
Hộ nghèo mang tính chất phân vùng rõ rệt, tỉ lệ đói nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, nơi các dân tộc ít người sinh sống cao hơn so với vùng thành thị nông thôn. Do điều kiện sống ở vùng sâu, vùng xa khó khăn hơn, địa lý cách
biệt, khả năng tiếp cận với các điều kiện sản xuất và dịch vụ còn nhiều hạn chế, hạ tầng cơ sở kém phát triển làm tăng tỉ lệ đói nghèo trong khu vực này.
Phần đông số hộ nghèo là nông dân với trình độ tay nghề thấp, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nhân lực trong sản xuất như vốn, công nghệ, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ. Những hộ nghèo thường không có điều kiện chuyển đổi sang các ngành phi nông nghiệp đem lại thu nhập cao và ổn định hơn.
Đặc điểm cơ bản và dễ nhận diện nhất đó là hộ gia đình nghèo thường thiếu việc làm, do những hoàn cảnh khách quan hoặc chủ quan, có thể do thiếu sức lao động, không có cơ hội tự tạo hoặc tiếp cận việc làm. Chính vì vậy nên không có thu nhập để đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống.
Đa số người nghèo có trình độ học vấn thấp, bị hạn chế về khả năng tiếp cận kỹ năng, kỹ thuật sản xuất tiên tiến và những thông tin thị trường. Trong sản xuất thường đạt hiệu quả thấp, chậm tiếp thu và thiếu những điều kiện áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, thiếu những kiến thức về kinh tế thị trường.
Những hộ nghèo thường rất dễ bị tổn thương bởi những biến cố khách quan mang tính thời vụ hoặc những biến động bất thường xảy ra như: sự biến động về giá thị trường của mặt hàng nông sản sản xuất hoặc những biến cố thiên nhiên như: hạn hán, lũ lụt, bão... Hộ nghèo thường không đủ nguồn lực để chống đỡ khi có biến cố xảy ra.
Các hộ nghèo thường có nhiều con hoặc có ít lao động trong gia đình, chịu những áp lực lớn về chi phí y tế, giáo dục, phải tốn kém nhiều để giữ gìn, nâng cao nguồn nhân lực. Những hộ nghèo do có ít lao động nên có thu nhập ít, hoặc có thu nhập nhưng con đông không đủ để trang trải các chi phí y tế, giáo dục, vì vậy các khoản chi phí dịch vụ về y tế, giáo dục thường là gánh nặng về tài chính đối với người nghèo. Trẻ em, con của dân nghèo phần lớn ít có khả năng đến trường và bị hạn chế trong việc chăm sóc sức khoẻ nên thường bị suy dinh dưỡng, bệnh tật. Bị rơi vào vòng đói nghèo không có khả
năng đáp ứng cho các chi phí y tế, giáo dục, cho nên con em họ tiếp tục sống trong hoàn cảnh đói, nghèo.
Các hộ nghèo thuộc dân tộc ít người thường chịu nhiều bất lợi do bị tách biệt về mặt địa lý và về mặt xã hội, chịu nhiều tốn kém cho những phong tục lạc hậu, còn sống theo cách du canh, du cư, vệ sinh môi trường kém, thường bị nhiều bệnh tật, thiếu thốn về vốn nhân lực, vật lực, cuộc sống chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên đến quá trình sản xuất.
Những hộ nghèo ở thành thị đa phần là những người thất nghiệp hoặc có những việc làm không ổn định. Một số hộ gia đình nghèo không có hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm và tiếp cận các dịch vụ công cộng. Khoảng cách giữa giàu nghèo chênh lệch lớn, giá cả tiêu dùng cho đời sống thường cao hơn những vùng ở nông thôn và từ đó những người nghèo ở thành thị thường cảm thấy bị áp lực về chi phí cho đời sống. Để tìm kiếm những khoản thu nhập nhằm trang trải những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày với giá cả đắt đỏ, quả là họ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Hộ nghèo ở các vùng nông thôn có một số rơi vào tình trạng không có đất do phải cầm cố, cho thuê hoặc bán để chi tiêu vào những lúc khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống và cũng có rất nhiều hộ nghèo có ít đất đai. Với số lượng diện tích đất đai canh tác hiện có cũng chỉ tìm thấy rất ít cơ hội để có thu nhập ổn định cuộc sống, do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kinh nghiệm nên thường xuyên bị thiếu thốn, nếu có cũng chỉ đủ giáp hạt mỗi vụ.
1.1.2. Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo
a. Nhóm nguyên nhân do bản thân người nghèo
- Thiếu vốn sản xuất: các tài liệu điều tra cho thấy đây là nguyên nhân chủ yếu nhất. Nông dân thiếu vốn thường rơi vào vòng luẩn quẩn, sản xuất kém, làm không đủ ăn, phải đi làm thuê, phải đi vay để đảm bảo cuộc sống tối
thiểu hàng ngày. Có thể nói: thiếu vốn sản xuất là một lực cản lớn nhất hạn chế sự phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của các hộ gia đình nghèo.
- Thiếu kiến thức sản xuất: phương pháp canh tác cổ truyền đã ăn sâu vào tiềm thức của người nghèo như sản xuất tự cung, tự cấp là chính. Người nghèo thường sống ở những nơi hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, thiếu phương tiện thông tin, con cái thất học… Những khó khăn đó làm cho hộ nghèo không thể nâng cao trình độ dân trí, không có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, thiếu kinh nghiệm và trình độ sản xuất kinh doanh dẫn đến năng suất thấp, không hiệu quả.
- Do sinh đẻ nhiều, sức khoẻ yếu, không đủ sức làm kinh tế. Bình quân nhân khẩu lớn nhưng lao động ít.
- Đất đai canh tác ít, thiếu việc làm, khả năng tìm việc làm hạn chế. Mặt khác, do hậu quả của chiến tranh dẫn đến nhiều người dân bị mất sức lao động, nhiều phụ nữ trở thành goá phụ dẫn tới thiếu lao động hoặc thiếu lao động trẻ, khoẻ có khả năng đảm nhiệm những công việc nặng nhọc. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của một bộ phận gia đình ở những vùng chịu ảnh hưởng của chiến tranh.
b. Nhóm nguyên nhân do môi trường tự nhiên xã hội
- Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tác động đến sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình nghèo, ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt: thiên tai, lũ lụt, hạn hán, đất đai cằn cỗi, dịch bệnh xảy ra thường xuyên gây nên thiệt hại cả về con người và tài sản, sản xuất thường xuyên bị ảnh hưởng từ thời tiết khí hậu khắc nghiệt nên thường cuộc sống quanh năm làm ra không đủ bù đắp.
- Những vùng có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống xã hội còn lạc hậu, nhiều hủ tục tốn kém, cơ sở hạ tầng thiếu hoặc không có là những vùng có nhiều hộ nghèo đói nhất.