CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỪ THỰC TIỄN TẠI MỘT SỐ TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
2.5. Giải pháp hoàn thiện trong hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai
Một là, khi ban hành Bộ Luật đất đai (thay thế Luật Đất đai năm 2013), kiến nghị theo hướng chỉ cần quy định duy nhất một cơ quan là Văn phòng Đăng ký đất đai “một cấp” thực hiện thống nhất một đầu mối cấp Giấy chứng nhận để chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu
ngày càng đa dạng của người sử dụng phù hợp với chủ trương vốn hóa đất đai và tình thần đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Lý do hiện nay, các quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (Điều 105 Luật Đất đai, Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Khoản 23 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, Điều 19 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT, Điều 18 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT) chưa xác định rõ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng như Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đối với từng trường hợp cụ thể, nhất là khi có sự “đan xen” về thẩm quyền cần phải có sự kết hợp giải quyết đồng thời nhiều thủ tục liên quan đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất càng ngày đa dạng của người sử dụng đất như: vừa tách hợp thửa vừa chuyển quyền, vừa tách hợp thửa vừa chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền, cấp đổi Giấy chứng nhận,... Mặt khác, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định về việc ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, cấp đổi, cấp lại. Tuy nhiên, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến cấp Giấy chứng nhận chưa đúng quy định, thì người ra quyết định vẫn phải chịu trách nhiệm liên quan theo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Bồi thường Nhà nước. Do đó, thực tế rất ít địa phương thực hiện việc ủy quyền nêu trên.
Hai là, Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết về phương án thu phí, lệ phí; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định mức thu phí, lệ phí cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng xã hội chi trả, đảm bảo các khoản chi cho con người và các khoản chi phí cho hoạt động nghiệp vụ phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận nhằm giải quyết căn bản “Bài toán”
tự chủ về số lượng người làm việc theo vị trí việc làm và tự chủ về tài chính, khả năng cân đối thu, chi cho các hoạt động của đơn vị.
Ba là, giao cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện in Giấy chứng nhận đối với trường hợp cấp lần đầu nhằm cắt giảm các trung gian để giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, viên chức và người lao động, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Bốn là, xây dựng quy trình cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trong toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và các xã, phường, thị trấn theo đúng trình
tự và nội dung quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.
Năm là, tiếp tục triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện chưa đo đạc lập bản đồ địa chính, tiến tới xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn tỉnh; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật lại ranh địa giới hành chính và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp đối với các ranh giới đã thay đổi.
Sáu là, tập trung nguồn lực, trang bị cơ sở vật chất để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai các huyện, thị xã, thành phố, đưa vào khai thác, quản lý, phục vụ tốt công tác cấp giấy chứng nhận, cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính. Cần trang bị tổ chức bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ viên chức, đồng thời trang bị phần mềm in viết giấy chứng nhận, quản lý hồ sơ, thủ tục hành chính có thể liên thông với cơ quan thuế, kho bạc và đẩy mạnh việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, hệ thống hồ sơ địa chính.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông qua việc áp dụng phần mềm quản lý văn bản OMS, phần mềm Southlis Vilis để sao chụp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cập nhật vào hệ thống để luân chuyển đến Văn phòng Đăng ký đất đai không thông qua hình thức luân chuyển, thẩm tra nội bộ của chi nhánh trước khi chuyển về Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh in giấy tình ký như trước đây mất nhiều thời gian.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu thực trạng tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long cho thấy còn nhiều bất cập, hạn chế.
Nguyên nhân bắt đầu từ việc chưa hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh về tổ chức cán bộ của các tỉnh khác nhau và hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai.
Quy định pháp luật, với vai trò là cơ sở pháp lý cho hoạt động đăng ký, quản lý hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính, thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin đất đai... còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa có được sự thống nhất và thiếu nhiều quy định cần thiết cho sự vận hành hệ thống. Hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; các hoạt động có mối liên hệ mật thiết với hoạt động đăng ký đất đai như đăng ký quyền sở hữu, sử dụng về tài sản gắn liền với đất cũng tồn tại nhiều bất cập; đội ngũ viên chức Văn phòng đăng ký đất đai còn thiếu lực lượng viên chức am hiểu về chuyên ngành địa chính, có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định, nhất là biết sử dụng thành thạo vi tính và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dự liệu địa chính; tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ còn diễn ra phức tạp. Luận văn đã đi sâu phân tích và làm rõ những vấn đề cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai.
