1.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam
1.2.2. Cơ sở thực tiễn của việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân
Thứ nhất, mục đích của việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC là xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án hay không và Tòa án nào sẽ giải quyết vụ án đó, tạo một cơ chế hữu hiệu bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân
Theo Luật Tổ chức TAND thì Tòa hành chính chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh và các Thẩm phán chuyên trách ở TAND cấp huyện được quyền xét xử các VAHC theo thủ tục sơ thẩm, còn đối với TAND cấp cao và TAND tối cao không được xét xử VAHC theo thủ tục sơ thẩm. Trên cơ sở đó, pháp luật TTHC quy định rõ những khiếu kiện nào thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa cấp huyện và những khiếu kiện hành chính nào thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa hành chính TAND cấp tỉnh nhằm mục đích phân chia thẩm quyền giữa các cấp Tòa, tránh trường hợp Tòa cấp trên có quá nhiều vụ án trong khi Tòa cấp dưới không có việc để làm. Ngoài ra, nhiệm vụ của Tòa án khi giải quyết VAHC chỉ được xem xét giải quyết những vụ án mà có đối tượng bị khởi kiện là những QĐHC, HVHC trong khuôn khổ pháp luật cho phép, ngoài những đối tượng đó Tòa án không được quyền thụ lý, giải quyết theo thủ tục TTHC nhằm hạn chế sự can thiệp sâu vào hoạt động
của bộ máy hành chính. Như vậy, khi xem xét thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC nghĩa là phải xem xét dựa trên căn cứ đối tượng bị khởi kiện có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không (thẩm quyền theo loại việc); Tòa án ở cấp nào có thẩm quyền xét xử sơ thẩm (thẩm quyền theo lãnh thổ và cấp Tòa án). Từ việc xác định đúng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC không chỉ đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử mà còn tạo ra một cơ chế hữu hiệu để người dân thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thứ hai, hiệu quả của thực tiễn xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm thông qua việc xác định đúng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC ở Việt Nam
Hiện nay, con đường lựa chọn giải quyết khiếu kiện hành chính thông qua hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng tăng và được xem là phương tiện hữu hiệu để người đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trên thực tế từ khi Tòa hành chính được thành lập, số lượng VAHC khởi kiện ở các Tòa án cấp sơ thẩm của cấp huyện và cấp tỉnh tăng lên một cách đáng kể, và Tòa án các cấp thông qua việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm đã thể hiện được vai trò của mình trong quá trình thụ lý, giải quyết VAHC, trên cơ sở đó có những phán xét đúng đắn buộc cơ quan nhà nước phải thực hiện các quyết định, bản án trên thực tế, tạo được niềm tin và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong giai đoạn từ đầu năm 2006 đến cuối năm 2009 tổng số vụ án TAND cấp huyện đã thụ lý là 2407 vụ trong đó số vụ án Tòa án đã giải quyết là 1773 vụ; số vụ án TAND cấp tỉnh đã thụ lý 644 vụ, Tòa án đã giải quyết 534 vụ10. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2012, Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện đã xét xử và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 6037 vụ án11. Có thể thấy, án hành chính qua các năm được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết tăng liên tục qua các năm, điều đó cho thấy được vai trò của Tòa án trong quá trình giải quyết VAHC, một trong những thành quả đó là do việc thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND đúng trình tư, thủ tục để từ đó giải quyết được những tranh chấp trong quan hệ chấp hành – điều hành và việc quy định thẩm quyền xét xử hành chính của TAND nói chung và thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC nói riêng là điều hết sức cần thiết và thực tiễn.
10 Nguyễn Mai Linh (2012), Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Luật, tr.45.
11 Báo cáo tổng kết công tác các năm 2010, 2011, 2012 của ngành Tòa án nhân dân.
Thứ ba, xuất phát mối quan hệ trong cách thức tổ chức giữa hệ thống TAND có thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC với cơ quan hành chính nhà nước.
Ở Việt Nam, Tòa hành chính không được tổ chức một cách độc lập mà được tổ chức trực thuộc nhánh Tòa của TAND và cấp Tòa án trùng với cấp tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước; tức là mỗi địa phương từ cấp huyện trở lên đều có các Thẩm phán chuyên trách có thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC còn Tòa hành chính thuộc TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm VAHC của Tòa án sơ thẩm cấp dưới trực tiếp. Chính vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm ngoài chịu sự quản lý của Tòa án cấp trên trực tiếp thì theo cách thức tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay Tòa án cấp sơ thẩm còn có mối quan hệ chặt chẽ với chính cơ quan nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, trong cách thức tổ chức của TAND hiện nay thì Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh có quyền xét xử sơ thẩm VAHC. Do vậy, việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC là vấn đề hết sức phức tạp.
Cùng lúc phải giải quyết Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ việc xảy ra theo thủ tục TTHC hay không, tức là phải phân định thẩm quyền đối với vụ việc trên là theo TTHC hay tố tụng hình sự; tố tụng dân sự….; và tiếp tục là xác định thẩm quyền giải quyết VAHC theo thủ tục sơ thẩm là của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh.
Sau cùng là căn cứ vào các dấu hiệu như: nơi cư trú người khởi kiện hay nơi ban hành khiếu kiện hành chính hoặc trường hợp dựa vào nơi cư trú mà người khởi kiện không có nơi cư trú thì dựa vào căn cứ nơi ban hành để xác định được chính xác Tòa án cuối cùng có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án cụ thể trên thực tế. Có thể thấy, chính từ sự phức tạp trong cách thức tổ chức và mối quan hệ giữa Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm với cơ quan quản lý nhà nước đã tạo sự phức tạp, buộc người khởi kiện cũng như Tòa án cần phải giải quyết chính xác đúng đắn, phù hợp để vừa có thể giải quyết VAHC một cách hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm thời gian, và quá trình xác định thẩm quyền xét xử của TAND trong TTHC được chính xác, tránh trường hợp một vụ án lại có nhiều Tòa án cùng xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thậm chí là kết quả của bản án sơ thẩm được đưa ra khác nhau giữa các Tòa án, dẫn đến tranh chấp thẩm quyền giữa các Tòa án. Với những yêu cầu từ thực tiễn xét xử vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc các nhà lập pháp phải có những cách xử lý phù hợp đúng đắn thông qua quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC ở Việt Nam.
Thứ tư, việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC xuất phát từ việc bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong việc khởi kiện
Đảm bảo sự thuận lợi cho người dân trong quá trình khởi kiện VAHC là góp phần đảm bảo được quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật hiện nay. Chính vì thế, khi thực hiện xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC, bắt buộc phải dựa vào cả ba căn cứ trên, từ đó không chỉ xác định đúng Tòa án có thẩm quyền, mà còn giải quyết được những nhu cầu của người dân về địa điểm, thời gian, tiền bạc, công sức sao cho hợp lý nhất. Theo đó, với cách thức dựa vào nơi cư trú của người khởi kiện để làm sao người khởi kiện kiện các QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước một cách thuận tiện nhất; người khởi kiện có thể bị tác động bởi các khiếu kiện hành chính của một cơ quan nhà nước ở phạm vi địa giới hành chính khác, nhưng có quyền khởi kiện VAHC ra Tòa án ở địa phương mình đang cư trú yêu cầu giải quyết VAHC. Sự thuận lợi đó, giúp người khởi kiện không phải tốn công sức duy chuyển đến nơi khác, tiết kiệm được chi phí đi lại trong quá trình thực hiện quyền khởi kiện của mình.