CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
2.2 Vấn đề thừa kế thế vị khi không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất
Về mặt lý luận, có quan điểm cho rằng thừa kế thế vị sẽ không xảy ra khi không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Ví dụ: “ông A có hai người con trai là B và C. Ông A có anh trai là E. B có một người con là H. C có hai người con là K và T. C chết trước ông A. Khi ông A chết, con B được nhận 1/2 khối di sản của ông A; nhưng hai người con của C cùng thay cha mình nhận 1/2 di sản của ông A, như vậy, K và T mỗi người được thay cha nhận 1/4 di sản của ông nội mình. Nếu hai con của ông A đều đã chết (hàng thừa kế thứ nhất không còn), việc phân chia di sản của ông A sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ hai (không áp dụng thừa kế thế vị). Trong đó H (con của B), K, T (con của C) và E (anh trai ông A) mỗi người được hưởng 1/4 khối di sản của ông A để lại”.69
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thừa kế thế vị vẫn được ghi nhận ngay cả khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai. Ví dụ: Bản án số 165/2009/ DS- ST ngày 16/1/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì ông Hạnh (chết 2005) và bà Thêu (chết 2007) có hai người con là bà Nga sinh năm 1953, chết năm 1979, không có chồng, con; và ông Phúc, sinh năm 1965, chết năm 1996, ông Phúc có vợ là bà Mai, có một người con là cháu Phong. Như vậy, cháu Phong là người thừa kế thế vị được hưởng toàn bộ di sản của ông Hạnh và bà Thêu”.70
Xét về quy định của pháp luật, hiện nay chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho trường hợp có áp dụng thừa kế thế vị hay không khi không còn người thừa kế ở hàng thứ nhất. Về mặt lý luận và thực tiễn thì hiện đang có quan điểm không thống nhất cho trường hợp trên. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo Dự thảo Bộ luật dân sự mới, chúng ta cũng nên xem xét vấn đề trên để ghi nhận nhằm có hướng dẫn rõ ràng hơn khi áp dụng vào giải quyết tranh chấp.
69 Hoàng Thế Liên (chủ biên) (2013), tlđd số 11, tr.115.
70 Đỗ Văn Đại (2013), tlđd số 61, tr.313.
2.2.2 Giải pháp
Theo tác giả, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành Nghị quyết hướng dẫn cho trường hợp trên. Theo đó, chúng ta nên ghi nhận thừa nhận quyền thừa kế thế vị ngay cả khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai. Bởi vì, khi tham khảo pháp luật của một số nước trong mục 1.5 chúng ta thấy rằng con của người để lại di sản nằm ở một hàng thừa kế riêng biệt và khi họ chết trước người để lại di sản thì con, cháu trực hệ của họ sẽ tiếp nhận di sản của cha, mẹ thay ông, bà, và chỉ khi không còn con cháu trực hệ thì mới đến hàng thừa kế khác hưởng di sản của người để lại di sản (Hà Lan, Đức, Bang New South Wales…). Ngoài ra, quyền thừa kế thế vị là một quyền thừa kế đặc biệt dành cho cháu, chắt trực hệ của người để lại di sản mà không phải bất kỳ đối tượng nào. Cụ thể, chúng ta thấy rằng khi một người chết thì những người thừa kế của họ có thể là vợ, chồng, cha, mẹ, con…nhưng không phải ai trong số những người thừa kế kể trên đều được hưởng thừa kế thế vị, mà chỉ có thể là cháu, chắt trực hệ của người để lại di sản. Vì vậy, do tính chất ưu tiên này của thừa kế thế vị dành cho cháu, chắt của người để lại di sản mà chúng ta nên thừa nhận cho quyền thừa kế thế vị dành cho cháu, chắt ngay cả khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai và không tiến hành chia di sản theo pháp luật cho hàng thứ hai đối với trường hợp trên.
Ngoài ra, nếu chúng ta thừa nhận quyền thừa kế thế vị ngay cả khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì suất hưởng thừa kế thế vị này là tính theo chi hay tính theo đầu người. So sánh pháp luật của Scotland (Xcốt –len), pháp luật nước này cũng ghi nhận quyền thừa kế thế vị dành cho con, cháu trực hệ của người để lại di sản khi cha, mẹ chết trước ông bà và suất hưởng thừa kế thế vị là tính theo chi, tức trên phần mà cha, mẹ họ được hưởng chia đều cho số con trong chi đó. Tuy nhiên, nếu con cháu thế vị ở cùng mức độ với nhau và cha, mẹ họ đều đã chết trước ông, bà thì suất hưởng thừa kế thế vị của họ sẽ tính theo đầu người mà không tính theo chi.
