Ðặc điểm, tính chất nêu trên của nước thải Nhà máy Dệt - Nhuộm không chỉ làm ô nhiễm nước mặt ở những ao, hồ, sông và nước ngầm trong khu vực mà còn có thể làm gia tăng dòng chảy mặt của nguồn tiếp nhận gây nên hiện tượng xói lở, tích tụ... Dưới đây là các khái quát về ảnh hưởng của các thông số đặc trưng cho nước thải dệt nhuộm tới nguồn tiếp nhận.
* Các thông số ngoại quan, vật lý. :
- Nhiệt độ : Nước thải từ xưởng nhuộm thải ra nói chung là nóng, có nhiệt độ tương đối cao, gây chết các loài động thực vật dưới nước không được phép thải trực tiếp ra môi trường.
- pH : Nước thải xưởng nhuộm thường không bao giờ trung tính, mà có tính kiềm hay axit phụ thuộc vào hóa chất, thuốc và nguyên vật liệu gia công xử lý. Độ pH quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng bất lợi tới các loài thủy sinh, và các vi sinh vật có trong nước.
- Màu sắc : Nước thải dệt nhuộm có màu đậm cản trở bức xạ mặt trời vào nước, làm giảm quá trình quang hợp, ảnh hưởng bất lợi đến khả năng của vi sinh vật phân giải các hợp chất hữu cơ trong nước. Mặc dù có thể là không độc hại, nhưng màu nước thải gây ấn tượng thẩm mĩ xấu, khó chấp nhận với cộng đồng, vì vậy đây cũng là một thông số đặc trưng cho nước thải dệt nhuộm. Ngoài ra, hàm lượng các phẩm màu, màng dầu và chất hoạt động bề mặt cao trong nước thải là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt oxy hòa tan trong nước do sự ngăn cản tính hấp thụ oxy và bức xạ mặt trời của nguồn nước.
- Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) cao có thể gây tắc nghẽn hệ thống xử lí và làm bẩn dòng chảy (sông) nếu không được loại bỏ mà thải trực tiếp.
- Tổng chất rắn hòa tan (TDS): là những chất rắn hòa tan trong nước, không thể xử lí bằng hóa học cũng như cơ học bằng lọc thông thường. Ở nồng độ cao, các chất này là độc với các loài thủy sinh, muối sunfat với nồng độ quá giới hạn cho phép còn ăn mòn các kết cấu bêtông.
* Các thông số sinh học, sinh thái, hóa học.
- Nhu cầu oxi sinh hóa (BOD), nhu cầu oxi hóa học (COD) cao làm cho nồng độ oxy hoà tan (DO) trong nước bị giảm, quá trình hô hấp của các loài tôm cá và thủy sinh nói chung bị ức chế. Tầng đáy của các thủy vực tiếp nhận nước thải do thiếu hụt oxy nên xảy ra hiện tượng phân hủy yếm khí tạo ra mùi hôi và các chất khí như CH4, CO2, NH3, H2S, ô nhiễm hữu cơ làm cho các loại thủy sinh chết dần, làm biến đổi hệ sinh thái.
- Nồng độ kim loại nặng cao sẽ gây độc cho các loài tôm cá và vi sinh vật dù nồng độ của chúng trong nước thải khi phân tích vẫn thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Do tích tụ theo thời gian nên đến một lúc nào đó khi hàm lượng trong cơ thể cao cá có thể bị chết hàng loạt.
- NaOH : lượng dư nhiều làm cho nước thải có pH>9, gây độc hại với thủy sinh, gây ăn mòn các công trình thoát nước và xử lý nước thải.
- Muối trung tính: làm cho tổng chất rắn (TS) cao. Lượng thải lớn gây tác hại tới thủy sinh do chúng làm tăng áp suất thẩm thấu, dẫn tới (gây) ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào.
- Các chất trợ: khó phân hủy sinh học, làm cho COD cao. Phần lớn chúng là các chất hoạt động bề mặt hữu cơ chứa nhân thơm, ảnh hưởng tới sức căng bề mặt của nước thải, ảnh hưởng tới đời sống thuỷ sinh và có thể gây tác hại đối với nước ngầm.
- Hồ tinh bột biến tính: làm cho COD cao, gây tác hại đối với đời sống thủy sinh.
- Các tạp chất trong xơ xenlulo bị phân hủy như pecton axit hữu cơ: làm cho BOD5, COD tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.