Ngôn ngữ miêu tả, trần thuật

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 84 - 89)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA EDGAR ALLAN POE

3.2. Ngôn ngữ đậm sắc thái kì ảo

3.2.1. Ngôn ngữ miêu tả, trần thuật

Trong truyện ngắn của mình, Edgar Allan Poe thường để cho nhân vật chính kể lại những câu chuyện kì quái của mình bằng một ngôn ngữ trần thuật đặc biệt. Các nhân vật trong loạt truyện này đều được viết từ ngôi thứ nhất. Người kể xưng “tôi”

xuất hiện trong hàng loạt truyện ngắn vừa đóng vai trò tường thuật lại những gì mình trải nghiệm, chứng kiến vừa phân tích những trải nghiệm đó. Nhờ sự kết hợp giữa kể và phân tích, độ căng của câu chuyện kinh dị càng được gia tăng. Đặc biệt, cách kể xưng “tôi” và trực tiếp đối thoại với người nghe được gọi là “bạn” còn giúp độc giả dễ dàng đứng vào vị trí của người kể để xâm nhập sâu hơn vào tiến trình tự sự. Có thể liệt những truyện ngắn này vào dạng “tự truyện hư cấu”.

Nhân vật đặc thù của Poe thường là “tôi” người kể chuyện hoặc là “tôi” kể lại câu chuyện của một nhân vật trung tâm. Có lúc “tôi” là nhân vật chính diện như trong Thùng rượu Amontillano. Có lúc “tôi” là nhân vật phản diện như trong Mi cũng là một con người. Điểm đặc biệt là phân biệt chính diện, phản diện, hiện thực hay hoang đường,... đối với từng nhân vật của Poe không dễ. Ở truyện ngắn của Poe luôn tồn tại tính tính nhị nguyên trong tâm lí, tính cách, hành động của nhân vật. Nhờ đặc điểm này mà giới nghiên cứu luôn ca tụng truyện của Poe là loại truyện hiện đại, giàu sức gợi.

Truyện Trái tim mách bảo là chuyện của nhân vật “tôi”, nhân vật chính của truyện, chủ thể của hành động gây tội ác tự kể lại việc làm của mình: “Gỡ ba miếng ván sàn, tôi nhét tử thi vào những khoảng trống, rồi gắn ván sàn lại khéo léo đến nỗi không có cặp mắt nào – kể cả mắt lão – có thể khám phá được điều gì bất thường.

Chẳng có gì phải lau chùi cả. Không một vết tích nhỏ, không một giọt máu vương vãi. Tôi hết sức cẩn trọng đề phòng việc ấy” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 33).

Nhân vật “tôi” trong truyện Con mèo đen cũng là nhân vật người kể chuyện kể lại hành động tàn nhẫn của mình: “Với một cái xà beng, tôi dễ dàng nạy những viên

gạch ra, rồi cẩn thận đặt cái xác vào sát phía trong, tựa lưng vào tường, rồi không một chút vất vả, tôi xếp gạch lại như trước. Có đủ cát, vôi hồ và lông thú, tôi cẩn thận chế biến một thứ vữa giống hệt như loại vữa cũ, và với chất liệu đó tôi trát lên đoạn tường mới dựng. Làm xong, tôi thấy hài lòng vì tất cả đều hoàn hảo” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 154).

Trong truyện Thùng rượu Amontillano, người xưng “tôi” là người kể chuyện và là nhân vật chính: “Tôi vội vàng hoàn thành công việc. Nhấn viên đá cuối cùng vào đúng chỗ, tôi trát vữa lên, rồi xếp xương người tựa vào công trình mới xây cất. Đã nửa thế kỉ trôi qua chưa có kẻ trần tục nào bén mảng đến đây. Hãy yên nghỉ nhé!”

(Edgar Allan Poe, 2021, trang 178).

Để ngôn ngữ trần thuật thêm phần đặc biệt, Poe đã sử dụng thủ pháp tỉnh lược ở nhiều cấp độ. Thủ pháp này góp phần không nhỏ cho việc tạo ra hiệu quả “mới” và

“mạnh mẽ” mà Poe luôn đề ra khi cầm bút. Cả ba đoạn trích mô tả hành vi giấu xác chết của ba kẻ sát nhân đã dẫn ở trên. Có thể thấy, những tính từ bộc lộ cảm xúc đã được lược bỏ. Tất cả bọn họ đều không tỏ ra ăn năn hay sợ hãi khi đối diện với tử thi do chính mình sát hại. Việc giấu xác nạn nhân được diễn ra nhanh gọn, lanh lẹ chẳng khác nào một công việc lao động giản đơn. Thủ pháp tỉnh lược còn mở rộng tới những cấp độ khác. Poe đã xóa đi những mốc thời gian cũng như địa danh nơi xảy ra án mạng. Tóm lại, câu chuyện của ông có thể xảy ra ở bất kì đâu, bất kì thời điểm nào.

