CHƯƠNG 2. BẤT CẬP CỦA QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
2.1 Về các trường hợp hưởng thừa kế
2.1.2 Thừa kế thế vị của con riêng với cha dượng, mẹ kế
Thứ nhất, khi nghiên cứu về thừa kế thế vị, còn một vấn đề đặt ra mà nhiều chuyên gia pháp lý đang tranh luận sôi nổi, đó là quyền thừa kế thế vị của con riêng.
Theo Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005, người thừa kế thế vị phải là người cùng huyết thống với người để lại di sản và người đáng lẽ được hưởng di sản nhưng lại chết cùng thời điểm hoặc chết trước người để lại di sản. Cụ thể, cha chết để lại di sản cho con, nhưng con lại chết trước cha, thì cháu được thừa kế thế vị. Còn vợ của người con là con dâu, lại không được thừa kế thế vị đối với phần di sản đó, vì con dâu và bố chồng cũng như vợ và chồng là những người không cùng huyết thống.
Trong khi đó theo Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005, con riêng lại được hưởng thừa kế thế vị thay cha dượng, mẹ kế. Mặc dù, giữa họ không có quan hệ huyết thống và cũng chẳng có mối quan hệ pháp lý ràng buộc nào cả. Mặt khác, khi bố dượng đã chết, về nguyên tắc mối quan hệ giữa con riêng và bố dượng được coi là chấm dứt. Thế thì, tại sao con riêng lại được hưởng thừa kế thế vị thay cha dượng, mẹ kế.
Thứ hai, Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Con riêng và cha dượng, mẹ kế đều có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 Bộ luật dân sự”. Trên tinh thần Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là một phạm trù rất trừu tượng, không thể xác định một cách cụ thể, rõ ràng. Vậy, dựa vào tiêu chí nào để đánh giá “chăm sóc nuôi dưỡng
nhau như cha con, mẹ con?” Mức độ như thế nào? Thời gian bao lâu? Nếu chỉ quan hệ một chiều, một bên chăm sóc nuôi dưỡng, còn bên kia không chăm sóc nuôi dưỡng thì có được hưởng thừa kế không? Pháp luật có đòi hỏi con riêng và cha dượng sống chung nhà hay không?...63 Như vậy, nếu không có sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan có thẩm quyền thì việc xác định quyền thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế là một vấn đề rất phức tạp, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy phạm này để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, tuỳ theo cách hiểu của Thẩm phán, có trường hợp Toà án cho hưởng thừa kế, nhưng có trường hợp chỉ trích công sức nuôi dưỡng lo ma chay và thậm chí không chấp nhận yêu cầu của họ. Lúc đó quyền lợi con riêng với cha dượng, mẹ kế khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ, khi xung quanh họ có rất nhiều người, có quan hệ thân thuộc, gần gũi trong diện thừa kế. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan thẩm quyền cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 679, để cơ quan chức năng nhất quán thi hành.
2.1.2.2 Giải pháp
Theo tác giả, chúng ta nên quy định lại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005 theo hướng:
Thứ nhất, chúng ta không nên ghi nhận quyền thừa kế thế vị của con riêng đối với cha dượng, mẹ kế mà chỉ nên dừng lại ở việc ghi nhận quyền thừa kế theo pháp luật giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế mà thôi. Bởi vì, như tác giả đã phân tích, đặc trưng của quyền thừa kế thế vị là ưu tiên dành cho quyền hưởng thừa kế thế vị dành cho con cháu trực hệ trực hệ cùng huyết thống với người để lại di sản.
Vì vậy, nếu chúng ta mở rộng ra nhiều đối tượng được hưởng thừa kế thế vị như quyền thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi, con riêng thì ít nhiều sẽ làm mất đi ý nghĩa của thừa kế thế vị là suất hưởng dành cho con cháu thân thuộc.
Ngoài ra, nếu chúng ta ghi nhận cho quyền thừa kế thế vị của con riêng thì sẽ làm cho quy định về thừa kế thế vị vướng phải khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn, do phát sinh thêm nhiều trường hợp được hưởng thừa kế thế vị mà giữa người hưởng thừa kế thế vị với người để lại di sản không tồn tại mối quan hệ thân thuộc nào. Ví dụ: A có hai con là E và X. X kết hôn với Y và Y có con riêng là H. H có con là C. Vấn đề thừa kế thế vị của con riêng được đặt ra trong các trường hợp sau:
63 Thái Công Khanh (2002), “Bàn về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng” , Tạp chí Tòa án nhân dân, (02), tr. 6.
