Rèn luyện kỹ năng nhạy bén xác định cấu trúc lập luận

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng lập luận và tranh luận phần 1 PGS TS lê thanh sơn (Trang 153 - 174)

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LẬP LUẬN

3.2. Rèn luyện kỹ năng nhạy bén xác định cấu trúc lập luận

Đối với những người đã có nhiều kinh nghiệm, tinh thông và thành thạo các thao tác liên quan đến sử dụng lập luận thì việc trả lời các câu hỏi như: đây có phải là một lập luận không? Lập luận này thuộc dạng diễn dịch hay quy nạp?

Đâu là kết luận và luận cứ của lập luận?... là nhiệm vụ không mấy khó khăn. Hơn thế, họ có thể nhanh chóng chỉ ra mức độ liên kết trong mối quan hệ giữa các luận cứ với nhau và với kết luận, đâu là giả định của lập luận, từ đó chỉ ra “điểm mạnh” và “điểm yếu” của lập luận đang xem xét. Tuy nhiên, năng lực đó là sản phẩm của một quá trình rèn luyện lâu dài.

Để hình thành và phát triển kỹ năng xác định cấu trúc và đánh giá lập luận, cần rèn luyện để hình thành một số thói quen căn bản sau:

3.2.1. Xác định chính xác và đầy đủ kết luận và các luận cứ của lập luận

Như đã phân tích trong chương 1, hai thành phần quan trọng và cơ bản hình thành nên lập luận là luận cứ và kết luận.

Khi tiếp cận với một lập luận thì yêu cầu đầu tiên phải đáp ứng là xác định chính xác đâu là kết luận và đâu là luận cứ

142

của lập luận đó. Không xác định đúng (và đầy đủ) kết luận và luận cứ thì không thể hiểu đúng nội dung của lập luận.

Với những lập luận đơn giản, nói chung việc chỉ ra kết luận và luận cứ là việc làm khá dễ dàng. Tuy nhiên, với các lập luận phức tạp (thường ở cấp độ các đoạn văn hoặc văn bản), có nhiều luận cứ mà mỗi luận cứ cũng là một (hay nhiều) lập luận nhỏ thì việc nhận diện chính xác kết luận (và luận cứ) nhiều khi không hẳn là việc dễ dàng thực hiện.

Ta xét ví dụ: “Nhà nước cũng như Pháp luật đảm đương vai trò kiến tạo môi trường, cơ hội pháp lý bình đẳng cho mọi thành viên của xã hội phát triển trong hoạt động kinh tế.

Pháp luật là công cụ và phương tiện có vai trò dẫn dắt và chi phối xã hội thông qua việc tạo dựng môi trường, cơ hội pháp lý như nhau đối với các thành viên trong xã hội, thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau phát huy tài năng, trí tuệ của mình để khởi nghiệp và phát triển. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên cho thấy: trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nhà nước nói chung, Pháp luật nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng XHCN cho sự phát triển. Pháp luật XHCN là phương tiện có khả năng bảo đảm bình đẳng trong xã hội. Bởi pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN là những giá trị bình đẳng mà xã hội có, xã hội cần và ủng hộ. Nhà nước lại có một bộ máy hùng mạnh để bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nên bình đẳng và công bằng xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp và Pháp luật có khả năng trở thành hiện thực, tránh cho xã hội không rơi vào trạng thái rối loạn hoặc

143

phát triển tự phát, thiếu tổ chức và kỷ luật. Xã hội luôn có xu hướng phân hóa giàu nghèo do sự tác động của nhiều yếu tố, kể cả sự phân hóa giàu nghèo do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Pháp luật XHCN là phương tiện để Nhà nước điều hòa lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa và ổn định. Pháp luật XHCN còn là phương tiện để Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giữ gìn an ninh, an toàn xã hội cho con người. Pháp luật là phương tiện để kiểm soát quyền lực Nhà nước, buộc những người có chức vụ, quyền hạn hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và Pháp luật. Bằng cách đó, Pháp luật là phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc phòng, chống sự tha hóa của quyền lực Nhà nước, bảo đảm cho thượng tầng kiến trúc Nhà nước giữ vai trò định hướng XHCN cho sự phát triển”1.

