CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TÒA ÁN TRONG GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ
1.4. Quyền và nghĩa vụ của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện hành
1.4.5. Quyền định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Việc xác định giá trị của tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết chính xác vụ án dân sự. Giá trị tài sản thường do đương sự kê khai, tuy nhiên có những trường hợp đương sự không biết rõ giá trị tài sản hoặc việc kê khai của đương sự
30 Khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao.
31 Khoản 2 Điều 90 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
32 Khoản 3 Điều 90 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
33 Khoản 1 Điều 29 Luật giám định tư pháp năm 2012.
34 Khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp năm 2012.
35 Khoản 1 Điều 30 Luật giám định tư pháp năm 2012.
36 Khoản 1 Điều 30 Luật giám định tư pháp năm 2012.
21
không bảo đảm sự chính xác. Khi đó, cần phải xác định chính xác giá trị tài sản để có cơ sở giải quyết đúng vụ án dân sự, Tòa án có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn tham gia định giá tài sản hoặc thẩm định giá tài sản.
Theo quy định tại Điều 92 của BLTTDS, định giá tài sản là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Trong tố tụng dân sự, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được tiến hành theo nhiều phương thức như do các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc xác định giá trị tài sản hay lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc do Tòa án tiến hành định giá tài sản. Tòa án có thể chủ động quyết định định giá tài sản hoặc theo yêu cầu của đương sự. Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây: “a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; b) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước”37. Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét sử sơ thẩm lại thì việc định giá tài sản lại chỉ được thực hiện khi một hoặc các bên đương sự có yêu cầu. Việc định giá tài sản lại được thực hiện theo thủ tục chung.
Định giá tài sản là một biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án nên Tòa án có quyền ra quyết định thành lập Hội đồng định giá. “Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 46 BLTTDS không được tham gia Hội đồng định giá”38. Khi có quyết định định giá và thành lập Hội đồng định giá tài sản của Tòa án, cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ.
Hội đồng định giá phải có trách nhiệm xác định đúng giá trị của tài sản được yêu cầu định giá. Hội đồng định giá căn cứ vào mức giá phổ biến của tài sản trên thị trường địa phương tại thời điểm định giá, có khấu hao quá trình sử dụng. Nếu tài sản cần định giá không có giá ở thị trường địa phương thì phải căn cứ vào giá của sản phẩm cùng loại. Không có giá của sản phẩm cùng loại thì chiết tính chi phí tạo ra tài sản theo yêu cầu định giá. Trong quá trình định giá, Hội đồng định giá phải làm sao tìm mọi cách xác định giá trị thật hoặc gần đúng với giá trị thật của tài sản định giá.
37 Khoản 1 Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011).
38 Khoản 1 Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011
22
Ngoài định giá tài sản, thì thẩm định giá tài sản cũng là một biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án. Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Tòa án có quyền yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành hoạt động thẩm định giá. Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
Kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ và được sử dụng trong việc giải quyết vụ án dân sự, nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật39.
Trong thực tế, nếu xảy ra trường hợp các đương sự thỏa thuận mức giá tài sản tranh chấp hoặc đưa ra chứng thư thẩm định giá tài sản của tổ chức thẩm định tài sản, nếu Tòa án nghi ngờ mức giá các đương sự xuất trình là thấp, thì Tòa án làm công văn tham khảo ý kiến của các cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan khác về mức giá. Sau khi có ý kiến tham khảo cho rằng, mức giá mà các đương sự thỏa thuận là thấp, thì Tòa án mới có thể ra quyết định định giá tài sản. Theo hướng dẫn của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (có hiệu lực từ 01/01/2013), thì trong trường hợp này Tòa án yêu cầu các đương sự phải nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản. Tuy nhiên, nếu các đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá vì cho rằng giá mà các bên thỏa thuận là phù hợp với giá thị trường thì Tòa án xử lý như thế nào, Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án không? Nếu không thì xử lý như thế nào? Vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng dẫn.
Theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 92 BLTTDS, Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong trường hợp: “Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước”. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng có thể xác định được việc các bên cố tình xác định trị giá thấp để không chấp nhận thỏa thuận của các bên và ra quyết định định giá tài sản. Bởi vì, nếu trong trường hợp tài sản là đất thì còn có thể lấy biểu giá đất của địa phương để làm căn cứ, nhưng nếu đó là các tài sản khác (vật kiến trúc có trên đất, ô tô, cây cối…) thì không có căn cứ để xác định việc các bên xác định giá trị thấp để trốn tránh. Bên cạnh đó theo Khoản 1 Điều 92 BLTTDS, Tòa án ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự. Như vậy, nếu đương sự không có yêu cầu định giá tài sản mà Tòa án cần thiết phải định giá để phục vụ quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án không có quyền định giá. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho việc giải quyết các vụ án.
39 Khoản 5 Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
23