2.1.1 Định nghĩa gia đình.
Gia đình là “tập hợp những người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ máu mủ và hôn nhân” [23]. Theo đó gia đình được xem là đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, tức là xã hội còn được cấu thành bởi các đơn vị lớn hơn, có thể kể đến như: tầng lớp xã hội, cộng đồng dân cư, giai cấp…ở phạm vi gia đình, dựa vào số lượng thành viên, phạm vi lãnh thổ sinh sống. Xét trong mối tương quan với các đơn vị vừa nêu thì gia đình được xem là nhỏ nhất, là đơn vị cơ sở, tiền đề cấu thành xã hội.
Các thành viên trong gia đình sống chung cùng nhau, gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống và hôn nhân. Qua đó có thể hình dung gia đình sẽ xuất hiện khi con người thiết lập quan hệ hôn nhân (vợ - chồng), hoặc huyết thống (cha – con, mẹ - con, anh chị em ruột…). Quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin về vấn đề này
dường như toàn diện hơn: “gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục…giữa các thành viên.” [5]. Luật Hôn Nhân và Gia Đình nước ta cũng định nghĩa: “gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của luật này”. Các quan điểm đều đề cập đến gia đình với mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, hai quan hệ chính này là mối gắn kết giữa các thành viên với nhau.
Gia đình được xem như tế bào của xã hội, “là hình ảnh xã hội thu nhỏ, nhưng không phải là sự thu nhỏ một cách đơn giản nhất các quan hệ xã hội. Như vậy gia đình được coi là thiết chế xã hội đặc thù, thu nhỏ nhất, cơ bản nhất” [5].
Tập hợp những gia đình tạo thành xã hội, xã hội tồn tại thông qua các hình thức kết cấu và quy mô của gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc, hòa thuận thì cả cộng đồng và xã hội vận động một cách êm thấm. Mục đích chung của sự vận động biến đổi xã hội trước hết là vì lợi ích của mỗi công dân và thành viên của xã hội và mỗi gia đình, tổ chức và thiết chế xã hội đầu tiên, cơ sở nơi quần tụ của mỗi công dân và thành viên của xã hội. Gia đình là thiết chế cơ sở, đặc thù của xã hội, là cầu nối giữa các thành viên gia đình với xã hội.
Các luận điểm vừa nêu là đề cập đến cách hiểu gia đình theo nghĩa truyền thống, chính thức nhất. Tuy nhiên ngày nay xuất hiện nhiều hình thái gia đình biến đổi do sự phát triển của xã hội và nhu cầu của con người như: gia đình đồng giới ở một số nước mới cho phép kế hôn đồng giới (Đức, Tây Ban Nha) gia đình này chắc chắn sẽ không xuất hiện quan hệ huyết thống như cha, mẹ, con sau hôn nhân mà chỉ có quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới. Hoặc một trường hợp khác là trong thực tế có những cách hiểu gia đình theo nghĩa bóng của danh từ này, chẳng hạn chỉ xuất hiện quan hệ nuôi dưỡng và có cùng không gian sinh sống nhưng một số người vẫn xem đó là gia đình của mình ví dụ các mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, những đứa trẻ này coi những người nuôi dạy chúng là bố, mẹ, coi những
bạn cùng cảnh ngộ là anh em, khi được hỏi chúng cũng xác nhận đó là gia đình của mình…
Tuy vậy, trong phạm vi nghiên cứu đề tài này, xin phép chỉ đề cập đến cách hiểu gia đình theo nghĩa chính thống nhất đã được khoa học chứng nhận. Như vậy có nghĩa là gia đình là nơi có các thành viên gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục…như trên đã định nghĩa.
2.1.2 Các chức năng cơ bản của gia đình.
Với vị trí là thiết chế nhỏ nhất cấu thành xã hội, gia đình đảm nhận các chức năng xã hội cơ bản: chức năng tái sản xuất ra con người, chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình, chức năng giáo dục, chức năng thỏa mãn các nhu cầu tâm – sinh lý, tình cảm.
Hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống vật chất là một chức năng cơ bản của của gia đình. Hoạt động kinh tế, hiểu theo nghĩa đầy đủ gồm có hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tiêu dùng để thỏa mãn các yêu cầu ăn, mặc, ở, đi lại của mỗi thành viên và của gia đình. Mỗi gia đình trở thành một đơn vị kinh tế độc lập. Gia đình đảm bảo hoạt động tiêu dùng đáp ứng các nhu cầu vật chất cơ bản của con người, qua đó kích thích sự phát triển hoạt động kinh tế của xã hội. Thực hiện tốt chức năng kinh tế sẽ tạo tiền đề và cơ sở vật chất vững chắc cho tổ chức đời sống gia đình và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội. “dân giàu, nước mạnh”.
Chức năng giáo dục của gia đình. Nội dung giáo dục của gia đình tương đối toàn diện, cả giáo dục tri thức và kinh nghiệm, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, ý thức cộng đồng. Phương pháp giáo dục của gia đình cũng rất đa dạng, song chủ yếu là phương pháp nêu gương, thuyết phục, chịu ảnh hưởng không ít của tư tưởng lối sống, tâm lý, gia phong của gia đình truyền thống. Dù giáo dục xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhưng có những nội dung và phương pháp mang lại hiệu quả lớn hơn không thể thay thế. Giáo dục gia đình còn bao hàm cả tự giáo dục, chủ thể gia đình cơ bản và
chủ yếu vẫn là thế hệ cha mẹ ông bà đối với con cháu. Gia đình là một bộ phận có quan hệ bổ trợ bổ sung hoàn thiện cho giáo dục nhà trường và xã hội. Do đó giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội có phát triển đến trình độ nào, giáo dục gia đình vẫn được coi là một thành tố trong nề giáo dục xã hội nói chung. Giáo dục gia đình luôn trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành giáo dục nói chung phục vụ các lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị trong bất cứ thời đại nào, khi xã hội còn giai cấp và phân chia giai cấp.
Chức năng thỏa mãn các nhu cầu tâm lý – sinh lý, tình cảm. Nếu như trình độ sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống là điều kiện tiền đề vât chất của xây dựng gia đình, thì thỏa mãn các nhu cầu tâm sinh lý được coi là chức năng có tính văn hóa – xã hội của gia đình. Chức năng này có vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chức năng khác tạo ra khả năng thực tế cho xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến giới tính và giới, tâm lý lứa tuổi và thế hệ, những căng thẳng mệt mỏi về thể xác và tâm hồn trong lao động và trong công tác… nhiều khi được giải quyết trong môi trường gia đình hòa thuận. Sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ và đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái làm cho mỗi thành viên có điều kiện sống lạc quan, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần là những tiền đề cần thiết cho một thái độ, hành vi tích cực trong cuộc sống gia đình và xã hội.