Muốn xác định được đâu là kết luận trong đoạn lập luận trên, cần nhắc lại: kết luận là những khẳng định/phủ định được rút ra, là chủ đề mà người viết/nói cần chứng minh, giải thích, thuyết phục.

Trong đoạn lập luận trên, một số mệnh đề được dẫn ra có dạng thức như một kết luận khi nói về vai trò của Nhà nước và Pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là: kiến tạo môi trường, cơ hội pháp lý bình đẳng cho mọi thành viên của xã hội phát triển kinh tế; bảo đảm bình đẳng trong xã hội; điều hòa lợi ích giữa các tầng lớp xã

1 Dựa theo bài viết của GS. Trần Ngọc Đường đăng trong Tạp chí Cộng sản ngày 15/11/2017.

144

hội, bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa và ổn định; phòng, chống sự tha hóa của quyền lực Nhà nước, bảo đảm cho thượng tầng kiến trúc nhà nước giữ vai trò định hướng XHCN cho sự phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy mỗi mệnh đề nêu trên chỉ giải thích, chứng minh cho vai trò của Nhà nước và Pháp luật khi xem xét ở một mặt, một khía cạnh cụ thể.

Kết luận có tính bao quát rộng hơn về vai trò của Nhà nước và Pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là sự định hướng XHCN của Nhà nước và Pháp luật cho quá trình phát triển (xét ở tất cả các mặt). Vì vậy, kết luận chính của lập luận trên sẽ phải là: “trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước nói chung, Pháp luật nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng XHCN cho sự phát triển”.

Một lý do có thể gây khó khăn cho việc xác định kết luận trong một lập luận là kết luận có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong lập luận. Thêm vào dó, trong nhiều trường hợp lập luận có thể thiếu vắng sự hiện diện của kết tử dẫn nhập kết luận.

Cần lưu ý rằng, bên cạnh những kết luận là lời khẳng định/phủ định hoặc là lời khuyến cáo/đề nghị/lời khuyên thì với một số trường hợp (thường gặp trong lập luận pháp lý) kết luận có thể là một câu hỏi mang tính định hướng. Trong trường hợp này, kết luận thường nằm ngay trong “định hướng” mà câu hỏi đã đặt ra.

Ví dụ: “Theo Luật Dược 2016, một trong các trường hợp được xác định là thuốc giả khi thuốc này “được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước

145

sản xuất hoặc nước xuất xứ”. Luật Dược 2005 cũng quy định một trong các trường hợp thuốc giả là “mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”. Các bằng chứng cho thấy: thuốc H Capita đã bị làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra, theo kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT ngày 22/4/2015, lô thuốc H Capita 500 mg Caplet “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Chẳng lẽ những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vẫn khẳng định 9.300 hộp thuốc H Capita do VN Pharma nhập về là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả?”1.

Xác định được kết luận là bước đầu tiên giúp tìm ra các luận cứ của lập luận. Tất nhiên, các luận cứ sẽ nằm trong phần nội dung còn lại của lập luận, nhưng không phải toàn bộ nội dung còn lại của lập luận đều là luận cứ. Vì vậy, phải phân biệt và xác định những nội dung đóng vai trò là các chứng cứ, lý lẽ, bằng chứng, phương tiện để hỗ trợ cho nội dung hàm chứa trong kết luận. Đó chính là các luận cứ. Đây là một đòi hỏi quan trọng và là kỹ năng cần thiết để tránh nhầm lẫn khi phân tích lập luận. Bởi trong các lập luận ở cấp độ đoạn văn hay văn bản vẫn thường có các thành phần, dù không tham gia vào việc hình thành cấu trúc lập luận nhưng có tác dụng giải thích, mô tả hoặc chi tiết hóa các nội dung của luận cứ. Nội dung này đã được trình bày trong mục 1.4.4, chương 1).

1 Theo Zing.vn ngày 30/8/2017.

146

3.2.2. Hiểu rõ vai trò, ảnh hưởng của các luận cứ với kết luận Như đã trình bày trong mục 1.5.1 (chương 1), các luận cứ trong một lập luận phải luôn có quan hệ đồng hướng lập luận, nghĩa là cùng có chung một đích mà kết luận hướng đến (đúng/sai, tốt/xấu, hay/dở, nên/không nên…) cho dù các luận cứ đó là tương hợp (cùng phạm trù) hay không tương hợp (không cùng phạm trù).

