CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP
1.2. Cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập
1.2.4 Nhân tố ảnh hưởng đến cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập
* Cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính của Nhà nước
Cơ chế quản lý là tổng thể các phương pháp công cụ và hình thức hoạt động trên một hệ thống để phối hợp giữa các bộ phận thành viên trong hệ thống nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của quản lý. Trong lĩnh vực tài chính, cơ chế quản lý tài chính được hiểu là hệ thống các hình thức, phương pháp và biện pháp tài chính được sử dụng để tác động vào quá trình vận hành của các quan hệ kinh tế tương ứng nhằm hướng tới các mục tiêu quản lý được xác định. Cơ chế quản lý tài chính, gồm các bộ
phận chủ yếu:
- Kế hoạch tài chính.
- Các hình thức và phương pháp phân phối các nguồn tài chính
- các hình thức và phương pháp tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
- Bộ máy quản lý tài chính.
- Các văn bản pháp quy về tài chính.
Cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế là hệ thống các quy định tác động đến hoạt động tài chính của đơn vị nhằm thực hiện mục tiêu hoạt động của các đơn vị.
Cơ chế này kích thích sự nghiệp y tế phát triển thông qua sự vận hành của các cơ chế, chính sách tài chính; tạo hành lang pháp lý với những cơ chế, chính sách tài chính cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình đa dạng hóa các loại hình, nhằm phát huy và sử dụng nguồn tài chính đáp ứng các yêu cầu hoạt động của đơn vị.
Cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính của Nhà nước đối với các đơn vị này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về hoạt động sự nghiệp. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế sẽ phải tuân thủ theo cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính của Bộ, ngành.
Do đó, ngoài cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính của Nhà nước, các đơn vị còn có một số cơ chế, các văn bản pháp luật quản lý tài chính riêng cho những đặc thù của ngành với các quy định cụ thể, rõ ràng, tránh được những vướng mắc về cơ chế chung không phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng đơn vị.
Công khai minh bạch trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguyên tắc quan trọng cần được các cơ quan soạn thảo, ban hành đặc biệt quan tâm trong quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý tài chính nói chung bao gồm các nội dung sau:
- Các quy định chung về đối tượng và phạm vi áp dụng.
- Các quy định cụ thể về nguồn tài chính, nguồn kinh phí, nội dung chi, định mức chi, việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí.
- Các điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện. (Nguyễn Nguyên Hùng, 2019,
ap. 22-23)
* Đặc điểm của ngành
Đặc điểm của ngành là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế. Do đặc điểm của từng đơn vị thuộc lĩnh vực này khác nhau nên đặc điểm hoạt động của các đơn vị cũng khác nhau dẫn đến mô hình quản lý tài chính cũng sẽ thay đổi cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng đơn vị.
Ngoài ra, do hoạt động của từng đơn vị khác nhau dẫn đến tính chất và nội dung của các khoản thu, chi của các đơn vị cũng khác nhau, mang tính đặc thù của mình. Điều này đòi hỏi trên cơ sở nguyên tắc quản lý chung, từng đơn vị phải có các biện pháp quản lý cụ thể cho phù hợp với hoạt động của đơn vị mình.
* Hệ thống kiểm tra, kiểm soát tài chính
Kiểm tra, kiểm soát là một hoạt động rất quan trọng, không thể thiếu trong khoa học quản lý nhằm đảm bảo cho quá trình hoạt động theo kế hoạch vạch ra, phát hiện kịp thời các sai sót, vướng mắc để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh những tổn thất.
Cơ sở khách quan cho công tác kiểm tra tài chính là chức năng tài chính và nó được thể hiện thông qua công tác kiểm tra tài chính. Công tác kiểm tra tài chính có tác động tăng cường nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, thúc đẩy việc sử dụng hợp lý kinh phí được cấp nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả của xã hội.
Kiểm tra tài chính bao gồm:
- Kiểm tra trước khi thực hiện kế hoạch tài chính: là loại kiểm tra được tiến hành trước khi xây dựng, xét duyệt quyết định dự toán kinh phí.