Trường hợp thứ nhất: Nếu X chết trước A, khi A chết thì H có thể thế vị X để nhận di sản của A không? Nếu chúng ta thừa nhận cho quyền thừa kế thế vị này của H thì di sản của A sẽ chia cho E được 1/2 và cho H được 1/2. Điều này có thật sự công bằng hay không, khi E là con ruột thì được nhận 1/2 di sản của A. Trong khi H thì không có quan hệ về mặt huyết thống cũng như pháp lý đối với A nhưng cũng nhận được 1/2 di sản của A. Quyền thừa kế thế vị này theo tác giả không nên được ghi nhận.
Trường hợp thứ hai, giả sử H chết trước X, khi X chết thì C có thể thế vị H để nhận di sản của X không? Ngoài ra, nếu C này là con nuôi hoặc con riêng của H thì C có thể hưởng thừa kế thế vị được hay không? Nếu chúng ta thừa nhận cho quyền thừa kế thế vị này của C thì chúng ta không đảm bảo cho quyền thừa kế theo pháp luật cho những người thân thuộc của X, cụ thể ở đây là E (anh trai X) là người có mối quan hệ thân thuộc về mặt huyết thống với X nhưng lại không được hưởng di sản của X, trong khi đó C thì lại được hưởng di sản của X (xem hình minh họa).
Do đó, sẽ là hợp lý nếu chúng ta không ghi nhận cho quyền thừa kế thế vị dành cho cháu của con riêng trong trường hợp này. Tương tự, giả sử C có con là C1, khi C và H đều chết trước X thì chúng ta không nên thừa nhận cho C1 được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của X.
Ngoài ra, Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005 chưa rõ trong việc quy định quyền thừa kế theo pháp luật của con riêng và cha dượng, mẹ kế. Bởi vì Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2005 đã thừa nhận quyền thừa kế giữa cha dượng, mẹ kế và con
riêng với nhau thì không cần thiết quy định là họ cũng được hưởng thừa kế theo Điều 676. Ngoài ra, trong nội dung chi tiết Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 không có đề cập đến quyền thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế. Vì vậy, theo tác giả quy định Điều 679 Bộ luật dân sự như vậy là trùng lắp và không logic.
Do đó, theo tác giả Điều 679 Bộ luật dân sự nên ghi nhận lại theo hướng “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật”.
Như vậy, chúng ta không nên ghi nhận cho con riêng hưởng thừa kế thế vị đối với cha dượng, mẹ kế mà chỉ nên dừng lại ghi nhận quyền thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật.
Thứ hai, theo tác giả, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành thêm Nghị quyết hướng dẫn điều luật về vấn đề thừa kế theo pháp luật giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế thì quy định cụ thể về tiêu chí xác định "quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con mẹ con" như giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế phải sống chung với nhau, bởi nếu không sống cùng nhau thì khó có cơ sở cho thấy giữa họ có sự yêu thương chăm sóc nhau...có quy định cụ thể như vậy, không những thuận tiện cho việc áp dụng quy phạm để giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế mà còn phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
2.1.3 Thừa kế thế vị trong trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học 2.1.3.1 Bất cập
Như tác giả phân tích trong mục 1.2.2.3, quyền thừa kế thế vị của con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vẫn được ghi nhận. Cụ thể, con, cháu của cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có quyền hưởng thừa kế thế vị khi cha, mẹ chết trước ông bà hoặc cụ. Ngoài ra, con cháu của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ có quyền hưởng thừa kế thế vị khi cha, mẹ - vợ chồng nhờ mang thai hộ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà hoặc cụ.
Tuy nhiên, trường hợp con sinh ra sau mười năm người cha mất trong một tai nạn giao thông bằng việc người mẹ nhờ đến biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm
từ tinh trùng của người cha đã mất đã dẫn đến nhiều tranh luận về mặt pháp lý64. Cụ thể người con này có được xem là người con của người cha đã mất hay không khi con được sinh ra sau mười năm? Nếu chúng ta thừa nhận quan hệ cha con trong trường hợp này thì vấn đề thừa kế nói chung và thừa kế thế vị nói riêng cũng nên đưa ra xem xét. Tuy nhiên, quyền khởi kiện về thừa kế là mười năm, vậy nếu người con này sinh ra sau mười năm thì quyền khởi kiện về thừa kế cũng không còn cho dù chúng ta có ghi nhận quyền thừa kế dành cho người con này đi chăng nữa. Về hưởng giải quyết hiện nay cũng có nhiều quan điểm không thống nhất, vì vậy chúng ta cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp trên nhằm làm sáng tỏ tính chất pháp lý của vấn đề.
2.1.3.2 Giải pháp
Hiện có hai quan điểm chủ yếu sau đối với vấn đề trên:
Quan điểm thứ nhất: không thừa nhận quyền thừa kế và quyền thừa kế thế vị của trẻ sinh ra bằng tinh trùng của người cha đã mất bởi một số lý do sau:
Một, không thể luật hóa một sự kiện (hiện tượng) có tính chất cá biệt (số ít) thành quy định chung trong luật, có tính phổ biến65. Đặc biệt, trong những trường hợp này, đứa trẻ ra đời là ngoài mong muốn của người cha đã chết (không thể thể hiện ý chí).
