Các thành phần trong một lập luận

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng lập luận và tranh luận phần 1 PGS TS lê thanh sơn (Trang 28 - 37)

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LẬP LUẬN

1.4. Các thành phần trong một lập luận

Trong logic hình thức, phép suy luận bao gồm hai thành phần cơ bản là tiền đề và kết luận.

- Tiền đề: là những tri thức, những phán đoán đã biết hoặc được thừa nhận, là cơ sở và chỗ dựa để rút ra tri thức mới.

- Kết luận: là phán đoán, là tri thức mới được rút ra như một tất yếu từ tiền đề đã cho.

Lập luận là hoạt động suy luận được hiện thực hóa bằng ngôn ngữ (nói/viết), do vậy về hình thức thành phần của lập luận cũng tương tự như suy luận, bao gồm: luận cứ và kết luận.

Ngoài ra, trong lập luận có thể có các yếu tố chỉ dẫn lập luận.

1.4.1. Luận cứ

Luận cứ có vai trò như tiền đề của một phép suy luận.

Trong lập luận, luận cứ là lý lẽ, chứng cứ (bằng chứng), là phương tiện quan trọng được sử dụng làm căn cứ để rút ra kết luận và để chứng minh cho kết luận. Luận cứ được rút ra từ đối tượng chứng minh nhằm mục tiêu làm sáng tỏ những sự kiện, sự việc mà chủ thể chứng minh hướng đến. Sức mạnh thuyết phục của lập luận phụ thuộc vào độ tin cậy của luận cứ cũng như cách tổ chức, sắp xếp trình tự của các luận cứ trong

17

lập luận nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa các luận cứ với nhau và với kết luận.

Luận cứ bao gồm chứng cứ và lý lẽ.

1.4.1.1. Chứng cứ

Chứng cứ còn được gọi là các luận cứ thực tế. Đó là các số liệu, sự kiện, bằng chứng thu thập được từ thực tế hoặc từ kết quả của quá trình thực nghiệm khoa học. Ví dụ: trong một vụ án giết người, chứng cứ có thể là các vết thương trên thân thể nạn nhân, các tang vật gây án thu được từ hiện trường…

hay trong nghiên cứu về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, chứng cứ là các số liệu thu được qua nhiều năm về mối quan hệ giữa hàm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sự tăng nhiệt độ trái đất…

Trong hoạt động tư pháp, chứng cứ trong lập luận có vai trò đặc biệt quan trọng, là đòi hỏi không thể thiếu đối với hoạt động chứng minh, là phương tiện để làm sáng tỏ bản chất của các vụ việc.

1.4.1.2. Lý lẽ

Lý lẽ có 2 loại là: lý lẽ khoa học và lý lẽ đời thường.

a/. Lý lẽ khoa học (hay luận cứ logic) là những chân lý phổ quát, đã được khoa học chứng minh, khẳng định. Đó là:

các tư tưởng, các luận điểm khoa học, các định lý, nguyên lý, tiên đề, định luật, quy luật… các phán đoán đúng/sai, logic đã được kiểm chứng và thừa nhận, tất yếu đúng ở mọi nơi, mọi lúc.

b/. Lý lẽ đời thường (hay lẽ thường) là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm văn hóa, là phong tục, các thói quen, chuẩn

18

mực ứng xử được đúc kết từ hoàn cảnh thực tiễn cụ thể, được một cộng đồng thừa nhận nên không tất yếu đúng ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi mối quan hệ.

1.4.2. Kết luận

Kết luận là những khẳng định/phủ định được rút ra từ các luận cứ. Nội dung kết luận là thông tin quan trọng và cơ bản nhất của lập luận, là điều cần chứng minh, thuyết phục.

Trong một lập luận ở cấp độ đoạn văn, kết luận là chủ đề cần chứng minh, giải thích, thuyết phục và được gọi là luận đề.

Luận đề có thể bao gồm một số kết luận, luận điểm (là các ý chính có nhiệm vụ giải thích, làm sáng tỏ luận đề). Mỗi kết luận, luận điểm thể hiện một phần nội dung của luận đề hay một phần nội dung của văn bản.

