Dệt nhuộm là một trong những ngành đòi hỏi sử dụng nhiều đến nước và hóa chất. Nước thải của Nhà máy Dệt - Nhuộm có mức độ ô nhiễm cao chất hữu cơ, hoá chất, kim loại nặng và đặc biệt là độ mầu.
- Nước thải của ngành công nghiệp Dệt - Nhuộm mang các tính chất sau: + Lượng nước thải thường lớn chủ yếu từ công đoạn xử lí ướt (dệt nhuộm và nấu tẩy). + Nước thải chứa hỗn hợp phức tạp các hoá chất dư thừa (phẩm nhuộm, chất hoạt động bề mặt, chất điện ly, chất ngậm, chất tạo môi trường, tinh bột, men, chất oxy hoá) dưới dạng các ion, các kim loại nặng và các tạp chất tách ra từ xơ sợi.
+ Mức độ ô nhiễm của nước thải dệt nhuộm phụ thuộc rất lớn vào loại và lượng hoá chất sử dụng, vào kết cấu mặt hàng sản xuất (tẩy trắng, nhuộm, in hoa...), vào tỷ lệ sử dụng sợi tổng hợp, vào loại hình công nghệ sản xuất (gián đoạn, liên tục hay bán liên tục), vào đặc tính máy móc thiết bị sử dụng...
- Nước thải tẩy giặt có pH dao động từ 9 đến 12, hàm lượng chất hữu cơ cao (COD có thể lên tới 1000 - 3000 mg/l). Ðộ màu của nước thải khá lớn ở những giai đoạn tẩy ban đầu và có thể lên tới 10.000 Pt-Co, hàm lượng cặn lơ lửng đạt giá trị 2000 mg/l.
- Nước thải nhuộm thường không ổn định và đa dạng, hiệu quả hấp thụ thuốc nhuộm của vải chỉ đạt khoảng từ 70 - 90% tổng số thuốc nhuộm đem dùng, các phẩm nhuộm thừa ở dạng nguyên thuỷ hoặc bị phân huỷ ở một dạng khác, do đó nước có độ màu rất cao đôi khi lên đến 50.000 Pt-Co, COD thay đổi từ 80 đến 18.000 mg/l. Các phẩm nhuộm hoạt tính, hoàn nguyên, thường thải trực tiếp ra môi trường, lượng phẩm nhuộm thừa lớn dẫn đến gia tăng chất hữu cơ và độ màu.
- Nước xả từ lò hơi thường có độ pH cao và có chứa một lượng nhỏ dầu mỡ, cặn lò không hoà tan, chất vô cơ.
- Nước thải từ các thiết bị lọc bụi và bãi thải xỉ có lưu lượng và hàm lượng cặn lơ lửng (bụi than) rất lớn.
- Nước thải từ quá trình rửa thiết bị thường có hàm lượng chất hữu cơ cao đồng thời chứa dầu, mỡ, cặn và trong trường hợp rửa lò hơi có thể chứa cả axit,
kiềm. Do vậy nhìn chung nước thải từ công đoạn này có giá trị pH rất khác nhau (axit hoặc kiềm) và chứa các chất rắn lơ lửng, một số ion kim loại nặng.
Tóm lại, nước thải dệt nhuộm thường có khối lượng tương đối lớn, COD, BOD5, SS,độ màu tương đối cao, nóng, mùi nồng khó chịu, pH thường kiềm hoặc axit và có tính độc nhất định.