Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm quản lý hoạt động cho vay đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng trên thế giới
2.2.1.1. Đài Loan
Đài Loan là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực Châu Á cũng như trên thế giới. Nền công nghiệp Đài Loan được đặc trưng chủ yếu bởi các DNNVV. Ở Đài Loan, loại DNNVV phải có từ 5 – 100 công nhân, vốn trung bình là 1,6 triệu USD là rất phổ biến. Chúng chiếm khoản 96% tổng số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 40% sản lượng công nghiệp, hơn 50% giá trị xuất khẩu và chiếm hơn 70% chỗ việc làm. Cũng như nhiều quốc gia trên khác, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Đài Loan và được các ngân hàng Đài Loan hỗ trợ. Tuy nhiên, các ngân hàng Đài Loan có các biện pháp rất tốt nhằm nâng cao chất lượng của các khoản cho vay này (Nguyễn Thu Trang, 2011).
Một mặt, các ngân hàng này đầu tư xây dựng hệ thống chấm điểm cho vay hiệu quả cao. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, thuê chuyên gia người nước ngoài vào một số vị trí lãnh đạo, áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát rủi ro theo phương tây và cho phép người đứng đầu mỗi ngân hàng quyền được sa thải những giám đốc điều hành không hiệu quả. Các biện pháp này nhằm nâng cao năng lực quản lý, hạn chế rủi ro từ phía ngân hàng (Nguyễn Thu Trang, 2011).
Mặt khác, các ngân hàng còn có những biện pháp hỗ trợ nâng cao hoạt động của các DNNVV. Tại Đài Loan có trung tâm hỗ trợ tích hợp DNNVV được
thành lập năm 1982 với nguồn tài chính được quyên góp từ 7 ngân hàng lớn tại Đài Loan với mục đích khuyến khích sự phát triển của các DNNVV đang trải qua những khó khăn về vấn đề tài chính nhưng được đánh giá có tiền năng mạnh bằng cách tư vấn và giúp họ nhân được các khoản vay, sử dụng các khoản vay có hiệu quả, tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ đối với những người lao động trong doanh nghiệp ở tất cả các cấp độ,… Ngoài ra, nhóm dịch vụ tài chính DNNVV còn có các biện pháp hỗ trợ các DNNVV trong việc xây dựng hệ thống kế toán tin cậy và quản lý tài chính hợp lý. Việc thiếu minh bạch trong các tuyên bố tài chính, thiếu những nguồn tài nguyên cần thiết để theo kịp với những tiến độ trong quản lý tài chính thường là nguyên nhân đóng cánh cửa cho họ vay từ các ngân hàng, hoặc sử dụng vốn vay không hiệu quả, gia tăng rủi ro cho vay cho ngân hàng. Chính vì vậy nhóm dịch vụ hỗ trợ tài chính có tác dụng rất lớn giúp các doanh nghiệp bằng cách hạn chế các rủi ro xuất phát từ phía ngân hàng (Nguyễn Thu Trang, 2011).
