Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 91 - 96)

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA EDGAR ALLAN POE

3.2. Ngôn ngữ đậm sắc thái kì ảo

3.2.3. Ngôn ngữ đối thoại

Nhờ có đối thoại mà mọi vấn đề được xem xét dưới góc nhìn khác nhau. Ngôn ngữ đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp mang tính cá thể hoá cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Thông qua đối thoại, nhà văn để nhân vật thể hiện đặc điểm tính cách nổi bật không lẫn lộn với bất kì một nhân vật nào khác. Các cuộc đối thoại góp phần cơ bản thể hiện rõ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện và khắc hoạ sắc nét tính cách của nhân vật.

Ngôn ngữ đối thoại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình huống truyện.

Trong đó, lời nhân vật là thành phần trực tiếp tham gia cốt truyện, còn lời người kể là nơi kết nối các sự kiện, tình huống và sự kiện. Ngôn ngữ đối thoại trong truyện

ngắn của Edgar Allan Poe trước hết nhằm trao đổi thông tin. Chẳng hạn như cuộc đối thoại giữa Dupin và nhận vật “tôi” trong Vụ án đường Morgue:

“- Nhân danh Thượng đế – xin anh nói cho tôi biết – Nếu quả có một phương cách nào đó để anh có thể thâm nhập vào những điều tôi đang suy nghĩ. Thật tình tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn thấy sợ trước sự việc vừa xảy ra.

Dupin đáp:

- Chính người bán trái cây đã khiến anh kết luận rằng người đóng giày Chantilly không đủ cao lớn để đóng vai đó!

- Người bán trái cây? Anh làm tôi ngạc nhiên quá. Tôi có biết người bán trái cây nào đâu?” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 189 – 190).

Không chỉ truyền tải thông tin, ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn của Edgar Allan Poe còn bộc lộ cảm xúc của nhân vật. Trong Thùng rượu Amontillado, ngôn ngữ đối thoại giữa hai nhân vật đã thể hiện sự ngạc nhiên, bất ngờ của Fortunato:

“Tôi bảo anh ta, “Fortunato thân mến, gặp anh may quá. Hôm nay anh trông bảnh bao lắm! À này, tôi vừa mua được một thùng rượu hình như là loại Amontillado, nhưng tôi chưa chắc chắn lắm.”

“Sao được?”, anh ta nói. “Amontillado? Nguyên một thùng? Không thể nào.

Lại còn ngay giữa mùa lễ hội này?

“Tôi cũng có nghi ngại” tôi trả lời, “và tôi ngốc đến nỗi trả đúng giá Amontillado mà không hỏi ý kiến anh. Tìm không ra anh, nhưng tôi lại sợ mất đi món hời này”.

“Amontillado!” (Edgar Allan Poe, 2021, trang 164).

Đối thoại trong truyện ngắn của Edgar Poe, đặc biệt là ở thể tài truyện khoa học giả tưởng, còn là kiểu đối thoại triết luận. Đối thoại triết luận là hình thức đối thoại có tính chất tranh luận, luận bàn giữa ít nhất hai nhân vật, dẫn đến làm sáng tỏ về một hoặc một số vấn đề triết học như vũ trụ, trái đất, dân chủ, trính trị, xã hội. Plato (472 – 347 TCN) được xem là bậc thầy về hình thức đối thoại này. Những đối thoại triết học của Plato nhằm thách thức, tái khẳng định những lời giáo huấn của người thầy của ông – Socrates, phục hồi danh dự của thầy, khẳng định Socrates không hề hủy hoại giới trẻ, trái lại, là một bậc thầy danh giá nhất của họ. Đối với Poe, sử dụng hình thức đối thoại triết luận kiểu Plato, là một phương thức hiệu quả nhằm gây ấn tượng mạnh cho độc giả. Bởi nó thể hiện tính khúc chiết trong lập luận, sâu sắc trong kiến

thức, cách nhìn đa chiều về một vấn đề, tính chất khách quan trong đối thoại, đồng thời không loại bỏ suy luận riêng mang tính chủ quan, óc tưởng tượng bay bổng phóng khoáng. Poe để các nhân vật tự do đối thoại, tranh luận về các vấn đề khoa học như:

sự hình thành và hủy diệt của vũ trụ, ngày tận thế của trái đất (Cuộc bàn luận giữa Monos và Una, Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion), thành tựu kì diệu của khoa học y học hiện đại – thuật thôi miên (Sự thật về vụ án Valdemar, Khám phá huyền diệu…); bản chất của tạo vật, mối liên hệ giữa cái bộ phận và cái tổng thể, sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần (Hiệu lực của lời nói); đối chiếu - so sánh, thậm chí tranh luận quyết liệt về trình độ phát triển của các nền văn minh như: văn minh Ai Cập cổ đại và văn minh của nước Mỹ hiện đại (Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp), văn minh trên trái đất – mặt trăng – và các ngôi sao (Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaall nào đó). Hình thức đối thoại triết luận được Poe áp dụng đối với nhiều đối tượng khác nhau. Cụ thể là cuộc đối thoại giữa hai linh hồn (Cuộc bàn luận giữa Monos và Una, Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion, Hiệu lực của lời nói), giữa nhà thôi miên học và bệnh nhân (Sự thật về vụ án Valdemar), giữa một xác ướp cổ đại sống lại và các chuyên gia của nước Mỹ hiện đại (Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp)…

Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion là một truyện ngắn điển hình về chủ đề vũ trụ của Poe. Giống như loạt truyện khoa học giả tưởng (Cuộc bàn luận giữa Monos và Una, Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp, Khám phá huyền diệu), trong truyện ngắn này, Poe sử dụng hình thức đối thoại triết luận kiểu Platon, cấu trúc cốt truyện giống như một bài tiểu luận triết học mạch lạc, sáng rõ. Ám ảnh u buồn thường trực về ngày tận thế của trái đất kết hợp với kiến thức sâu sắc về khoa học vũ trụ đã đem lại cho câu chuyện khoa học giả tưởng của Poe một hiệu ứng đặc biệt.

Thông qua cuộc đối thoại hồi tưởng giữa Eiros và Charmion – hai linh hồn đã chết, ngày tận thế của loài người – thảm họa đau buồn nhất của Trái đất, được tái hiện cụ thể, sống động. Một “vụ nổ lớn” do sự va quệt của trái đất vào một sao chổi lửa trong không gian đen tối, đã thiêu cháy toàn bộ cái thế giới từng tôn sùng Thượng đế, suy tôn lí trí, khoa học và dân chủ. Ở đây, kiến thức về khoa học vũ trụ, thiên văn, vật lí và siêu hình, niềm tin vào giả thuyết về sự va chạm của các thiên thể trong vũ trụ đã giúp Poe có được những hình dung mang tính triết học về vũ trụ, nhuốm màu sắc bi quan, thể hiện dự cảm đầy âu lo của nhà văn về sự chết chóc thống trị thế giới: “Các

đoạn trong Kinh Thánh nói về sự hủy diệt cuối cùng của mọi vật bằng lửa?” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 139). Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion – một câu chuyện khoa học theo cách riêng của Poe – với dung lượng ngắn gọn, ngôn ngữ đối thoại khúc chiết, rõ ràng, đã trình bày về lịch sử của vũ trụ và trái đất. Độc giả dường như bị thuyết phục rằng, đây là một hiện tượng khoa học có thật, nhờ vào những số liệu cụ thể, bản mô tả chi tiết về ngôi sao chổi, nhất là một giả thuyết tồn tại từ lâu trong khoa học thiên văn về những vụ nổ do va chạm của các thiên thể trong vũ trụ.

Poe, có thể, đã chinh phục được lòng tin của đối tượng độc giả yêu thích nhưng lại không chuyên sâu về lĩnh vực thiên văn học. Đây là một truyện khoa học giả tưởng độc đáo, thú vị.

Đối thoại giữa Monos và Una (Cuộc bàn luận giữa Monos và Una), giữa Eiros và Charmion (Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion) là cuộc đối thoại, biện luận về lịch sử vũ trụ, giả thuyết về “vụ nổ lớn” trong vũ trụ và “ngày tận thế” của trái đất.

Đối thoại giữa Oinos và Agathos (Hiệu lực của lời nói) là đối thoại về bản chất của tạo vật, sức mạnh vật chất của lời nói. Đối thoại giữa Valdermar và chuyên gia thôi miên là đối thoại về bản chất cái chết, quá trình chuyển hóa sự sống – cái chết. Đặc biệt, cuộc đối thoại, tranh luận giữa một xác ướp Ai Cập với các chuyên gia người Mỹ (Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp) thực chất là cuộc đối thoại và phản biện khoa học giữa hai nền văn minh: văn minh Ai Cập cổ đại rực rỡ (với những công trình Kim tự tháp đồ sộ, tượng Nhân sư, bí mật lời nguyền của các Pharaon, những xác ướp bí ẩn,…) và văn minh nước Mỹ hiện đại thế kỉ XIX (với hàng loạt phát minh về khoa học công nghệ kĩ thuật, y học,…).

