Thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

Một phần của tài liệu Thừa kế thế vị trong bộ luật dân sự (Trang 66 - 69)

CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

2.1 Về các trường hợp hưởng thừa kế

2.1.1 Thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

2.1.1.1 Bất cập

Như đã phân tích trong mục 1.2.2.1, phần đông các quan điểm hiện tại cho rằng con nuôi của con ruột không được thừa kế thế vị, mặc dù quy định trong Bộ luật dân sự không thực sự rõ ràng về vấn đề trên.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại theo hướng cháu nuôi, chắt nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị. Cụ thể Bản án số 21/2008/DS- ST ngày 10/4/2008 của Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang “bà Suổi chết năm 1993 nhưng con trai bà Suổi là ông Liêm chết năm 1992. Anh Huy là con nuôi ông Liêm có được hưởng thừa kế thế vị di sản của bà Suổi không? Theo Tòa án, ông Huy có yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, ông cung cấp chứng cứ có giấy khai sinh của ông, sinh ngày 16/7/1979 là con nuôi của ông Liêm và bà Đẹt được Ủy ban nhân dân xã Tân Nhuận Đông lập trễ hạn vào ngày 6/9/1986. Ngoài chứng cứ viết được ông Huy cung cấp, tại phiên tòa, ông

60 Tưởng Duy Lượng (2013), Pháp luật Hôn nhân gia đình, thừa kế và thực tiễn xét xử, NXB Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, tr. 148.

Hiếu, bà Phượng và cả bà Thu đều biết ông Huy là con nuôi của ông Liêm. Thế thì việc phản bác của ông Thành cho là ông Huy không phải con nuôi của ông Liêm là không có cơ sở xem xét. Vậy ông Huy là thừa kế thế vị của ông Liêm hưởng di sản của bà Suổi”61.

Tương tự, theo Bản án số 315/2013/DS-ST ngày 22 tháng 7 năm 2013 về việc tranh chấp thừa kế của Tòa án nhân dân Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh thì:

“Giữa cụ Ngọc (chết năm 2008) và cụ Lành (chết năm 2011) có một người con ruột là chị Nguyễn Quỳnh Nga. Chị Nguyễn Quỳnh Nga chết năm 2000. Chị Nguyễn Quỳnh Nga có một con trai là cháu Nguyễn Thái Bảo. Nguyên đơn cho rằng vì cháu Bảo là con nuôi của chị Nga nên không được thừa kế thế vị của cụ Ngọc và cụ Lành. Tuy nhiên, theo nhận định của Tòa án thì: “Tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 về thừa kế thế vị có quy định “Con của người chết để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trong điều luật không quy định là “cháu nuôi” thì không được hưởng. Do vậy việc chị Tứ là người nằm trong diện hưởng thừa kế là đúng”62

Điều này cho thấy, giữa lý luận và thực tiễn đang có quan điểm trái ngược nhau, vì vậy trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 chúng ta nên điều chỉnh vấn đề trên cụ thể hơn.

2.1.1.2 Giải pháp

Như vậy, Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận “cháu được hưởng hưởng phần mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…”, tức ở đây luật không phân biệt là cha hoặc mẹ ruột với cha nuôi hoặc mẹ nuôi nên có thể suy luận con của con ruột và con của con nuôi đều có thể hưởng thừa kế thế vị, tương tự quyền thừa kế thế vị cũng nên ghi nhận cho con nuôi của cháu ruột. Nói cách khác, trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 chúng ta nên ghi nhận lại Điều 677 theo hướng thừa nhận cả quyền thừa kế thế vị cho con nuôi của con ruột và con nuôi của cháu ruột, bên cạnh thừa nhận quyền thừa kế thế vị cho con cháu cùng huyết thống của con ruột như hiện nay. Bởi tác giả cho rằng, một khi con ruột hoặc cháu ruột có con nuôi và việc nhận con nuôi là có đăng ký theo đúng quy định pháp luật thì giữa họ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ, con với nhau và giữa

61 Đỗ Văn Đại (2013), Luật thừa kế Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án, tập 2, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 311.

62 Mai Hồng Điệp (2015), tlđd số 17, tr.101.

con nuôi với các thành viên khác trong gia đình người nuôi cũng phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau. Cụ thể, khoản 1 Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định

“Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo đó, tác giả cho rằng pháp luật về nuôi con nuôi không chỉ thừa nhận quan hệ pháp lý giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi mà thừa nhận cả quan hệ giữa con nuôi với các thành viên khác của gia đình người nuôi khi quan hệ cha, mẹ, con nuôi được xác lập theo quy định pháp luật. Vì vậy, tác giả cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thừa nhận cho quyền thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị cho con nuôi của con ruột và con nuôi của cháu ruột như một trường hợp ngoại lệ của thừa kế thế vị.

Ngoài ra, tác giả xin nêu ra một ví dụ để minh chứng rõ hơn cho kiến nghị này như sau: A có con là B. B có vợ là C. Vợ chồng B và C kết hôn đã 15 năm nhưng vẫn không có con chung mặc dù đã nhờ đến các biện pháp chữa trị hiếm muộn được pháp luật cho phép. Sau đó, B và C quyết định nhận con nuôi là X và yêu thương X như là con ruột. Giả sử, B chết năm 2010, A chết năm 2011 thì khi tiến hành phân chia di sản của A nên ghi nhận cho quyền thừa kế thế vị của con nuôi là X đối với di sản của A. Bởi vì, trong tình huống này, xét cả về phương diện lý và tình thì X hoàn toàn xứng đáng để thế vị B.

Tuy nhiên, tác giả vẫn giữ nguyên quan điểm là quyền thừa kế thế vị không phát sinh đối với con nuôi của con nuôi hoặc con nuôi của cháu nuôi của người để lại di sản. Bởi vì, đặc trưng cơ bản của thừa kế thế vị là suất hưởng dành cho con cháu trực hệ cùng huyết thống với người để lại di sản, nên trong trường hợp này xét về mối quan hệ thân thuộc giữa những người để lại di sản với con nuôi của con nuôi hoặc con nuôi của cháu nuôi thì không có quan hệ thân thuộc về mặt huyết thống.

Vì vậy, nếu chúng ta cho phép con nuôi của con nuôi hoặc con nuôi của cháu nuôi hưởng thừa kế thế vị thì sẽ không công bằng cho những người thừa kế theo pháp luật khác của người để lại di sản như cha, mẹ, anh, chị, em, con ruột… của người để lại di sản. Nhưng, đối với trường hợp con nuôi của con ruột và con nuôi của cháu ruột thì tác giả ủng hộ quan điểm thừa nhận quyền thừa kế thế vị, bởi vì dẫu sao thì người để lại di sản và người được thừa kế thế vị trong trường hợp này tồn tại quan hệ huyết thống với nhau.

Cụ thể Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 nên quy định:

1. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

2. Con nuôi của con, con nuôi của cháu của người để lại di sản cũng được hưởng thừa kế thế vị giống như con, cháu ruột của người để lại di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Một phần của tài liệu Thừa kế thế vị trong bộ luật dân sự (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)