Riêng trong Thùng rượu Amontillado chi tiết nhân vật cầm đuốc đi vào hầm mộ khiến bạn đọc cảm thấy câu chuyện này có vẻ xảy ra khá lâu rồi nhưng thời điểm nào thì không thể biết rõ. Tuổi nhân vật không xác định, tên cũng không có. Trong truyện Thùng rượu Amontillado, nhân vật có tên họ và cũng chỉ được gọi một lần lúc sắp kết thúc. Chính sự tỉnh lược triệt để này đã khiến ngôn ngữ trần thuật mang sắc thái hiện đại dù chúng được viết vào nửa đầu thế kỉ XIX. Toàn bộ các câu chuyện được kể lại bởi người kể xưng “tôi” đã giúp tác giả khai thác thế giới nội tâm của nhân vật chính.

Hơn nữa, nhân vật “tôi” thường là người được đặt tên không chỉ có tác dụng tỉnh lược, mà nó còn thể hiện nhiều ý nghĩa như: con người nói chung như là những biểu hiện hầu khắp trong xã hội hoặc những con người có điều gì đó còn phải giấu kín hoặc có những ẩn ức.

Cũng như nhiều tác giả trào phúng khác, Poe sử dụng khá nhiều thủ pháp phóng đại, tương phản và nhại để tạo nên giọng kể hài hước. Poe đã nắm bắt được trạng thái

luôn quá khích của người điên và thể hiện nó qua ngôn ngữ ngoa dụ của nhân vật.

Chẳng hạn, đó là cái cách mà Montresor trong Thùng rượu Amontillado thể hiện sự khó chịu với nạn nhân của mình: “Fortunato đã xúc phạm tôi cả ngàn lần rồi và tôi luôn cam chịu nhẫn nhịn. Nhưng rồi lần này anh ta đi xa hơn mức độ xúc phạm, và tôi thề sẽ phải rửa hận” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 162). Hay trong Con mèo đen, kẻ sát nhân luôn bộc lộ sự căm ghét quá mức với con mèo đen của y: “ Ngày cũng như đêm, không lúc nào tôi còn được nghỉ ngơi, yên ổn nữa. Ban ngày nó không để cho tôi được phút nào một mình, còn ban đêm tôi luôn chìm vào những giấc mơ khủng khiếp, cảm thấy hơi thở nong nóng của con vật phả lên mặt tôi” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 151 – 152). Có thể thấy, nạn nhân càng hiền lành, tử tế, thậm chí đáng tôn trọng bao nhiêu thì kẻ sát nhân càng khó chịu, rấm rứt bấy nhiêu. Tác giả đã để cho nhân vật kể chuyện nhại lại giọng điệu của một người tỉnh táo hoặc luôn cố tỏ ra tỉnh táo và hợp lí khiến chất uy – mua được duy trì liên tục từ đầu đến cuối. Nó đã hà hơi tiếp sức, thổi những luồng sinh khí quý giá vào những trang viết đậm đặc chết chóc của Poe.

Todorov quan niệm: “Miêu tả, chỉ riêng nó không đủ để làm nên một truyện kể, nhưng truyện kể bản thân nó lại không loại bỏ miêu tả” (Tzeran Todozov, trang 53). Ngôn ngữ miêu tả truyện ngắn của Edgar Allan Poe đã góp phần thể hiện cảm quan thế giới bằng huyền thoại. Ngôn ngữ miêu tả, trần thuật được thể hiện qua việc Edgar Allan Poe dùng các trạng từ (phụ từ) gợi tả sự xuất hiện kì ảo của nhân vật, sự kiện. Trạng từ là những từ chuyên đi kèm với động từ, tính từ hay trạng từ khác. Loại từ này không có khả năng gọi tên sự vật, hành động, tính chất mà chỉ có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ hoặc các trạng từ đi kèm. Trong các truyện ngắn kì ảo, Edgar Allan Poe sử dụng khá nhiều các trạng từ gợi tả sự xuất hiện kì ảo của nhân vật như bỗng chốc, đột nhiên, bất chợt, bỗng nhiên, bỗng,… để chỉ tính chất bất thường của sự vật, hiện tượng. Khi kết hợp với các động từ, tính từ đi sau, nó sẽ tạo ra không khí kì ảo, ma quái gây bất ngờ cho người đọc.