Tuy nhiên, khi xét đến chức năng là chỗ dựa, là căn cứ, là lý do cho sự hiện diện của kết luận thì các luận cứ thường có vai trò tác động, ảnh hưởng không như nhau đối với kết luận đã được rút ra. Phân biệt và nhận rõ được sự khác biệt về hiệu lực, mức độ hỗ trợ của các luận cứ đối với kết luận là kỹ năng quan trọng, thể hiện sự sắc bén, tinh thông về trình độ tư duy cũng như năng lực nhận thức và đánh giá lập luận.

Phân biệt, đánh giá một cách “định lượng” hiệu lực của các luận cứ trong một lập luận là một việc khó, bởi để làm được điều đó thì đòi hỏi quan trọng là phải hiểu đúng và sâu sắc những khẳng định/phủ định mà kết luận muốn mang tới, thấu hiểu mục đích của lập luận chứa trong kết luận. Từ đó, xem xét mức độ ảnh hưởng trực tiếp của mỗi luận cứ đối với kết luận trong việc đạt tới mục đích đó.

Xác định đúng bản chất và đòi hỏi của kết luận, từ đó lựa chọn những luận cứ “đắt giá” có sức mạnh khẳng định/phủ định cao, đảm bảo cho sự vững vàng của kết luận là kỹ năng, là thao tác được sử dụng khá phổ biến khi xây dựng các lập luận, đặc biệt là lập luận pháp lý. Để minh họa, có thể

147

lấy vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 làm ví dụ. Trước vấn đề đặt ra

“Nên hay không nên công khai danh tính những thí sinh được nâng khống điểm”, có 2 luồng ý kiến trái chiều:

Theo chiều hướng ủng hộ, kết luận cần được hướng tới để khẳng định là: “Cần công khai danh tính những thí sinh được nâng khống điểm”. Khi đó, các luận cứ có thể là:

- Gian lận điểm thi đã tạo ra bất công, đã cướp đi cơ hội của hàng trăm học sinh học thật, thi thật. Công khai là để trả lại công bằng cho những thí sinh đó.

- Cần công khai để cảnh báo, răn đe người khác và là bài học để giáo dục phụ huynh, học sinh không tái phạm ở những kỳ thi tiếp theo.

- Thí sinh không làm được bài hoặc chỉ đáng được 1 điểm mà lại nhận được kết quả là điểm 9, điểm 10 nhưng vẫn im lặng thì đó là hành vi đồng lõa với tiêu cực, phạm pháp nên không thể không công khai để xử lý.

- Gian lận điểm thi cũng là một dạng tiêu cực, mà tiêu cực thì phải xử lý triệt để mới mong loại trừ tận gốc. Công khai là một trong những cách xử lý triệt để…

Cũng đồng tình với kết luận trên nhưng một vị Đại biểu Quốc hội lại cho rằng đây hoàn toàn là một vụ việc tham nhũng, do đó phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm.

Nếu không công khai thì đó là hành vi bao che cho vi phạm, và hành vi đó cũng là một dạng vi phạm. Từ đó, vị Đại biểu này đưa ra luận cứ của mình là: “Không công khai danh sách

148

thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là hành vi vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến”1. Với luận cứ này, kết luận không chỉ là “Cần công khai…” mà hơn thế, là “Phải công khai…”. Rõ ràng, hiệu lực nâng đỡ, hỗ trợ của luận cứ này cho kết luận mạnh hơn rất nhiều so với các luận cứ khác đã dẫn ra ở trên.

Theo chiều phản đối, kết luận sẽ là: “Không nên công khai danh tính những thí sinh đã được nâng khống điểm”.

Các luận cứ được đưa ra có thể là:

- Thực ra, các em chỉ là nạn nhân của cha mẹ mình.

Các em không có lỗi, nếu phụ huynh để các em tự lực làm bài kết quả cũng có thể ổn.

- Hiện tại, các em đang học ở các trường đại học, nếu công bố các em sẽ phải chịu áp lực, bị chỉ trích, sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí chấn thương về mặt tâm lý.

