1.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam
1.2.1. Cơ sở lý luận của việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân
Thứ nhất, Tòa án khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm phải bảo vệ và bảo đảm được các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
Theo Khoản 2 Điều 106 Hiến pháp 2013 có quy định: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Xuất phát từ những quy định của Hiến pháp, pháp luật TTHC cũng có những quy định về trình tự, thủ tục để yêu cầu Tòa án khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm và quá trình xét xử sơ thẩm VAHC phải tuân thủ theo từ đó đưa ra những quyết định hợp pháp buộc các bên tham đương sự trong VAHC phải chấp hành. Trong đó, yêu cầu này trở thành một nguyên tắc quan trọng để xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC. Bởi vì, khi một VAHC mà được đưa ra xét xử sơ thẩm ở Tòa án thì trước hết sẽ đảm bảo được quyền khởi kiện của người khởi kiện – một trong những quyền mà pháp luật cho phép khi bị các khiếu kiện hành chính của cơ quan nhà nước xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Từ việc đảm bảo quyền khởi kiện, khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC và giải quyết VAHC thì bắt buộc Tòa án với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình phải thực hiện quyền xét xử, quyền tư pháp độc lập, tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, một khi thẩm quyền xét xử sơ thẩm được xác định một cách chính xác, đúng với quy định của pháp luật thì sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và từ đó bảo vệ được các nguyên tắc, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ hai, bảo đảm tính thống nhất trong quá trình xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án
Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật là điều mà bất kì quốc gia nào cũng muốn hướng đến. Vì pháp luật có dễ dàng thực hiện, có áp dụng được trong đời sống xã hội, có tồn tại lâu dài hay không chính là nhờ vào sự thống nhất, chặt chẽ của cả một hệ thống pháp luật. Ở nước ta, dù đối tượng điều chỉnh, quan hệ pháp luật của từng ngành luật là khác nhau nhưng đều được xây dựng dựa vào bản chất của Nhà nước đó là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” cũng như thực tiễn
đời sống, trình độ của xã hội và những quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới.
Trước những sự vận động không ngừng phát triển của các quan hệ xã hội và nhu cầu của đất nước việc đảm bảo tính thống nhất trong quy định của pháp luật TTHC về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND càng phải được bảo đảm và ngày càng hoàn thiện hơn. Chính vì thế, trong phạm vi thực hiện xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC cũng phải bảo đảm được yêu cầu này, điều đó thể hiện qua việc thống nhất khi giải quyết các khiếu kiện hành chính. Cụ thể: bất kì một VAHC nào cũng phải được dựa trên ba căn cứ khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án đó là thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo loại việc, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo cấp Tòa án và thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo lãnh thổ để xác định Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND. Việc thực hiện xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo pháp luật TTHC được tiến hành một cách chính xác, tuân thủ pháp luật thì sẽ góp phần khẳng định được những quy định của pháp luật đã đi vào thực tế, áp dụng được vào thực tiễn và được xã hội thừa nhận. Ngoài ra, tính thống nhất còn thể hiện khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm trong TTHC thì không thể một vụ việc lại thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC cụ thể ở hai Tòa án khác nhau, tức là một người khởi kiện lại được hai Tòa án có thể là được thụ lý xét xử sơ thẩm ở Tòa án huyện A, rồi còn được thụ lý xét xử theo thủ tục sơ thẩm bên một huyện B khác làm cho sự không thống nhất khi giải quyết vụ án khi đưa ra phán quyết, cũng như là không thống nhất trong quy định của pháp luật dẫn đến sự áp dụng luật vào thực tiễn thiếu chính xác gây nhiều cách hiểu luật khác nhau. Chính vì vậy, khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án thì cần có cách hiểu về quy định của luật một cách thống nhất chặt chẽ, từ đó có những phán quyết chính xác, hiệu quả, công bằng nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân, bảo vệ pháp luật, và đảm bảo được sự tồn tại bền chặt của pháp luật. Đặc biệt, sự thống nhất còn thể hiện qua các quy định của pháp luật về TTHC cũng như quy định của luật chuyên ngành khác có liên quan, trên cơ sở thống nhất của pháp luật về quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC tạo điều kiện cho việc áp dụng luật được chính xác và hiệu quả.
