Theo Lê Văn Năm (2010) [5], thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 1 - 4 tuần và phụ thuộc rất nhiều vào nhiễm trùng thứ phát
Bệnh thể hiện ở hai thể cấp tính và mãn tính, rất ít khi bệnh xảy ra ở thể quá cấp.
* Thể quá cấp và cấp tính
Các triệu chứng lâm sàng bệnh ở thể quá cấp và cấp tính này rất dữ dội và thường thấy ở gà 2 - 4 tháng tuổi:
Bệnh xảy ra hết sức đột ngột, gà đột nhiên ủ rũ và rúc đầu vào dưới cánh, đứng dạng rộng chân, sã cánh, xù lông, bỏ ăn, sốt cao 43 - 44oC, tiêu chảy phân vàng lẫn bọt màu lưu huỳnh, nhưng đôi khi là phân vàng xanh, vàng trắng lẫn máu. Da mép, da vùng đầu, mào, tích nhanh chóng có màu xám xanh rồi chuyển sang xanh đen hoặc thâm đen, nhìn thấy rõ nhất là ở gà Tây, từ đây bệnh có tên là bệnh đầu đen (Black Head)
Gần cuối giai đoạn ốm thân nhiệt gà giảm mạnh xuống dưới mức bình thường (39 - 38oC) nên gà cảm thấy rất rét. Vì vậy, cho dù bệnh xảy ra trong các tháng mùa nóng, nhưng những gà ốm vẫn tìm những nơi có ánh nắng mặt trời hoặc lò sưởi để sưởi ấm, mắt nhắm nghiền, đứng im không cử động.
Bệnh kéo dài 7 - 20 ngày nên gà rất gầy, chúng có biểu hiện run rẩy hoặc co giật rồi chết do suy nhược cơ thể. Tỷ lệ chết rất cao 80 - 95% (nếu
không được điều trị kịp thời). Gà bị nhiễm trùng ở thể nhẹ hoặc nghiêm trọng gây ra tỷ lệ tử vong cao. Phân gà màu lưu huỳnh kết hợp với máu thải ra ngoài nên bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh lý này của gà gần giống bệnh cầu trùng.
Theo AbdulRahman Lotfi. (2011) [10], gia cầm khoảng 3 - 12 tuần tuổi có tỷ lệ và cường độ nhiễm H. meleagridis cao, với các triệu chứng điển hình và tỷ lệ chết lên tới 70 - 90%. Thời gian ủ bệnh từ 15 - 21 ngày. Gia cầm mắc bệnh đột nhiên thấy sốt cao 43 - 44oC, đứng ủ rũ, hai mắt nhắm nghiền, ăn ít hoặc bỏ ăn, uống nước nhiều (Barger và Card., 1949 [11]; McDougald., 2008 [30]), lông xù, vùng hậu môn lông bết và bẩn do bị tiêu chảy, phân màu lưu huỳnh (Burr., 1987 [14]). Triệu chứng tiêu chảy phân màu lưu huỳnh xảy ra trong giai đoạn cuối của bệnh, khi chức năng gan bị suy yếu. Gia cầm sã cánh, đứng run rẩy, giấu đầu vào dưới cánh (McDougald., 2008 [30]).
* Thể mãn tính
Thể mãn tính thường thấy ở gà ta, gà Tây lớn tuổi với sự xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như đã mô tả ở phần thể cấp tính, nhưng cường độ biểu hiện yếu vì thế có thể quan sát thấy thể trạng đàn gà lúc tốt, lúc xấu. Các giai đoạn phát triển giống như cầu trùng. Lúc đầu gà ỉa chảy loãng, phân sống sau chuyển sang sệt màu cà phê hoặc vàng xanh lẫn máu, sau 5 - 7 ngày mắc bệnh phân nhầy lẫn nhiều máu hơn, thậm chí máu tươi khó đông giống như máu cá chết, sau đó phân đóng thành thỏi rắn có màu gạch non, xung quanh bãi phân là toàn nước sữa loãng. Bệnh kéo dài 2 - 3 tuần thậm chí hàng tháng nên gà rất gầy và kết thúc gà bị chết vì suy nhược và tự nhiễm độc hoặc chết do bệnh thứ phát.
