CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Cơ sở thực tiễn của quản lý Nhà nước về du lịch
1.2.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch ở Thành phố Đà lạt
Đà Lạt nằm ở độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển, là vùng đất hiếm có của khu vực Đông Nam Á có khí hậu ôn đới trong vùng nhiệt đới, thời tiết quanh năm mát mẻ, ôn hòa, không cách xa các trung tâm dân cư và đô thị lớn của vùng và khu vực. Từ lâu Đà Lạt đã được biết đến là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn với rất nhiều phong cảnh đẹp hữu
tình. Hàng năm, Đà Lạt đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng và tận hưởng không khí trong lành, thưởng ngoạn nét rực rỡ quyến rũ của thành phố ngàn hoa.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính từ năm 2005 (năm đầu tiên tổ chức Festival Hoa Đà Lạt) đến nay, khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng liên tục tăng (năm sau luôn cao hơn năm trước). Cụ thể, năm 2005:1,6 triệu lượt; năm 2006:
1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009:
2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt…; năm 2016: 5,4 triệu lượt; năm 2017:
6 triệu lượt; năm 2018: 6,5 triệu lượt và trong 6 tháng đầu năm 2019, Đà Lạt đã đón 3.735 ngàn lượt khách.
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bên cạnh triển khai các chương trình, dự án quy hoạch của Trung ương như: Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”…, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 04- NQ/TU “Về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015” và Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết của Tỉnh ủy xác định “Du lịch là ngành kinh tế động lực của sự phát triển Kinh tế - xã hội” địa phương trong giai đoạn mới.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự quan lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của ngành VHTTDL và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nhiều năm qua đã tạo sự khởi sắc trong hoạt động du lịch, liên kết đầu tư, xúc tiến du lịch - thương mại. Lâm Đồng đã kết nối chương trình hợp tác
“Tam giác” phát triển du lịch Lâm Đồng - Bình Thuận - TP.HCM; Hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh: Lâm Đồng - Hà Nội - Đắk Lắk - Gia Lai; Chương
trình khảo sát và ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng - Đồng Nai;
ký kết thỏa thuận quốc tế giữa Sở VHTTDL Lâm Đồng và Ban Quản lý Jeju Olle - Hàn Quốc về phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến Du lịch và Thương mại với các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào...
Việc mở rộng thông thoáng các chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã thu hút 112 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng; trong đó, 31 dự án đã đưa vào khai thác kinh doanh.
Phần lớn các dự án đầu tư khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông, dã ngoại, tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, trên địa bàn Đà Lạt hiện có 02 Khu du lịch (KDL) quốc gia đã và đang được đầu tư khai thác sẽ mở ra triển vọng lớn cho sự phát triển du lịch của thành phố sương mờ này; đó là KDL hồ Tuyền Lâm và KDL Đan Kia - Suối Vàng. TP. Đà Lạt vừa được kết nạp làm thành viên Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO); đây là điều kiện, cơ hội vô cùng thuận lợi để phát triển, quảng bá du lịch Đà Lạt trong tương lai gần…
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tỉnh Lâm Đồng đã
tập trung khai thác tiềm năng lợi thế cạnh tranh; tập trung các chính sách đầu tư phát triển du lịch là chủ trương lớn, sự ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH của Lâm Đồng. Các cơ quan quản lý về du lịch đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ, quan tâm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các chương trình khuyến mãi, thực hiện niêm yết công khai giá các mặt hàng và bán đúng giá niêm yết; phục vụ khách du lịch với thái độ niềm nở, thân thiện…
Việc khảo sát, đánh giá, bổ sung các loại hình, mô hình du lịch, sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Đà Lạt được địa phương đặc biệt chú trọng. Sở VHTTDL đã tiến hành thẩm định mới, thẩm định lại 53 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; rà soát, chấn chỉnh những sai sót của các cơ sở lưu trú du lịch,
nhất là đối với loại hình home stay (phát triển gần đây); thường xuyên phối hợp kiểm tra liên ngành các doanh nghiệp kinh doanh loại hình Du lịch thể thao mạo hiểm; đến nay, cơ bản đã khắc phục những thiếu sót, bất cập, đảm bảo an toàn cho du khách; nhìn chung, số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng nâng cao. Hiện trên địa bàn TP. Đà Lạt hệ thống cơ sở lưu trú được xây dựng và nâng cấp, có 1.590 cơ sở lưu trú du lịch, với 19.486 phòng; trong đó, có 438 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.501 phòng;
có 32 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.127 phòng…
Toàn tỉnh có 64 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch; trong đó, có 26 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; có 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với 60 điểm tham quan miễn phí (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo, làng nghề, khảo cổ...) và 30 điểm du lịch canh nông phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, tạo ra sự đa dạng, phong phú để xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng.
Để du lịch Đà Lạt trở thành “ngành kinh tế động lực”, điểm đến hấp dẫn, an toàn và có tính bền vững, ngoài phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, địa phương cần giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập hiện nay; trong đó, phải gấp rút hoàn thiện về quy hoạch đô thị, hoàn thiện hạ tầng giao thông và chấn chỉnh những tiêu cực, hành vi, hình ảnh chưa đẹp của người dân và đối với khách du lịch. (Dương Thanh Hồng, 2019).