CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA EDGAR ALLAN POE
3.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện có yếu tố kì ảo
3.1.1. Xây dựng cốt truyện từ các chi tiết kì ảo
Edgar Allan Poe đã tạo dựng một thế giới nghệ thuật đầy kì ảo, hoang đường.
Trong thế giới nghệ thuật kì ảo, huyền bí của mình, ông đã sử dụng khá nhiều chi tiết nghệ thuật mang tính chất phi thường, kì ảo. Những chi tiết nghệ thuật ấy đều tập trung thể hiện tính chất phi lí của thực tại và thực trạng về nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trong xã hội nhiễu nhương đang diễn ra trước mắt người nghệ sĩ tài năng nhưng bất hạnh. Mỗi truyện ngắn của Poe là một góc đâu đó của xã hội Mỹ đương thời và trong mỗi chi tiết nghệ thuật, nhà văn cố gắng khắc sâu hơn những mảnh vỡ của hiện thực xã hội ấy.
Yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là sự xuất hiện của chi tiết, hệ thống chi tiết và hành văn mang ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Vận dụng lí thuyết này, chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu kĩ hệ thống các chi tiết trong cốt truyện của Edgar Poe. Poe đặc biệt chú trọng tới chi tiết nghệ thuật – yếu tố quan trọng cấu thành cốt truyện. Vì vậy, ông có sự lựa chọn kĩ càng, tổ chức chặt chẽ các chi tiết nghệ thuật, tạo hiệu ứng cảm xúc “sợ hãi”, “khiếp sợ” ở độc giả.
Cái mới lạ, độc đáo được Poe tìm kiếm công phu, suy tính cẩn trọng trong việc lựa chọn từng chi tiết, sắp xếp chúng nhằm tạo ra “ấn tượng thống nhất”, xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện. Truyện kì ảo tạo nên cảm giác “lưỡng lự”, “phân vân” ở người đọc. Người đọc không biết chuyện đó xảy ra do ngẫu nhiên hay do một thế lực siêu nhiên nào đó chi phối, hoặc trạng thái bất ngờ, sợ hãi những truyện ngắn kì ảo có yếu tố kinh dị. Chẳng hạn, trong Berenice là chi tiết những chiếc răng nhỏ như ngà của người đẹp chết yểu tung ra từ chiếc hộp gỗ mun hay chi tiết Berenice đột ngột hiện lên trước mặt “tôi” trong thư phòng vắng lặng, vào chiều đông sương mù... giống hệt một bóng ma hoặc chi tiết sau khi bị chôn, “người chết vẫn còn thở, tim vẫn đập”
(Edgar Allan Poe, 2002, trang 587). Trong Ligeia là hiện tượng “nhập hồn” của Ligeia vào thân xác của người vợ mới Rowena. Rowena đã chết nhưng có dấu hiệu sống lại tới bốn lần: Lần một – cặp má “đỏ hồng” trở lại; Lần hai – đôi môi “mấp máy run run... hé ra, để lộ hàm răng sáng như ngà” (Edgar Allan Poe, 2008, trang 53); Lần ba – “hơi ấm trở lại trên thái dương, cổ và má nàng... lan ra khắp cơ thể” (Edgar
Allan Poe, 2008, trang 54); Lần bốn – thân thể lại “cựa quậy... giãy giụa – lần giãy giụa này mạnh mẽ hơn... sinh khí lại vẫn hiện ra tràn đầy trên gương mặt” (Edgar Allan Poe, 2008, trang 54 – 55). Khi Ligeia nhập hồn vào xác người vợ mới Rowena, cái xác ấy biểu hiện sự sống với những hành động bất thường và chi tiết thể hiện mối liên quan giữa người vợ cũ với cái xác của người vợ mới là đôi mắt: “Đôi mắt trên gương mặt ấy chầm chậm mở ra... đôi mắt đen tròn, man dại của người vợ trước đã quá cố” (Edgar Allan Poe, 2008, trang 56). Hiện tượng “đầu thai” của Morella mẹ vào Morella con gái trong Morella được thuật lại với chi tiết kì lạ: “Nơi hầm mộ mà tôi gửi xuống tiếp theo (xác Morella con gái), tôi không mở ra dấu ấn gì của lần thứ nhất – Morella” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 354). Trong Con mèo đen, ám ảnh nhất là chi tiết tiếng mèo kêu phát ra từ bên trong bức tường giấu xác chết, bức tường đổ ập xuống, cái thi hài đã thối rữa của người vợ hiện ra cùng với con mèo. Trong Trái tim mách bảo, chi tiết “đôi mắt kên kên” đầy ám ảnh đẩy nhân vật “tôi” vào hành động phạm tội giết người, và tiếng đập của trái tim dội lên bên dưới tấm ván, buộc
“tôi” phải thốt lên “tiếng đập của trái tim gân guốc của ông ta đấy” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 507).
