CHẨN ĐOÁN THAI NGHÉN, VỆ SINH THAI NGHÉN

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bà mẹ và gia đình (Ngành: Điều dưỡng) - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 22 - 29)

Mục tiêu bài học Kiến thức

Trình bày được triệu chứng lâm sàng của thai nghén trong 20 tuần đầu và 20 tuần cuối của thời kỳ thai nghén.

Kỹ năng

Vận dụng được kiến thức đã học để chẩn đoán được tuổi thai và ngày dự kiến sinh đồng thời hướng dẫn được cho thai phụ biết cách vệ sinh thai nghén.

Năng lực tự chủ và trách nhiệm

Tư vấn được cho phụ nữ có thai về chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.

Có khả năng khám phát hiện được thai nghén cho bà mẹ. Tư vấn – GDSK cho phụ nữ có thai về vệ sinh thai nghén và tính được tuổi thai cho họ.

Nội dung bài học

1. Chẩn đoán thai nghén 1.1. Đại cương

Khi có thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về giải phẫu và sinh lý. Đó là những thay đổi về hình thể bên ngoài cũng như các cơ quan thể dịch trong cơ thể.

Tất cả những thay đổi đó có thể gây nên những dấu hiệu mà người ta gọi là triệu chứng thai nghén.

Thời kỳ thai nghén chia làm 2 giai đoạn: 20 tuần đầu và 20 tuần cuối. Để chẩn đoán thai nghén cần dựa vào các triệu chứng cơ năng và thực thể, trong đó những dấu hiệu thực thể đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, trong những tháng đầu, để chẩn đoán thai nghén có thể bổ sung thêm một số thăm dò về cận lâm sàng, đặc biệt là khi cần có sự chẩn đoán phân biệt.

 Khám để chẩn đoán thai nghén cần phải:

-Hỏi: giúp cho thầy thuốc làm quen với thai phụ và biết được nhiều yếu tố quan trọng có liên quan đến việc chẩn đoán thai nghén:

+ Tuổi thai phụ.

+ Các bệnh tật đã mắc phải và yếu tố di truyền gia đình, tâm lý xã hội.

+ Chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử sản khoa, điều kiện sống và lao động...

-Nhìn: là một phương pháp quan sát để tìm những dấu hiệu có giá trị đối với chẩn đoán và tiên lượng thai nghén:

+ Hình dáng thai phụ.

+ Sự biến đổi màu da, hiện tượng phù nề.

+ Hình dáng tử cung.

- Thăm dò các chức năng nội tạng: để phát hiện kịp thời những bệnh cho thai và nguy hiểm cho thai phụ nếu thai tiến triển.

+ Khám tim phổi và các nội tạng khác.

+ Làm một số các xét nghiệm: máu, nước tiểu, siêu âm...

1.2. Chẩn đoán thai nghén 20 tuần đầu 1.2.1. Triệu chứng lâm sàng

a) Triệu chứng cơ năng

- Tắt kinh: là dấu hiệu đáng tin cậy để chẩn đoán thai nghén, nhưng chỉ đối với phụ nữ khỏe mạnh và có kinh nguyệt đều.

- Nghén: thường kéo dài trong 3 tháng đầu:

+ Chán ăn hoặc thích ăn nhưng thức ăn khác (chua, cay, ngọt...) + Buồn nôn và nôn, nôn thường vào buổi sáng, tăng tiết nước bọt.

+ Thay đổi khứu giác: sợ mùi thơm, mùi thuốc lá...

+ Thay đổi về thần kinh: tính tình thay đổi dễ cáu gắt, buồn ngủ, mệt mỏi.

b) Triệu chứng thực thể – Nhìn:

+ Mặt có thể xuất hiện các vết xạm.

+ Vú phát triển to nhanh, quầng vú sẫm, các hạt Montgomery nổi rõ, núm vú to lên thâm lại.

+ Đường giữa bụng có màu nâu, bụng và hai bên đùi có vết rạn màu nâu ở người con so, màu trắng ở người con rạ.

+ Âm hộ thâm lại, âm vật có màu tím. Nếu bộc lộ bằng van sẽ thấy âm đạo, cổ tử cung cũng có màu tím.

– Khám âm đạo kết hợp với nắn bụng:

+ Dấu hiệu Hegar: eo tử cung rất mềm khi khám sẽ thấy hình như cổ tử cung và thân tử cung không dính liền nhau.

+ Dấu hiệu Noble: tử cung khi có thai phát triển thành một hình tròn đều mà ta có thể chạm đến thân tử cung khi ngón tay ở túi cùng bên.

+ Trong tháng đầu tử cung cón nằm phía dưới sau khớp vệ, về sau cứ mỗi tháng tử cung sẽ cao lên trên khớp vệ 4cm.

1.2.2. Triệu chứng cận lâm sàng

- Phản ứng sinh vật: Phản ứng Galli – Manini và Friedman – Brouha: thai nghén bình thường thì hCG trong nước tiểu dưới 20.000 đơn vị ếch hoặc dưới 60.000 đơn vị thỏ.

- Siêu âm: thấy hình ảnh thai nhi trong tử cung.

