CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG HỌC SINH CÁ BIỆT CỦA TRƯỜNG
I. ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÀ TRƯỜNG
Trường THPT Dân Lập Thị Trấn Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh là một trong những trường nằm ở Thị Trấn Cẩm Xuyên. Trường được thành lập 1998 với diện tích 7628m2 và tổng số học sinh là 1680 người. Hơn mười hai năm phát triển trường đã xây dựng được cơ sở vật chất cũng như cơ sở hạ tầng tương đối nhằm đáp ứng được nhu cầu dạy và học của nhà trường. Hiện nhà trường có một nhà bốn tầng với 21 phòng học kiên cố, ngoài ra còn có một phòng thí nghiệm hóa học, vật lý…, hai phòng thực hành tin học với 40 máy vi tính. Tổng là 25 lớp học trong đó có 10 lớp khối 10, 9 lớp khối 11 và 11 lớp khối 12. Hiện nay nhà trường đã có 70 giáo viên phục vụ công tác giảng dạy tại trường và việc giáo dục học sinh ở đây quả đúng là một công việc đầy áp lực và nặng nề đối với các thầy cô bởi lẽ chất lượng đầu vào của học sinh tương đối yếu.
Mặc dù vậy những thầy cô trường Dân Lập Cẩm Xuyên vẫn đang từng ngày từng giờ nỗ lực hết mình để chèo lái con thuyền tri thức giáo dục cho các em nên người. Năm học 2009 - 2010 vừa qua nhà trường đã có những thành tích đáng ghi nhận: học sinh giỏi tỉnh có 8 em đạt 4%; học sinh tiên tiến đạt 12%;
học sinh trung bình đạt 81% và học sinh loại yếu, kém là 3%.
1. Đặc điểm Ban giám hiệu.
Trường THPT DL Cẩm Xuyên với đội ngũ giáo viên là 70 người, trong đó có 15 người là cán bộ công nhân viên của nhà trường. Trong Ban giám hiệu thì có thầy giáo Trần Văn Quân làm hiệu trưởng, thầy có trình độ thạc sỹ, được đào tạo rất bài bản ở các trường đại học của Việt Nam. Ngoài ra thầy đã từng tham gia các lớp học tập huấn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giáo dục tại các cở sở Trung Ương. Thầy là vừa là một nhà giáo vừa là một nhà lãnh đạo nhiệt tình và tâm huyết với nghề, dưới sự lãnh đạo dẫn dắt của thầy và hỗ trợ của cô hiệu phó Lê Thị Dung cùng các thầy cô cũng như các em học sinh thì trường THPT Dân Lập Thị Trấn Cẩm Xuyên đã không ngừng đi lên và trưởng thành.
2. Hội đồng sư phạm.
Mặc dù công việc giáo dục các em học sinh “có chất lượng đầu vào yếu”
gặp không ít khó khăn nhưng các thầy cô vẫn miệt mài ngày đêm cống hiến cho nhà trường, cho xã hội. Hiện nhà trường có lực lượng đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của nhà trường, trong số 70 giáo viên (có 15 người là cán bộ công nhân viên của nhà trường) thì có 4 thạc sĩ và 6 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, còn lại là các giáo viên đều tốt nghiệp các trường đại học chính quy, có trình độ chuyên môn tốt.
Qua nhiều năm công tác và gắn bó với trường thì các thầy cô đã đúc rút cho bản thân được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc giảng dạy cũng như công tác giáo dục đạo đức lối sống và được các em học sinh yêu mến, tôn trọng.
Mặc dù những buổi đầu gặp khó khăn không ít trong việc giảng dạy các em, vì lúc đầu thì cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học rất thiếu thốn, cũng có những thầy cô không thể gắn bó được với trường đã phải chuyển trường. Hơn nữa học sinh ở đây yếu về cả học lực lẫn đạo đức nên việc giáo dục các em lại thêm phần khó khăn và nan giải.
Đó thật sự là một thử thách lớn đối với lương tâm cũng như trách nhiệm của nhà giáo. Những người thầy người cô đã kiên trì ở lại và vượt qua bao gian khó để ươm lên những “mầm xanh của tri thức và tài năng” thật là đáng kính, đáng được chúng ta và xã hội ghi nhận họ, đó chính là những tấm gương sáng
cho thế hệ nhà giáo trong tương lai như chúng tôi. Đúng như ông Usinxki từng nói:
"Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác."
Quả đúng vậy sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gỡ thay thế được. Tuy nhiên cũng có một số thầy cô nhận thức chưa sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với học sinh, xem sự nghiệp giáo dục như là “Công việc kiếm tiền” nên đã dẫn đến một số thiếu sót nhất định như: thiếu tôn trọng học sinh, hời hợt trong công tác giảng dạy cũng như quản lý học sinh và thiếu sự quan tâm tới các em.
