Chuơng 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÂN VĂN
2.1. Quan niệm phát huy giá trị nhân văn quân sự Việt Nam trong xây dựng nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
2.1.1. Quan niệm về giá trị nhân văn quân sự Việt Nam và xây dựng nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Quan niệm về giá trị nhân văn quân sự Việt Nam
Giá trị là phạm trù của nhiều bộ môn khoa học như triết học, kinh tế chính trị học, văn hoá học, toán học, xã hội học, … nghiên cứu. Từ đầu thế kỷ XX, giá trị trở thành khái niệm trung tâm của giá trị học khi trở thành một ngành khoa học độc lập.
Trong tiếng Hy lạp, “axios” có nghĩa là giá trị, còn trong tiếng Anh, thuật ngữ “value”
cũng mang nghĩa giá trị. Cho đến nay đã có nhiều định nghĩa, quan niệm khác nhau về giá trị, xuất phát từ những góc độ tiếp cận khác nhau.
Tiếp cận giá trị trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, giá trị luôn gắn liền với hàng hóa, giá cả và sản xuất hàng hóa. Giá trị là lao động xã hội của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Vì vậy, sản phẩm nào không có lao động của người sản xuất kết tinh trong đó, thì không có giá trị. Sản phẩm nào hao phí lao động xã hội sản xuất ra chúng càng nhiều thì giá trị càng cao.
Dưới góc độ triết học, giá trị là một phạm trù chỉ sự đánh giá của con người về ý nghĩa và tác dụng của sự vật, hiện tượng đối với cuộc sống con người. Giá trị thường được khẳng định ở khía cạnh, phương diện tích cực, tốt đẹp, đúng đắn có tác dụng thúc đẩy con người thực hiện các hoạt động sáng tạo đồng thời đánh giá và điều chỉnh các hoạt động đó nhằm vươn tới chân, thiện, mỹ.
Giá trị được hiểu là tất cả những gì mang ý nghĩa tích cực, gắn với cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái có ý nghĩa, “cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó” [115, tr. 622]. Tuy nhiên, tiếp cận giá trị trong quan hệ giữa sự vật hiện tượng với chủ thể cụ thể khác nhau, hình thành các giá trị cũng khác nhau. Dựa vào tiêu chí mục đích phục vụ cho nhu
cầu của con người, người ta chia làm hai loại giá trị: Giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị vật chất thể hiện rõ nét trong đời sống kinh tế, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Giá trị tinh thần là những phẩm chất đặc biệt về trí tuệ, tình cảm, ý chí, nó được thể hiện trên các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán... Những phẩm chất đó ăn sâu, bám rễ vào trong đời sống tinh thần và chúng trở thành các chuẩn mực để con người đánh giá phân biệt cái đúng, cái sai, cái xấu, cái đẹp trong đời sống hằng ngày, trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội.
Tiếp cận những quan điểm về giá trị, trong khuôn khổ của đề tài luận án quan niệm: Giá trị là cái được xác định có ý nghĩa, có ích cho con người, cộng đồng và xã hội.
Nhân văn là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các khoa học xã hội với nhiều quan niệm khác nhau. Nhân văn là tính từ “thuộc về văn hóa, thuộc về con người” [115, tr. 1139], chiết tự nhân văn: nhân là người, nhân là lòng yêu thương con người, ăn ở có nhân có nghĩa; văn: trạng thái phát triển xã hội, văn hóa, văn minh. Ở góc độ riêng về lối sống của con người, nhân văn là sự đồng cảm sâu sắc trước những đau khổ, khó khăn của người khác, sự vui mừng trước sự vui mừng của người khác.
Ở góc độ ngành khoa học, nhân văn được xem là một lĩnh vực của các ngành nghiên cứu khoa học xã hội (nhân văn học) như: triết học, ngôn ngữ học, tôn giáo, các ngành nghệ thuật như nhạc, kịch... Có quan điểm cho rằng nhân văn là một nhánh triết học luân lý, là triết học duy con người chuyên chú vào lợi ích, giá trị và phẩm cách của con người đó là chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa này xuất hiện từ thời Phục hưng chủ trương phục hưng các giá trị văn học và nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã, phát triển đầu tiên ở Ý.
Các quan điểm trên đều có những cách luận giải khác nhau thể hiện những thuộc tính của nhân văn, đều có điểm chung toát lên tinh thần cốt lõi biểu thị nhân văn là thuộc tính của văn hóa, là sự tiến bộ, phổ biến của nhân loại. Dù nội hàm nhân văn mỗi quan niệm đề cập ở các góc độ khía cạnh khác nhau, được diễn đạt bằng rất nhiều các tính từ, cụm từ khác
nhau nhưng đều thể hiện tinh thần cốt lõi tất cả vì sự hạnh phúc và tiến bộ của con người, nhân văn là giá trị xuyên suốt, phổ biến của nhân loại, nó được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển giá trị Người của lịch sử. Nhân văn thuộc về văn hóa loài người, thuộc về con người.
Giá trị nhân văn, với tính cách là xem xét tác dụng, ý nghĩa, cái lợi ích của nhân văn đối với chủ thể, có tác dụng phát triển các giá trị khác của con người.
