Kinh nghiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một số địa phương

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 28 - 32)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

1.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

1.2.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một số địa phương

1.2.1.1. Kinh nghiệm của thành phố Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh nằm ở phía Nam sông Cầu, phía Đông Bắc của tỉnh

Bắc Ninh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30km về phía Nam. Thành phố Bắc Ninh có diện tích 82,6 km2 với 19 đơn vị hành chính (19 phường). Xác định an toàn thực phẩm luôn là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và là một trong những vấn đề được các cấp chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường. Để tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh đã chủ động tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các phường triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn:

- Chủ động tham mưu cho UBND thành phố, phối hợp các cấp, sở ban ngành ban hành nhiều kế hoạch, tổ chức hội nghị nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố ban hành “Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán”, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho bếp ăn tập thể tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời triển khai thực hiện tốt Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”.

- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, ghi nhận và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, triển khai kế hoạch đào tạo cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở tất cả các tuyến.

- Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh tích cực phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền trong các tổ chức hội, đoàn thể. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền trong các cơ quan, tổ chức, cán bộ, hội viên; tuyên

truyền trực tiếp trong nhân dân, người tiêu dùng về cách lựa chọn, tiêu dùng và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, còn hạn sử dụng, rõ nguồn gốc xuất xứ;

phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo thành chiến dịch truyền thông rộng rãi, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với người tiêu dùng, giảm thiểu tối đa ngộ độc thực phẩm. Trong năm 2019, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh đã tổ chức được 01 hội nghị, 06 lớp tập huấn, 01 hội thi tuyên truyền về kiến thức An toàn thực phẩm. Thực hiện lắp đặt 3 pano; in và phát hành 125 đĩa thông điệp truyền thông về an toàn thực phẩm; truyền thông về an toàn thực phẩm tới các hộ gia đình thông qua tin nhắn di động (Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh, 2020).

- Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh luôn coi trọng việc phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, UBND các phường xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đó tạo được sự đồng thuận trong thực hiện từ cấp thành phố xuống các phường trên địa bàn.

- Tổ chức nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với các nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Trong năm 2019, đã tiến hành 12 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phát hiện 68 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, nhắc nhở 52 cơ sở và xử phạt 16 cơ sở với số tiền hơn 87 triệu đồng (Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh, 2020).

1.2.1.2. Kinh nghiệm của thành phố Hải Dương

Thành phố Hải Dương là một thành phố loại 2, nằm ở phía Bắc của tỉnh Hải Dương, cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông. Thành phố Hải Dương có phía Bắc giáp huyện Nam Sách; phía Đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà; phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng; phía Nam giáp huyện Gia Lộc;

phía Đông Nam giáp huyện Thanh Hà và huyện Tứ Kỳ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, cụ thể là:

- Công tác chỉ đạo, điều hành: thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; cơ quan thường trực là Trung tâm Y tế thành phố; các ban, ngành đoàn thể liên quan khác là thành viên. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm;

điều phối các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện quản lý an toàn thực phẩm phẩm theo quy định của pháp luật. Tương tự cấp thành phố, mỗi phường cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm.

- Công tác tuyên truyền: Trung tâm Y tế thành phố đã quan tâm và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung tâm Y tế thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh như: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hải Dương có nhiều bài viết tuyên truyền các quy định của Luật an toàn thực phẩm, các văn bản pháp luật về vệ sinh phòng dịch, vệ sinh trong giết mổ, vận chuyển, buôn bán thực phẩm gia súc, gia cầm; Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Pháp lệnh Giống cây trồng và các quy định về sản xuất, kinh doanh rau an toàn; về tác hại của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe của con người. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế thành phố đã tham dự lễ phát động và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động qua các tuyến phố chính của thành phố.

- Công tác cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm: để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm được duy trì, hiệu quả, Trung tâm Y tế thành phố đã thực hiện cấp 112 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở trên

địa bàn (Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, 2020).

- Về đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm:

trong năm 2019, đã tổ chức tập huấn 02 lớp cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến phường và cho cán bộ y tế tổ dân phố. Ngoài ra, UBND thành phố đã cử cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tham gia lớp tập huấn về các chỉ tiêu xét nghiệm cơ bản; lớp tập huấn kỹ năng giám sát mối nguy an toàn thực phẩm.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: công tác phối hợp liên ngành được duy trì thường xuyên giữa các ban, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo các cấp; phối hợp giữa các cơ quan quản lý từ tỉnh đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp với các cơ quan hữu quan để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong năm 2019, đã thành lập 14 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, tiến hành kiểm tra 186 cơ sở, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 19 cơ sở với số tiền hơn 82 triệu đồng (Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, 2020). Các lỗi vi phạm chủ yếu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; ghi nhãn mác thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chất lượng thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thái nguyên (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)