1.4.3. Các yếu tố chỉ dẫn lập luận

Đó là từ (cụm từ) đóng vai trò định hướng, chỉ dẫn lập luận, bao gồm:

1.4.3.1. Tác tử lập luận

Theo Nguyễn Đức Dân1 thì tác tử lập luận là những yếu tố khi tác động vào phát ngôn sẽ tạo ra một định hướng nghĩa, làm thay đổi tiềm năng lập luận của phát ngôn. Khi trong phát ngôn có tác tử lập luận thì kết luận về các sự kiện, sự việc mà phát ngôn đề cập đến chỉ được rút ra theo một hướng mà không thể theo hướng ngược lại.

1 Nguyễn Đức Dân, Sđd, tr.176.

19 Ví dụ:

(6a). “Phạm tội này phải ngồi tù những 3 năm, đừng dại!”.

(6b). “Phạm tội này chỉ ngồi tù 3 năm, ngán gì!”.

(7a). “Bây giờ đã 10 giờ rồi, nên đi thôi”.

(7b). “Bây giờ mới 10 giờ, chưa nên đi”.

Các từ chỉ hình thái những/chỉ, đã/mới là các tác tử lập luận đóng vai trò định hướng lập luận dẫn đến những kết luận theo hai chiều trái ngược nhau.

Tác tử không chỉ có vai trò định hướng mà còn có thể làm đảo hướng lập luận:

(8a). “Ngôi nhà này hơi xa nhưng có vườn nên tôi vẫn mua”.

Nếu không có tác tử nhưng thì lập luận sẽ là “không mua”. Sự có mặt của tác tử nhưng đã dẫn đến kết luận theo hướng ngược lại (đảo hướng) là “vẫn mua”.

Trong lập luận có tác tử nhưng, hướng của lập luận là do hướng của luận cứ đứng sau (nên tôi vẫn mua) quyết định.

Do đó, nếu đảo vị trí của hai luận cứ trong câu 8a, ta sẽ có kết luận ngược lại:

(8b). “Ngôi nhà này (tuy) có vườn nhưng hơi xa nên tôi không mua”.

Trong tiếng Việt, các liên từ: nhưng, song, tuy nhiên, tuy vậy… có vai trò thông báo và thực hiện đảo hướng lập luận, khiến cho lập luận phải dẫn đến kết luận khác với điều đáng ra phải thế.

20 1.4.3.2. Kết tử lập luận

Kết tử lập luận là những từ hay tổ hợp từ có vai trò liên kết các luận cứ với nhau và với kết luận để tạo thành một lập luận; kết tử là dấu hiệu cho phép nhận diện, xác định luận cứ và kết luận trong lập luận.

Ví dụ 9: “Do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân không nghiêm nên tai nạn xảy ra khá thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng”.

Ví dụ 10: “Nếu là hành động phòng vệ chính đáng thì không phạm tội”.

Ví dụ 11: “Bị cáo đã cố tình phạm tội, khi bị phát hiện lại tìm cách che giấu, chối tội nên phải nghiêm khắc trừng trị”.

Tùy thuộc mối quan hệ giữa kết tử với luận cứ hay với kết luận, ta chia kết tử thành 2 loại: kết tử dẫn nhập luận cứ và kết tử dẫn nhập kết luận.

- Kết tử dẫn nhập luận cứ: là kết tử luôn đứng trước luận cứ, thường đó là các liên từ: bởi, bởi vì, vì, do, nếu, tuy…

- Kết tử dẫn nhập kết luận: là kết tử luôn đứng trước kết luận có vai trò nối luận cứ với kết luận, phản ánh mối quan hệ nhân – quả giữa luận cứ và kết luận, đó là các liên từ: nên, cho nên, thì, do đó, bởi vậy, vậy nên, vì thế…

Trong 2 ví dụ sau, các từ có một gạch chân là kết tử dẫn nhập luận cứ và có hai gạch chân là kết tử dẫn nhập kết luận.