- Dùng que thử thai nhanh.

Nhúng que thử thai vào nước tiểu người phụ nữ nghi có thai, nếu trên que xuất hiện 2 vạch đỏ là phản ứng dương tính, nếu trên que xuất hiện một vạch đỏ là phản ứng âm tính.

1.3. Chẩn đoán thai nghén 20 tuần cuối 1.3.1. Triệu chứng cơ năng

- Tắt kinh vẫn kéo dài.

- Tử cung ngày càng to lên phù hợp với tuổi thai.

- Các thay đổi sắc tố trên da rõ rệt hơn.

- Thai phụ đã tự cảm giác thấy thai máy.

1.3.2. Triệu chứng thực thể Sờ nắn

Thấy các phần của thai nhi như đầu, lưng, các chi và mông. Có thể thấy thai nhi di động bập bềnh trong nước ối.

Nghe tim thai

- Khi thai được 4,5 tháng (với con rạ) và 5 tháng (với con so) đã có thể nghe thấy tim thai bằng ống nghe gỗ. Tiếng tim thai nghe dễ dàng hơn từ tháng thứ 6 trở đi.

- Tiếng tim thai có nhịp độ đều, tần số dao động từ 120– 160 lần/phút. Vị trí nghe tim thai rõ nhất ở mỏm vai.

- Khi nghe tim thai cần phân biệt với tiếng đập của động mạch chủ bụng.

1.4. Chẩn đoán tuổi thai

1.4.1. Dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng

- Tính tuổi thai nhờ sử dụng lịch tính tuổi thai: bình thường thai đủ tháng có tuổi từ 38 đến 42 tuần.

- Tính tuổi thai bằng cách tính tổng số ngày từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày khám thai, sau đó lấy tổng số ngày chia cho 7.

- Dự tính ngày sinh: dựa theo công thức.

+ Ngày sinh: lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng cộng với 7 + Tháng sinh: lấy tháng kinh cuối cùng cộng với 9 hoặc trừ đi 3.

Nếu thai phụ nhớ ngày kinh theo lịch âm thì công thức dự tính ngày sinh như sau:

+ Ngày sinh: lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cộng với 15.

+ Tháng sinh: lấy tháng kinh cuối cùng cộng với 9 hoặc trừ đi 3.

1.4.2. Dựa vào chiều cao tử cung theo công thức

1.4.3. Dựa vào ngày thai máy đầu tiên

Ngày thai máy đầu tiên là lúc thai có tuổi 18 tuần đối với con rạ, 20 tuần đối với con so.

1.4.4. Dựa vào đường kính đầu của thai đo bằng siêu âm - Xác định được tim thai lúc thai được 8 tuần tuổi.

- Đo đường kính lưỡng đỉnh của thai.

Ví dụ:

+ Đường kính lưỡng đỉnh 90mm tương đương với thai 38 tuần tuổi.

1.4.5. Dựa vào ngày giao hợp có thụ tinh

Cách này ít chính xác vì vậy không áp dụng được trên thực tế.

2. Vệ sinh thai nghén 2.1. Đại cương

Khi có thai, do tình trạng thai nghén sức khoẻ của người phụ nữ có thể bị suy giảm. Ngoài ra người phụ nữ có thai dễ bị mắc bệnh hoặc bệnh cũ nặng lên.Vì vậy vệ sinh thai nghén đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và thai nhi.

2.2. Vệ sinh khi có thai 2.2.1. Vệ sinh thân thể

Ngoài vấn đề vệ sinh thông thường hàng ngày thai phụ cần tắm rửa bằng nước sạch như nước máy, nước giếng khơi, không tắm nước ao hồ vì dễ gây nhiễm khuẩn.

Khi tắm không ngâm mình trong nước, mùa đông cần tắm nước ấm, nơi kín gió, tắm nhanh.

2.2.2. Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài

- Cần giữ vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài vì đây là nơi vi khuẩn dễ xâm nhập vào âm đạo, tử cung trong khi có thai cũng như khi đẻ.

- Khi có thai âm đạo tăng tiết dịch, chất dịch này là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nên hàng ngày thai phụ phải rửa âm hộ, tầng sinh môn một lần bằng xà phòng và nước chín, rửa sau mỗi lần đại tiểu tiện và trước khi đi ngủ. Không được ngồi vào chậu nước để rửa mà rửa dưới vòi nước chảy hoặc dùng ấm nhôm có vòi hay dùng ca múc nước để rửa.

2.2.3. Vệ sinh vú

- Khi có thai tuyến sữa phát triển mạnh để tiết sữa sau đẻ. Do đó không nên mặc áo nịt chặt mà nên dùng áo mềm, mỏng và rộng.

- Nếu vú có tổn thương như nứt, ngứa phải điều trị khỏi. Thường xuyên phải rửa sạch đầu vú và lau vẩy ở núm vú.

2.2.4. Trang phục

Mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi, sạch, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Không nên đi guốc cao gót vì dễ ngã gây sảy thai hoặc đẻ non.

2.2.5. Vệ sinh răng miệng

Giữ răng miệng sạch, đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Nếu thai phụ bị sâu răng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn sau đẻ.

