CHƯƠNG 2: HOẠT ĐỘNG VAY TIÊU DÙNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG SACOMBANK – PGD TÂN HƯƠNG
2.3 Quy trình thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân tại Sacombank Tân Hương
Hình 2-2: Quy trình cấp tín dụng tại Sacombank Tân Hương.
Nguồn: Tác giả.
Bước 1: Giới thiệu, tư vấn về sản phẩm vay đến với khách hàng.
Sacombank giới thiệu các sản phẩm tín dụng đến với khách hàng chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng như trang web chính thức của Sacombank, tờ rơi, quảng cáo trên mạng xã hội,… đảm bảo các thông tin về sản phẩm như hạn mức tín dụng, hình thức cấp tín dụng, thời hạn cấp tín dụng và các khuyến mãi được cung cấp một cách trực quan, đầy đủ để khách hàng có thể dễ tiếp cận với sản phẩm tín dụng của Sacombank.
Bước 2: Gặp gỡ và tiếp xúc khách hàng.
Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhân viên tín dụng hướng dẫn khách hàng các hồ sơ, thủ tục cùng với điều kiện về việc cấp tín dụng như đã đề cập ở Chương 2 mục 2.1.2.1 và Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu của Sacombank.
Bước 3: Thẩm định – xét duyệt cấp tín dụng.
Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ vay vốn, nhân viên tín dụng tiến hành thẩm định để xác định thiện chí hợp tác và khả năng trả nợ của khách hàng qua các yếu tố sau:
- Thẩm định uy tín, tình hình kinh doanh, năng lực trả nợ:
Kiểm tra lịch sử tín dụng của khách hàng qua CIC và qua thông tin do khách hàng cung cấp. Lập phiếu thu thập thông tin xếp hạng tín dụng sau đó nhập thông tin xếp hạng tín dụng lên CRS để cho kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ.
Thực hiện thẩm định tình hình kinh doanh và năng lực trả nợ qua thẩm định nơi sinh sống, nơi làm việc (đối với khách hàng có nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh), xem xét tình hình kinh doanh trong quá khứ và hiện tại, đánh giá nguồn thu nhập có hợp lý với tình hình sản xuất kinh doanh hay không.
- Thẩm định TSĐB/TSTC: Nhân viên tín dụng sẽ hẹn lịch với khách hàng để khảo sát thực tế hiện trạng của tài sản, nếu tài sản thuộc hạn mức thẩm định của đơn vị thì đơn vị sẽ tự thẩm định (theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp thu nhập), nếu vượt hạn mức thẩm định của đơn vị sẽ chuyển thẩm quyền thẩm định tài sản cho Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (SBA) thẩm định. Sau đó nhân viên tín dụng lập Báo cáo định giá bất động sản.
Sau khi hoàn thành quy trình thẩm định khách hàng, nhân viên tín dụng tiến hành lập tờ trình tín dụng và trình cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức phán quyết.
Hạn mức tín dụng sẽ căn cứ trên giá trị của tài sản đảm bảo nhân với tỷ lệ và không
được vượt quá số tiền vay tối đa theo quy định của từng sản phẩm, lãi suất sẽ áp dụng theo Khung lãi suất của Sacombank ban hành trong từng thời kỳ.
Bước 4: Thông báo quyết định cho vay đến khách hàng.
Nếu yêu cầu vay vốn của khách hàng được đồng ý sẽ tiến hành sẽ lập Thông báo đồng ý cấp tín dụng đến với khách hàng. Nếu yêu cầu vay vốn bị từ chối, lập Thông báo từ chối cấp tín dụng bằng văn bản, giải thích rõ lý do từ chối cấp tín dụng.
Bước 5: Lập hợp đồng tín dụng và các hồ sơ theo phê duyệt.
Chuyên viên quản lý tín dụng lập hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản, các văn bản và cam kết có liên quan về việc cấp tín dụng theo mẫu của Sacombank. Sau đó sẽ hẹn khách hàng đến Phòng công chứng để công chứng thế chấp tài sản, bên cạnh đó nhân viên tín dụng cũng sẽ đưa khách hàng ký các giấy tờ liên quan.
Bước 6: Tiếp nhận hồ sơ đã hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Chuyên viên quản lý tín dụng sẽ tiếp nhận các hồ sơ đã hoàn tất các thủ tục pháp lý của khách hàng, sau đó tiến hành lưu trữ hồ sơ, quản lý thông tin tài sản đảm bảo trên bản chính của tài sản, tạo mã tài sản và cây hạn mức, nhập ngoại bảng cùng với các tài khoản để quản lý những tài sản đảm bảo cho khoản vay của khách hàng. Sau đó sẽ đăng ký giao dịch đảm bảo tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 7: Giải ngân.
Nhân viên tín dụng sẽ soạn Phiếu đề nghị giải ngân cùng với Giấy nhận nợ dựa trên nhu cầu thanh toán thực tế của khách hàng và các hồ sơ liên quan đến khoản cấp tín dụng trình cho cấp có thẩm quyền ký. Sau đó Chuyên viên Quản lý tín dụng sẽ tạo tài khoản vay cho khách hàng, tài khoản vay đó sẽ liên kết các thông tin về tài sản đảm bảo, nhân viên tín dụng sẽ kiểm soát hiệu lực khoản vay và tiến hành giải ngân.
Bước 8: Giám sát và thu gốc – lãi định kỳ.
Sau khi giải ngân, nhân viên tín dụng sẽ thường xuyên kiểm tra mục đích sử dụng vốn của khách hàng có đúng như trong hợp đồng tín dụng hay không, cùng với tình hình sản xuất kinh doanh theo định kỳ, và lập Báo cáo kiểm tra sau cho vay theo mẫu của Sacombank. Nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hoặc tình hình sản xuất kinh doanh chuyển biến xấu không đảm bảo được năng lực trả nợ thì nhân viên tín dụng phải lập tờ trình để báo cáo lên ban tín dụng nhằm có hướng giải quyết.
Nhân viên tín dụng cũng phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ quá trình trả gốc – lãi của khách hàng, nhắc nhở và đôn đốc khách hàng trả nợ đúng hạn. Nếu khách hàng
có nhu cầu gia hạn hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì nhân viên tín dụng sẽ hướng dẫn khách hàng lập phiếu đề nghị để trình lên ban tín dụng phê duyệt.
Nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn và không gia hạn hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Sacombank sẽ chuyển chuyển số dư nợ thành nợ quá hạn, nhân viên tín dụng sẽ có trách nhiệm thông báo với khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nếu sau khi đã được thông báo nhưng khách hàng vẫn không thanh toán khoản nợ thì nhân viên tín dụng sẽ chuyển hồ sơ của khách hàng sang bộ phận khác để xử lý nợ quá hạn.
Bước 9: Thanh lý tín dụng.
Sau khi khách hàng thanh toán đầy đủ các khoản vay, nhân viên tín dụng tiến hành tất toán khoản vay đúng hạn. Nếu khách hàng thanh toán trước hạn thì khách hàng sẽ gửi phiếu đề nghị thanh toán trước hạn cho nhân viên tín dụng để chuyển cho cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó sẽ tính toán các khoản phí phạt trả nợ trước hạn và tất toán khoản vay.