Chương 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TRONG CÁC TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG CỦA VIỆT NAM
3.1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ CÁC TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
Theo quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với quan điểm như sau: (1) Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc quốc gia phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước. (2) Mạng đường bộ cao tốc bao gồm các trục chính có lưu lượng xe cao, liên kết với hệ thống đường bộ, kết cấu hạ tầng của các phương thức vận tải khác nhằm khai thác đồng bộ, chủ động và hiệu quả các dịch vụ vận tải trong phát triển kinh tế. Đồng thời có tính kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc của các nước trong khu vực để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế. (3) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới vào các lĩnh vực tư vấn, xây dựng, quản lý, khai thác với Mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. (4) Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc dưới nhiều hình thức. (5) Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc quốc gia làm cơ sở để xác định nguồn vốn đầu tư, quỹ đất và tiến trình thực hiện các dự án đường bộ cao tốc từ nay đến năm 2020, năm 2030 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước; định hướng phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm;
chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm 02 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km, trong đó Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km và
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 03 tuyến với tổng chiều dài 264 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 07 tuyến với tổng chiều dài 983 km. Hệ thống đường vành đai cao tốc tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo định hướng của Bộ trưởng Bộ GTVT đăng tải trên trang web của Bộ Giao thông vận tải, Bộ GTVT đang mong muốn phát triển kết cấu hạ tầng như sau:
Một là, phấn đấu đến năm 2030, trên 80% các tỉnh/thành phố trong cả nước đều có đường bộ cao tốc đi qua hoặc kết nối tới trung tâm hành chính và có khoảng 3.500km - 4.000km đường bộ cao tốc. Tập trung ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị; hệ thống đường bộ Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và xuyên Á.
Hai là, triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang;
nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, phát triển đồng bộ KCHTGT với phương tiện vận tải, thiết bị quản lý, điều hành hiện đại và gắn kết với các trung tâm phân phối hàng hóa, cảng biển lớn, cảng cạn ICD.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu đầu tư các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, huy động vốn đầu tư cảng quốc tế Vân Phong, tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác khu bến cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tiếp tục đầu tư luồng Thị Vải để bảo đảm cho tàu 200.000T hành thủy 24/24h; dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông logistic hiện đại, hiệu quả ngang tầm các nước trong khu vực.
Bốn là, hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không trong cả nước với quy mô hiện đại; hoàn thành mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) có vai trò và quy mô
ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Đầu tư hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, bảo đảm tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam.
Năm là, tiếp tục đưa vào cấp kỹ thuật, bảo đảm chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa chủ yếu. Tiếp tục huy động vốn đầu tư các tuyến đường thủy có nhu cầu vận tải lớn; dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistic khu vực phía Nam. Cơ giới hóa bốc xếp các cảng, Bến Thủy nội địa hiện đại, có hiệu quả.
Sáu là, phát triển giao thông đô thị theo quan điểm hướng tới văn minh, hiện đại.
Từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I.
Tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 40% - 45%.
3.1.2. Định hướng phát triển các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, mô hình công ty cổ phần là loại hình DN thích hợp nhất mà các nước tiên tiến và Việt Nam đang áp dụng. việc cổ phần hóa các Tổng Công ty XDCTGT giúp các đơn vị này hoạt động theo hướng tích cực hơn, bởi lẽ lúc này các ông chủ mới thực sự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, các Tổng Công ty sẽ tập trung vào các mục tiêu sau:
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của DN trên cơ sở SXKD phát triển, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
- Xây dựng Tổng Công ty, các đơn vị thành viên, cơ quan chuyên môn các cấp trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng văn hóa DN, thực hiện quy chế dân chủ, huy động sức mạnh đoàn kết, xây dựng Tổng Công ty phát triển ổn định, tăng trưởng bền vững, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Liên kết cổ đông chiến lược, đối tác chiến lược có tiềm năng về vốn, kỹ thuật, năng lực QT, sản phẩm và thị trường. Đồng thời đẩy mạnh liên kết nội khối tạo nhiều cơ hội, tạo nguồn lực tổng hợp để có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn.
- Định hướng ngành nghề và sản phẩm: Tăng trưởng mạnh, vững chắc, tập trung nâng cao thương hiệu trong các hoạt động nghiên cứu triển khai và phát triển các lĩnh
vực mới như xây dựng nhà ở, đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư dự án theo hình thức BT, BOT...
- Về kỹ thuật, công nghệ: Từng bước đổi mới công nghệ thi công, trang bị thiết bị tiên tiến, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh ngày càng cao, tăng trưởng chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng.