Hầu hết các chi tiết kinh dị kì ảo tập trung ở phần cuối truyện, gây cho độc giả ấn tượng sợ hãi. Có thể thấy, truyện ngắn của Poe kế thừa các yếu tố kinh dị của văn học Gothic châu Âu truyền thống và Poe là một trường hợp điển hình của sự tiếp nhận ảnh hưởng văn học châu Âu đối với văn học Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong truyện ngắn của Poe, các chi tiết kinh dị lại được tổ chức và triển khai theo cách trái ngược: mở đầu truyện (khai đoạn) là những chi tiết bình thường; sự hồi hộp tăng dần ở phần phát triển (cao trào), và đến phần kết thúc truyện (mở nút) xuất hiện dồn dập những chi tiết kì ảo, kinh dị, khủng khiếp, bí hiểm, thậm chí thách đố trí tuệ của độc giả. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa truyện kinh dị của Poe với truyện kinh dị Gothic châu Âu truyền thống.
Một điểm dễ dàng nhận thấy trong truyện kinh dị của Poe là các chi tiết kì ảo, nói chung, đều mang tính tương tác nhân – quả hướng tới sự “mở nút” . Poe rất có ý thức trong việc lựa chọn, tổ chức hệ thống các chi tiết một cách logic, theo nguyên lý nhân – quả, nhằm đem lại hiệu quả thống nhất cho tác phẩm. Loại chi tiết này xuất hiện đậm đặc nhất trong truyện trinh thám, đặc biệt trong cách suy luận của nhân vật
“nhà thám tử”. Tuy nhiên, trong truyện kinh dị của Poe, kiểu chi tiết nhân – quả cũng
xuất hiện với tần suất rất cao, tiêu biểu là trong các truyện Con mèo đen, Thùng rượu Amontillado, Trái tim mách bảo, Berenice,...
Berenice là một truyện ngắn không nhiều sự kiện, thiên về mô tả tâm lí nhân vật. Tuy nhiên, ngay ở loại truyện kinh dị tâm lí này, các chi tiết trong cốt truyện cũng thể hiện rõ tính chất nhân – quả. Nhân vật “tôi” quá bị ám ảnh bởi “những chiếc răng ma” của người yêu – cô em họ Berenice, đến mức “nó luôn ám ảnh trong tâm trí tôi.
Nét cá biệt của hàm răng đó trở thành bản chất của đời sống tinh thần của “tôi”:
“Tôi nhìn thấy nó. Tôi quan sát nó… Tôi nghiên cứu đặc tính của nó. Tôi trầm tư trước hình thù của nó” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 584). Từ đó, nó dẫn đến sự
“thèm muốn”, “chiếm hữu”: “Tôi thèm muốn hàm răng đó đến điên cuồng… Tôi có
cảm giác rằng chỉ sự chiếm hữu của nó trong tôi mới có thể mang đến cho tôi sự thanh thản và tôi mới có thể tìm lại được lí tính của mình” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 584). Điều này lí giải chi tiết nằm ở cuối truyện: hành vi “xâm phạm thân thể người chết” của nhân vật “tôi”, để lấy bằng được ba mươi hai chiếc răng “nhỏ như ngà” của người tình đã chết Berenice, như một sự giải toả ẩn ức.
