Đặc điểm sản xuất na theo hướng bền vững

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển sản xuất na theo hướng bền vững trên địa bàn huyện chi lăng, tỉnh lạng s (Trang 22 - 26)

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.2. Đặc điểm sản xuất na theo hướng bền vững

Na, hay còn gọi là mãng cầu ta, mãng cầu dai/giai, sa lê, phan lệ chi, (danh pháp hai phần: Annona squamosa), là một loài thuộc chi na (Annona) có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Nguồn gốc bản địa chính xác của loại cây này chưa rõ do hiện nay nó được trồng khắp nơi nhưng người ta cho rằng nó là cây bản địa của vùng Caribe (Dương Phong, 2011).

Được trồng từ lâu năm trên địa bàn, với đặc điểm na, quả dễ bóc và có vị thơm, ngon đặc biệt, na Chi Lăng đã từng bước chinh phục khách hàng, khẳng định giá trị kinh tế và thương hiệu của nó trên thị trường. Vùng phát triển na mở rộng, những năm đầu cây được trồng chủ yếu ở các xã như xã Quang Lang, xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ sau này đã nhân rộng diện tích ra các xã trên địa bàn như: xã Mai Sao, Xã Y Tịch, xã Thượng Cường... Với giá bán trung bình từ 20 - 40 ngàn đồng/1kg, hàng năm các hộ nghèo nhờ na đã thoát nghèo, đời sống không ngừng được cải thiện. Cây na đã thực sự tích cực góp phần xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Chi Lăng trong những năm qua (Nguyễn Văn An, 2010).

Đặc tính cây trồng

Cây na cao cỡ 2–5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (thực ra mỗi múi là một quả), hạt trắng có màu nâu sậm. Hạt có chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.

Các giống na

Ở miền Bắc, quả na được phân thành hai loại là na daina bở dựa vào đặc tính của quả (sự liên kết giữa các múi với vỏ và giữa các múi với nhau).

Na dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, na dai được ưa chuộng hơn bởi mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với na bở.

Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được coi là "vựa na" lớn nhất cả nước, nơi này có 2 khu vực trồng na nổi tiếng: Na bở ở khu vực thị trấn Đồng Mỏ và na dai khu vực Đồng Bành (Nguyễn Văn An, 2010).

Ở miền Nam có mãng cầu dai hay còn gọi là mãng cầu Cấp (mãng cầu Vũng Tàu). Mãng cầu dai chắc, nhiều thịt, ít hột, vỏ mỏng và ngọt hơn các loại mãng cầu khác. Những quả mãng cầu Cấp có vỏ xù xì, múi không đều, không mọng, nhưng có vị thơm và ngọt sắc (Dương Phong, 2011).

2.1.2.2. Đặc điểm kỹ thuật sản xuất na

Na thuộc nhóm cây ăn quả rụng lá trong mùa đông, thân gỗ hoặc thân bụi cao từ 3 - 5m, có nhiều cành. Cành na nhỏ, lá mỏng. Cuống lá ngắn, lá rụng xong trơ cuống và lúc đó mới mọc mầm mới.

Na là loài cây có tính thích nghi cao, mọc được ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới nên thích hợp với khí hậu ấm áp và khô. Tuy vậy cây vẫn sinh trưởng được trong điều kiện nóng ẩm.

 Nhiệt độ thích hợp cho na sinh trưởng phát triển là 17 - 250C (Dương Phong, 2011).

1. Cách nhân giống

Nhân giống bằng hạt: do hạt có vỏ cứng bao quanh nên có thể bảo quản được 2 – 3 năm. Xử lý hạt bằng cách: xóc hạt với cát cho sứt vỏ, hoặc xử lý axit sunfuric, ngâm nước nóng 55 – 60oC trong 15 - 20 phút, hạt có thể nảy mầm sau 2 tuần lễ. Trồng từ hạt sau 2 - 3 năm cây có thể cho trái (Dương Phong, 2011).