2.4.2. Bệnh tích
Bệnh tích bệnh do Histomonas tập trung chủ yếu ở manh tràng và gan.
* Các biến đổi ở manh tràng:
Qua gây nhiễm, Kemp R. L. và Springer W. T. (1978) [24] đã xác định được tổn thương đầu tiên trong manh tràng từ ngày thứ 8 sau khi nhiễm.
Manh tràng bị viêm sưng, thành manh tràng dày lên gấp nhiều lần. Sau đó trong dịch tiết có hồng cầu, bạch cầu, ký sinh trùng và chất dịch từ thức ăn tích lại tạo thành kén rắn chắc, màu trắng giống như pho mát. Đôi khi còn thấy manh tràng bị viêm loét, thủng, rò rỉ chất chứa gây viêm phúc mạc.
Có thể chỉ một trong hai bên hoặc cùng một lúc cả 2 manh tràng xuất hiện các biến đổi: Lúc đầu phồng to, dài hơn, sau đó thành manh tràng dày lên và rắn chắc hơn. Màu sắc, độ đàn hồi và độ trơn bóng của manh tràng bị thay đổi. Bề mặt bên trong manh tràng trở nên sần sùi, có màu vàng xám, niêm mạc manh tràng tăng sinh dầy lên và rắn chắc. Khi bổ đôi manh tràng ta thấy chất chứa có màu trắng vàng xanh hoặc trắng nâu lẫn máu hoặc máu tươi do thẩm xuất chứa Fibrin đóng quánh cùng các tế bào viêm khác nhau bị cazein hóa, đóng thành cục theo từng lớp cuộn tròn, các chất viêm dần dần nút chặt lòng ruột manh tràng. Không ít trường hợp khi bổ đôi dọc theo chiều dài của manh tràng ta thu được một lõi chất chứa màu trắng ngà có các nếp ngang rất giống con tằm hoặc con sâu khoai. Có lẽ vì thế nên bà con chăn nuôi gọi bệnh đầu đen là “bệnh kén ruột”
Niêm mạc manh tràng bị viêm loét nặng, thậm chí bị thủng và chảy chất chứa vào xoang bụng gây viêm phúc mạc nặng khi đó gà chết đột tử.
Rất nhiều trường hợp 2 manh tràng dính chặt với nhau hoặc 1 trong 2 manh tràng dính vào các cơ quan nội tạng hoặc phúc mạc bụng. Vết loét nhỏ hoặc lớn ăn sâu vào thành ruột làm thủng thành ruột và khi đó có thể vỡ ra tràn phân và dịch viêm vào xoang bụng gây viêm dính xoang bụng với ruột.
* Các biến đổi ở gan:
Tổn thương gan thường bắt đầu vào ngày thứ 10. Gan sưng to cực đại, gấp 2 - 3 lần bình thường, mềm nhũn và nhìn thấy rất nhiều ổ viêm xuất huyết, hoại tử trên bề mặt gan. Lúc đầu trên bề mặt gan có các đốm đỏ thẫm làm cho gan lỗ chỗ như đá hoa cương, sau đó biến thành ổ hoại tử màu trắng hình hoa cúc như ổ lao hoặc như khối u của bệnh marek.
Về sau các ổ viêm loét hoại tử có màu trắng xám đỏ, đặc nhưng lõm ở giữa. Chúng có hình tròn, rìa mép ổ viêm có hình răng cưa. Với độ lớn rất khác nhau, nhưng chủ yếu to từ 1 - 2 cm, khi cắt đôi ổ loét ta thấy chúng có hình nón chứa đầy chất chứa đặc quánh.
Nếu lấy chất chứa xung quanh ổ loét để xét nghiệm sẽ thấy chúng gồm các tế bào bạch cầu, đại thực bào, đơn bào và ký sinh trùng Histomonas còn sống.
Các tổn thương ở các cơ quan khác như túi Fabricius, phổi, lá lách, tuyến tụy, thận, dạ dày tuyến và màng treo ruột đôi khi có thể xảy ra dưới dạng các ổ hoại tử tròn, màu trắng hoặc màu vàng (Shivaprasaud H. L. và cs., 2002 [34]; Senties - Cúe và cs., 2009 [33]).