Ví dụ 12: “Nếu không có sự lôi kéo, không chế, gây áp lực của cấp trên thì anh ấy không thể phạm tội”.

21

Ví dụ 13: “Do bị cáo gây án trong lúc bị bệnh tâm thần nặng cho nên bị cáo không phải chịu bất cứ hình phạt nào”.

Bảng 1.2. Một số kết tử dẫn nhập luận cứ và dẫn nhập kết luận thường gặp.

Kết tử dẫn nhập luận cứ Kết tử dẫn nhập kết luận - Vì, Tại vì

- Do, Lý do là - Nếu

- Như đã nói - Bởi, Bởi vì - Mặc dù

- Vả lại - Thêm vào đó - Với thông tin - Tuy

- Tuy rằng - Hơn nữa…

- Kết quả là - Rõ ràng là - Hậu quả là - Thì

- Vậy nên - Vì vậy - Nói ngắn gọn là…

- Chúng ta có kết luận - Cho nên, Nên - … cho thấy rằng

- Chứng minh rằng…

- Do đó

Như vậy, trong khi luận cứ và kết luận là 2 thành tố cơ bản, không thể thiếu, có nhiệm vụ hình thành, là cơ sở để đánh giá lập luận thì các yếu tố chỉ dẫn lập luận chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ dẫn lập luận mà thôi. Tuy vậy, trong thực tế do thói quen tĩnh lược ngôn ngữ nên không phải lúc nào kết tử lập luận cũng xuất hiện trong một lập luận. Đó là những trường hợp vắng kết tử dẫn nhập luận cứ hoặc vắng kết tử dẫn nhập kết luận hoặc vắng cả hai. Dưới đây là các ví dụ:

- Vắng kết tử dẫn nhập luận cứ: “Không tôn trọng pháp luật nên nó phải chịu hậu quả”.

- Vắng kết tử dẫn nhập kết luận: “Vì là cấp dưới, tôi không thể làm khác ý ông ta được”.

22

- Vắng cả kết tử dẫn nhập luận cứ và dẫn nhập kết luận:

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

1.4.4. Nhận diện những thành phần không đóng vai trò hình thành nên lập luận

Với một lập luận ở cấp độ đoạn văn (hoặc ở quy mô lớn hơn là văn bản), bên cạnh những thành phần hình thành nên lập luận (luận cứ, kết luận, có thể có các yếu tố chỉ dẫn lập luận), còn có sự tham gia của những thành phần khác, thường với vai trò minh họa, mô tả, giải thích… Việc nhận diện và phân biệt rạch ròi các thành phần này trong tư duy không chỉ giúp nhanh chóng nhìn nhận một cách chính xác, đầy đủ lập luận mà còn tránh những nhầm lẫn, tránh “lạc lối”, thậm chí hiểu sai khi đánh giá và nhận định các nội dung của lập luận.

Để làm ví dụ, ta xét đoạn lập luận sau đây:

“Theo chúng tôi, việc kháng cáo của bị đơn dân sự là không có sơ sở pháp lý và thực tiễn. Trước khi đưa ra xét xử chính thức vào sáng ngày 24/5/2005, Tòa cấp sơ thẩm đã tiến hành quá trình thủ tục mời hòa giải theo đúng quy định tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong đó: hai lần triệu tập hòa giải tại bút lục 42, 49 và bút lục 55; bốn lần phối hợp niêm yết giấy triệu tập bị đơn tại UBND phường H. tại các bút lục 50, 54, 60 và 64, lập biên bản hòa giải bất thành do bị đơn dân sự vắng mặt không lý do 2 lần tại bút lục 53 và 56;

quyết định hoãn phiên tòa 1 lần tại bút lục 63 ngày 05/5/2005 theo giấy triệu tập lần thứ tư mà bị đơn vắng mặt tại bút lục số 3. Bị đơn đã coi thường pháp luật, cố tình né tránh tiếp