2.2.6. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi

- Lao động nhẹ nhàng cả về tay chân và trí óc. Không nên làm việc quá nặng hoặc ở những nơi ẩm thấp, nhiều bụi, nhiều tiếng ồn. Không tiếp xúc với chất độc hại.

- Không đi xe đạp, xe máy với vận tốc quá nhanh hoặc đường xóc. Không nên thức khuya, lo nghĩ buồn phiền. Tránh làm việc ở tư thế phải cúi nhiều hoặc đứng lâu.

- Hạn chế giao hợp trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối vì dễ gây sảy thai, đẻ non.

- Nên nghỉ làm việc trước đẻ 1 tháng.

2.3. Chế độ ăn uống khi có thai

- Khi có thai người phụ nữ tăng cân từ 8 – 12kg hoặc hơn nữa nếu dinh dưỡng tốt, theo dõi và chăm sóc tốt. Nếu tăng cân quá nhiều hoặc nhanh quá có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai. Thai phụ cần phải theo dõi cân nặng hàng tuần để điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý. Trọng lượng cơ thể tăng so với trước khi có thai từ 15 – 20%. Do vậy khẩu phần ăn uống cũng phải tăng.

- Trung bình mỗi thai phụ cần 2500 – 3000calo/24h, những thai phụ phải lao động nặng thì mức năng lượng cần từ 3500 – 4000calo/24h.

- Tăng khẩu phần ăn cho mẹ mục đích bù lại lượng hao hụt của cơ thể do thai nghén, đồng thời dự trữ cho cuộc đẻ và nuôi con. Thành phần thức ăn gồm:

2.3.1. Protid

- Nhu cầu bình thường 1g/1kg cân nặng/24h. Khi có thai cần 1,5g/1kg/24h.

Nên ăn đạm với tỷ lệ một nửa là đạm động vật, một nửa là đạm thực vật. Đạm động vật có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu.

- Thiếu protid sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể mẹ, thai kém phát triển, đẻ non.

2.3.2. Lipid

- Nhu cầu khi có thai cần 0,8g/1kg cân nặng/24h. Lipid có nhiều trong mỡ động vật và dầu thực vật (vừng, lạc, dừa...). Lipid có vai trò quan trọng để hoà tan vitamin A, D, E, K.

- Thiếu lipid sẽ dẫn đến thiếu các loại vitamin A, D, E, K. Thừa lipid sẽ gây béo bệu. Nên ăn với tỷ lệ 3/5 lipid động vật và 2/5 lipid thực vật.

2.3.3. Glucid

Khi có thai trung bình cần 300 – 400g/24h. Glucid có nhiều trong gạo, ngô, khoai, sắn, đường, mật, mía, củ cải...

Thừa glucid sẽ gây béo, thiếu glucid sẽ gây mệt mỏi do hạ đường huyết.

2.3.4. Các chất vô cơ

- Canxi: tăng 30% so với trước khi có thai, trung bình cần 1200mg/24h.

Thiếu canxi sẽ gây kích thích thần kinh làm co giật (chuột rút), thai chậm lớn và kém phát triển.

Phospho: tăng 20% so với trước khi có thai, trung bình cần 1500mg/24h.

Canxi và phospho có nhiều trong trứng, đậu, tôm, cua...

Canxi và phospho phải có sự cân đối thì cơ thể mới hấp thu được (tỷ lệ Ca/P=1).

- Magiesulfat và sắt: rất cần cho thai, tuy số lượng ít. Nếu thiếu magiesulfat sẽ gây co giật, thiếu sắt gây thiếu máu nhược sắc. Magiesulfat và sắt có nhiều trong cua, thịt, ngũ cốc...

- Muối: có tác dụng giữ nước làm ứ nước ở tổ chức, do đó khi có thai nếu tăng cân nhanh hoặc mắc bệnh về tim, thận phải hạn chế ăn muối. Trước khi chuyển dạ 1 tuần thai phụ nên ăn ít muối, nếu ăn nhiều muối sẽ ứ nước ở tổ chức làm giảm cơn co tử cung, cổ tử cung xóa mở chậm khi chuyển dạ.

- Các vitamin: rất cần thiết cho sự phát triển của thai, chống táo bón cho mẹ.

Vitamin có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi.

2.4. Dùng thuốc

Cần bảo vệ sức khoẻ mẹ cho tốt để tránh mắc bệnh khi có thai. Bất cứ thuốc gì dùng khi có thai nghén đều phải xin ý kiến thầy thuốc. Nên hạn chế sử dụng thuốc tối đa nếu không cần thiết kể cả thuốc bổ.

Câu hỏi lượng giá

1. Trình bày triệu chứng lâm sàng của thai nghén trong 20 tuần đầu và 20 tuần cuối của thời kỳ thai nghén.

2. Trình bày cách chẩn đoán tuổi thai.

3. Hướng dẫn cho thai phụ vệ sinh khi có thai.

4. Tư vấn cho phụ nữ có thai về chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bà mẹ và gia đình (Ngành: Điều dưỡng) - Trường Trung học Y tế Lào Cai (Trang 22 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)