Giá trị nhân văn là một thuộc tính của văn hóa giúp hoàn chỉnh nhân cách; sự trắc ẩn, tinh thần nhân ái, thái độ yêu thương, thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ với những người cùng khổ, làm cho người với người xích lại gần nhau hơn; sự bao dung, độ lượng, sự công bằng, bình đẳng làm cho người ta có thể tránh xung đột, chung sống hòa bình, là cơ sở tạo nên sự đoàn kết xã hội, ổn định xã hội, v.v.. Trên cơ sở tiếp cận đó, luận án quan niệm: Giá trị nhân văn là thuộc tính của văn hóa, biểu thị vì cuộc sống tốt đẹp của con người và sự phát triển toàn diện cho mọi người.
Quân sự, “nghĩa rộng, là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội liên quan đến chiến tranh, quân đội (lực lượng vũ trang) và đấu tranh vũ trang;
nghĩa hẹp, là một trong những hoạt động cơ bản trong quân đội, cùng với các hoạt động khác (chính trị, hậu cần, kỹ thuật...) tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội” [157, tr. 244] . Luận án tiếp cận hoạt động quân sự theo nghĩa rộng của định nghĩa trên, với lát cắt chung nhất là: Hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, hoạt động xây dựng quân đội và hoạt động đấu tranh vũ trang để từ đó tìm ra giá trị nhân văn quân sự.
Hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh: Là hoạt động có tính toàn diện của cả đất nước, nhưng trực tiếp là lực lượng quân đội. Về bản chất là tạo ra sức mạnh quân sự dạng tiềm năng, trạng thái sẵn sàng để bước vào chiến tranh theo đúng mục đích đã xác định.
Hoạt động xây dựng quân đội: Là hoạt động liên quan đến tổ chức con người, vũ khí, hậu cần, kỹ thuật... do một nhà nước hoặc một phong trào chính trị xây dựng để thực hiện mục đích chính trị của nhà nước hoặc phong trào đó.
Hoạt động đấu tranh vũ trang: Là cuộc đấu tranh bằng biện pháp quân sự, nhằm thực hiện một mục đích chính trị nhất định, giữ vai trò quyết định trực tiếp trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự của đối phương.
Có thể thấy, hành động cụ thể của hoạt động quân sự có dẫn tới sự hy sinh xương máu, tính mạng, sự tàn phá tài sản vật chất, môi trường sống. Nhân văn và quân sự nhìn hiện tượng bề ngoài tưởng chừng là quan hệ “đối lập” tuyệt đối, song xét một cách toàn diện, lịch sử - cụ thể cho thấy có hoạt động quân sự mang giá trị nhân văn, có hoạt động quân sự phản nhân văn. Nếu như hoạt động quân sự có tính cách mạng, tiến bộ, chiến đấu vì con người, vì nhân dân thì hoạt động đó mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ngược lại, các hoạt động quân sự nhằm mục đích xâm chiếm lãnh thổ, chiếm đoạt tài nguyên, đồng hóa, chà đạp lên phẩm giá con người thì hoạt động đó phản nhân văn.
Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam, được xem xét trong sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, đó là sự thống nhất giữa giá trị chung mang tính phổ quát của nhân loại với giá trị riêng, độc đáo của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động cụ thể - lĩnh vực hoạt động quân sự. Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam tồn tại khách quan, là những yếu tố tồn tại của xã hội; những tư tưởng, chuẩn mực, hành vi, phong tục tập quán và lối sống trong hoạt động quân sự của một dân tộc có giá trị nhân văn sâu sắc. Giá trị đó được định hình, củng cố, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn tác động đến hành vi của mỗi cá nhân và tập thể hoạt động quân sự.
Từ cách tiếp cận trên, có thể quan niệm: Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam là tính chất vì con người, vì nhân dân biểu hiện qua những hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, xây dựng quân đội và đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.
Dưới góc độ tiếp cận, đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi xuyên suốt, tính chất nhân văn phản ánh tập trung trong hoạt động quân sự. Giá trị này có chiều dài tích tụ và được thử thách qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ và giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc, trở nên bền vững. Xét chiều sâu, chiều dài lịch sử cho thấy bản chất sức mạnh dân tộc ta trong hoạt động quân sự là văn hóa, nhân đạo, nhân văn. “Truyền thống nhân đạo, nhân văn thấm sâu vào tất cả các mối quan hệ trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự, trở thành một trong những nhân tố tạo nên sức
mạnh quân sự, chiến thắng các kẻ thù to lớn và hung tàn” [ 127, tr. 52 - 53].
Tinh thần đánh giặc bằng văn hóa, sức mạnh văn hóa mà trong đó giá trị nhân văn là cốt lõi nhất, bản chất nhất được tiếp nối, kế thừa, phát triển không ngừng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam không có thời đại, thế hệ nào không dùng đến sức mạnh của tinh thần nhân văn trong đánh giặc, trong giành và giữ độc lập chủ quyền dân tộc.