Để hoàn thiện mô hình tổ chức và hình hoạt của Văn phòng đăng ký đất đai “một cấp”, trong luận văn, tác giả đã nêu và giải quyết các vấn đề tổ chức như tập trung rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai, khắc phục tình trạng còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động Văn phòng đăng ký đất đai, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau, trong đó cần “luật hóa” công chức địa chính là một bộ phận của Văn phòng đăng ký đất đai “một cấp” cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng nhu cầu cho hoạt động hiệu quả của mô hình trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ cho đội ngũ viên chức là vấn đề hết sức quan
trọng nhằm khắc phục thực trạng cán bộ viên chức của Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay còn thiếu lực lượng viên chức am hiểu về chuyên ngành địa chính, có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định, nhất là biết sử dụng thành thạo vi tính và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính. Chương trình đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở chú trọng tới nhu cầu đổi mới hệ thống đăng ký đất đai, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng thực thi công việc của cán bộ đòi hỏi ngành Tài nguyên và Môi trường phải phấn đấu khắc phục những tồn tại, có chiến lược cụ thể để từng bước chuyển biến lực lượng cán bộ đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Về hoạt động, nhà nước cần điều chỉnh, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng: giao cho Văn phòng đăng ký đất đai là đầu mối thực hiện thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận và chịu trách nhiệm giúp cho các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; Qua đó nâng cao tính chuyên môn hóa, tinh thần trách nhiệm và đảm bảo tính thống nhất trong quản lý hồ sơ địa chính trong hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai.
Nên “luật hóa” Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đất đai giữa Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với các cơ quan có liên quan để nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan.
Xem xét, điều chỉnh mức thu phí, lệ phí cho phù hợp với thực tế công việc thực hiện theo quy định, nhằm bù đắp chi phí thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
Thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và liên tục công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; từng bước hiện đại hóa bộ máy hành chính công, duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng và kiểm soát việc thực hiện quy trình một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, cần áp dụng triệt để mô hình “một cửa” thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Tập trung hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin trong công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hồ sơ địa chính và các hoạt động khác của Văn phòng đăng ký đất đai.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai cần bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương trích từ các nguồn thu từ đất cho thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hàng năm về đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng, phê duyệt cơ chế tài chính cho hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai theo đúng cơ chế đơn vị sự nghiệp bán tự chủ, trên cơ sở cân đối giữa khả năng tự chủ tài chính từ các nguồn thu phí, lệ phí, dịch vụ được giữ lại sử dụng của từng đơn vị và nguồn kinh phí phải được bố trí từ ngân sách cho biên chế sự nghiệp không có thu; kinh phí thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng và mua sắm, sửa chữa thiết bị, tài sản.
Cần tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng một hệ thống dữ liệu điện tử dựa trên việc đăng ký đất đai bằng kỹ thuật số là một xu hướng của rất nhiều nước trên thế giới nhưng chưa thể áp dụng đồng loạt tại các địa phương mà cần tổ chức thí điểm ở một vài địa phương. Các địa phương còn lại vẫn phải giữ hệ thống sổ sách quản lý đất đai trong cơ sở dữ liệu địa chính, nhưng nội dung của các sổ sách này cần phải điều chỉnh hướng tới giống với hệ thống sử dụng công nghệ thông tin và mẫu dữ liệu thống nhất.
Với mục tiêu hướng đến là đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai phù hợp với điều kiện công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về đất đai. Khi thực hiện Đề tài này, tác giả đã cố gắng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai để đưa ra những nhận định, đánh giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức này trong thời gian tới. Tuy nhiên, với điều kiện và khả năng có hạn, Đề tài cũng chưa thể giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo mọi khía cạnh, không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, kính mong quý thầy, cô xem xét, hướng dẫn thêm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Văn kiện của đảng
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật vê đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
3. Thông báo Hội nghị lần thứ 5 BCH TW Đảng khóa XI.
B. Văn bản quy phạm pháp luật
4. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980.
5. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)
6. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.
7. Luật Đất đai 2013,Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013 8. Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ về
hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
9. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
10. Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyên hạn và tổ chức của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất.
11. Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 15/3/2010 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế và cơ chế tài chính của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.
12. Thông tư Thông tư số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định.
13. Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
14. Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 17/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đê án thí điểm Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
15. Quyết định số 2251/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bạc Liêu trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
C. Tài liệu tham khảo
16. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Vãn phong Đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
17. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Báo cáo kết qua công tác cải cách hành chính quý I năm 2017.
18. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Hiệu quả của mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp.
19. Bộ Tư pháp (2016), Một số yêu cầu đối với hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
20. Bộ Tư pháp (2016), Một số yêu cầu đối với hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
21. Phương Hiếu (2012), “Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai hiện nay”, Tạp chí Tài chính.