Những đồ vật quen thuộc

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 103 - 112)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA EDGAR ALLAN POE

3.3. Hệ thống hình ảnh mang tính biểu tượng

3.3.4. Những đồ vật quen thuộc

Vật mang tính biểu tượng được Poe xây dựng dựa trên ý nghĩa phổ quát của chúng trong văn hóa dân tộc hoặc văn hóa thế giới. Nhưng cũng có khi Poe tạo thêm tầng nghĩa mới, thuần túy mang dấu ấn cá nhân. Trong hệ thống vật mang tính biểu tượng của Poe, có thể kể đến biểu tượng mặt nạ. Theo ý nghĩa truyền thống, mặt nạ là biểu tượng cho sự che giấu mưu mô của con người, mang dáng vẻ của những “bóng ma”. Còn mặt nạ carnival lại là biểu tượng cho niềm vui, sự giải phóng con người về phương diện xã hội, bởi khi đeo mặt nạ lên, hiện thực được che phủ, con người tạm thời mang một diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Trong truyện Thùng rượu Amontillado, Poe có dụng ý khi để gã ngốc Fortunato đeo chiếc “mặt nạ bằng lụa đen”, như một nét nhấn, bổ sung cho bộ cánh mang phong cách carnival của Fortunato. Còn trong

truyện Mặt nạ tử thần đỏ, Thần chết xuất hiện với một chiếc mặt nạ đáng sợ, nổi bật giữa những chiếc mặt nạ đủ màu sắc, kiểu dáng của các vị khách. Gắn với mặt nạ thường là những bộ trang phục carnival. Để tô đậm chân dung “kẻ may mắn”

Fortunato, trong Thùng rượu Amontillado, Poe đã khoác lên nhân vật một bộ trang phục carnival, vô cùng sặc sỡ, “một chiếc áo dài sọc bó sát người, đầu hắn được tôn cao lên bởi một chiếc mũ nhọn và những quả chuông nhỏ lủng lẳng…” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 127). Bộ trang phục lòe loẹt đó phần nào bộc lộ tính cách phù phiếm, nhẹ dạ, ngốc ngếch của Fortunato, không phải ngẫu nhiên anh ta thường bị gọi bằng cái tên “Gã ngốc Fortunato”. Chính sự ngốc ngếch, cả tin đã đẩy Fortunato tới cái chết, khi anh ta mải mê đi tìm thùng rượu quý Amontillado do sự dẫn dụ đầy tính toán của Montresor.

Poe cũng rất chú ý đến những vật liên quan, gần gũi với cuộc sống của con người như ngôi nhà, bức tường, cái chuông, cái đồng hồ,… Ngôi nhà trong truyện Sự suy tàn của ngôi nhà Usher là biểu tượng cho một cái nhà ngục, giam hãm thể xác yếu đuối và tâm hồn cô độc của nhân vật, khiến anh ta không thể thoát ra được, cũng giống như loài nấm kí sinh đang ăn mòn đi mảnh đất của anh ta, ngôi nhà của anh ta, tinh thần của anh ta.

Bức tường của những ngôi nhà gắn với ý nghĩa sự ngăn cách giữa con người – thế giới hoặc con người – con người (cả về phương diện thể xác và tinh thần) cũng được miêu tả trong truyện ngắn của Poe. Bức tường thể hiện nỗi ám ảnh về cái chết, sự cô đơn và cảm giác về sự ngưng đọng, trì trệ của cuộc sống hiện thực. Nó là nơi chôn giấu những hành vi tội ác của con người khi ta đọc Con mèo đen và khiếp sợ trước hành vi man rợn của người chồng trong cơn điên cuồng nộ đã giết chết người vợ và giấu xác người vợ trong bức tường dưới hầm rượu của anh ta. Có lẽ tội ác của anh ta đã hoàn hảo nếu như nỗi ám ảnh, sự trả thù đích đáng cho tội ác của anh ta không khiến anh ta sống trong ám ảnh, trong hoang tưởng và khi lí trí không còn thắng nổi cơn giận dữ của vô thức anh ta vô tình tiết lộ tội lỗi của anh ta. Cũng hành động tương tự như vậy, nhân vật trong truyện ngắn Thùng rượu Amontilado với hành động trả thù ghê rợn sau những gì mà người bạn của anh ta – Fortunato đã sỉ nhục và anh ta quyết định trả thù. Nhưng hành động trả thù của nhân vật trong truyện trở nên quá kinh dị, quá ghê tởm. Đó là chôn sống người bạn trong hầm rượu, xây nốt viên đá cuối cùng và trát kín hồ, dựng một bức tượng bằng xương cũ che kín bức tường

