Một số hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng Cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Huế (Trang 82 - 87)

Chương 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY KHÁCH HÀNG

2.2. Thực trạng hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Huế

2.3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những thành tích đạt được thì hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại chi nhánh vẫn còn một số hạn chế và cần được cải thiện sớm để chất lượng hoạt động này ngày càng được nâng cao hơn nữa. Cụ thể:

- Số lượng khách hàng doanh nghiệp lớn không nhiều. Mặc dù số lượng doanh nghiệp lớn trên tỉnh Thừa Thiên Huế là không nhiều, ảnh hưởng đến khả năng phát triển các khách hàng doanh nghiệp lớn tại VCB Huế tuy nhiên so với một số ngân hàng thương mại nhà nước khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – chi nhánh Huế, Ngân hàng thương mại

cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Huế, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Huế thì thị phần của VCB Huế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn là khá thấp.

- Tỷ trọng dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lớn ngày càng có quy mô giảm so với nhóm khách hàng còn lại. Đây là nhóm khách hàng đem lại nhiều lợi nhuận cho chi nhánh tuy nhiên tốc độ tăng lại không cao, thậm chí có phần giảm sút.

- Dư nợ cho vay đối với những doanh nghiệp lớn trong ngành thương mại có tốc độ tăng trưởng khá thấp. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành này thường là những doanh nghiệp mang lại cho chi nhánh nguồn tiền về tài khoản tại VCB lớn và thường xuyên.

- Dư nợ cho vay trung, dài hạn thường có tính ổn định hơn và lãi suất cho vay cao hơn ngắn hạn nên mang lại cho chi nhánh nguồn lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trung hạn đối với khách hàng doanh nghiệp lớn trong thời gian qua còn thấp so với cho vay ngắn hạn và chưa tương xứng với tiềm năng của chi nhánh.

- Cơ sở vật chất tại chi nhánh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

2.3.2.2. Nguyên nhân

a. Nguyên nhân khách quan

- Nền kinh tế còn nhiều khó khăn và biến động như lạm phát, sự thay đổi của lãi suất huy động và cho vay, tỷ giá biến động… làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu vay vốn tại ngân hàng.

- Các quy định về thế chấp, cầm cố tài sản, các thủ tục về giải quyết tranh chấp v.v… chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc gây ảnh hưởng không nhỏ cho chi nhánh trong việc thực hiện hồ sơ vay vốn cũng như thu lại các khoản tiền nếu có rủi ro xảy ra.

- Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu chiết xuất tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát triển mạnh mẽ cộng với việc thị trường nhỏ lẻ là đặc thù của địa bàn khiến cho số lượng các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

- Các quy định về cho vay ngoại tệ, cho vay bằng tiền mặt của Nhà nước rất khắt khe, dẫn đến một số doanh nghiệp lớn khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với mức lãi suất tốt nhất.

- Trong khoảng năm năm trở lại đây, sự cạnh tranh giữa các NHTM diễn ra rất mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những chính sách khách hàng và tín dụng cực kỳ linh hoạt, lãi suất cho vay cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ vững và phát triển thị phần cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lớn tại chi nhánh.

b. Nguyên nhân chủ quan

- Quy trình tín dụng của ngân hàng còn chặt chẽ và cứng nhắc, khiến cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn khi tiếp cận với ngân hàng. Chính sách khách hàng của chi nhánh cũng thiếu linh hoạt và thực hiện chưa hợp lí.

- Hiện nay VCB Huế mới chủ yếu cho vay trực tiếp từng lần và cho vay theo hạn mức, các hình thức cho vay khác chưa phổ biến. Chi nhánh đã đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tích cực tiếp thị tới khách hàng nhưng chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân là chưa nắm bắt được nhu cầu của các đối tượng khách hàng khác nhau, chưa chú trọng vào việc đa dạng hóa các phương thức cho vay.

- Là một trong những ngân hàng đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường từ lâu năm, một số cán bộ nhân viên của chi nhánh vẫn còn giữ tâm lí thụ động, chờ đợi khách hàng đến với mình mà chưa chủ động tìm kiếm mở rộng đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, công tác phổ biến kiến thức cho khách hàng về ngân hàng và các quy định, thể lệ cho vay còn chưa được chú trọng.

- Trong quá trình thẩm định tín dụng, ngân hàng còn quá chú trọng vào vấn đề TSĐB. Các quy định về tỷ lệ tài sản bảo đảm còn rất khắt khe đặc biệt là đối với các khách hàng lần đầu có quan hệ tín dụng với chi nhánh. Nhiều doanh nghiệp lớn có phương án kinh doanh khá hiệu quả, tuy nhiên không có tài sản bảo đảm hoặc giá trị tài sản bảo đảm quá thấp so với nhu cầu vay vốn.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận nguồn vốn vay của các khách hàng này.

- Hiện nay, tại chi nhánh đã có các chương trình hỗ trợ thông tin về ngành và chính sách vĩ mô nhưng chưa được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác thẩm định và phát triển thị trường.

- Việc mở rộng tìm kiếm các khách hàng doanh nghiệp lớn ngoài địa bàn vẫn chưa được chú trọng; mối quan hệ với Hội sở chính và các chi nhánh ngoài địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới việc ít nhận được sự hỗ trợ trong việc chia sẻ dư nợ đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn ngoài địa bàn.

Kết luận: Qua quá trình phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại VCB Huế ta có thể thấy hoạt động này đang có những bước phát triển, điều này được thể hiện ở dư nợ cho vay ngày càng tăng và những biến động tích cực trong cơ cấu cho vay doanh nghiệp tại chi nhánh. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được thì chi nhánh cũng không tránh khỏi được những hạn chế, chưa thể hiện được sự vượt trội so với những ngân hàng khác trên địa bàn và chi nhánh cũng chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của mình. Vì lẽ đó, việc phát huy những thành công phải đi kèm với việc khắc phục những điểm còn hạn chế để từ đó giúp hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại chi nhánh ngày một phát triển mạnh hơn, có chỗ đứng vững chắc hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tóm tắt chương 2

Trong chương 2, tác giả đã trình bày những thông tin tổng quát về tình hình hoạt động kinh doanh của VCB Huế. Phần quan trọng nhất của Chương 2 là tác giả đã phân tích, đánh giá dựa trên những thông tin thu thập được và thực tế nghiên cứu để đưa ra những nhận định về những điểm đã làm được và những điểm còn hạn chế, những nguyên nhân chính của gây ra những hạn chế này của VCB Huế trong công tác cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lớn.

Đúc rút từ những nghiên cứu thực tế mà tác giả đã trình bày tại Chương 2, trong Chương 3 tác giả sẽ đánh giá, dự báo về sự phát triển của doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nói chung và đưa ra những giải pháp mang tính cụ thể để VCB Huế có thể nâng cao chất lượng hoạt động cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn cũng như phát triển được thị phần cho vay đối với nhóm đối tượng này.

Chương 3

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng Cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Huế (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)