Vai trò của quyền phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử ở việt nam (Trang 20 - 24)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ

1.2. Vai trò của quyền phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

1.2.1. Sự cần thiết phải thể chế hóa quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

Phụ nữ là một nửa của thế giới, một nửa không thể thiếu về mặt tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, phụ nữ không được quan tâm một cách tương xứng, ngược lại còn bị phân biệt, đối xử. Trong thực tế, phụ nữ đã chứng minh được vai trò to lớn và có những đóng góp tích cực trên các mặt của xã hội. Vì vậy, phụ nữ phải được coi trọng và ghi nhận thành những quyền cơ bản trong các văn bản pháp lý cũng như đảm bảo cơ chế thực hiện các quyền ấy.

17 Dương Kim Anh (2017), “Một số lý thuyết phát triển phụ nữ trên thế giới:Từ kinh điển tới hiện tại”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, tr. 88-89.

Chỉ có pháp luật là công cụ hữu hiệu đáp ứng các yêu cầu này. Các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật thuộc những lĩnh vực khác nhau đều quy định về quyền của phụ nữ với cơ chế đảm bảo thực thi. Trải qua hàng trăm năm đấu tranh, ngày nay trên phạm vi rộng lớn của thế giới, quyền của phụ nữ đã trở thành vấn đề được thừa nhận và trân trọng. Nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là các văn bản pháp luật đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó là trách nhiệm văn minh của toàn thế giới18.

Ở Việt Nam, quyền của phụ nữ thực sự được đề cập từ khi Việt Nam giành được độc lập từ tay thực dân, phong kiến. Ngày nay, quyền của phụ nữ được ghi nhận trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, thể hiện ý nghĩa lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Quyền của phụ nữ được quy định trong pháp luật là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đây là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội. Các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ còn mang những đặc thù về giới, lồng ghép những tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, khẳng định giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng trong thực hiện quyền con người. Do vậy, pháp luật về quyền của phụ nữ là một bộ phận quan trọng và thiết yếu trong hệ thống pháp luật.

1.2.2. Vai trò của quyền phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

Quyền tham gia vào các cơ quan dân cử là một quyền chính trị quan trọng, được Đại hội phụ nữ thế giới lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) xây dựng thành Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, được 189 nước ký kết tham gia19. Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị. Đây chính là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia. Do vậy, quyền phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử có những vai trò nhất định, thể hiện như sau:

1.2.2.1. Góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất trong chính trị Phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng khẳng định trên các lĩnh vực của xã hội, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nữ. Tuy nhiên thực tế hiện nay, phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với nam giới, cụ thể trong tham gia các cơ quan dân cử chiếm tỷ lệ dưới 27%. Như vậy, có sự chênh lệch lớn về giới trong thực hiện quyền chính trị này. Chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta có những định hướng, quy định nhằm cải thiện tỷ lệ thực tế, hướng đến tỷ lệ trên 35% vào năm

18 Lưu Bình Nhưỡng (2010), “Tổng quan về quyền của phụ nữ theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Luật học số 2, tr.59.

19 Dương Kim Anh, “Phụ nữ tham chính-Cơ hội và thách thức”, http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/nckh-hoc- vien-phu-nu-viet-nam/phu-nu-tham-chinh-co-hoi-va-thach-thuc-1867.htm, truy cập 10/4/2017.

2020. Muốn phụ nữ đạt được quyền này, ngoài việc đưa ra tỷ lệ như là điều kiện cần, điều kiện đủ là làm sao con số nữ đại biểu dân cử phải được đánh giá cao về chất lượng. Nghĩa là, với vai trò là đại biểu dân cử, người nữ đại biểu đó phải phát huy hết các quyền của mình trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ. Tiếng nói của nữ đại biểu phải chứa đựng những đầu tư, suy nghĩ, trăn trở, đầy tâm huyết của người gánh vác nhiệm vụ cao cả do cử tri ủy quyền để có những hành động, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả thiết thực.

Khi được tham gia bộ máy nhà nước, phụ nữ có những đóng góp trong việc hoạch định chính sách của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bầu ra những chức danh trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Trong quá trình tham gia quản lý nhà nước, phụ nữ còn đại diện cho giới nữ nói lên tiếng nói của giới mình tại các nghị trường Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, chống lại sự phân biệt, đối xử về giới. Có như vậy, quyền của phụ nữ tham gia trong các cơ quan dân cử mới đảm bảo bình đẳng thực chất trong chính trị.

1.2.2.2. Tăng tính phản biện xã hội có yếu tố giới

Phụ nữ là một bộ phận quan trọng và chiếm tới 50% dân số trong xã hội. Phụ nữ với những yếu tố riêng do sự khác biệt về giới tính như tâm lý, tình cảm, khí chất, sức khỏe nên có những suy nghĩ về giới khác so với nam. Trên thực tế, những chính sách, pháp luật khi soạn thảo để điều chỉnh một vấn đề nào đó trong xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, phụ nữ sẽ có những am hiểu tận tường hơn nam giới. Bởi phụ nữ cũng là những người mẹ sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ trẻ nên những vấn đề liên quan đến trẻ em, phụ nữ thường có những kinh nghiệm và nhạy cảm hơn nam. Do đó, trong quá trình soạn thảo luật rất cần có những ý kiến phản biện của giới nữ, đặc biệt là vai trò của những đại biểu Quốc hội.

