CHƯƠNG II. QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM – BIDV
2.2. Thực trạng quản trị RRTD tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển BIDV
2.2.6. Công tác kiểm soát phòng ngừa rủi ro tín dụng
Thực trạng công tác:
+ Chính sách cấp tín dụng: BIDV ban hành đầy đủ các văn bản chế độ, quy chế, quy trình thủ tục cấp tín dụng; Chính sách đối với khách hàng tại BIDV;
Quy định giao dịch bảo đảm tiền vay; Quy định cho vay các ngành nghề lĩnh vực cụ thể,…
+ Mô hình tổ chức và quy trình quản trị rủi ro tín dụng tại BIDV:
Trong khuôn khổ đề án cơ cấu lại các NHTM Nhà nước, BIDV đã được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ của quỹ ASEM thông qua Ngân hàng thế giới.
Từ tháng 9/2009, hoạt động tín dụng của BIDV được chuyển sang thực hiện theo mô hình và quy trình cấp tín dụng mới, tuân theo khuyến nghị của các chuyên gia trực thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (thuộc dự án TA2 - Technical Assistant 2). BIDV đã tách hoạt động tín dụng với hoạt động phi tín dụng và hoạt động hỗ trợ kinh doanh, tách bộ phận tín dụng thành ba bộ phận riêng rẽ thuộc ba khối khác nhau là: Bộ phận quan hệ khách hàng (QHKH); Bộ phận quản trị tín dụng (QTTD); Bộ phận quản lý rủi ro (QLRR).
Như vậy, việc chuyển đổi hoạt động tín dụng theo mô hình TA2 đã đảm bảo tách bạch được các chức năng đề xuất tín dụng, xét duyệt cho vay và quản trị sau cho vay, tránh tình trạng "hai tay" như trước kia.
+ Theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn vay và xác định dấu hiệu của các khoản vay có vấn đề, nhận diện rủi ro liên quan đến khách hàng vay. Sau khi cấp tín dụng, BIDV duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát khách hàng nhằm có thể cảnh báo sớm và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc trả nợ của khách hàng. Các vấn đề cần kiểm tra, giám sát khách hàng sau khi cấp tín dụng gồm: Tình hình sử dụng vốn vay và thực hiện phương án vay vốn của khách hàng; Tình hình trả nợ gốc và lãi vay cho ngân hàng; Tình trạng tài sản đảm bảo tiền vay; Tình hình tài chính của khách hàng; Tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh trạnh của khách hàng; Các thông tin về thị trường mà khách hàng đang hoạt động.
+ Hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ:
Theo quy định tại Quyết định 493/ 2005/ QĐ- NHNN ngày 22/ 4/ 2005 thì TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể theo quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Quy định này. Trong đó, việc phân loại nợ được thực hiện dựa trên phương pháp định lượng sẽ được quy định theo điều 6, còn dựa trên phương pháp định tính sẽ quy định theo điều 7. Tuy nhiên, chỉ những TCTD có đủ khả năng và điều kiện theo quy định thì mới được NHNN cho phép thực hiện phân loại nợ theo phương pháp định tính. Cho đến năm 2006, ngoại trừ BIDV Việt Nam được NHNN Việt Nam cho phép chính thức sử dụng hệ thống định hạng tín dụng để phân loại nợ và trích lập Dự phòng rủi ro (DPRR) (theo Điều 7 QĐ493) ban hành kèm theo quyết định số 8598/QĐ-BNC ngày 20/10/2006 của Tổng Giám đốc về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đã được BIDV triển khai trong toàn hệ thống; các NHTM khác hầu như phân nợ và trích lập DPRR trên cơ sở hướng dẫn của Điều 6 QĐ493 nghĩa là thực hiện theo tuổi Nợ. Do đó, sự phân loại Nợ và trích lập DPRR của BIDV có tính chất phòng ngừa rõ rệt, biểu hiện ở chỗ có những khoản vay chưa hề phát sinh nợ quá hạn, nợ cơ cấu nhưng do khách hàng - chủ thể của khoản vay đó không hội đủ tiêu chuẩn để
được hệ thống xếp loại vào nhóm Nợ không phải trích DPRR thì mặc nhiên BIDV phải trích DPRR cho khoản vay đó.