- Việc công khai chỉ để thỏa mãn nhu cầu của dư luận.

Cần ứng xử nhân văn trong vấn đề này để đảm bảo tương lai cho các em.

- Ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả những tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất khi xuất hiện trước công chúng cũng được che mặt và thay đổi danh tính sau khi ra tù. Do đó, chúng ta không có lý do gì để tiết lộ danh tính của các em…

Cũng nhìn nhận vấn đề dưới góc độ luật pháp, một ý kiến khác cho rằng việc công khai hay không công khai phải

1 Báo Tin tức Việt Nam, ngày 25/3/2019.

149

tuân thủ theo quy định của Pháp luật. Ý kiến này khẳng định việc không công khai danh tính thí sinh được nâng khống điểm là tuân thủ Điều 21 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”1. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Như vậy, không có căn cứ pháp luật nào cho phép đưa tên tuổi của những thí sinh mà bài thi của họ được nâng điểm bởi ý muốn và hành vi của người khác. Ở đây việc sử dụng những luận cứ mang tính luật định đã tạo cho kết luận của lập luận giá trị thuyết phục cao.

Như vậy, trong quá trình xây dựng lập luận bên cạnh việc khai thác triệt để, toàn diện các luận cứ (theo chiều rộng) để gia tăng nền móng vững chắc cho lập luận, cần quan tâm chọn lọc những luận cứ có tính hiệu lực cao (theo chiều sâu), không nên “tham lam” sử dụng nhiều luận cứ nhằm không chỉ tránh cho lập luận khỏi bị phân tán, mất tập trung mà còn có tác dụng gia tăng độ sắc bén của lập luận, thu hút mạnh sự tập trung của người đọc/nghe vào mục tiêu cần đạt được.

3.2.3. Xác định và đánh giá tính vững chắc của giả định Đối với một lập luận, giả định là phần không thể thiếu để đảm bảo cho sự tồn tại của kết luận. Có vai trò như một luận cứ, giả định cũng là căn cứ, là cơ sở, là chỗ dựa để rút ra kết luận, khẳng định/ phủ định. Tuy nhiên, có hai điểm quan trọng để phân biệt giả định với các luận cứ khác:

1 Báo VOV, ngày 28/3/2019.

150

- Giả định không hiện diện trong lập luận, nghĩa là không được viết hay nói ra (ẩn tàng).

- Giả định là phần không thể thiếu và được coi là hiển nhiên đúng để đảm bảo cho kết luận đúng. Không thừa nhận giả định đồng nghĩa với việc không thể có kết luận trong lập luận đang xem xét.

Giả định được ví như “chất keo” gắn kết giữa luận cứ với kết luận, do đó chất lượng của một lập luận phụ thuộc rất lớn vào độ vững vàng, sức “kết dính” của giả định. Như vậy, bác bỏ giả định chính là bác bỏ kết luận. Và việc không thừa nhận giả định chính là cách bác bỏ lập luận trực tiếp và hiệu quả nhất. Cũng vì lý do đó mà việc phát hiện và tấn công vào giả định là một trong những phương cách rất hữu hiệu để phủ nhận, bẻ gãy lập luận của đối phương trong một cuộc tranh luận.

Làm thế nào để tìm ra giả định của một lập luận? Đây là một năng lực, cũng là một yêu cầu rất căn bản để xem xét, đánh giá chất lượng một lập luận. Cách tốt nhất để truy tìm giả định là đặt câu hỏi xoay quanh kết luận của lập luận đó.

Các câu hỏi thường được sử dụng là:

- Kết luận này chỉ đúng khi nào?

- Cần có thêm điều kiện nào nữa (ngoài các luận cứ đã có) để rút ra kết luận này?

Hình dung điều gì cần có trong “khoảng trống” giữa các luận cứ và kết luận để kết nối hai thành tố này với nhau là cách tưởng tượng tốt nhất trong tư duy để thấy được giả định nằm sau lập luận đó. Lấy ví dụ khi bàn về việc có nên đưa

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng lập luận và tranh luận phần 1 PGS TS lê thanh sơn (Trang 153 - 174)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)