Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Lý luận cơ bản về quản lý hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngân hàng
2.1.4. Các hình thức cho vay và trình tự cho vay đối với DNNVV
Cho vay là một hình thức cấp cho vay, theo đó ngân hàng giao hoặc cam kết giao cho DNNVV một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận và nguyên tắc hoàn trả gốc lãi.
Các hình thức thường thấy trong hoạt động cho vay của ngân hàng đối với
DNNVV gồm:
a. Theo thời gian
- Cho vay ngắn hạn: là các khoản vay có thời hạn cho vay không quá 12 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn ngắn hạn như bổ sung ngân quỹ, bảo đảm yêu cầu thanh toán đến hạn, bổ sung nhu cầu vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Căn cứ vào tính chất của việc cấp vốn và phương pháp cho vay của ngân hàng, các hình thức cho vay cụ thể của cho vay ngắn hạn bao gồm: chiết khấu chứng từ có giá, cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức cho vay, thấu chi, bao thanh toán (Ngân hàng nhà nước, 2001).
- Cho vay trung và dài hạn: Cho vay trung và dài hạn có thời hạn cho vay trên 12 tháng, cho vay trung hạn có thời hạn từ trên 12 đến 60 tháng, cho vay dài hạn có thời hạn trên 60 tháng. Cho vay trung và dài hạn chủ yếu phục vụ thực hiện các dự án đổi mới, mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản mới. Vì thời hạn dài nên loại cho vay này chứa đựng mức rủi ro cao, kể cả rủi ro cá biệt và rủi ro hệ thống. Các hình thức cho vay trung và dài hạn bao gồm: cho vay theo dự án đầu tư, cho vay hợp vốn, cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, cho thuê tài chính... (Ngân hàng nhà nước, 2001).
b. Theo phương thức cho vay
- Cho vay trực tiếp từng lần: là hình thức cho vay phục vụ những khách
hàng là DNNVV có nhu cầu không thường xuyên, phát sinh từng lần riêng lẻ. Mỗi khoản vay được lưu trữ thành các hồ sơ độc lập với sự kiểm soát tách biệt từng hồ sơ (Ngân hàng nhà nước, 2001).
- Cho vay theo hạn mức: là hình thức cho vay theo đó ngân hàng ký một hợp đồng hạn mức cho vay với DNNVV trong đó quy định những điều kiện cho vay cơ bản như số tiền hạn mức, doanh số cho vay, lãi suất, thời gian cho vay tối đa cho từng lần giải ngân, thời gian duy trì hạn mức... DNNVV chỉ cần trình phương án sử dụng tiền vay, cung cấp các chứng từ chứng minh phù hợp để đề nghị được ngân hàng giải ngân (Ngân hàng nhà nước, 2001).
- Cho vay thấu chi: là hình thức cho vay theo đó ngân hàng cho phép người vay chi vượt quá số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của mình đến một giới hạn nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định (Ngân hàng nhà nước, 2001).
- Cho vay dự án đầu tư: là hình thức cho vay theo đó ngân hàng cho khách hàng là DNNVV vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống (Ngân hàng nhà nước, 2001).
c. Theo hình thức bảo đảm
- Cho vay có bảo đảm: là việc khách hàng dùng tài sản bảo đảm của mình hoặc bên thứ ba làm bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn của ngân hàng. Cho vay có bảo đảm gồm cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba (Ngân hàng nhà nước, 2001).
- Cho vay không có tài sản bảo đảm: là loại cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của người khác mà chỉ dựa vào uy tín của khách hàng vay vốn để quyết định cho vay (Ngân hàng nhà nước, 2001).
2.1.4.2. Trình tự cho vay
Việc quản lý chặt chẽ rủi ro trong hoạt động cho vay đóng một vai trò cũng hết sức quan trọng trong công tác quản lý hoạt động cho vay. Công tác quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay được thực hiện ngay trong từng cán bộ công nhân viên, trong từng khâu của quy trình cho vay và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo hạn chế và phát hiện rủi ro càng sớm càng tốt. Công việc quản lý này được thực hiện cụ thể qua từng khâu, từng bước trong quy trình cho vay đối với DNNVV (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 1: Tiếp xúc khách hàng và lập hồ sơ vay vốn: bước này do cán bộ
tín dụng thực hiện ngay sau khi tiếp xúc khách hàng. Công tác quản lý hoạt động cho vay cũng được thực hiện tốt tại ngay bước này để đảm bảo phòng ngừa, hạn chế rủi ro cho chi nhánh. Mục đích của bước này là giúp ngân hàng lựa chọn những khách hàng tốt nhất trong số các nhu cầu xin vay tại ngân hàng (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 2: Phân tích cho vay: trong bước này cán bộ tín dụng phải lập báo cáo đề xuất cho vay trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt. Công tác quản lý cho vay phải được thực hiện tốt tại bước này. Cán bộ tín dụng phải đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan về khách hàng nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về khách hàng. Không những vậy cán bộ tín dụng còn phải thận trọng xem xét tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính, thẩm định giá trị tài sản, tính pháp lý, khả năng phát mại…của tài sản đảm bảo để hạn chế được tổn thất cho ngân hàng khi có rủi ro xảy ra. Đồng thời phải kết hợp nhiều thông tin để đưa ra nhận định chính xác nhất về khách hàng để đưa ra được báo cáo đề xuất cho vay một cách khách quan nhất hạn chế rủi ro cho ngân hàng (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 3: Ra quyết định cho vay: trong khâu này, các cấp có thẩm quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tính hợp lý, hợp lệ và tính khả thi của hồ sơ trước khi đưa ra quyết định đồng ý hoặc từ chối cho vay đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 4: Giải ngân: ở bước này, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra lại các chứng từ liên quan đến việc giải ngân cho khách hàng nhằm mục đích kiểm soát được dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và đảm bảo khả năng thu nợ. Nhưng đồng thời cũng phải tạo sự thuận lợi, tránh gây phiền hà cho công việc sản xuất kinh doanh của khách hàng (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 5: Giám sát cho vay: cán bộ tín dụng phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng, hiện trạng tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của khách hàng,... để phát hiện kịp thời khi có rủi ro xảy ra và đảm bảo khả năng trả nợ của khách hàng (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).
Bước 6: Thanh lý hợp đồng cho vay: tiến hành thu nợ và thành lý hợp đồng cho vay (Đinh Xuân Hạng và Nguyễn Văn Lộc, 2012).