Cốt truyện sử dụng chi tiết kì ảo mang tính nhân – quả còn bộc lộ trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai. Chính vì cái tính khí “vốn bất định”, ưa khám khá (Edgar Allan Poe, 2002, trang 356), “tôi” bước lên con tàu, bắt đầu chuyến phiêu lưu trên biển. Trên tàu, nhân vật “tôi” quan sát thấy những dấu hiệu rất lạ: đám mây lẻ loi, màu đỏ bầm của mặt trăng, vẻ lạ lẫm của biển, bầu không khí oi bức, yên tĩnh khó tả, “tôi” linh cảm một cơn bão biển sẽ xảy đến. Linh cảm của “tôi” đúng. Cơn bão biển dữ dội đổ ập xuống khiến “tôi’ bị hất tung khỏi con tàu thứ nhất, rồi rơi vào trong lòng một con tàu thứ hai kì lạ, ma quái. Bởi con tàu ma đi vào một vùng biển lạ, nơi có dòng hải lưu rất mạnh đổ về Bắc cực. Do vậy, con tàu đã bị dòng hải lưu cuốn băng đi và chìm xuống đại dương.
Mặc dù luôn đề cao nguyên tắc tổ chức chi tiết trong cốt truyện một cách logic, chặt chẽ, hướng tới sự “mở nút” và “hiệu ứng thống nhất”, nhưng không có nghĩa yếu tố “ngẫu nhiên” hoàn toàn bị loại trừ trong truyện của Poe. Trái lại, đôi khi, sự ngẫu nhiên là yếu tố cần thiết trong việc cấu thành một cốt truyện cuốn hút, bất ngờ, kích thích mong muốn khám phá ở độc giả. Trong những câu chuyện kinh dị, người đọc nhận thấy Poe đã sử dụng rất thành công những chi tiết “ngẫu nhiên” tạo “độ căng”
và “cao trào” trong cốt truyện. Tính chất ngẫu nhiên - định mệnh được Poe mô tả tài
tình trong truyện ngắn Trái tim mách bảo: cả lí do khiến “tôi” phạm tội lẫn hành vi phạm tội đều phần nào có tính chất ngẫu nhiên. Trước hết, ý tưởng giết ông lão đến với nhân vật “tôi” một cách ngẫu nhiên, không thể lí giải rõ ràng bằng lí trí, được giới thiệu ngay ở những dòng đầu tiên của truyện: “Không thể nói được là ý tưởng ấy lúc đầu đến với tôi như thế nào, nhưng khi đã phát lộ thì nó cứ ám ảnh tôi suốt ngày.
Không có gì rõ ràng cả…” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 500). Tiếp đó, hành động giết ông lão trong đêm thứ tám, cũng có vẻ gì đó ngẫu nhiên, tình cờ. Đã bảy đêm trôi qua mà “tôi” vẫn không thực hiện được ý đồ giết ông lão, chỉ vì đôi mắt ông ta khép lại. Chỉ đến đêm thứ tám, vô tình, “đôi mắt kền kền” ấy mở ra: “Nó đây rồi, nó
đã mở, mở rộng ra và tôi giận dữ nhìn chằm chằm vào nó…” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 503). Chính tình huống ông lão mở “đôi mắt kền kền” đã tạo xung lực mãnh liệt thúc đẩy “tôi” gạt bỏ nỗi sợ hãi, thực hiện hành vi giết người của mình. Giả sử
“đôi mắt kền kền” của ông lão ấy cũng như bảy đêm trước không mở ra, thì có lẽ, hành vi giết ông lão vẫn không thể thực hiện, cho dù kế hoạch đã được “tôi” chuẩn bị kĩ lưỡng.