ấy. Hành động tàn nhẫn, vô nhân tính của anh ta trở nên hoàn hảo bởi đã nửa thế kỉ trôi qua không ai phát hiện ra. Nhưng bên cạnh đó, khi miêu tả bức tường, tác giả cũng đồng thời nhắc đến một thế giới khép kín, đóng khung tù túng và chật hẹp. Đó là bức tường rào ngăn cách con người với thế giới rộng lớn bên ngoài trong Mặt nạ

tử thần đỏ. Đó là bức tường của những căn phòng nhỏ bé chật hẹp trong những toà lâu đài cũ kĩ lạc hậu trong Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher. Đó còn là bức tường đầy bóng tối của sự tuyệt vọng, đường cùng trong Cái giếng và quả lắc mà nhân vật cứ lẩn quẩn quanh những bức tường trong hầm sâu tối thẳm và anh ta phải vận dụng hết trí lực để cố gắng giành giật sự sống cho mình. Như vậy, bức tường là một chi tiết nghệ thuật đáng chú ý trong các truyện ngắn của nhà văn ôm ấp nhiều nỗi suy tư về thực tại xã hội đương thời. Trong ý nghĩa nghệ thuật, nó mang ý nghĩa huyền thoại bởi tính chất ám gợi đầy ma mị.

Bức tường chắc chắn và cao ngất bao quanh tu viện cửa đóng then cài của hoàng thân Prospero trong truyện Mặt nạ tử thần đỏ là biểu tượng cho sự ngăn cách giữa người bên trong lâu đài với thế giới bên ngoài, bệnh dịch, cái chết. Bức tường mà Montresor xây nên để chôn sống Fortunato trong truyện Thùng rượu Amontillado là biểu tượng cho sự ngăn cách giữa con người với con người. Con người cô độc, tuyệt vọng và chết bên trong bức tường do chính con người xây nên trong một thời đại đầy bất ổn và phi lí. Bức tường “bằng đá, trơn nhẵn, ẩm ướt và lạnh” trong truyện Cái giếng và quả lắc là biểu tượng cho nấm mộ, cái chết, giống như “một bộ quần áo của nơi yên nghỉ vĩnh cửu” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 412).

Gắn liền với bức tường là những cái cửa sổ và những cái chuông. Cửa sổ mang ý nghĩa về sự tự do hoặc sự thiếu vắng tự do. Trong văn hóa miền Nam nước Mỹ, cửa chính dùng để đón tiếp trọng thể, nên thường ngày đóng kín, còn nô lệ và người làm thì đi bằng lối cổng sau. Với chức năng như vậy, cửa sổ trở thành lối thoát cho các nhân vật giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là bênh vực cho những điều cấm kị.

Những ô cửa sổ với những gam màu khác nhau xuất hiện rất nhiều lần trong truyện Mặt nạ tử thần đỏ của Poe, trở thành biểu tượng của cái bí ẩn, ẩn giấu đằng sau nó cả một thế giới âm u, đầy tội lỗi.

Còn những cái cái chuông, với âm thanh trong trẻo, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, biểu tượng cho sự may mắn, niềm vui, xua đuổi đi những điều rủi ro. Tuy nhiên, những tiếng chuông nhỏ leng keng trên cái mũ nhọn của Fortunato trong Thùng rượu

Amontillado lại trở thành “điềm” dự báo cho cái chết đang đến gần, cận kề với “gã ngốc” Fortunato.