+ Kiểm tra, kiểm soát nội bộ Kiểm tra và phát hiện các dấu hiệu rủi ro:
Đây là công việc không chỉ của các cán bộ tham gia vào quy trình cấp tín dụng mà được quán triệt đến từng cán bộ Ngân hàng. Theo quy trình, nhiệm vụ phát hiện dấu hiệu rủi ro do phòng QHKH, phòng QLRR, phòng QTTD. Tuy nhiên chủ yếu là do phòng QHKH thực hiện bởi đây là bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng, thu thập các thông tin, kiểm tra sử dụng vốn vay…nên phát hiện kịp thời những biến động bất lợi. Mặt khác, cơ chế thông tin qua lại giữa các bộ phận còn nhiều bất cập nên sự tham gia của phòng QLRR rất hạn chế.
Thực tế những năm qua cho thấy, công tác phát hiện rủi ro của BIDV mang tính thụ động, chủ yếu là xử lý khi những dấu hiệu rủi ro đã phát hiện (không trả được nợ đúng hạn, khách hàng có liên quan đến các vụ án, kinh doanh thua lỗ, kết quả phân loại nợ đôi khi không chính xác…). Công tác dự báo và phòng ngừa chưa tốt do sự hạn chế về trình độ, kinh nghiệm và thông tin; Ngoài ra công tác kiểm tra vốn vay còn hời hợt, nhiều khi mang tính đối phó chủ yếu dựa vào báo do khách hàng cung cấp, đặc biệt là các khách hàng ở xa.
+ Công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng:
BIDV Việt Nam thực hiện phân loại nợ theo quyết định 493/2005/QĐNHNN và quyết định số 18/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN.
Việc phân loại nợ theo điều 6 tuy đã kết hợp giữa yếu tố định lượng và định tính nhưng chủ yếu dựa trên yếu tố định lượng mà yếu tố định lượng chỉ đơn thuần là thời gian quá hạn của khoản nợ, số lần cơ cấu của khoản vay nên kết quả phân loại phản ánh chưa sát với mức độ rủi ro của khoản nợ. Việc phân loại nợ theo yếu tố định tính chưa có tiêu thức đánh giá cụ thể mà chỉ dựa trên chủ quan của người thực hiện đánh giá. Phân loại nợ theo điều 6 không trợ giúp cho ngân hàng trong việc quản lý chất lượng tín dụng theo ngành nghề kinh tế, loại hình doanh nghiệp,... Phân loại nợ theo điều 7 quyết định 493 tức là BIDV phải chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với các NHTM khác do các tiêu chí đánh giá theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là theo chuẩn mực quốc tế nên chặt chẽ
và toàn diện hơn so với phân loại nợ theo điều 6. Trên cơ sở xếp hạng tín dụng, BIDV đã đưa ra chính sách khách hàng để thực hiện cấp tín dụng an toàn, hiệu quả và thực hiện phân loại nợ chính xác để làm cơ sở trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế.
+ Công tác xử lý nợ xấu, nợ ngoại bảng:
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực trong việc chấm điểm xếp loại khách hàng và phân tách nhiệm vụ giữa 3 bộ phận đề xuất tín dụng, rà soát rủi ro và quản trị tín dụng nhưng nợ xấu là vấn đề không thể tránh khỏi trong hoạt động của các NHTM. Vì vậy, BIDV đã có những chính sách tích cực trong việc xử lý những khoản nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về đúng kế hoạch. Chi nhánh đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, sử dụng DPRR để xử lý rủi ro, bán nợ để làm trong sạch bảng tổng kết tài sản, làm lành mạnh tình hình tài chính.
Các giải pháp hoàn thiện công tác:
+ Thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay: Hoàn thành về mặt pháp lý của các tài sản đảm bảo tiền vay để thuận lợi trong việc xử lý tài sản đảm bảo, nguồn thu nợ thứ hai khi rủi ro tín dụng xảy ra.
+ Hoàn thiện quy trình cấp tín dụng: Đây là yếu tố đầu tiên thể hiện sự thống nhất quan điểm chỉ đạo và đổi mới căn bản hoạt động tín dụng, đặc biệt là việc kiểm soát, kiểm tra tăng trưởng tín dụng, phân cấp ủy quyền trong tín dụng, quản lý rủi ro, xử lý nợ, thu hồi nợ xấu. Hệ thống chính sách tín dụng, chính sách khách hàng mà điển hình là sổ tay tín dụng cần phải được hỉnh sửa, tiêu chuẩn hóa các hoạt động tín dụng và tiến dần tới các thông lệ quốc tế.
+ Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm soát quá trình thẩm định, phân tích tín dụng, quá trình giải ngân, quản lý khoản vay sau giải ngân và hực hiện tốt công tác thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu.