Chương 3. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI KHU VỰC NGHIÊN CỨU
3.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu
3.2.2. Kinh tế - xã hội
3.2.2.1. Tình hình phát triển kinh tế chung
Theo số liệu thống kê của các xã, nguồn thu ngân sách trên địa bàn các xã vùng đệm năm 2014 đạt trên 37,45 tỷ đồng. Sản lượng lương thực trung bình trong toàn khu vực đạt 365 kg/người/ năm. Thu nhập bình quân cao nhất ở xã Yên Trung, đạt khoảng 6.500.000 đ/người/năm. Thấp nhất là xã Khánh Thượng, chỉ đạt khoảng 3.600.000 đ/người/năm. Trong khu vực có 1.436 hộ nghèo, chiếm 10,31% số hộ trong vùng. Khánh Thượng là xã có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất với 189 hộ, chiếm 11,3 % số hộ trong xã. Đông Xuân là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, chỉ có 28 hộ, chiếm 2,8% số hộ trong xã. Thu ngân sách trên địa bàn thấp, kinh tế chậm phát triển và còn nhiều khó khăn.
- Sản xuất lương thực: Năng suất lúa 2 vụ của các xã trong vùng đạt trung bình 4,75 tấn/ha/năm. Bình quân mỗi năm đạt trên 33.000 tấn. Năm 2014 đạt trên 37.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng lương thực không đủ tiêu dùng tại chỗ mà nhiều địa phương vẫn phải mua từ bên ngoài vào.
- Chăn nuôi: Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng thứ 2 sau trồng trọt.
Ngoài việc cung cấp sức kéo, trâu bò còn cung cấp phân bón phục vụ cho sản xuất, góp phần tăng năng xuất cây trồng, cung cấp thực phẩm tại chỗ. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi trong vùng gặp nhiều khó khăn do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp.
- Công tác bảo vệ rừng: Người dân địa phương đã nhận khoán bảo vệ rừng do Vườn giao khoán bảo vệ là 3.350 ha, với 97 hộ dân ở các xã. Kết quả nghiệm thu hàng năm cho thấy các hộ nhận khoán đã bảo vệ tốt diện tích được giao.
- Khai thác nguồn lâm đặc sản là cây thuốc trong rừng tự nhiên: Hiện nay, tại các bản Yên Sơn và bản Hợp Nhất thuộc xã Ba Vì, nhiều hộ gia đình
người Dao có nghề thuốc gia truyền. Hầu hết cây thuốc được lấy từ rừng tự
nhiên trên Núi Ba Vì (vùng lõi). Việc khai thác quá mức và thiếu kiểm soát đã làm giảm mạnh về số lượng và chất lượng của nhiều loài cây thuốc quý chữa các bệnh xương khớp, bệnh gan, thận, các bệnh phụ nữ… Đây thực sự là điều cảnh báo, nếu Vườn và địa phương không kiểm soát chặt chẽ hoặc không có phương án quy hoạch bảo vệ và gây trồng thì một số loài cây thuốc quý có nguy cơ không còn.
- Canh tác nương rẫy: Ở các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại người dân canh tác nương rẫy nằm trong phân khu phục hồi sinh thái.
Tuy nhiên, diện tích này được người dân canh tác từ lâu đời. Canh tác chủ yếu trồng cây Sắn, Dong giềng, một số diện tích trồng luân canh. Nhìn chung, năng suất ngày càng giảm dần do đất bạc màu, rửa trôi.
- Sản xuất tiểu thủ công nghiệp: Trên địa bàn vùng đệm có 8 cơ sở sản xuất, quy mô của các cơ sở nhỏ (số lao động trong các cơ sở này từ 50 – 160 người) lực lượng lao động là người địa phương. Cơ sở sản xuất thủ công, dịch vụ thương mại chủ yếu do gia đình tự làm.
3.2.2.2. Hiện trạng xã hội và cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đệm
- Công tác Giáo dục: ở tất các các xã đều đã có trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Hầu hết các em ở độ tuổi đến trường đều đã được đi học. Năm 2014, các xã trong vùng có tỷ lệ học sinh trung học được xét tốt nghiệp đạt từ 94 - 98%. Tuy vậy, chất lượng giáo dục chưa thật tốt.
- Công tác Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong khu vực điều tra, các xã đã có 1 trạm y tế. Toàn vùng có 103 cán bộ y tế và 87 giường bệnh.
Các cơ sở y tế trong vùng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, khám bệnh, sơ cứu và chữa các bệnh thông thường cho dân. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở các trạm y tế xã còn thiếu, trình độ các bộ y tế còn hạn chế. Trình độ của cán bộ chủ yếu ở cấp Y sĩ, chưa có bác sĩ.
- Cơ sở hạ tầng khá thuận lợi, các xã đều có đường liên xã đã được trải nhựa, xe ô tô về đến trung tâm xã. Một số xã đường từ trung tâm xã đến các
thôn còn là đường đất và đường dải cấp phối. Đường vào các khu du lịch như Ao Vua, Hồ Tiên Sa, Khoang Xanh... đã được đầu tư dải bê tông nhựa đường.
- Hệ thống lưới điện quốc gia đã đến tất cả các xã. Tuy nhiên, điện ở đây mới chỉ dùng để thắp sáng, còn điện cho sản xuất được sử dụng ít, chủ
yếu cho các hộ xay xát, chế biến gỗ xẻ.
- Chợ: hiện nay chỉ mới một số xã có chợ như Yên Quang, Yên Bình, Tản Lĩnh, Minh Quang, còn các xã khác đều chưa có chợ hoặc có chợ nhưng chủ yếu là chợ tạm. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con thôn bản chưa được cải thiên nhiều.
3.2.2.3. Đánh giá chung về kinh tế, xã hội - Thuận lợi:
Công tác tuyên truyền giáo dục của đội ngũ cán bộ cơ sở tốt nên người dân trong khu vực đã có ý thức bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Đến nay cơ bản không còn hiện tượng phá rừng làm nương rẫy. Tài nguyên rừng được duy trì, phát triển tốt. Lực lượng lao động trên địa bàn khá dồi dào, có thể tham gia nhận khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng. Các chương trình dự
án như: Chương trình 327/CP, 661/CP, 134/CP, 135/CP của Chính phủ bước đầu đã cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, lâm nghiệp phát triển, từ đó người dân có nhiều kinh nghiệm làm rừng và có ý thức bảo vệ rừng góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
- Khó khăn:
Khu vực VQG Ba Vì chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống.
Trong đó dân tộc Mường có tỷ lệ khá cao, chiếm 77,3% dân số trong vùng, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, đời sống của người dân chủ
yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ đều thiếu, hệ thống truyền thông công cộng và phương tiện nghe nhìn còn thiếu. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn là những trở lực không nhỏ cho quá trình hội nhập và phát triển.
Chương 4