Thứ ba, bảo đảm sự vô tư, khách quan của Tòa án trong quá trình xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC
Sự vô tư của Tòa án trong việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC có nghĩa là Tòa án trong quá trình thụ lý, giải quyết VAHC, trước hết phải đảm bảo được sự khách quan, công bằng, và chính xác khi tiến hành xác định Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc trên, tránh trường hợp là áp dụng sai quy định của pháp luật, xem xét các vụ việc không đúng thẩm quyền, hoặc là vụ việc đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND địa phương khác, nhưng vẫn tiến hành thụ lý, xét xử dẫn đến bản án được tuyên không đúng pháp luật. Đồng thời, sự công bằng khách quan thể hiện ở việc không “tránh né” giải quyết VAHC, có những hướng dẫn người dân lựa chọn Tòa án khác trong trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án… Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử sơ thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải độc lập, không bị ràng buộc bất cứ một vấn đề gì tác động từ bên ngoài khi tham gia vào xét xử VAHC và chỉ có tuân thủ pháp luật.
Bởi lẽ, Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh là hai cơ quan nhân danh nhà nước được xét xử theo thủ tục sơ thẩm VAHC, thực hiện quyền tư pháp, giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa một bên là cơ quan công quyền và một bên là người dân.
Chính vì cách thức tổ chức TAND và tổ chức cơ quan hành chính có mối quan hệ gắn bó với nhau nên dẫn đến hệ quả khi Tòa án tiến hành xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC và giải quyết VAHC còn chịu mối quan hệ ràng buộc và thậm chí là bị điều chỉnh bởi cơ quan nhà nước địa phương trong quá trình hoạt động của mình. Do đó, mà nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của Tòa án khi xét xử sơ thẩm những khiếu kiện do chính những cán bộ, cơ quan của địa phương ban hành là một yêu cầu rất cần thiết và được đặt lên hàng đầu khi tiến hành xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND và giải quyết vụ án. Có rất nhiều bản án sơ thẩm của Tòa án các cấp bị hủy, bị sửa khi được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm; hoặc có thể bị xét xử lại mà nguyên nhân một phần là do sự không vô tư, khách quan của các Thẩm phán khi xét xử. Như vậy, đây được xem như một nguyên tắc quan trọng khi hoạt động xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC, đảm bảo sự vô tư, khách quan khi xét xử nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người khởi kiện, khẳng định vai trò của Tòa án đối với xã hội, và góp phần tạo ra một cơ chế nhằm giải quyết, kiểm tra đối với hoạt động quản lý hành chính của cơ quan nhà nước.
Thứ tư, bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử của Tòa án khi giải quyết VAHC
Một VAHC khi được giải quyết bằng con đường Tòa án thì có thể trải qua những bước rất quan trọng như: khởi kiện, thụ lý, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm…. trong đó, xét xử sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiên đưa vụ án ra giải quyết thông qua một phiên tòa sơ thẩm. Xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC tức là khi khởi kiện ra Tòa án và khi thụ lý giải quyết VAHC đó cần xác định khiếu kiện có tranh chấp có phải là đối tượng giải quyết của Tòa án hay không? Và dựa trên cơ sở đối tượng, cũng như nơi cứ trú, nơi làm việc của người khởi kiện xác định Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh. Trên cơ sở đó,Tòa án khi xét xử sơ thẩm VAHC sẽ đưa ra những phán quyết, quyết định cuối cùng nhằm giải quyết VAHC. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, phán quyết của Tòa án khi xét xử sơ thẩm VAHC hay nói cách khác là bản án sơ thẩm không có giá trị chung thẩm ngay lập tức mà phải có thời hạn nhất định, trong thời hạn đó nếu không có kháng cáo, kháng nghị theo quy định thì mới có giá trị pháp lý; trừ một số trường hợp quyết định, bản án sơ thẩm phải thi hành ngay.