1.3. Một số thảo dƣợc chữa bệnh dạ dày
1.3.3. Một số hợp chất từ thảo dược có khả năng ức chế vi khuẩn H. pylori
Gần đây, có một số ít nghiên cứu về hoạt chất thiên nhiên trong thảo dược có tác dụng ức chế vi khuẩn H. pylori [64]. Sử dụng tinh chất từ thảo dược để phát triển thuốc là định hướng được quan tâm hiện nay. Theo thống kê của WHO năm 2011, số lượng pháp dược và hồ sơ đăng ký thuốc từ thảo dược đang có tốc độ tăng trưởng theo lũy thừa [74]. Nguyên nhân của sự phát triển nhanh chóng này là do xu hướng tăng cường tự điều trị ở các nước phương Tây, lo ngại về tác dụng phụ của các chế phẩm hóa dược và sự nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của thuốc từ dược liệu trong điều trị các bệnh thông thường và bệnh mạn tính.
Xác định các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học là bước tiếp theo sau quá trình sàng lọc thảo dược để phát triển thuốc. Việc nghiên cứu hóa học các hợp chất thiên nhiên bắt đầu từ thế kỉ XIX. Những nghiên cứu trước đây đơn thuần tập trung về cấu trúc đồng phân, tính chất lý hóa nhưng gần đây đã chuyển sang xu hướng xác định hoạt tính sinh học của các hợp chất này. Đây là hướng quan trọng, không chỉ để hiểu về vai trò của các hợp chất trong hoạt động sống mà còn để ứng dụng phát triển thành thuốc, thực phẩm chức năng, nguyên vật liệu cho các ngành khoa học-công nghiệp khác.
Người ta chia các hợp chất thiên nhiên thành hợp chất sơ cấp và thứ cấp. Một số đối tượng của các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học trong sàng lọc thảo dược là các hợp chất sơ cấp như dẫn xuất của carbonhydrate, dẫn xuất của lipid.
Bên cạnh đó còn có các hợp chất thứ cấp, bao gồm: terpenoid, flavonoid, alkaloid, steroid, polyphenol, carotenoid. Nguồn thảo dược đa dạng về chủng loại và thành phần thu hái (lá, hoa, cành, vỏ cây, rễ, quả, hạt) nên thành phần, hàm lượng các hợp chất thiên nhiên chứa trong đó cũng rất phong phú. Để xác định một hợp chất thuộc nhóm nào, các phương pháp sử dụng thuốc thử đặc trưng cho các nhóm chất, kết hợp với sắc ký bản mỏng để phân tách thành phần, xác định hàm lượng, và sắc ký lỏng hiệu năng cao hoặc khối phổ để định danh chính xác sau khi đã xác định được hoạt tính.
1.3.3.1. Saponin
Saponin còn gọi là saponoid, là một nhóm glycoside lớn, gặp rộng rãi trong thực vật. Saponin có một số tính chất đặc biệt như tạo bọt, giảm sức căng bề mặt, làm vỡ hồng cầu, kích thích niêm mạc. Đa số saponin có vị đắng trừ Glycyrrhizic acid có vị ngọt. Saponin tích lũy ở các phần khác nhau như quả (bồ kết), rễ (cam thảo), lá (lá dứa Mỹ). Một số saponin có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, một số có tác dụng chống ung thư trên thực nghiệm.
Glycyrrhizic acid (G) là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10- 14 % trong dược liệu khô, chỉ có ở bộ phận dưới mặt đất. Đây là saponin quan trọng có mặt trong rễ cam thảo. G được tinh sạch năm 1809 dưới dạng bột màu vàng, tuy
nhiên, ở dạng tinh khiết có dạng bột màu trắng. G và aglycone của hợp chất này có nhiều hoạt tính sinh học như kháng viêm, chống loét, chống dị ứng, chống phát triển khối u. Muối amoni của G ức chế sự sao chép của ADN và ARN của virut.
