Qua những phân tích ở trên có thể thấy việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người tham gia tố tụng cũng như có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng và quản lý nhà nước. Cụ thể:
1.3.1. Đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện
Thứ nhất, giúp cá nhân, cơ quan, tổ chức xác định các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo thủ tục TTHC để khởi kiện vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
Pháp luật TTHC cho phép các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích bởi các khiếu kiện của cơ quan nhà nước đều được yêu cầu Tòa án bảo vệ bằng cách khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải mọi khiếu kiện của cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 28 Luật TTHC bao gồm:
các QĐHC, HVHC, khiếu kiện danh sách cử tri về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh điều là loại việc thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo pháp
luật TTHC. Ví dụ như những QĐHC, HVHC mang tính quy phạm hoặc thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao thì cá nhân, cơ quan, tổ chức không được quyền khởi kiện VAHC. Điều này đồng nghĩa với việc khi một cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành khởi kiện những loại việc không được quyền khởi kiện thì đối tượng đó sẽ không bị phán xét bởi Tòa án theo thủ tục TTHC. Vì thế, muốn khởi kiện VAHC trước hết các cá nhân, cơ quan, tổ chức cần phải xem các đối tượng mà mình muốn khởi kiện có phải là loại việc thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo quy định của pháp luật TTHC hay không để tránh mất thời gian công sức đi khởi kiện mà loại việc không được quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, giúp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện đúng Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC
Theo đó, quy định hiện nay thì TAND các cấp địa phương bao gồm TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh đều có thẩm quyền xét xử VAHC. Như vậy, với cách thức tổ chức hệ thống Tòa án hiện nay thì vai trò của việc xác định đúng Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC để thực hiện việc giải quyết vụ án là vô cùng phức tạp nhưng rất quan trọng khi tiến hành khởi kiện. Bởi lẽ, pháp luật TTHC còn ràng buộc người khởi kiện thông qua thời hiệu khởi kiện, nếu trong trường hợp xác định sai thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm thì sẽ gây mất thời gian dẫn đến việc hết thời hiệu khởi kiện và mất quyền khởi kiện. Chính vì thế, đảm bảo thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC có vai trò đối với người khởi kiện không chỉ đảm bảo được quyền khởi kiện, đảm bảo quyền lợi của mình mà còn tuân thủ những quy định của pháp luật TTHC.
1.3.2. Đối với hoạt động tố tụng
Thứ nhất, là cơ sở để xác định đúng thẩm quyền xét xử của TAND theo thủ TTHC
Pháp luật TTHC quy định khi Tòa án tiến hành xét xử VAHC cần phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, trong đó, xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND là một bước rất quan trọng, bắt buộc Tòa án phải thực hiện và không được phép bỏ qua. Căn cứ vào thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo loại việc bị khiếu kiện, theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ sẽ giúp xác định đúng chính xác được Tòa án có thẩm quyền để trên cơ sở đó việc giải quyết VAHC được chính xác về mặt thủ tục, tránh
“vi phạm thủ tục tố tụng” dẫn đến các bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm bị hủy để xét xử lại, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên. Đặc biệt, việc tuân thủ đúng căn cứ khi xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND theo pháp luật TTHC góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng bản án của Tòa án sơ thẩm, đảm bảo hiệu quả trong quá trình giải quyết VAHC.
Thứ hai, là một trong những căn cứ quan trọng khi xem xét, kiểm tra việc bảo đảm về mặt thủ tục tố tụng
Khi giải quyết các VAHC thì yêu cầu Tòa án phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định và đặc biệt là xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm VAHC thì Tòa án không được phép bỏ qua bất kì căn cứ nào trong ba căn cứ xác định thẩm quyền được nêu ở trên bởi lẽ, đấy là những cơ sở quyết định, là căn cứ quan trọng trong việc Tòa án xác định đúng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC; khi những VAHC được xét xử sơ thẩm không đúng ở Tòa án có thẩm quyền thì những bản án, quyết định sơ thẩm của những vụ án đó sẽ không được công nhận và quyền lợi của người các bên đương sự sẽ không được đảm bảo, tránh trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến hủy án xét xử lại gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và của người dân.
1.3.3. Đối với hoạt động quản lý nhà nước
Thứ nhất, đảm bảo tính chính xác chặt chẽ và nâng cao hoạt động quản lý hành chính Nhà nước
Xuất phát từ đặc trưng của mối quan hệ bất bình đẳng trong hoạt động quản lý nhà nước, việc thành lập tòa hành chính để xem xét và phán quyết tính hợp pháp của các QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quyền lực công là điều rất quan trọng không chỉ nhằm thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước đó là “quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm tra giữa các cơ quan lẫn nhau”, mà còn khắc phục những hạn chế, tiêu cực xảy ra trong hoạt động quản lý hành chính. Đồng thời, trao cho Tòa hành chính có quyền xét xử các QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước thì bắt buộc các cơ quan cũng như cán bộ có thẩm quyền phải thận trọng với những quyết định, hành vi của mình khi áp dụng pháp luật trên thực tế. Từ đó, hoạt động quản lý hành
chính Nhà nước sẽ được nâng cao, đảm bảo sự chặt chẽ thống nhất khi áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước.
Thứ hai, tạo điều kiện cho người bị kiện sửa chữa sai lầm trong quá trình thực hiện quyền quản lý nhà nước
Thông qua cơ chế xét xử đối với các khiếu kiện hành chính của cơ quan nhà nước, đặc biệt nhờ công tác xét xử sơ thẩm của TAND thể hiện qua các quyết định, bản án của Tòa án, cơ quan quản lý hành chính sẽ có điều kiện để sửa chữa những sai phạm của mình khi thực hành công vụ, nhìn nhận những khuyết điểm khi áp dụng luật, phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác quán lý nhà nước và loại bỏ những tiêu cực, những cán bộ quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, cẩu thả… để hướng tới việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, đảm bảo được sự thượng tôn pháp luật, phát huy tinh thần tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, buộc Tòa án chỉ tuân thủ pháp luật, độc lập và thực hiện quyền hạn trong thẩm quyền luật định, còn về phía các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cũng phải đặt mình dưới pháp luật.
Với những ý nghĩa to lớn trong việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND trong TTHC đã đặt ra yêu cầu khi tiến hành xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND đối với từng VAHC cụ thể phải đảm bảo thực hiện một cách chính xác, khách quan. Đồng thời khẳng định sự ra đời của Luật TTHC cùng những quy định của pháp luật TTHC về thẩm quyền xét xử của TAND, đặc biệt là những quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm là một bước tiến vượt bậc, quan trọng và vô cùng cần thiết nhằm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, quy định này góp phần to lớn vào việc thực hiện “Chiến lược cải cách tư pháp” của Bộ chính trị, tiến tới xây dựng một nền tư pháp vững mạnh, độc lập khi xét xử VAHC, mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án, xây dựng một bộ máy nhà nước chặt chẽ, trong sạch và vững mạnh.