Chương 1: CÁC VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ PHÁP LUẬT VỀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
1.1.4. Phân loại bán phá giá
Trong quá trình đàm phán dẫn tới Hiến chương Havana, những nước tham gia đàm phán chia bán phá giá thành bốn loại: bán phá giá về giá, bán phá giá dịch vụ, bán phá giá hối đoái và bán phá giá xã hội. Sau này chỉ có bán phá giá về giá được quy định chi tiết trong pháp luật thương mại quốc tế và trở thành khái niệm bán phá giá được sử dụng phổ biến hiện nay. Đó cũng là khái niệm bán phá giá
được nghiên cứu trong luận án này. Với ý nghĩa đó, các nhà kinh tế học và luật học hiện đại nhìn chung chia các hoạt động bán phá giá thành 5 nhóm:
- Nhóm bán phá giá để mở rộng thị trường (market-expansion dumping): đây là những hoạt động bán phá giá tại thị trường nhập khẩu với mức giá thấp hơn hoặc chỉ tăng hơn chút đỉnh so với giá ở nước xuất khẩu, song vẫn thấp hơn giá trung bình của hàng hóa đó ở thị trường nhập khẩu. Mục đích của nhà xuất khẩu trong trường hợp này là mở rộng thị trường ở nước nhập khẩu. Khi thực hiện loại hoạt động bán phá giá này, do biên độ dao động của nhu cầu tại nước nhập khẩu cao, nghĩa là người dân có thể chấp nhận các mức giá khác nhau với hàng hóa cùng loại có chất lượng khác nhau, nên nhà xuất khẩu vẫn có thể có lãi cho dù là bán hàng hóa với mức bán phá giá.
- Nhóm bán phá giá theo chu kỳ hay bán phá giá tuần hoàn (Cyclical dumping): động cơ của việc bán phá giá loại này là do chi phí cơ hội hay chi phí cận biên để sản xuất hàng hóa thấp do đặc thù của hoạt động sản xuất. Nói một cách cụ thể hơn, khi vào một thời kỳ sản xuất nào đó mà nhà máy đã vận hành gần hết công suất và do đó, chi phí thêm để sản xuất thêm hàng hóa là rất thấp, nhà sản xuất sẽ có khả năng xuất khẩu những hàng hóa được sản xuất thêm đó sang thị trường nước khác với mức giá thấp mà vẫn có thể có lãi, ví dụ như ngành luyện thép trong thời kỳ đang dôi dư hàng hóa .v.v.
- Nhóm bán phá giá trả đũa (Reciprocal dumping): Đây là nhóm các hoạt động bán phá giá mới xảy ra trong những năm gần đây. Hoạt động này được thực hiện khi một vài công ty cùng sản xuất một loại hàng hoá và cùng chiếm phần lớn thị phần ở nước mình. Các công ty này đều muốn mở rộng thị trường sang nước khác và vì thế bán phá giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá bán vẫn cao hơn chi phí cận biên và chi phí vận tải. Khi đó, đối thủ cạnh tranh ở nước nhập khẩu cũng muốn cạnh tranh lại. Vì thế họ cũng bán hàng hóa theo cách tương tự ở nước xuất khẩu ban đầu. Lúc này, thị trường hai nước giống như hai mảng thị trường ở một quốc gia vậy và doanh nghiệp xuất khẩu của nước này bán phá giá để trả đũa hoạt động
bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu của nước kia. Trường hợp này khá phổ biến đối với ngành sản xuất các mặt hàng mới cho nền kinh tế thế giới, bởi vì khi đó số lượng nhà sản xuất loại hàng hóa đó đang còn ít và dễ khống chế giá bán của hàng hóa ở thị trường nội địa của mình.
- Nhóm bán phá giá chiến lược (strategic dumping): đây là những hoạt động bán phá giá nhằm tới mục đích gây tổn hại cho các công ty cạnh tranh ở nước nhập khẩu. Nhà xuất khẩu trong trường hợp này có xu hướng bán phá giá một cách có chiến lược và dài hạn với hai yếu tố là bán giá thấp tại thị trường nhập khẩu đồng thời ngăn cản nhà xuất khẩu của nước nhập khẩu thâm nhập thị trường của nước xuất khẩu. Trường hợp này hay xảy ra đối với những công ty có quy mô thị phần lớn ở nước xuất khẩu. Khi đã có những thị phần đủ lớn để khống chế thị trường của nước mình thì các nhà xuất khẩu sẽ dễ dàng chiếm ưu thế cạnh tranh so với những đối thủ đến từ các nước khác và qua đó dễ dàng không cho nhà xuất khẩu nước khác thâm nhập thị trường nước mình. Hoạt động bán phá giá trong trường hợp này được diễn ra trong một thời gian tương đối dài và có những bước đi thích hợp gây hại tới sức cạnh tranh của những đối thủ cạnh tranh ở nước nhập khẩu.
