CHƯƠNG 1. THỰC TIỄN VỀ TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỪ THỰC TIỄN TẠI MỘT SỐ TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1.2. Đánh giá thuận lợi, khó khăn trong công tác tổ chức của Văn phòng Đăng ký đất đai
1.2.1. Thuận lợi
- Khi hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố thành Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp” trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, đồng bộ về chuyên môn khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
- Văn phòng Đăng ký đất đai là mô hình tập trung, thống nhất, do đó việc tổ chức triển khai, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện một cách thống nhất toàn tỉnh, đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Các thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện có nhiều đổi mới, chuyên nghiệp, có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất một cách đơn giản, thuận tiện theo cơ chế “một cửa”. Qua đó kịp thời phát hiện những sai sót, nhũng nhiễu trong cấp Giấy chứng nhận được trực tiếp giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết đúng theo quy định pháp luật.
- Đội ngũ công chức, viên chức có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong hướng dẫn, xử lý những vướng mắc kịp thời; cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại chi nhánh thường xuyên được tập huấn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, từ đó giảm đáng kể tình trạng hướng dẫn hồ sơ nhiều lần. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, quản lý tốt việc biến động đất đai, nhất là việc tách thửa đất, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc phân lô, “xẻ nền” đất nông nghiệp không đúng quy định.
- Chủ động hơn về thẩm quyền và lực lượng chuyên môn; thường xuyên hơn trong việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính. Thời gian và thủ tục đăng ký, chất lượng Giấy chứng nhận về tính thẩm mỹ, tiêu chuẩn kỹ thuật được bảo đảm
đúng quy định và giảm bớt thủ tục rườm rà (người dân chỉ phải đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ba lần, một lần nộp hồ sơ hợp lệ và một lần vừa nộp thuế nếu có, và một lần nhận Giấy chứng nhận).
1.2.2. Khó khăn
Thời gian đầu, tổ chức bộ máy của Văn phòng Đăng ký đất đai chưa ổn định, việc luân chuyển hồ sơ giữa các Chi nhánh về Văn phòng Đăng ký đất đai còn nhiều bất cập, hồ sơ tồn đọng với số lượng lớn nên xảy ra tình trạng trễ hẹn.
Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý giữa Văn phòng Đăng ký đất đai và một số chi nhánh (Huyện: Hồng Dân, Đông Hải, Phước Long và thị xã Giá Rai) khá xa nên khó khăn trong việc phối hợp trao đổi chuyên môn và trình ký, trả kết quả.
Trong quá trình hợp nhất các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, thị xã, thành phố thành các Chi nhánh trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai, nhân lực được chuyển về còn thiếu, hạn chế về chuyên môn hoặc không đúng ngành nghề, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành nên gây không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bộ máy hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai lúc thành lập cũng còn hạn chế, lúng túng, chưa kịp thời. Do số lượng cán bộ đông, nhiều đơn vị trực thuộc và cán bộ quản lý chưa có kinh nghiệm.
So với một số Văn phòng Đăng ký đất đai của một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long thì Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bạc Liêu có số lượng cán bộ ít hơn nhiều nên gặp nhiều khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết không kịp thời, chậm trễ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Thực tế, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc các tỉnh, thành phố (thường được gọi là Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp”) chưa được hoàn thiện về mặt tổ chức, dẫn đến chất lượng hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai còn hạn chế. Khi được gọi là Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp” được hiểu là một chuỗi hệ thống từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Như vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp” phải bao gồm Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện và công chức địa chính cấp xã. Trong khi
đó, công chức địa chính hiện nay thuộc biên chế của Ủy ban nhân dân cấp xã, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai ở địa phương9, thực hiện nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao; chỉ chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện. Do đó, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ công chức địa chính (đo đạc địa chính; kiểm tra, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, thực hiện niêm yết công khai; thống kê, kiểm kê; quản lý dấu mốc địa chính,...). Tùy theo địa phương và yêu cầu nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể giao thực hiện nhiệm vụ khác (tham gia hội đồng hòa giải cơ sở, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, ban chỉ đạo vận động làm giao thông nông thôn,...) hoặc do nhu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương có thể được điều sang làm nhiệm vụ khác, không còn công chức địa chính như: công chức xây dựng, công chức văn phòng,...
Mặt khác, có những địa phương bố trí những công chức làm địa chính không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, không hiểu và nắm được các quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.
Chính từ những bất cập trên, đã phát sinh những khó khăn trong quá trình tổ chức, vận hành mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp” các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bạc Liêu hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Do đặc thù là đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần kinh phí nên việc thu phí các loại hình dịch vụ đối với Văn phòng Đăng ký đất đai là rất quan trọng, vừa đảm bảo trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp theo quy định, nhất là quỹ phát triển sự nghiệp, vừa là yếu tố quyết định nguồn nhân lực của đơn vị thông qua việc hợp đồng thêm lao động theo yêu cầu nhiệm vụ và lấy kinh phí từ nguồn thu phí cử đơn vị để chi trả lương hợp đồng và đảm bảo các điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, do yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, trong đó thời giản giải quyết của nhiều thủ tục được cắt giảm rất nhiều thi yêu cầu đặt ra đối với Văn phòng Đăng ký đất đai là rất lớn, một trong các giải pháp giải quyết vấn đề này là cần có đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng và số lượng, tương ứng
9 Khoản 2 Điều 25 Luật Đất đai 2013
với yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên khi các quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa phù hợp như: Mức thu một số khoản phí, lệ phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế, trong khi đó nhiều thủ tục hành chính đất đai đã được giảm, miễn lệ phí khi thực hiện cho người dân nên nguồn thu của đơn vị giảm rất nhiều, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai cũng như việc giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực cho đơn vị.