Nhân giống vô tính bằng biện pháp ghép cành: Trước hết phải chọn những cây mẹ có những đặc tính ưu việt như: trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển (múi dính thành một khối). Na dai chỉ có thể ghép tốt trên 2 gốc ghép là na dai và nê (có người gọi là bình bát vì trái giống bình bát) nhưng hạt nê khó kiếm, vậy tốt nhất là dùng gốc ghép na dai. Có thể ghép áp, ghép cành hay ghép mắt. Gốc ghép phải 1 - 2 tuổi. Cành ghép là cành đã hóa gỗ đường kính 1 cm trở lên lấy ở đoạn cành lá đã rụng hết. Cắt dài 12 cm, có thể ghép nêm vào cành gốc ghép, cũng có thể cắt ngọn gốc ghép rồi cắt vạt gốc ghép và cành ghép sao cho áp vào nhau vừa vặn. Vết cắt dài khoảng 5 - 6 cm (Dương Phong, 2011).

2. Đặc tính

 Na dai ưa đất thoáng, không nên trồng ở đất thấp úng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt (cơm). Phải chăm sóc cây từ khi trồng để cây khoẻ, nhiều nhựa sức sống tốt thì mới cho trái ngon.

 Na dai chống úng kém nhưng chống hạn tốt. Ở đất cát ven biển hay ở đất cao hạn gặp mùa khô, rụng hết lá, khi mùa mưa trở lại vào tháng 4 - 5 lại ra lá, ra hoa. Những lứa đầu hoa rụng nhiều, sau đó khi bộ lá đã khỏe, quang hợp đủ thì trái đậu. Những lứa hoa cuối, vào tháng 7 - 8 cũng rụng nhiều; trái kết được cũng nhỏ vì vậy na dai thuộc loại trái có mùa không như chuối, dứa, đu đủ, và cả na xiêm nữa (ở miền Nam là loại trái quanh năm). Cũng do nhịp độ sinh trưởng như vậy, trồng na dai không cần tưới. Tuy vậy, nếu có tưới, chăm bón thì mùa ra trái kéo dài hơn (Dương Phong, 2011).

 Na dai tương đối chịu rét. Mùa đông ngừng sinh trưởng, rụng hết lá mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới, nhờ đó na dai không những trồng được ở miền Bắc mà còn ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Bắc Ấn Độ... (Dương Phong, 2011).

3. Trồng và chăm sóc

Khi phải đánh bầu, đi trồng. Nếu ươm cây giống bằng cách gieo hạt ở trong bầu nên đợi tới khi cây khoảng 1 năm tuổi cao khoảng 40 - 50 cm đem trồng thì dễ sống hơn.

 Ở đất cát ven biển đất xấu, người ta thường trồng quá dày và thường không bón phân do đó trái bé, hạt nhiều. Nên trồng với khoảng cách 4 m ở đất xấu, 5 m ở đất tốt kết hợp chăm bón để trái to, cơm nhiều (Dương Phong, 2011).

Thời vụ trồng: đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ươm trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi (Dương Phong, 2011).

Bón phân: Nên bón 20- 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16-16- 8: 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg.

Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm (Dương Phong, 2011).

Sâu bệnh:

Na dai ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi na chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt (Nguyễn Danh Vàn, 2005).

Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin... Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ (Nguyễn Danh Vàn, 2005).

Thu hoạch:

Dấu hiệu na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là na dai, vẫn dễ nát (Nguyễn Danh Vàn, 2005).

Bảo quản:

Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp (Dương Phong, 2011).

Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen...). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 13oC, chôm chôm: 12oC, na: 13oC, dưa hấu: 10oC... Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3%

trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây (Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na) (Dương Phong, 2011).

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển sản xuất na theo hướng bền vững trên địa bàn huyện chi lăng, tỉnh lạng s (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(134 trang)
w