- Kiểm tra sau khi thực hiện kế hoạch tài chính: là loại kiểm tra được tiến hành sau khi đã kết thúc giai đoạn thực hiện công tác kế hoạch tài chính. Mục tiêu của kiểm tra ở giai đoạn này là xem xét lại tính đúng đắn, hợp lý, chính xác của các hoạt động tài chính cũng như các số liệu, tài liệu tổng hợp được đưa ra trong các sổ sách, báo cáo, từ đó có thể tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hóa tài chính trong các kỳ sau đó.
Cùng với hoạt động kiểm tra thì kiểm soát thường xuyên là một nhân tố có ảnh
hưởng quan trọng đến quản lý tài chính tại đơn vị. Kiểm soát thường xuyên là hoạt động nhằm thực hiện việc giám sát, kiểm tra liên tục đối với hoạt động tài chính, nghiệp vụ tài chính phát sinh nên có thể kịp thời phát hiện những sai sót, những vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính. Trên cơ sở đó, thúc đẩy việc hoàn thành các kế hoạch tài chính, tổ chức và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn kinh phí, đảm bảo chi đúng, chi đủ, có hiệu quả phù hợp với mục tiêu của Nhà nước giao cho và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. (Nguyễn Nguyên Hùng, 2019, p. 25) 1.2.4.2 Nhân tố chủ quan
* Phương hướng chiến lực phát triển của bệnh viện
Mục tiêu chung mà quản lý tài chính bệnh viện công phải hướng đến là tính hiệu quả và tính công bằng. Để có được những bước đi cũng như lộ trình hợp lý, các nhà quản lý bệnh viện phải hướng tới những mục tiêu và phương hướng chung của ngành y tế từ đó xác định phương hướng của bệnh viện. Việc xác định này tùy thuộc vào thực trạng, khả năng có thể đạt được của bệnh viện. Do vậy, có thể nói phương hướng chiến lược phát triển của bệnh viện quyết định trực tiếp tới hoạt động tài chính cũng như quản lý tài chính của bệnh viện. Do đó, bệnh viện phải xác định được chính xác, đúng đắn phương hướng chiến lược phát triển của mình để từ đó xây dựng các mục tiêu và giải pháp quản lý tài chính phù hợp. (Nguyễn Thị Phương Hiếu, 2018)
* Trình độ cán bộ quản lý
Đây được coi là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả, chính xác của các quyết định quản lý, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc cũng như của cả bộ máy hoạt động. Vai trò của cán bộ quản lý ngày càng tăng, thực chất là do đòi hỏi người cán bộ khả năng phát huy nhân tố chủ quan, có bản lĩnh, tri thức và năng động trên cơ sở nắm vững và vận dụng quy luật khách quan cũng như các quan điểm, đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội của công cuộc đổi mới. Trình độ cán bộ quản lý là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tính kịp thời, chính xác của các quyết định quản lý.
Do đó, nó có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý, quyết định sự thành bại của công tác quản lý nói chung và công tác quản lý tài chính nói riêng. Yêu cầu về trình độ quản lý của cán bộ quản lý là khác nhau. Cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, toàn diện và khái
quát. Cán bộ tham mưu, trực tiếp làm công tác tài chính kế toán đòi hỏi phải có năng lực, trình độ chuyên môn sâu.
* Nhận thức của cán bộ công chức và người lao động
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm làm thay đổi nhận thức của cán bộ viên chức và người lao động. Cán bộ viên chức và người lao động phải từ bỏ những thói quen xấu như đi muộn về sớm, sử dụng hoang phí văn phòng phẩm, điện nước tại đơn vị, không chịu cập nhật kiến thức, trì trệ trong công việc,…Đổi mới sang cơ chế tự chủ đòi hỏi cán bộ viên chức và người lao động phải thay đổi nhận thức trong quá trình công tác. Do thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã giúp cán bộ viên chức và người lao động tìm kiếm, học hỏi và năng động hơn trong công việc, nhận thức được việc sử dụng kinh phí và tầm quan trọng của tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống cho chính cán bộ viên chức và người lao động.