Trong truyện ngắn Con mèo đen, trạng từ xuất hiện gấy cảm giác đột ngột, bất ngờ: “Hồn tôi lúc này như bỗng chốc bay ra khỏi xác – cơn điên loạn tàn dữ khiến các thớ thịt của tôi run lên bần bật” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 144); “Khi tiếng gõ vừa dứt bỗng có tiếng đáp lại từ bên trong ngôi mộ! Như một tiếng khóc, tắt nghẹn đứt rời như của trẻ con, rồi nhanh chóng to dần và biến thành tiếng rít kéo dài (...) những âm hồn đang bị đọa đày” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 157). Trạng từ ở một

đoạn trong truyện ngắn Mặt nạ tử thần đỏ tạo không khí gây áp lực, tạo tình huống tăng nỗi lo sợ: “Và rồi đồng hồ lại đổ chuông từ căn phòng màu nhung đen. Tất cả đột nhiên bất động, im phăng phắc, chỉ còn âm thanh ngân nga từ chiếc đồng hồ.

Mọi thứ như đông cứng lại. Âm vang kéo dài một chốc rồi tắt” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 18). Trong truyện ngắn Con bọ rầy vàng đoạn sử dụng trạng từ nhấn mạnh nỗi sợ hãi của nhân vật trước một phát hiện đột ngột: “Rõ ràng ông ta muốn ném nó vào lò sưởi. Bất chợt tình cờ nhìn vào hình vẽ ông ta khựng lại chú ý. Trong một thoáng, mặt ông đỏ gay lên rồi chợt tái xám” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 12).

Việc sử dụng các trạng từ trên đã tạo điều kiện cho yếu tố ngẫu nhiên xuất hiện như một cú hích để nhà văn buộc nhân vật hành động. Sự ngẫu nhiên dẫn người đàn ông đến hành động dùng cái bình đập mạnh vào tảng gạch đỡ xác vợ anh ta. Từ đó, sự cố kì ảo xuất hiện. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả sử dụng các trạng từ chỉ sự xuất hiện kì ảo cao trong các truyện ngắn của mình. Edgar Allan Poe sử dụng các từ này để giúp cho các sự việc, hiện tượng, sự kiện trở nên đột ngột, bí ẩn, lạ lùng, ghê sợ.

Edgar Allan Poe sử dụng cụm từ mang tính phỏng đoán như: dường như, cho rằng, đoán chừng, thoáng thấy, áng chừng,... có tác dụng làm “nhòe hóa” sự việc.

Những cụm từ võ đoán xuất hiện trong cảm nhận, cảm giác và đôi khi là do “giác quan thứ sáu” của nhân vật về sự kì bí của hiện thực và con người. Những từ có ý nghĩa phỏng đoán trong truyện ngắn Vụ án đường Morgue lại có ý nghĩa như là sự khẳng định, làm người trong cuộc phân vân: “Lúc đó tiếng la ngừng bặt, nhưng khi nhóm người lên đến tầng hai, mấy tiếng la dữ dội lại vang lên, dường như từ phía tầng trên ngôi nhà, như thể của hai người đang cãi nhau kịch liệt” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 194); “Có nhận ra được vài tiếng. Hình như người nói đang bàn bạc, cãi vã gì đó với một người khác” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 203). Truyện ngắn Con mèo đen, từ phóng đoán “hình như” cho thấy suy nghĩ không chắc chắn của nhân vật: “Nếu gặp nó ngay lúc này thì số phận của nó đã an bài. Nhưng hình như con vật ranh ma quá sợ hãi những cơn giận dữ của tôi trước đây nên khôn ngoan tránh mặt khi thấy tính khí tôi đang ở trong tình trạng này” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 155). Có thể thấy, Edgar Allan Poe thường xuyên sử dụng các từ ngữ mang tính phỏng đoán để làm tăng tính kì ảo của sự kiện. Đó cũng chính là dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong kĩ thuật viết của tác giả. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên

hai yếu tố thực – ảo. Tác giả biến cái ảo trở thành một phần hiện thực và tạo cho người đọc cảm giác tin vào hiện thực huyền ảo ấy.

Thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu được Edgar Poe sử dụng khá phổ biến trong ngôn ngữ miêu tả, trần thuật. So sánh, đối chiếu vẻ đẹp của các nhân vật với cái được so sánh là những hình ảnh mang tính chất khác thường, siêu thực. Điều này thể hiện sự sáng tạo của nhà văn trong việc đưa chất liệu kì ảo vào câu chuyện. Thủ pháp so sánh, đối chiếu đã làm tăng hiệu quả lạ hóa cho cốt truyện. Đồng thời, nó góp phần tạo cho mạch truyện sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc như truyện Bản thảo tìm thấy trong chai: “Mặt trời như một cái bánh xe màu trắng bạc nhợt nhạt cô đơn khi bắt đầu phóng vào lòng đại dương thăm thẳm” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 360).

Truyện Berenice là so sánh rất khó hình dung: “những dụng cụ của nha sĩ và ba mươi hai vật nhỏ như ngà” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 588). Sự so sánh trong truyện Mặt nạ tử thần đỏ nhiều liên tưởng: “Mỗi khi kim phút chạy đủ một vòng, từ lá phổi bạo dạn của nó, lại phát ra tiếng chuông điểm giờ thật lớn, trong trẻo và thánh thót như một nốt nhạc” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 16).

Ngôn ngữ miêu tả, trần thuật trong truyện ngắn kì ảo của E.A.Poe còn được thể hiện ở việc nhà văn sử dụng các động từ gây cảm giác bất ngờ, rùng rợn. Đó là những động từ – hệ quả của hành động mà các nhân vật thực hiện. Nhưng cũng có khi những hành động lại tự nhiên diễn ra, hay do một thế lực siêu nhiên nào đó điều khiển. Sử dụng các động từ mạnh là sự thể hiện cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nhà văn. Các động từ ấy biểu hiện sự biến hóa kì diệu hay ghê rợn một cách nhanh chóng. Trong những câu chuyện đẫm chất hoang đường, kì ảo, các động từ được dùng với mục đích miêu tả hành động của nhân vật với các nhân vật. Thế giới tâm lí trong truyện ngắn của Edgar Poe tràn ngập nỗi lo âu, sợ hãi, bất an, kiệt quệ về tinh thần, ốm yếu về thể xác của các nhân vật. Những từ ngữ miêu tả trạng thái tâm lí này xuất hiện trong tất cả các truyện ngắn của Poe với tần suất cao. Poe dùng nhiều từ đồng nghĩa để diễn tả trạng thái sợ hãi mang tính bản thể này của con người, như: khiếp đảm, ghê sợ, khiếp sợ, sợ đến tái nhợt, rùng mình, dựng tóc gáy,...

Trong truyện Berenice, trạng thái sợ hãi của nhân vật được mô tả bằng nhiều từ đồng nghĩa, trong nhiều tình huống khác nhau: “Một cơn giá lạnh chạy dọc sống lưng của tôi. Một nỗi khiếp đảm làm tôi tức thở, tính tò mò xâm nhập vào tâm hồn tôi…”

(Edgar Allan Poe, 2002, trang 583). Hay: “Sự ghê sợ đã choán lấy tôi – sự sợ hãi

mạnh mẽ như những cơn sóng – một sự khiếp sợ mà chỉ sự khó hiểu của nó thôi cũng đã đủ hãi hùng rồi. Đó là một trang khiếp đảm trong quyển sách cuộc đời tôi, quyển sách hoàn toàn được viết bằng những kỷ niệm tồi tệ, xấu xa và khó hiểu” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 586). Hoặc: “Tôi rùng mình trước sự xuất hiện của cô ấy, sợ đến tái nhợt khi cô ấy tiến lại gần” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 582). Hoặc:

“Nguyên nhân nào làm cho tôi dựng tóc gáy và máu lạnh chảy trong tĩnh mạch khi đọc những từ này” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 587). Quả thực, “Poe đã thả một cá nhân đầy lo sợ vào một thế giới bình thường”, thay cho việc “lia một cá nhân bình thường vào một vũ trụ đầy lo âu” (Jacques Cabau, 2009, trang 54). Các động từ mạnh là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện, đưa người đọc lạc vào không khí bảng lảng huyền ảo trong một thế giới không có trong đời thực. Đồng thời, các động từ này gắn bó với các tình huống có tính phi thường, dị thường của văn học kì ảo, tạo ra sự bất an trong lòng người đọc trước một cuộc sống quá nhiều đột biến.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)