Cái đồng hồ – một vật dụng rất gần gũi với con người – được Poe xây dựng thành biểu tượng đa nghĩa. Trong hai truyện ngắn kinh dị Mặt nạ tử thần đỏCái giếng và quả lắc, cái đồng hồ là biểu tượng của thời gian, của cái chết, cũng là biểu tượng của sự thức tỉnh. Cái “đồng hồ khổng lồ bằng gỗ mun” trong truyện Mặt nạ tử thần đỏ, trước hết, là biểu tượng cho thời gian, cho cái chết đang đến gần, không tránh khỏi. Thời khắc nửa đêm, đánh dấu sự kết thúc trọn vẹn của một ngày, mang ý nghĩa

“thời khắc cuối cùng”, “thời khắc kết thúc”, “thời khắc của cái chết”. Nó cũng là biểu tượng cho sự thức tỉnh con người, từ thế giới mộng mị trở về thế giới thực tại, là tác nhân gây “rối loạn cảm xúc”. Sống trong một thế giới đầy ngẫu nhiên, phi lí, con người phải đối diện với những trạng thái cảm xúc căng thẳng, bất an, rối loạn về cảm xúc. Cái đồng hồ khổng lồ trong truyện Cái giếng và quả lắc với “vẻ nặng và thô mộc” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 403), cái lưỡi dao “sắc như dao bào”, tốc lực quay ngày càng nhanh mạnh, đe dọa lấy đi tính mạng của nhân vật “tôi” – kẻ tử tù, chính là “khuôn mặt của thời gian” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 402), biểu tượng cho cái chết đang đến rất nhanh, là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của con người trước cái chết.

Một biểu tượng quan trọng thứ hai trong truyện ngắn này – là cái giếng mang ý nghĩa

“sự hủy diệt bất ngờ”,“bộ mặt của địa ngục”. Trong không gian tối đen của nhà ngục, nó đóng vai trò như một cái bẫy, khiến nhân vật “tôi” nếu không để ý, sẽ dễ dàng rơi xuống, nó là biểu tượng cho “sự hủy diệt bất ngờ”.

Trong nhiều truyện ngắn của Poe, chi tiết tạo nên ấn tượng về nỗi ám ảnh sâu sắc với cái chết, nỗi cô đơn tuyệt vọng được ông nhắc đến đó là chi tiết về chiếc quan tài. Xét về mặt ý nghĩa, quan tài là vật dụng được dùng để tẩm liệm những người đã chết, là nơi mà khi được đặt vào đấy, họ không còn tồn tại với tư cách là một cơ thể về mặt sinh học nữa. Nhưng trong truyện ngắn của E.A.Poe, sự xuất hiện của hình ảnh chiếc quan tài ngoài ý nghĩa thực đó, nó còn là hiện thân của một thế giới khác, như một sự ngăn cách với thực tại. Những chiếc quan tài trong nhiều truyện ngắn của ông lại không phải là nơi mà những xác chết được tẩm liệm, được chôn cất và khi đó, họ trở thành những linh hồn được an nghỉ ở thế giới khác. Điều kinh khủng trong bút pháp nghệ thuật của Poe đó là ý nghĩa trong hình ảnh của những chiếc quan tài. Thế giới tối tăm, lạnh lẽo bên trong cái nắp của những chiếc quan tài ấy không phải là

những xác chết thực sự, những thi thể được coi là đã chết, được đậy nắp quan tài và được an táng một cách cẩn thận ấy lại là những cơ thể sống. Khi những cái nắp quan tài lạnh lẽo ấy đậy lại thì nhịp tim vẫn đập, cơ thể bắt đầu ngọ nguậy cố tìm cách thoát ra ngoài. Nỗi ám ảnh về những cái chết trong khi đang sống, hiện thực cuộc sống quá tàn nhẫn, khủng khiếp đi vào các hình tượng thẩm mĩ của nhà văn tạo nên dấu ấn về tính chất huyền thoại trong miêu tả chi tiết của ông. Trong Sự suy tàn của ngôi nhà Usher, người anh trai báo tiểu thư Madeline đã chết và được được đặt vào áo quan, sau đó quan tài được đưa vào một căn phòng nhỏ. Tuy nhiên, mấy ngày sau, cả người anh trai và tôi cảm thấy bàng hoàng và sợ hãi bởi tiếng động phát ra từ căn phòng nhỏ ấy. Đồng thời, họ phải thốt lên đầy đau đớn: “Ôi, chúng ta đã đặt cô bé đang sống vào quan tài” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 203). Điều tương tự cũng đã xảy ra khi nàng Berenice được cho rằng đã chết sau cơn động kinh và được chuẩn bị mai táng.