Bất kì thể loại nào cũng đòi hỏi các thao tác tư duy của tác giả. Nhưng đối với truyện khoa học giả tưởng thì tư duy khoa học là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tư duy khoa học đòi hỏi tính khách quan và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và phản biện khoa học. Thao tác tư duy này được Poe áp dụng trong nhiều truyện, như Cuộc bàn luận giữa Monos và Una, Cuộc nói chuyện giữa Eiros và Charmion, Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp, Hiệu lực của lời nói, Sự thật về vụ án Valdemar,…

Trong cuộc đối thoại kì lạ với xác ướp Ai Cập, khi so sánh trình độ phát triển của nền khoa học Ai Cập cổ đại (cách hơn năm nghìn năm) và nước Mỹ thế kỉ 19, các nhà khoa học Mỹ phải thừa nhận: “Chúng tôi đều phát triển kém hơn những người

Ai Cập cổ trong tất cả các lĩnh vực khoa học, khi chúng tôi so sánh họ với những người hiện đại, và đặc biệt với người Hoa Kỳ, chỉ riêng về bề dày đáng kính về trí não của người Ai Cập…” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 493). Cuộc đối thoại đề cập tới một loạt lĩnh vực khoa học là y học (thuật thôi miên, khoa học tướng sọ), thiên văn học; kiến trúc (kĩ thuật xây dựng cung điện); cơ khí (kĩ thuật khoan nước giếng…); máy hơi nước, đường xe lửa, đến cả lĩnh vực chính trị – hội như chế độ dân chủ (bỏ phiếu tùy ý, không có vua);… Các chuyên gia Mỹ cuối cùng phải thừa nhận Ai Cập cổ đại đã vượt trước họ và xác ướp cũng tự tin khẳng định: “hời ông ta sống, những sáng kiến lớn là chuyện rất bình thường…” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 497). Tuy nhiên, cuộc “đối thoại – phản biện khoa học” đó được khép lại một cách hài hước. Cụ thể là chiến thắng thuộc về các chuyên gia người Mỹ, khi hai bên tranh luận về vấn đề rất “tầm cỡ” – thời trang và các loại thuốc thần dược đang được ưa chuộng ở nước Mỹ lúc bấy giờ. Cho dù văn minh Ai Cập cổ đại rực rỡ đến đâu, cũng phải “chịu thua” trước nước Mỹ hiện đại ở hai lĩnh vực có tầm quan trọng như vậy.

Ẩn bên dưới giọng điệu trào lộng, giễu nhại được sử dụng trong cuộc đối thoại, đặc biệt ở đoạn kết, là quan điểm của Poe về thời đại, về nền chính trị - xã hội nước Mỹ thế kỷ 19, về mặt trái của thời đại công nghệ hiện đại. Cuối cùng, nhân vật “tôi” quyết định “sẽ ướp xác mình khoảng hai thế kỉ” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 500), bởi

“tôi” đã quá chán chường thế kỉ 19 kinh khủng này và muốn biết “ai sẽ là Tổng thống năm 2045” (Edgar Allan Poe, 2002, trang 500).

Ở thể loại truyện khoa học giả tưởng, Edgar Poe thực sự đóng vai trò một nhà khai sáng. Sở hữu lối tư duy khoa học duy lí, chặt chẽ, năng lực tưởng tượng dồi dào, Poe đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả ngôn ngữ đối thoại để viết nên những câu chuyện khoa học giả tưởng đậm chất lãng mạn quyến rũ hòa trộn với thực tế khoa học và tầm nhìn mang tính tiên tri. Những khám phá khoa học được xây dựng thành nền tảng cốt truyện khoa học giả tưởng của Poe. Có thể tìm thấy trong truyện khoa học giả tưởng của Poe những kiến thức khoa học phong phú ở đủ mọi lĩnh vực như:

khoa học vũ trụ, trái đất, khoa học y học, khoa học tâm linh, khoa học công nghệ - kĩ thuật và chính trị - xã hội. Truyện khoa học giả tưởng của Poe đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều nhà văn thế hệ sau ông trên khắp thế giới. Không chỉ các nhà văn mà ngay cả độc giả cũng bị Poe chinh phục, người đọc say mê văn học và khoa học

sẵn sàng “đương đầu” với những “câu đố trí tuệ” và cùng Poe khám phá bí ẩn của vũ trụ, thế giới và con người.

Và với mỗi nhân vật của mình, E.A.Poe đều gắn cho họ một thứ ngôn ngữ riêng phù hợp với địa vị, bản chất của từng loại người. Những cuộc đối thoại của nhân vật không chỉ có chức năng trao đổi thông tin giữa đối tượng mà nó còn truyền tải những thông tin thẩm mĩ, ý đồ nghệ thuật của tác giả. Bởi mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức, một tiếng nói, một chủ thể độc lập tham gia vào cuộc đối thoại của nhiều ý thức độc lập. Ở tầng sâu ngôn ngữ nhân vật ấy là những vấn đề nhức nhối của đời sống hiện đại.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của edgar allan poe (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)