Hay trong truyện Con mèo đen, mặc dù nhìn chung các chi tiết được sắp xếp rất hợp lí chặt chẽ theo quan hệ nhân – quả, nhưng đây đó vẫn hiện diện khá nhiều tình tiết mang tính chất ngẫu nhiên: con mèo thứ hai trông giống hệt con mèo đen thứ nhất (cũng bị chột một mắt và có khoang lông trắng như vết dây thừng ở cổ), sự kiện ngôi nhà của “tôi” bị hỏa hoạn đúng vào đêm con mèo bị treo cổ, con mèo đen thứ hai bị
“tôi” vô tình chôn sống sau bức tường và, hành động tình cờ của “tôi” đập trúng ngay vào chỗ bức tường giấu xác người vợ,… Những chi tiết kì ảo ngẫu nhiên được Poe sử dụng hợp lí, đúng thời điểm, đúng tình huống, đã tạo ra “tính đột biến” trong cốt truyện, đó là những sự việc. Những chi tiết, sự kiện tưởng chừng ngẫu nhiên, vô lí đó không nằm ngoài “tầm kiểm soát” của Poe, được Poe sử dụng một cách hiệu quả, khiến cho sự ngẫu nhiên có vẻ vô lí đó lại trở nên hợp lí, có thể lí giải được. Yếu tố ngẫu nhiên đã góp phần tạo “độ căng” và “cao trào” cho cốt truyện của Poe. Sau các sự kiện hoặc chi tiết ngẫu nhiên, câu chuyện lại được phát triển lên một mức độ mới và số phận nhân vật lại có những bước ngoặt mới.
Các truyện ngắn mang tính chất kì ảo của Poe còn có sự xuất hiện chồng lớp, đan xen nhau của những chi tiết miêu tả hiện thực và những chi tiết mang tính chất kì dị, bất thường tạo nên cảm giác rợn ngợp, ma mị khó nắm bắt. Truyện Cuộc đối
thoại ngắn ngủi với một xác ướp khai thác chủ đề có tính chất kinh dị – xác chết sống lại, trò chuyện với người sống. Qua truyện ngắn này, Poe bộc lộ am hiểu sâu sắc về khoa y học thời cổ đại cũng như nghệ thuật ướp xác Ai Cập cổ đại. Lịch sử xác ướp được Poe mô tả qua những chi tiết rất cụ thể: xác ướp được lấy từ một ngôi mộ gần Eleithias, vùng núi ở Libye, cách khá xa Thebes trên sông Nile, Ai Cập. Xác ướp của một người có tên Allamistakeo – Bá tước, thuộc dòng họ Scarabee, được 700 tuổi.
Xác ướp được bảo quản kỹ lưỡng trong 3 lớp hộp. “Từ đầu đến chân có những dòng 137 chữ được viết theo hàng dọc hoặc hàng ngang, các chữ tượng hình ghi lại tên tuổi và địa vị người quá cố cũng như tên tuổi và địa vị của thân sinh người quá cố…”
(Edgar Allan Poe, 2002, trang 477). Trải qua một thời kì dài nhưng “toàn bộ cơ thể xác ướp được bảo vệ một cách hoàn hảo” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 478), đặc biệt, xác ướp không hề có dấu vết bị rạch mổ nào nhờ vào kỹ thuật ướp xác đặc biệt của người Ai Cập cổ đại. Qua những chi tiết miêu tả hiện thực đan xen những chi tiết mang tính chất kì dị, E.A.Poe đã bộc lộ kiến thức hiểu biết về thành tựu y học, nhất là nghệ thuật ướp xác của Ai Cập cổ đại cùng nỗi ám ảnh về cái chết.
E.A.Poe đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện thông qua việc xâu chuỗi các chi tiết, tình huống truyện mang tính chất kì ảo, tạo nên tính chất hoang đường cho câu chuyện kể. Sự góp mặt của những chi tiết kì ảo, ghê rợn góp phần thể hiện tính chất huyền thoại trong cách thể hiện của nhà văn, đồng thời cũng khái quát hiện thực một cách xuất sắc tính chất phi lí, đâu đó là cảm giác của nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trong xã hội hiện đại.