2.2.1.2. Nhật Bản
Nhật Bản được biết đến như một cường quốc về kinh tế với rất nhiều các tập đoàn kinh tế lớn nổi tiếng trên toàn thế giới, tuy nhiên để góp phần làm nên nền kinh tế phát triển cường thịnh rực rỡ trong thời gian qua phải kể đến sự đóng góp lớn lao của các DNNVV. Trong suốt những thập kỉ qua, DNNVV Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản nhờ sự năng động sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh của mình. Các DNNVV Nhật Bản đã tạo nên nguồn sống cho nền kinh tế Nhật Bản góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp quan trọng vào GDP và tăng trưởng kinh tế, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ nước ngoài, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 8,5 triệu DNNVV, Chính phủ Nhật đã tiến hành nhiều biện pháp để duy trì sự ổn định về môi trường kinh tế xã hội, cải thiện điều kiện hạ tầng kinh doanh, khuyến khích đổi mới kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện các ý tưởng sáng tạo của các DNNVV. Để phát triển loại hình DNNVV góp phần vào công cuộc phát triển đất nước đồng thời hạn chế rủi ro gặp phải đối với hệ thống ngân hàng, các ngân hàng Nhật Bản rất chú trọng việc nâng cao hiệu quả cho vay đối với các khoản vay của DNNVV. Bên cạnh việc xây dựng chính sách cho vay đúng đắn phù hợp với đặc thù của loại hình DNNVV và thực hiện quy trình nghiệp vụ cho vay mang tính chuẩn mực cao để hạn chế rủi ro, các ngân hàng Nhật Bản đặc biệt
quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cho các cán bộ ngân hàng. Định kỳ hàng năm các ngân hàng tổ chức các đợt đào tạo tập trung cho các cán bộ trẻ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trao đổi những kinh nghiệm thực tế, những trường hợp phát sinh gặp phải và tìm ra hướng giải quyết nhanh và hiệu quả. Một biện pháp nữa mà các ngân hàng Nhật Bản rất coi trọng đó là việc xây dựng kênh thông tin đối với các DNNVV. Các thông tin về tình hình kinh doanh, các tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được các ngân hàng thu thập và cập nhật liên tục và thường xuyên. Sự sàng lọc và phân tích các nguồn thông tin cũng được chú ý kỹ càng. Vì vậy chất lượng và độ tin cậy của các thông tin thu thập được từ các doanh nghiệp có mức độ chính xác cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác đánh giá khách hàng DNNVV của các ngân hàng Nhật Bản có tính chính xác và kịp thời, từ đó hạn chế những rủi ro trong việc cấp cho vay cho các khách hàng này (Nguyễn Thế Bính, 2013).
2.2.2. Bài học kinh nghiệm quản lý hoạt động cho vay đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa của NHNo&PTNT tỉnh Bắc Ninh
Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ của một số nước đã khá thành công, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về quản lý hoạt động cho vay của ngân hàng như sau:
Thứ nhất, tách bạch, phân công rõ chức năng các bộ phận và tuân thủ các khâu trong quy trình giải quyết các khoản cho vay: tiếp xúc khách hàng, phân tích tín dụng, thẩm định tín dụng, đánh giá rủi ro, quyết định cho vay, thủ tục giấy tờ hợp đồng, đánh giá chất lượng, xem xét lại các khoản vay.
Thứ hai, tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề có tính nguyên tắc trong tín dụng, không chỉ quan tâm đến tài sản bảo đảm của DNNVV mà còn quan tâm đến tư cách, hiệu quả kinh doanh, mục đích vay, khả năng trả nợ, thực trạng tài chính,….
Thứ ba, tiến hành chấm điểm khách hàng để quyết định cho vay.
Thứ tư, tuân thủ quyền phán quyết tín dụng. Theo đó, họ quy định việc quyết định tín dụng theo mức tăng dần: mức phán quyết của một người, một nhóm người hay hội đồng quản trị.
Thứ năm, giám sát khoản vay sau giải ngân bằng cách thu thập thông tin về khách hàng, thường xuyên giám sát và đánh giá xếp loại khách hàng.
Thứ sáu, chất lượng tín dụng quan trọng hơn mở rộng tín dụng.
Thứ bẩy, khi khoản vay được đảm bảo bằng thế chấp thì các tài sản thế chấp phải có tính thanh khoản cao (khả năng chuyển đổi thành tiền), đồng thời ngân hàng phải có cách nhìn nhận ở góc độ chuyên môn và không thiên vị đối với những tài sản này.
Thứ tám, trong khâu lập hồ sơ tín dụng yêu cầu cán bộ tín dụng không được cẩu thả kể cả các chi tiết nhỏ vì chúng dễ làm hỏng khoản vay mà đáng lẽ có chất lượng tốt. Vì tỷ lệ khoanh nợ lớn thường là kết quả của việc tổ chức và quản lý sổ sách cẩu thả.
Thứ chín , để kiểm soát khoản cho vay tốt cần tuân theo 5 nguyên tắc sau:
- Nhận biết nhu cầu cần có nguồn thông tin thích hợp và liên tục;
- Phân tích thông tin đó một cách thích đáng và sử dụng nó để đánh giá tình trạng hiện tại của khoản vay;
- Kiểm soát việc giải ngân và sự tuân theo thỏa thuận trả nợ;
- Tổ chức các cuộc viếng thăm định kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Duy trì mối liên hệ cởi mở với doanh nghiệp vào mọi thời điểm.