3. Đặc điểm học sinh của trường THPT DL Cẩm Xuyên
Đặc điểm của học sinh trường THPT DL Cẩm Xuyên cũng mang những nét đặc trưng chung của lứa tuổi học sinh THPT. Lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi có những chuyến biến quan trọng cả về sự phát triển thể lực lẫn sự phát triển tâm lý. Vì vậy, hiểu sâu sắc và nắm chắc những đặc điểm tâm lý lứa tuổi là yêu cầu không thể thiếu được đối với một giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường THPT và các nhà giáo dục khác.
Học sinh THPT mang nhiều nét tâm lý của người lớn mặc dù vẫn còn một vài đặc điểm của tuổi thiếu niên. Những công trình nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng ở lứa tuổi này đã trưởng thành về mặt thể lực. Các em có khả năng tri giác rõ ràng, có những rung cảm mãnh liệt, đặc biệt là tính tích cực cao thể hiện ở sự nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ.
Một đặc điểm nữa hết sức rõ rệt của tuổi trẻ là sự hứng thú nhận thức rộng rãi. Các em khao khát được tìm hiểu, được tiếp nhận những thông tin mới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Vì vậy, giáo viên, nhà giáo dục cần tăng cường các tri thức xã hội mà không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ lĩnh vực khoa học mình đang dạy.
Nói cách khác, họ cần phải có một thế giới quan sâu sắc, rõ ràng.
Sự nhận thức của tuổi trẻ là sự nhận thức có phê phán. Do đó, các em thường có những tranh cãi sôi nổi về thế giới xung quanh. Các em mong muốn không những “hiểu biết bản thân mình”, mà còn quan tâm đến thế giới nội tâm của con người. Trong một thời đại mới, thời đại của khoa học công nghệ thông tin, những thành tựu của loài người đang ngày càng phát triển thì nâng cao nhận thức cho mọi người là điều cần thiết. Hơn nữa, thanh niên là lớp người kế tục xây dựng đất nước thì càng cần phải tăng cường hiểu biết cho các em. Do đó, việc tổ chức các hoạt động đa dạng, sôi nổi, mang ý nghĩa giáo dục là việc làm cần thiết của giáo viên, nhà giáo dục. Đó chính là dịp để nam nữ thanh niên học tập, thảo luận, tranh cãi, nhằm sáng tỏ những vấn đề mà các em quan tâm.
Lứa tuổi thanh niên học sinh THPT cũng là lứa tuổi khao khát muốn thể hiện mình, muốn được lập công. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cũng không nên kìm hãm những hứng thú trong sáng của các em, không làm cho các em vỡ mộng, mà trái lại nên khuyến khích những việc làm tích cực, đồng thời ngăn ngừa những hành vi thiếu suy nghĩ của các em.
Và đặc biệt ở lứa tuổi học sinh THPT rất hiếu động có khuynh hướng sáng tạo, tò mò cao.
Tuy nhiên, mỗi giai đoạn trưởng thành nào đó của trẻ đều có thể có những biểu hiện lệch lạc về nhân cách. Ở lứa tuổi này người giáo viên, nhà giáo dục nên chú ý giáo dục học sinh để tránh những biểu hiện của thói ích kỷ, thiếu đạo đức, không tôn trọng người khác, bắt chước hoặc đua đòi theo lối lai căng, sa ngã vào tệ nạn xã hội.v.v.
Học sinh THPT là lứa tuổi nhiệt tình hưởng ứng tất cả những gì cao đẹp nhất và hết lòng làm mọi việc. Chính vì vậy nhà giáo dục phải nhìn nhận ra vấn đề này và có những định hướng đúng đắn cho các em, giúp các em phát huy hết lòng nhiệt huyết của mình.
Ngoài những đặc điểm trên học sinh trường THPT Dân Lập Cẩm Xuyên cũng có những nét đặc trưng riêng của môi trường dân lập. Qua điều tra thực tiễn thì học sinh trường THPT Dân Lập Thị Trấn Cẩm Xuyên về thành tích học tập cũng như các phong trào hoạt động ở đây không được cao so với những trường công lập như trường THPT Hà Huy Tập, THPT Cẩm Thăng.v.v. vốn dĩ
đây là một trường “Dân Lập” nên đầu vào của các học sinh hơi thấp so với các trường khác và hầu hết là con em của những gia đình buôn bán giàu có nên con cái ăn chơi, không chú trọng việc học hành vì thế nên ý thức học tập của học sinh ở đây còn kém, chưa nhận thức được rõ về mục tiêu của việc học. Bên cạnh đó cũng có những tấm gương vượt khó học giỏi nhưng đó chỉ là những con số rất ít.Mặc dù vậy nhưng không hẳn phủ nhận những ưu điểm riêng của học sinh trường này, các em cũng rất năng động, mạnh dạn, thật thà và có tính độc lập tương đối cao.