- Nhóm bán phá giá nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh (predatory dumping hay còn gọi là predatory pricing): đây là loại bán phá giá được quan tâm nhiều nhất trong các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn về bán phá giá. Marceau cho rằng bán phá giá nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh (gọi tắt là bán phá giá tiêu diệt) là bán hàng hóa xuất khẩu với mức giá thấp nhằm mục đích loại các đối thủ cạnh tranh ra khái thị trường nhằm giành được vị trí thống lĩnh trên thị trường nước nhập khẩu. Giá của hàng hóa trong trường hợp này thường thấp hơn cả chi phí sản xuất theo một cách tính nào đó. Có ba loại chi phí thường được sử dụng nhiều nhất:
+ Chi phí thực tế (true economic costs): đây là các chi phí đã được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa, được tính theo các hóa đơn đầu vào của quá trình sản xuất.
+ Chi phí cơ hội (opportunity costs): đây là mức chi phí có được do cơ hội đặc biệt tạo ra có thể do lạm phát cục bộ hoặc giá cả đầu vào một số nguyên vật liệu chủ chốt giảm đột ngột .v.v.
+ Chi phí cận biên (marginal cost): đây là chi phí cần thêm để sản xuất ra thêm một số lượng sản phẩm nào đó sau khi dây chuyền đã sản xuất được hết theo mức hiện có. Ví dụ các chi phí đầu vào đã được xác định để sản xuất ra 500 sản phẩm. Nhưng trên thực tế sau khi sản xuất xong 500 sản phẩm thì chỉ cần thêm một số chi phí nhất định thêm vào là có thể sản xuất thêm 300 sản phẩm nữa cũng trên dây chuyền đó. Trường hợp đó chi phí thêm vào kia được gọi là chi phí cận biên và thường rất thấp vì thực tế những chi phí đầu tư để sản xuất ra 500 sản phẩm ban đầu vẫn được sử dụng để sản xuất ra 300 sản phẩm sau.
Bán với mức giá thấp hơn chi phí có nghĩa là nhà sản xuất đã chấp nhận chịu lỗ trong một thời gian dài để hy vọng sẽ có được lãi suất đủ lớn trong tương lai từ vị trí thống lĩnh thị trường. Theo Trebilcock và Howse, bán phá giá tiêu diệt là việc bán hàng hóa với giá thấp hơn chi phí một cách có hệ thống để đe doạ hoặc/và loại bỏ đối thủ ra khái thị trường để rồi sau đó sẽ thu lại lợi nhuận bù đắp bằng cách đẩy giá hàng hóa lên cao hơn mức bình thường nếu có tình trạng độc quyền. Theo Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), bán phá giá tiêu diệt là một chiến lược dài kỳ, thường là của một doanh nghiệp đã có vị trí thống lĩnh trong thị trường, nhằm loại trừ các đối thủ cạnh tranh ra khái thị trường bằng cách áp giá bán hàng hóa rất thấp hoặc thậm chí là dưới mức chi phí thay đổi trung bình (average variable cost).
Một khi doanh nghiệp này đã loại trừ được các đối thủ cạnh tranh hiện tại và ngăn ngừa được các đối thủ mới muốn xâm nhập thị trường nó có thể sẽ nâng giá bán hàng hóa và kiếm được lợi nhuận nhiều hơn thông thường.
Như vậy, bán phá giá tiêu diệt là một hình thức phức tạp của hành vi bán phá giá. Cho dù là được nhìn nhận từ quan điểm nào thì nó cũng gồm có ba dấu hiệu.
Thứ nhất, doanh nghiệp bán giá hàng hóa tại thị trường nhập khẩu với mức giá rất thấp và trong một khoảng thời gian đủ dài để cho thấy tính hệ thống. Thứ hai, việc bán giá thấp đó nhằm mục tiêu loại trừ các đối thủ cạnh tranh ra khái thị trường và ngăn ngừa đối thủ cạnh tranh mới vào thị trường. Như vậy, các đối thủ cạnh tranh bị loại ra khái thị trường không phải vì lý do họ hoạt động không hiệu quả mà bởi vì họ không thể có đủ tiềm lực để chạy đua chịu lỗ với doanh nghiệp bán phá giá tiêu
diệt. Thứ ba, doanh nghiệp bán phá giá tiêu diệt chấp nhận chịu lỗ cao khi bán hàng hóa với hy vọng sẽ thu lại lợi nhuận đủ bù đắp khi sau này đã chiếm lĩnh được vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh toàn bộ thị trường. Trong ba dấu hiệu này, hai dấu hiệu đầu tiên là quan trọng nhất và thường được dựng làm căn cứ để xác định xem đã có hành vi bán phá giá tiêu diệt xảy ra hay chưa. Dấu hiệu thứ ba liên quan đến ý chí chủ quan của doanh nghiệp và rất khó có bằng chứng cụ thể để xác định. Nó chỉ được coi là dấu hiệu phái sinh vì thường được suy diễn từ hai dấu hiệu trước, bởi vì nếu căn cứ vào động cơ lợi nhuận thì sẽ là vô nghĩa nếu doanh nghiệp cứ bán hàng hóa với giá thấp hơn chi phí để chịu lỗ mà không hy vọng vào cơ hội bù đắp bằng lãi sau này. Chính vì thế nếu mức giá chịu lỗ càng thấp hơn mức chi phí sản xuất thấp nhất và việc bán giá kiểu này tiến hành trong một thời gian dài hoặc có hệ thống thì dấu hiệu thứ ba cũng như hành vi bán phá giá tiêu diệt càng được coi là rõ ràng.