Nội dung quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử ở việt nam (Trang 24 - 28)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ

1.3. Nội dung quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử

Như đã phân tích ở trên, quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử là một trong những quyền thuộc nhóm quyền về chính trị trong tập hợp các quyền con người.

Có thể tóm lược thành các quyền như: quyền bầu cử, ứng cử; quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử giữa những đại biểu khác giới; quyền tự do ngôn luận; quyền được đào tạo nâng cao trình độ, bố trí, đề bạt, giới thiệu, đề cử là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước; quyền giám sát và phản biện liên quan đến ban hành và thực thi luật pháp, chính sách; quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị những vấn đề liên quan; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe; quyền

được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm...Tuy nhiên, trong giới hạn nghiên cứu của luận văn, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu sâu các quyền:

1.3.1. Quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử

Đây là quyền quan trọng, cơ bản được đưa ra hàng đầu. Bởi vì đảm bảo quyền tham gia vào các cơ quan dân cử, đặc biệt là quyền bầu cử, ứng cử sẽ đảm bảo phụ nữ có tiếng nói tại Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là điều kiện tiên quyết, là quyền mang tính chất tiền đề để đảm bảo cho các quyền khác về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của phụ nữ và có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đảm bảo các mục tiêu bình đẳng giới. Quyền bầu cử thể hiện ở hai phương diện, quyền bầu cử và được bầu cử. Quyền này vừa mang tính chủ động vừa mang tính bị động. Phụ nữ với tư cách là cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử bằng việc thông qua lá phiếu để chọn ứng cử viên mình tin tưởng. Bên cạnh đó, với tư cách là một ứng cử viên đại biểu dân cử, phụ nữ sẽ được cử tri bầu chọn thông qua bầu cử hay được các đại biểu khác bầu vào các chức danh trong các cơ quan dân cử.

Một khía cạnh khác để phụ nữ thể hiện sự tự tin, muốn khẳng định và cống hiến tài năng, trí tuệ của mình bằng việc mạnh dạn ứng cử là đại biểu của các cơ quan dân cử hay vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan này. Cơ chế phổ biến hiện nay trên thế giới và cả Việt Nam là rất khuyến khích phụ nữ tự ứng cử. Qúa trình phụ nữ tự tích lũy về “chất” để đáp ứng với những tiêu chuẩn “cứng” quy định cho ứng cử viên là thể hiện sự nỗ lực không ngừng trong học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng, nên việc phụ nữ tham gia ứng cử vào các cơ quan dân cử, các vị trí ra quyết định thể hiện bản lĩnh và quyết tâm chính trị cũng như đạt được sự đồng thuận cao từ các yếu tố như gia đình, cộng đồng, nơi làm việc. Nếu phụ nữ có điều kiện tham gia vào các cơ quan dân cử, đặc biệt là các vị trí chủ chốt, phụ nữ sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hoạch định chính sách, đảm bảo chính sách, pháp luật được thực thi công bằng cho các giai tầng, các giới trong xã hội.

Vì vậy quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử phải đi đối với sự bình đẳng. Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm đảm bảo tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau trong tham gia bầu cử và ứng cử, nghiêm cấm, mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, số đại biểu được bầu để đảm bảo được tính đại diện cho vùng miền, địa phương, các tầng lớp, các giới và phụ nữ phải có tỷ lệ thích đáng trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

1.3.2. Quyền bình đẳng và không bị phân biệt, đối xử giữa những đại biểu khác giới trong tham gia các cơ quan dân cử

Quyền con người là quyền tự nhiên, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào trong việc thụ hưởng những quyền tự nhiên ấy. Pháp luật quốc tế và Việt Nam đã có những quy định rất chặt chẽ thông qua các công ước, tiêu biểu là Công ước CEDAW năm 1979, Hiến pháp 2013 và Luật Bình đẳng giới năm 2006. Công ước CEDW đã quy định nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên phải thực hiện đối với quyền của phụ nữ gồm có: lên án sự phân biệt đối xử với phụ nữ dưới mọi hình thức và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ phân biệt đối xử với phụ nữ, kể cả biện pháp lập pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ để họ có thể thụ hưởng các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới. Về chính trị, các quốc gia thành viên của Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị, đặc biệt là trong thực hiện quyền tham gia vào các cơ quan dân cử. Cụ thể, phụ nữ phải được đối xử công bằng khi tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân, ứng cử vào các cơ quan dân cử; xây dựng và thực hiện chính sách, luật pháp. Nhà nước cần trao cho phụ nữ tư cách pháp lý như nam giới và tạo điều kiện để thực hiện tư cách này.

Việc thực hiện quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử với phụ nữ được thể hiện ngay từ khi đưa ra các tiêu chí để lựa chọn ứng cử viên tham gia vào các cuộc bầu cử. Các tiêu chí đưa ra phải tính toán kỹ lưỡng những ưu, nhược điểm của phụ nữ, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới nhưng phải thể hiện sự công bằng dựa trên những đặc điểm khác biệt về giới tính. Tiếp đó, cần đảm bảo sự dân chủ, công bằng trong giới thiệu, đề cử ứng cử viên, đảm bảo sự phù hợp trong các quy trình bầu cử.