23

nhận giấy triệu tập của Tòa, kể cả lần có mặt tại nhà nhưng vẫn khinh nhờn giấy triệu tập bằng thái độ từ chối không chịu ký nhận, thể hiện qua các chứng cứ và nhân chứng sau: tại bút lục số 43 (theo yêu cầu xác nhận của Tòa án, Công an phường H.) đã xác nhận: “Đương sự S. hiện còn cư trú tại địa phương (hộ KT3) vào ngày 03/3/2005 tức là có mặt tại địa chỉ cư trú trước các thời điểm Tòa phát giấy triệu tập, nhưng đã cố tình né tránh để khỏi phải nhận Giấy triệu tập của Tòa.

Tại bút lục số 1 (khi có giấy triệu tập lần hai vào ngày 08/3/2005) UBND phường H. có cử cán bộ tên P. trực tiếp đến nhà giao giấy triệu tập những bị đơn dù có mặt tại nhà vẫn không ký nhận, vì vậy UBND phường đã xác nhận: “đương sự có mặt tại địa phương nhưng không ký nhận giấy triệu tập”. Cần nói thêm là bị đơn dân sự không thể nói rằng không biết bà E.

kiện nội dung gì, bởi trong thực tế đã có nhiều lần bà E. đòi nợ, đòi nhà ông S. và đã làm đơn kiện ông S. tại UBND phường 20, quận T. về căn nhà và các khoản nợ này vào ngày 13/11/2003. Bà E. cũng điện thoại nhiều lần thông báo với ông S. là sẽ đưa ông ra Tòa. Hơn nữa, vào giờ cuối cùng bị đơn cũng có mặt tại Tòa sơ thẩm”1.

Với đoạn lập luận này, câu đầu tiên: “Theo chúng tôi, việc kháng cáo của bị đơn dân sự là không có sơ sở pháp lý và thực tiễn” chính là kết luận (K)”.

Đoạn tiếp theo bắt đầu từ “Trước khi đưa ra xét xử…”

đến tại bút lục số 3” trình bày các bằng chứng về việc

1 Dẫn từ http://www.hcmcbar.org

24

trước khi chính thức xét xử, Tòa sơ thẩm đã tiến hành các thủ tục mời hòa giải theo đúng quy định của pháp luật. Đây là luận cứ thứ nhất (L1).

Đoạn tiếp theo từ “Bị đơn đã coi thường pháp luật…”

đến “ký nhận giấy triệu tập” trình bày các chứng cứ về việc bị đơn cố tình né tránh giấy triệu tập của Tòa. Đây là luận cứ thứ hai (L2).

Đoạn cuối cùng, từ “Cần nói thêm là…” đến hết, có mục đích khẳng định việc bị đơn đã biết rõ lý do vì sao bị bà E. kiện ra Tòa. Luận cứ này có tác dụng làm tăng sức mạnh của luận cứ L2, do vậy góp phần hỗ trợ cho kết luận.

Với các phân tích trên, có thể viết gọn lại nội dung đoạn lập luận trên đây như sau:

Theo chúng tôi, việc kháng cáo của bị đơn dân sự là không có sơ sở pháp lý và thực tiễn bởi các lý do sau: trước khi xét xử chính thức, Tòa sơ thẩm đã thực hiện các thủ tục hòa giải chặt chẽ, đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bị đơn hoàn toàn nhận thức rõ lý do bị bà E. kiện ra Tòa nhưng đã cố tình né tránh, từ chối tiếp nhận giấy triệu tập của Tòa. Mặt khác, Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định “bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử khi vắng mặt họ”.

Những nội dung nằm ngoài đoạn lập luận đã rút gọn là những nội dung không đóng vai trò hình thành nên lập luận, nghĩa là không làm thay đổi bản chất và tinh thần của lập luận, mà chỉ có tác dụng minh họa, làm rõ hơn những nội dung có trong lập luận.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng lập luận và tranh luận phần 1 PGS TS lê thanh sơn (Trang 28 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)