Việc phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan dân cử sẽ có nhiều ý kiến phản biện hơn cho các vấn đề dự thảo. Điều này sẽ góp phần đảm bảo được “tuổi thọ” của những chính sách, luật pháp khi ban hành và thực thi vì nó phù hợp với tâm sinh lý của phụ nữ, trẻ em, đảm bảo sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu như trong quá trình dự thảo văn bản luật không có ý kiến phản biện của nữ đại biểu.

Thực tiễn đã chứng minh, một chính sách, pháp luật thành công phải đảm bảo tính hợp lý và hợp pháp. Tính hợp pháp thường dễ thực hiện và kiểm tra, giám sát hơn tính hợp lý. Tính hợp lý là tổng hợp của những yếu tố về quan niệm, giới, phong tục, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Sức sống và khả năng tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào tính hợp lý của nó, bởi lẽ có những

văn bản khi ban hành chưa thực hiện đầy đủ các bước lấy ý kiến góp ý, phản biện của các đối tượng tác động đã nhanh chóng bị phản ứng của dư luận và kết cục tất yếu phải bị thay thế bằng những quy định mới phù hợp hơn. Vì vậy, vai trò của nữ đại biểu dân cử rất quan trọng trong các cơ quan quyền lực nhằm đảm bảo sự cân bằng về giới, tăng tính phản biện trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật, đồng thời tăng tính ổn định của văn bản đó khi thực hiện.

1.2.2.3. Đảm bảo cho việc tham gia quyết định các chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quyền phụ nữ

Như đã phân tích ở trên, các cơ quan dân cử rất cần sự tham gia của phụ nữ bởi phụ nữ chiếm tỷ lệ ngang với nam giới, vì thế họ có quyền nắm giữ 50% các vị trí ra quyết định. Đây là sự công bằng. Chính sự công bằng là nền tảng cho một xã hội bình đẳng giới. Công bằng tạo nên sự bình đẳng và chính bình đẳng cũng tạo nên sự công bằng trong việc đánh giá vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử sẽ có điều kiện tham gia quyết định các chính sách, đặc biệt là những chính sách về giới, điều này đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích do những khác biệt về mặt sinh học giữa hai giới mang lại.

Do đó, sẽ hiệu quả và chính đáng hơn nếu lợi ích của hai nhóm được đảm bảo.

Các chủ trương, chính sách của mỗi quốc gia cần phản ánh và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích, kỳ vọng của người dân. Các quốc gia không thể hoạch định chính sách hiệu quả nếu chỉ dựa vào nam giới, những người đang chiếm số đông trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước. Hơn nữa, kinh nghiệm và trải nghiệm của phụ nữ và nam giới là khác nhau. Nữ giới cần nắm giữ các vị trí có tầm ảnh hưởng, có vai trò ra quyết định để thể hiện chính kiến, quan điểm của mình. Những vị trí trưởng, phó các cơ quan dân cử là những vị trí thuận lợi cho phụ nữ đưa ra những quyết định của mình. Sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử còn chứng minh cho sự phát triển bền vững của các quốc gia, vì thực tế cho thấy, Quốc hội nào có nhiều phụ nữ tham gia thì nhiều chính sách, pháp luật được xây dựng để bảo vệ con người và môi trường hơn ở những Quốc hội có ít đại diện là phụ nữ. Đặc biệt, tâm lý chung là phụ nữ thường quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của phụ nữ, trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

1.2.2.4. Tạo động lực thúc đẩy phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định vị thế, tiến tới thay đổi quan điểm nhận thức về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực tham chính

Như đã phân tích quyền của phụ nữ trong các cơ quan dân cử có sự khác biệt so với nam giới là phụ nữ thường không được phát huy hết những hiệu quả của quyền khi sử dụng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động mặc dù các cấp ủy Đảng, Nhà nước đã có những nỗ lực lớn nhưng cũng chưa đảm bảo được tỷ lệ

30% nữ trong các cơ quan dân cử. Điều này đòi hỏi phải có sự cộng đồng trách nhiệm từ Đảng, Nhà nước, xã hội cũng như tự thân của phụ nữ. Năng lực đội ngũ cán bộ nữ cũng vậy, không có sẵn mà phải qua quá trình chuẩn bị công phu. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, từng địa phương, đơn vị phải quan tâm đến công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ cho cả hệ thống chính trị. Đó là vấn đề tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, thử thách, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chỉ có nâng cao vai trò, năng lực thực sự của phụ nữ mới có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về bình đẳng giới trên thực tế.

Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ phải biết tự khẳng định mình với một tâm thái rất tích cực, cầu tiến, chịu khó, vươn lên học hỏi bằng nhiều cách, khắc phục những hạn chế cá nhân như gia đình, con nhỏ để có thể học tập nâng cao trình độ, đi công tác cơ sở, luân chuyển…để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng trong công việc, nhất là trong lãnh đạo, quản lý. Một khi đã tạo sự chuyển biến về bình đẳng giới thì sẽ tạo động lực tích cực để phụ nữ tự tin, vươn lên khẳng định vị thế của mình. Từ đó sẽ thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, sẽ làm cho xã hội thay đổi cách nhìn về phụ nữ. Lúc này, người phụ nữ không những được đối xử bình đẳng, được trân trọng, được tạo điều kiện phấn đấu và làm cho hệ thống chính trị vững mạnh mà còn là bằng chứng cho việc thể hiện sự công bằng cho giới nữ trong việc thực hiện quyền tham gia vào các cơ quan dân cử. Những tấm gương thành công của nữ đại biểu dân cử cũng là nguồn cảm ứng, động viên cho giới nữ để họ tự hoàn thiện mình với mong muốn được thực hiện quyền và được xã hội công nhận. Chỉ có như vậy mới có thể thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử ở việt nam (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)