Trong khuôn khổ của luận án, việc tiếp cận, lựa chọn những giá trị cốt lõi xuyên suốt là tính chất nhân văn trong lĩnh vực hoạt động quân sự vì con người, vì nhân dân được kết tinh, biểu hiện qua những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, tính chất tự vệ, chính nghĩa mang giá trị nhân văn sâu sắc trong hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh
Tính chất tự vệ, chính nghĩa là đặc trưng cơ bản, xuyên suốt có giá trị nhân văn cao cả trong lịch sử quân sự của dân tộc. Mục đích hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ là tự vệ, chính nghĩa, bảo vệ quyền con người, là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Quyền con người và mở rộng ra là quyền dân tộc, là được sống hòa bình, ứng xử với nhau trên tinh thần đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, quyền mưu cầu hạnh phúc là lẽ tự nhiên. Lịch sử đã ghi nhận, trước những kẻ thù xâm lược, Việt Nam chưa bao giờ là quốc gia chiếm ưu thế về lực lượng và phương tiện, chính ý chí vì hòa bình và tinh thần đoàn kết dân tộc, vì quyền con người, vì hạnh phúc của nhân dân là sợi chỉ đỏ và là động lực kết nối mọi nhân tố thành một tổng lực đối kháng để đi đến thắng lợi cuối cùng. Hòa bình là mục tiêu của chiến tranh chính nghĩa “vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”, “Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh, cần phải kháng chiến...để giữ quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến” [89, tr. 104 - 105]. Đây là nhân tố trụ cột của người Việt trước những lực lượng xâm lược trong lịch sử.
Việt Nam chỉ tiến hành chiến tranh khi có giặc ngoại xâm đe dọa đến hòa bình của dân tộc, trà đạp lên quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Tính chất chính nghĩa, nhân nghĩa đó quy định và chi phối mục tiêu của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là yếu tố quyết định động viên được toàn dân đánh giặc, là một trong những thành tố tạo nên giá trị nhân văn quân sự Việt Nam. Điều này hoàn toàn đối lập với những tổ chức quân sự của những nước tiến hành chiến tranh xâm lược, thực hiện mưu đồ bá chủ. Vì thực hiện mục đích chiến tranh xâm lược, bành trướng, sẵn sàng tạo cớ và mượn cớ để gây chiến tranh cướp bóc, bấp chấp thủ đoạn trà đạp lên công lý, lẽ phải nên tổ chức quân sự của các nước đó được xây dựng với quy mô lớn, hiếu chiến phản nhân văn.
Hoạt động quân sự với mục đích chính nghĩa là nội dung cơ bản, động lực to lớn và được tiếp nối xuyên suốt lịch sử, là truyền thống nhân văn quân sự dân tộc Việt Nam và được phát triển đến đỉnh cao nhất, ngang tầm thời đại từ khi có Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng. Nâng tầm nhân văn quân sự Việt Nam đến đỉnh cao gắn với bản chất cách mạng, nhân đạo, nhân văn chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong điều kiện Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trước hết phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xoá bỏ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc, thực hiện dân chủ, kế đó tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược có ưu thế hơn chúng ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, khẳng định bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, tính chính nghĩa, cách mạng, nhân văn của Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và đại thắng mùa Xuân (1975), giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nối tiếp những thắng lợi đó, chúng ta tiếp tục giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong quá trình đó, sức mạnh của
dân tộc ta luôn được định hướng và quy tụ dưới ngọn cờ độc lập tự do, các lực lượng chính trị và vũ trang cũng như mọi hoạt động đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang được sử dụng để tiến hành tổng khởi nghĩa, chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc, thể hiện sâu sắc tính chất chính nghĩa, nhân văn, cách mạng.
Thứ hai, tính chất dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, bảo vệ quyền sống, phẩm giá của nhân dân trong hoạt động xây dựng và chiến đấu của quân đội
Ngay từ khi mới ra đời các tổ chức quân sự, cũng như trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, các tổ chức quân sự và hoạt động vũ trang luôn dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Chúng ta xây dựng lực lượng vũ trang không phải đi xâm lược hay đô hộ dân tộc khác, mà để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền sống của người dân Việt Nam. Dù rằng, lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực của giai cấp cầm quyền, nhưng điều đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải qua các triều đại phong kiến khác nhau mỗi khi có họa ngoại xâm thì đều đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, đặt sự sinh tồn của dân tộc lên trên hết. Điều đó càng thể hiện tính chất nhân văn là đặc trưng tiêu biểu trong hoạt động xây dựng lực lượng quân đội của dân tộc ta.
Lịch sử đã minh chứng, tất cả những chiến công hiển hách chống ngoại xâm của dân tộc ta có được là do đã tin vào dân, biết dựa vào dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân. Nhờ tin vào dân, biết dựa vào sức mạnh của dân mà các triều đại phong kiến Việt Nam đã giành thắng lợi trong chống giặc ngoại xâm.
Trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, ý thức về quyền lợi và phẩm giá con người gắn với lợi ích của dân tộc được đề cao nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh chiến đấu của quần chúng. Tư tưởng “trên dưới đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, “cử quốc nghênh địch”, “tận dân vi binh”, “bách tính giai