Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên
3.3.1. Các yếu tố chủ quan
- Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã được thành lập theo phân cấp quy định, gồm UBND thành phố, Trung tâm Y tế thành phố, Ban Chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm ở 32 xã, phường trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã tích cực triển khai và phối hợp triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đến các đối tượng quản lý, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, phát triển kinh tế và nâng cao sức khỏe người dân.
- Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thành phố Thái Nguyên đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Trong giai đoạn 2017-2019 đã cử 10 cán bộ đi học tập nâng cao trình độ, lĩnh vực đào tạo là an toàn thực phẩm. Hàng năm 100% cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đều được tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, 84,4% cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố có trình độ đại học; 4,3% có trình độ sau đại học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế như: cán bộ chuyên trách còn chiếm tỷ trọng thấp (tỷ trọng trung bình là 10,1%), chủ yếu vẫn là cán bộ kiêm nhiệm (tỷ trọng trung bình là 89,9%); một số cán bộ vẫn chưa tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, còn thụ động trong triển khai nhiệm vụ công tác được giao. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
- Ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Tỷ lệ số cơ sở đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2017-2019 chiếm trung bình 83,5%. Điều này cũng có nghĩa là còn tới 16,5% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Thái Nguyên còn có các vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Để tồn tại những vấn đề nói trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống chưa cao.
Nguyên nhân này có cả sự nhận thức yếu kém, việc chạy theo lợi nhuận hoặc cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Trang thiết bị sử dụng cho hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm: đặc điểm của quản lý thực phẩm là mỗi khi cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định liên quan đến an toàn thực phẩm đều phải căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm và có cơ sở khoa học cụ thể. Do đó, nhìn chung trang thiết bị sử dụng cho hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được UBND thành phố Thái Nguyên quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên một số cơ sở hạ tầng về kiểm nghiệm, xét nghiệm, dụng cụ thử test, kiểm tra, công nghệ kiểm nghiệm, giám định thực phẩm…vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phức tạp trong vấn đề xét nghiệm, kiểm nghiệm các thành phần có trong thực phẩm hiện nay.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
3.3.2. Các yếu tố khách quan
- Các chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm Hệ thống văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta tương đối toàn diện và phong phú, đã được luật hóa nhiều quy định quan trọng, bao gồm các lĩnh vực như an toàn sức khoẻ cộng đồng, quy định về kiểm dịch động thực vật, hệ thống quy định về kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm. Trong đó, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 là văn bản pháp lý cao nhất quy định nội dung quản lý, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với các văn bản theo hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, nhiều văn bản luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng đã được ban hành như: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Hình sự, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ thực vật,…và hàng loạt các văn bản dưới luật cũng được ban hành. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn về thực phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngoài ra, pháp luật an toàn thực phẩm nói chung đã có một bước tiến vượt bậc trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trên thị trường. Trên cơ sở phân công phân cấp cho các lực lượng chức năng, ban ngành, tạo được sức mạnh tổng hợp trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh đó, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm còn quá nhiều, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn chưa cao, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng. Ví dụ như theo quy định tại Điều 6, Luật An toàn thực phẩm, việc xử lý hành vi vi phạm
pháp luật về an toàn thực phẩm quy định có 02 biện pháp xử lý: xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự, nhưng trong thực tế chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tính ổn định của một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Sự thiếu ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật đó đã gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát an toàn thực phẩm của các cơ quan nhà nước.
- Yếu tố thông tin quản lý: xác định đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nên thành phố Thái Nguyên đã liên tục chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố, Ban Chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm ở 32 xã, phường trên địa bàn thành phố thường xuyên cập nhật các thông tin biến động về các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn để kịp thời có những giải pháp chấn chỉnh, quản lý. Đặc biệt đối với những thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, thành phố Thái Nguyên đều giao cơ quan, đơn vị liên quan xác minh để kịp thời xử lý.
- Yếu tố truyền thông: công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức “Tháng hành động” về an toàn thực phẩm hàng năm; trong giai đoạn 2017-2019, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã tổ chức được 210 buổi nói chuyện có lồng ghép nội dung tuyền truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với 16.230 lượt người tham dự; đã tổ chức được 12 lớp tập huấn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với 1.216 lượt người tham dự; tổ chức được 94 hội thảo có chủ đề liên qua đến nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
với 8.200 lượt người tham dự…Tuy nhiên, hạn chế của công tác này là hiệu quả mang lại chưa cao, chưa xây dựng được ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân còn rất hạn chế.