Hai, mục đích sinh con của người mẹ (hoặc thứ ba) từ tinh trùng của người đã chết. Thông thường, việc người vợ hay người thứ ba sinh con từ tinh trùng của người đã chết chủ yếu là sự gắn bó tình cảm giữa họ với người chết.
Ba, không thỏa điều kiện về người thừa kế. Theo Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết66.
64 Lê Phương – Thy Ngoan, Không phải đàn ông nào chết cũng lấy tinh trùng được, Trang Vnepress, http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/khong-phai-dan-ong-nao-chet-cung-lay-tinh-trung-duoc- 2931024.html, truy cập 1/10/2014.
65 Trang Sống khỏe, Người mẹ sinh con từ tinh trùng của con trai đã chết,
http://songkhoe.vn/bac-si-tu-van_nhung-dua-tre-chao-doi-tu-tinh-trung-nguoi-qua-co_961-0-22894.html, truy cập 10.4.2015.
66 Nguyễn Văn Tiến (2015), “Quan hệ cha me con và vấn đề thừa kế” - Tài liệu Hội thảo góp ý hoàn thiện các quy định trong Bộ luật dân sự phần thừa kế, Đại học Luật tp Hồ Chí Minh, tr. 107.
Quan điểm thứ hai: nên thừa nhận quyền thừa kế và thừa kế thế vị của trẻ trong trường hợp này nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Trẻ được sinh ra trong một thời hạn nhất định, cụ thể không quá ba năm bởi việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được thực hiện trong thời gian tối đa là không quá ba năm;
Có kết luận của tổ chức giám định xác định trẻ là con về mặt sinh học của người đã chết; và
Không có tranh chấp từ phía những người đồng thừa kế khác67. Bởi, theo tác giả trên pháp luật là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do đó, việc pháp luật không thể dự liệu một hoặc nhiều quan hệ xã hội cụ thể là điều khá phổ biến ở nhiều xã hội. Do sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nói riêng, việc pháp luật không bắt kịp tiến bộ của y học cũng là điều dễ hiểu. Do đó, cần phải có các quy định linh hoạt để có thể giải quyết những chỗ trống mà pháp luật để lại. Đây còn là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng một khi Việt Nam đã thừa nhận các quy định về các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ thì trường hợp này sẽ xuất hiện. Theo quy định của Dự thảo Bộ luật dân sự thì toà án không được từ chối khi có yêu cầu của đương sự. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử của Toà án, việc quy định về việc chấp nhận hoặc bác bỏ quyền thừa kế của trẻ thành thai và sinh ra sau thời điểm mở thừa kế là điều hết sức cần thiết.
Như vậy, hiện nay chúng ta có hai quan điểm chủ yếu trên, bản thân tác giả cho rằng Hội đồng thẩm phán nên ban hành Nghị quyết hướng dẫn về trường hợp thừa kế thế vị đối với con sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết. Cụ thể, chúng ta nên thừa nhận quyền thừa kế nói chung và quyền thừa kế thế vị nói riêng của trẻ sinh ra trong trường hợp này nếu thỏa một số điều kiện trong quan điểm thứ hai.
Bởi theo tác giả, một khi thỏa ba điều kiện trẻ được sinh ra trong vòng ba năm, trẻ là con chung của vợ chồng68 và không có tranh chấp thì chúng ta nên thừa nhận cho
67 Nguyễn Hồ Bích Hằng (2015), “Một số bất cập về người thừa kế trong luật Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện” - Tài liệu Hội thảo góp ý hoàn thiện các quy định trong Bộ luật dân sự phần thừa kế, Đại học Luật tp Hồ Chí Minh, tr. 20.
68 Đối với trường hợp con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thì đối tượng được áp dụng biện pháp này theo quy định tại Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ- CP ngày 28/1/2015 của chính phủ thì chỉ có thể là cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân. Nếu là cặp vợ chồng vô sinh thì đòi hỏi quan hệ vợ chồng này được pháp luật công nhận, riêng đối với trường hợp người phụ nữ độc thân muốn có con sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì sẽ nhận tinh trùng từ người hiến tặng vô danh.
quyền thừa kế và thừa kế thế vị của trẻ trong trường hợp này nhằm bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho trẻ, cũng như là phù hợp với ý nguyện của các thành viên trong gia đình người để lại di sản. Tuy nhiên, nếu không thỏa ba điều kiện nói trên thì chúng ta không nên ghi nhận quyền thừa kế của trẻ nhằm tránh gây bất ổn xã hội do những tranh chấp phát sinh về thừa kế giữa trẻ và những người thừa kế khác.