Gần đây, G còn được ghi nhận là có tác dụng ức chế vi khuẩn H. pylori [38].
1.3.3.2. Flavonoid
Flavonoid là một nhóm các hợp chất tự nhiên thường gặp trong dược liệu có nguồn gốc thực vật. Phần lớn các flavonoid có màu vàng ngoài ra có thể có màu xanh, tím, đỏ hoặc không màu. Đây là nhóm hợp chất có nhiều tác dụng sinh học như tác dụng như chống oxi hóa, tạo phức với ion kim loại ngăn cản các phản ứng oxi hóa, chống độc, chống viêm, chống loét [33].
Quercetin (Q) là một loại flavonoid thường được tìm thấy trong các loại rau củ và trái cây, đặc biệt trong hành tây, vỏ táo, trà xanh, trái cây họ cam chanh.
Q là thành phần của nhiều chế phẩm đa sinh tố và các thuốc từ thảo dược được sử dụng ở nhiều nước trong việc điều trị các bệnh tim mạch. Q có nhiều tác dụng sinh học, một số tác dụng đã được nghiên cứu trên người và động vật như: có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt, cao huyết áp, ung thư tuyến tụy. Theo nghiên cứu của Brown và cs năm 2010, Q có tác dụng kháng vi khuẩn H. pylori cả in vitro và in vivo, ở nồng độ 64 g/ml hầu hết các chủng H. pylori đều bị tiệt trừ [33].
1.3.3.3. Alkaloid
Alkaloid là nhóm hợp chất hữu cơ tự nhiên có mặt khá nhiều trong các họ thực vật với cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học rất đa dạng. Hiện nay người ta đã tìm được khoảng gần 6000 alkaloid và chủ yếu là chất ít tan trong nước nhưng dễ tan trong các dung môi hữu cơ, nhiều chất có hoạt tính sinh học cao.
Berberine (B) là một alkaloid được phát hiện trong khoảng 150 loài thuộc nhiều họ thực vật khác nhau như: Mao lương, hoàng liên, tiết dê, cam thảo. B có nhiều trong thân và rễ cây vàng đắng với tỷ lệ 1,5-3 %. B kết tinh có màu vàng, không mùi và có vị rất đắng. B có phổ kháng khuẩn rộng như kháng shigella, tụ cầu và liên cầu khuẩn, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Gần đây, B được xác định có khả
năng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn H. pylori [25]. Theo Jung (2014), ở nồng độ 16 g/ml Berberine tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn H. pylori, hoạt độ tương đương với nồng độ Ampicillin (10 g) [48].
Tóm lại, một số thảo dược và hợp chất có khả năng ức chế, tiêu diệt vi khuẩn H. pylori tại Việt Nam có thể là cơ sở để tìm ra thuốc mới. Ưu điểm của nguồn thuốc từ thảo dược là tận dụng được nguồn dược liệu có sẵn trong nước giá thành thấp. Bên cạnh đó thuốc sản xuất từ thảo dược dễ sử dụng, được độ tin cậy của người dùng và quan trọng là ít gây tác dụng phụ cho người bệnh. Thêm vào đó, việc nghiên cứu sàng lọc thảo dược có thể được thực hiện trên diện rộng, thời gian nghiên cứu không quá dài, chi phí không quá cao nhưng lại dễ sản xuất thành thuốc.
Đây có thể là một hướng nghiên cứu tiềm năng.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
Các nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng kháng thuốc của vi khuẩn H. pylori ngày càng tăng, do vậy việc tìm ra thuốc mới đặc biệt từ các hợp chất thiên nhiên là điều cần thiết. Xuất phát từ độ an toàn và sự tin tưởng của người dùng thuốc đối với thảo dược, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu:
Tách chiết thu nhận dịch chiết tổng số từ thảo dược
Phân lập vi khuẩn H. pylori và đánh giá khả năng kháng một số loại kháng sinh phổ biến
Đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn H. pylori của một số thảo dược