- Đổi mới, sắp xếp lại QT DN, tạo dựng thương hiệu riêng.
Các TCT XDCTGT đã có lịch sử hình thành và phát triển tương đối lâu dài, với lĩnh vực hoạt động chủ đạo là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho mọi miền trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, sự thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như công nghệ của thế giới, các TCT XDCTGT đều có định hướng phát triển cho mình nhằm phù hợp với thời cuộc. Có thể thấy rằng, các TCT đều đang lựa chọn cho mình một hướng phát triển bền vững, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các TCT không ngừng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, mạnh dạn tìm hướng đầu tư mới, tìm tòi các cơ hội kinh doanh. Qua nghiên cứu, tác giả thấy được định hướng cụ thể của một số TCT như sau:
Với tôn chỉ DN là “Thăng Long - Vững bước tiên phong” Tổng công ty Thăng Long với sứ mệnh là “Tự hào mang đến niềm vui cho cộng đồng mỗi ngày trên những cây cầu, con đường mang dấu ấn Thăng Long”; Xây dựng DN với các giá trị cốt lõi là
“Tiên phong, cam kết, hợp tác, tôn trọng, đạo đức” để hướng tới tầm nhìn “Niềm tin số một của khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ, vững bước hội nhập khu vực và thế giới”. Chiến lược phát triển trung và dài hạn của TCT Thăng Long là “Tập trung phát triển ngành nghề truyền thống là đầu tư, xây dựng hạ tầng GTVT, trong đó xây dựng cầu đường là mũi nhọn; các sản phẩm và dịch vụ với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng. Xây dựng DN phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và cổ đông”.
Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Cienco 4, định hướng các năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành nghề, đẩy mạnh đầu tư sang các lĩnh vực mà Tập đoàn có ưu thế theo nhu cầu thị trường, mở rộng liên danh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời mở rộng thị trường sang lĩnh vực xây
dựng và đầu tư các dự án về môi trường như: xử lý nước ngọt, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế…
Trên trang web cienco6.vn, TCT XDCTGT 6 đã khẳng định “Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 6 hiểu rõ được tầm quan trọng của phát triển bền vững và cũng định hướng đây là chiến lược phát triển toàn cầu của công ty. Chúng tôi đã và đang liên tục cải tiến, luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển hạ tầng của đất nước, chủ động đưa ra được những công nghệ thi công tiên tiến thân thiện hơn với môi trường để cùng đồng hành với các đối tác hiện thực hóa các sản phẩm và dịch vụ cải tiến của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 6.”
3.2. NGUYÊN TẮC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TRONG CÁC TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG CỦA VIỆT NAM
HTTT KTQT khoa học và hợp lý sẽ đảm bảo cung cấp thông tin có chất lượng, đáng tin cậy, kịp thời và đảm bảo tiết kiệm CP, đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích cho nhà QT DN trên cơ sở đảm bảo tính hiệu quả của công tác kế toán. Nguyên tắc hoàn thiện HTTT KTQT tại các Tổng công ty XDCTGT thuộc Bộ GTVT như sau:
3.2.1. Nguyên tắc phù hợp
Hoàn thiện HTTT KTQT phải đảm bảo phù hợp với quy mô, tính đa dạng, phức tạp của thông tin nó cung cấp, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà QT trong từng DN cụ thể. Tùy theo mục tiêu và yêu cầu quản lý mà tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tương xứng.
3.2.2. Nguyên tắc kế thừa, chọn lọc và phát huy
Khi hoàn thiện HTTT KTQT phải kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm của các nước tiên tiến, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo để phù hợp với điều kiện cụ thể của DN, phù hợp với đặc điểm kinh tế của đất nước. Đồng thời phải căn cứ trên cơ sở điều kiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ chức hiện tại của DN để tổ chức sắp xếp lại, bổ sung, hoàn thiện những cái cần thiết cho phù hợp, không phá vỡ hay xáo trộn cơ cấu tổ chức hiện có.
3.2.3. Nguyên tắc khả thi, tiết kiệm và hiệu quả
Khi đề xuất giải pháp hoàn thiện HTTT KTQT tại các TCT XDCTGT phải đảm bảo giải pháp có thể thực hiện được. Hoàn thiện HTTT KTQT trong các DN phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của DN, đồng thời cũng phải tính đến xu
hướng phát triển của công tác quản lý và trình độ quản lý của DN. Thông tin cung cấp cho nhà QT phải được chọn lọc, thực sự cần thiết để đưa ra những quyết định ứng phó kịp thời, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Lợi ích HTTT KTQT đem lại phải lớn hơn CP tạo ra nó.