Để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên 35%, Việt Nam cần tăng số lượng ứng cử viên nữ với lý lịch công tác mà cử tri có xu hướng ủng hộ. Các vị trí lãnh đạo cũng rất quan trọng. Trong Quốc hội, bên cạnh Ủy ban Thường vụ, các Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban có các quyền hạn khác nhau. Nghiên cứu cho thấy phần lớn phụ nữ giữ ít trọng trách hơn trong Quốc hội trong khi nam giới có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo hơn. Thực tế, số lượng nữ ứng cử viên trúng cử thường thấp hơn nam giới kể cả trong bầu cử hoặc tham gia vào các vị trí chủ chốt trong các cơ quan dân cử.

Quốc hội Việt Nam chưa phải là Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp khi thực tế chỉ khoảng 30% đại biểu chuyên trách, còn lại là không chuyên trách. Trong khi đó, những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội được quyền quyết định nhưng với chưa tới một phần ba đại biểu chuyên trách sẽ rất quá tải cho họ. Bên cạnh đó, chuyên

trách phải song hành với chuyên nghiệp, nghĩa là người đại biểu ấy phải làm việc hiệu quả, trách nhiệm mới tham mưu đầy đủ, sâu sắc, đa chiều các vấn đề của xã hội.

Do vậy, để đảm bảo quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trong tham gia vào các cơ quan dân cử đối với phụ nữ cần tăng tỷ lệ nữ đại biểu chuyên trách, tăng cơ cấu bầu vào các chức danh lãnh đạo để đảm bảo công bằng thực chất cho giới nữ.

1.3.3. Quyền được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bố trí, đề bạt, giới thiệu, đề cử là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tham gia các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước

Đây là những quyền cơ bản về giáo dục và chính trị của phụ nữ. Quyền được quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ của nữ đại biểu thể hiện thông qua quyền được xem xét, đưa vào các chức danh dự kiến đảm nhận trong các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Theo trình tự, quyền quy hoạch được tiến hành trước, vì khi có kế hoạch cho những vị trí lãnh đạo sẽ xem xét người cán bộ nữ đó đủ và thiếu những tiêu chuẩn nào để có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ. Đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản và nâng cao, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng tham vấn, xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách, hội nhập kinh tế quốc tế.

Khi đã đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, cán bộ nữ được quyền xem xét, bố trí, đề bạt vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thể hiện thông qua việc nắm giữ các vị trí ra quyết định và mang tầm ảnh hưởng đến một lĩnh vực chuyên môn, trên phạm vi một địa giới hành chính nhất định. Theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Nghị quyết 11 của Bộ chính trị năm 2007: khi nam giới và phụ nữ có những tiêu chuẩn ngang nhau thì ưu tiên việc bố trí, đề bạt cho phụ nữ. Quy định này không làm mất đi bản chất của bình đẳng giới mà đáp ứng được thực tiễn để khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn. Quy định này sẽ tạo ra sự khác biệt so với nam giới nhưng là sự khác biệt cần thiết và phù hợp, khác biệt để tạo ra sự công bằng.

Cán bộ nữ khi đạt được các điều kiện nêu trên họ tiếp tục thực hiện quyền ứng cử, đề cử tham gia là đại biểu của các cơ quan dân cử cũng như tham gia vào các chức danh trưởng, phó của những cơ quan này. Quyền ứng cử thể hiện cán bộ nữ được quyền lựa chọn những chức danh mình nhận thấy phù hợp và đáp ứng được các tiêu chuẩn. Quyền ứng cử phải đảm bảo sự công bằng và không bị phân biệt đối xử. Đây là quyền mang tính chủ động của phụ nữ. Quyền được đề cử lại hoàn toàn mang tính thụ động, vì phụ nữ không tự mình thực hiện được quyền này, muốn thực hiện được phải có sự tác động, nghĩa là phải có tổ chức, cá nhân giới

thiệu. Đây chính là khâu tương đối yếu trong quá trình thực hiện quyền tham chính của phụ nữ, bởi vì phụ nữ gặp rất nhiều rào cản về định kiến giới nên có thể trong quá trình giới thiệu đề cử, phụ nữ ít được chú ý hơn, do vậy tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu thường cũng ít hơn nam giới.

Việc giới thiệu, đề cử là ứng cử viên các cơ quan dân cử và các vị trí chủ chốt trong các ủy ban, hội đồng của những cơ quan này theo quy định hiện nay của Đảng và Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện giới thiệu, ủng hộ tỷ lệ nữ tham gia là ứng cử viên (ít nhất 35%). Quy định này là bắt buộc để nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu dân cử. Nhưng có vẻ như đây là quy định mang tính hình thức nhiều hơn vì tỷ lệ 35% vẫn còn khiêm tốn và “mong manh”, không bền vững. Trên thực tế, quyền này của phụ nữ thực hiện chưa tốt với nhiều lý do chủ quan, khách quan. Lý do chủ quan chủ yếu là do phụ nữ ngại phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, chưa đủ bản lĩnh để nhận nhiệm vụ đòi hỏi năng lực trách nhiệm cao. Lý do khách quan từ phía cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng và gia đình còn tư tưởng “trọng nam”, chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện quyền của mình.

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử ở việt nam (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)