Nhưng chi tiết khi tôi chạm tay vào thi hài cứng đơ trong căn phòng nặng mùi âm khí thì không thể tin được: “Tôi mất trí rồi sao? Ngón tay người chết đông đậy sau tấm vải niệm. Tôi khiếp đảm, từ từ mở mắt để nhìn rõ thi hài người chết. Người ta quấn vải kín quanh quai hàm nhưng không hiểu sao nó lại được gỡ ra. Đôi môi tái mét động đậy, nở một nụ cười và hiện ra hàm răng trắng bóng ghê rợn đang nhìn tôi như hàm răng của người đang sống” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 586). Cảm giác kinh sợ, ghê rợn trước hàm răng trắng bóng như đang đối diện với một người sống sinh động được truyền đến người đọc. Trong các cuộc mai táng vội vã, không ít lần người đọc phải bàng hoàng giật mình trước tình thế những xác chết đã nằm yên trong quan tài, được mai táng cẩn thận lại bất ngờ sống lại, đi lại, nói năng bình thường.

Không chỉ sử dụng những vật gần gũi với đời sống con người, trong truyện của Poe chúng ta còn thấy xuất hiện một vật mà ý nghĩa của nó gắn với mơ ước, khát vọng khám phá chinh phục của con người – đó là con tàu. Trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai, Poe sáng tạo hình ảnh hai con tàu: Con tàu thứ nhất, cùng với nó, nhân vật “tôi” bắt đầu chuyến hành trình phiêu lưu trên biển; Con tàu thứ hai đưa nhân vật từ hiện tại ngược về quá khứ. Con tàu là biểu tượng cho khát vọng khám phá chinh phục tự nhiên của con người bởi vì dù phải đối mặt với những rủi ro, bất hạnh, thậm chí cái chết nhưng “tôi” đã thành công bởi đã khám phá ra một vùng biển mới, một không gian đại dương mới. Khát vọng du lịch, khám phá thế giới của các

nhân vật của Poe là hình bóng của chính ông, bởi với Poe “du lịch là một cuộc thám hiểm tự ngã” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 132).

Không chỉ những đồ vật quen thuộc mà cả những hình ảnh như nước, không khí, mây, mặt trăng, mặt trời, màu sắc và những con số cũng là những hình ảnh biểu tượng xuất hiện với tần suất nhiều và tạo nên một đặc điểm riêng trong truyện kinh dị của Poe. G. Bachelard, trong công trình nghiên cứu phân tâm học nổi tiếng Nước và những giấc mơ, đã nhận xét về hình ảnh nước trong truyện của Poe: “Tài năng của Poe gắn liền với nước lặng, những dòng nước đọng, với cao sâu ở đó có hình ảnh phản chiếu của Ngôi nhà Usher” (Dẫn theo Hoàng Kim Oanh, 2010, trang 44), và “thứ nước nặng ấy quấn chặt tất cả lãnh vực ma thuật của Poe” (Jacques Cabau, 2009, trang 73). Nước mang tính chất nữ, mềm mại dịu dàng, gợi lên sự sinh sôi nảy nở. Nước, từ trong tâm thức sâu thẳm của Poe, như một sự khỏa lấp nỗi cô đơn mất mát. Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Chỉ riêng làn nước đã tạo ra cho ông đường chân trời, cái vô tận, chiều sâu thẳm không dò tới được của nỗi phiền muộn của ông” (Dẫn theo Hoàng Kim Oanh, 2010, trang 45).

Ngoài ra, không khí, bầu không khí oi bức trong truyện của Poe cũng được sử dụng như một thứ tín hiệu, một điềm báo cho một thảm họa, tai họa sắp xảy ra. Không khí oi bức mà “tôi” cảm thấy trên biển, lúc trên boong tàu trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai, dự báo về một cơn bão biển dữ dội sắp xảy ra, cơn bão làm thay đổi số mệnh của nhân vật. Không khí oi bức, “sực mùi chết chóc” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 551) trong truyện Nhân sư là “điềm báo” nhân vật “tôi” bị mắc một chứng bệnh về tâm thần, chứng ảo giác, phóng đại quá mức mọi hình ảnh, sự vật.