Ví dụ: A có ba con là X, Y và Z. X có con là X1; Y có con là Y1 và Y2; Z có con là Z1, Z2, và Z3. Vào thời điểm mở thừa kế của A thì X, Y, Z đều đã chết trước A, do đó di sản của A sẽ được thừa kế thế vị bởi X1, Y1, Y2, Z1, Z2, Z3 mỗi người được một phần bằng nhau là 1/6.71
71 Succession, Scottish Prior and Legal right: Scottish Prior and Legal rights: Meaning of representation, http://www.hmrc.gov.uk/manuals/ihtmanual/ihtm12253.htm, truy cập ngày 3/2/2015.
Sau khi so sánh với pháp luật Scotland về suất hưởng thừa kế thế vị của con, cháu ở cùng một đời khi cha, mẹ đều chết hết trước ông, bà thì suất hưởng thừa kế thế vị lúc này là tính theo đầu người cho thấy đây là quy định khá đặc biệt so với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc chia thừa kế thế vị theo đầu người như vậy có thể dẫn đến không công bằng giữa các cháu hưởng thừa kế thế vị nếu như cha, mẹ của cháu sinh càng nhiều con thì những cháu này được hưởng nhiều phần hơn những cháu mà cha, mẹ sinh ít con (mặc dù suất hưởng là như nhau nhưng sẽ phải chia thêm nhiều phần). Tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định suất hưởng thừa kế thế vị là tính theo chi và trong trường hợp này khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai chúng ta vẫn áp dụng suất hưởng là tính theo chi; bởi như vậy là đảm bảo tính công bằng giữa những người hưởng thừa kế thế vị khi suất hưởng thừa kế dành con cháu của người được thừa kế thế vị là hưởng trên phần mà họ được hưởng trong di sản của người để lại di sản72.
Như vậy, theo tác giả chúng ta nên ưu tiên cho con cháu trực hệ của người để lại di sản hưởng thừa kế thế vị khi hàng thừa kế thứ nhất không còn ai bởi mối quan hệ thân thuộc giữa họ với nhau, cũng như sự phù hợp với pháp luật một số nước trên thế giới. Ngoài ra, suất hưởng thừa kế thế vị sẽ được tính theo chi nếu các con đều chết hết trước cha, mẹ thì cháu ở cùng một hàng sẽ được hưởng thừa kế thế vị một suất tương ứng với phần mà cha, mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Bởi, có quy định như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các cháu hưởng thừa kế thế vị khi cha hoặc mẹ của cháu đều chết hết trước ông, bà.
72 Thực tiễn áp dụng quy định về thừa kế thế vị cho thấy đều chia thừa kế thế vị tính theo chi. Cụ thể, Bản án số 34/2009/DS-ST ngày 26/10/2009 về việc tranh chấp thừa kế của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang suất hưởng thừa kế là tính theo chi. Trong đó, ông Đợi chết năm 1960 và bà Khuê chết năm 2001 là vợ chồng và có mười người con chung, riêng có hai người con là chết trước bà Khuê là:
Lê Thị Hoa (chết năm 1979), có năm người con;
Lê Văn Đầy (chết năm 1989), có bảy người con;
Theo đó, Tòa nhân định những người thừa kế di sản của ông Đợi bà Khuê sẽ nhận được một suất hưởng bằng nhau là 83.971.000 đồng, riêng các con của bà Hoa và ông Đầy được hưởng thừa kế thế vị tương ứng trên phần mà cha, mẹ được hưởng.
Cụ thể, năm người con của bà Hoa hưởng 16.794.200 đồng/người, bảy người con của ông Đầy hưởng 11.995.800 đồng. Như vậy, suất hưởng thừa kế thế vị là tính theo chi.
Ngoài ra, chị Lê Thị Sen (chết năm 2002) là một trong chín người con chung của ông Đợi và bà Khuê thì chết sau khi bà Khuê qua đời, nhưng chết trước khi tiến hành phân chia di sản. Vì vậy, hai con của chị Sen là hưởng thừa kế chuyển tiếp mà không phải hưởng thừa kế thế vị (xem toàn văn Bản án trong phụ lục)