Mây trong truyện của Poe là hình ảnh biểu tượng cho sự cô độc, rủi ro, bất định, bi kịch của số phận con người. Hình ảnh “đám mây lẻ loi” trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai, “đám mây đen” trong truyện Sự suy tàn của ngôi nhà Usher là những ví dụ điển hình. Trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai, có chi tiết, một buổi chiều đứng trên boong tàu, nhân vật “tôi” nhìn thấy “một đám mây lẻ loi rất kỳ lạ ở hướng tây bắc” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 357). Hình ảnh đám mây lẻ loi là một biểu tượng mang nhiều tầng nghĩa: Đám mây lẻ loi – biểu tượng cho sự cô đơn. Nó dự báo số phận cô đơn của nhân vật. Đám mây lẻ loi - một kí hiệu dự báo mối nguy hiểm, rủi ro, bất hạnh sẽ xảy đến đối với nhân vật. Mây là một hình ảnh biểu tượng đa nghĩa.

Đám mây lẻ loi kết hợp với bầu không khí tĩnh lặng bất thường trong đêm trước cơn

bão đã tạo ra một hiệu ứng cảm xúc đặc biệt: gây nên một trạng thái bất an, lo âu và sợ hãi (cho nhân vật và cả độc giả), bởi sự tĩnh lặng trong dạng thức “hoàn hảo” của nó, chính là dấu hiệu của cái chết.

Hình ảnh mặt trăng và mặt trời cũng là những hình ảnh biểu tượng đa nghĩa trong truyện ngắn của Poe. Trong truyện Bản thảo tìm thấy trong chai, đó là hình ảnh mặt trăng đỏ bầm trong đêm trước bão: “Mặt trăng màu đỏ bầm đang từ từ xuất hiện”

(Edgar Allan Poe, 2002, trang 357). Đó là mặt trời với sự chuyển đổi về màu sắc và ánh sáng từ “những tia sáng vàng vọt bệnh hoạn” lúc đang lên (Edgar Allan Poe, 2002, trang 359), đến khi “phát ra một thứ lửa u ám buồn bã”, rồi “ngọn lửa trung tâm mặt trời đột ngột tắt ngấm”, và cuối cùng, “mặt trời như một cái bánh xe màu trắng bạc nhợt nhạt cô đơn khi bắt đầu phóng vào lòng đại dương thăm thẳm…”

(Edgar Allan Poe, 2002, trang 360). Mặt trời, mặt trăng như là hình ảnh biểu tượng cho một vòng đời của con người, cho sự bất lực của con người trước may rủi của số phận, góp phần tạo nên bầu không khí bí hiểm, ma quái cho câu chuyện, đem lại cho độc giả cảm giác con người không thể kiểm soát được số phận và mọi biến cố, cuối cùng sự chết là một tất yếu.

Màu sắc và những con số xuất hiện trong truyện của Poe không đơn thuần là những con số hay màu sắc tự nhiên nữa, mà hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa. Truyện Mặt nạ tử thần đỏ là ví dụ điển hình. Bảy màu sắc gắn với thứ tự của bảy căn phòng trong lâu đài của hoàng thân Prospero là chi tiết được Poe tính toán kĩ và đưa vào cốt truyện với ý đồ cụ thể. Có người cho rằng, bảy màu sắc (xanh da trời, hồng, xanh lá cây, cam, trắng, tím và đen) là biểu tượng cho bảy giai đoạn của cuộc đời. Theo thứ tự, bảy căn phòng được sắp xếp theo một trật tự từ màu sáng đến màu tối, tương ứng với bảy giai đoạn của một đời người. Theo quan niệm truyền thống, con số bảy là con số của sự hoàn thành, biểu tượng cho sự hoàn thành trọn vẹn của một đời người.

Trong lịch sử, từng tồn tại các khái niệm như: bảy kì quan thế giới, bảy tội đồ, bảy ngày trong một tuần,… Cũng có cách lí giải khác về bảy màu của bảy căn phòng: bảy màu tượng trưng cho bảy tội lỗi của con người: ghen tị, căm ghét, đố kỵ, độc ác,...

Như vậy, trong một tác phẩm văn chương, biểu tượng càng sâu sắc thì càng có nhiều tầng nghĩa. Poe đã thành công khi sáng tạo những chi tiết biểu tượng đa nghĩa như vậy.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 103 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)