CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG
2.1. Quy định pháp luật hiện hành về hoạt động Bancassurance tại Việt Nam và thực tiễn thực hiện
2.1.4. Các sản phẩm được phân phối trong hoạt động Bancassurance
Sản phẩm kinh doanh là nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động hợp tác giữa các chủ thể. Ra đời với vai trò là chia sẻ rủi ro và bảo đảm quyền lợi tài chính của các chủ thể liên quan, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng được xã hội quan tâm và trở nên đa dạng. Để phù hợp với sự phát triển của các sản phẩm bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tiến đến nhiều mô hình hiệu quả hơn, trong đó có Bancassurance.
Pháp luật hiện hành không có quy định trực tiếp về các sản phẩm được phép phân phối qua kênh Bancassurance. Do đó, về nguyên tắc các sản phẩm bảo hiểm được phép kinh doanh trên thị trường đều có thể được phân phối qua kênh Bancassurance. Theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành, các sản phẩm bảo hiểm được chia theo 03 loại nghiệp vụ bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe156. Do đó, dựa trên nguyên tắc này, các sản phẩm thuộc ba nghiệp vụ bảo hiểm trên đều có thể bán qua kênh Bancassurance. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào, đối tượng kinh doanh sẽ chi phối rất nhiều đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực đó157. Đối với hoạt động Bancassurance, đặc trưng các quan hệ xã hội phức tạp xuất phát từ mô hình phân phối sản phẩm chi phối đến khả năng kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm và hình thành nên các sản phẩm bảo hiểm đặc thù. Theo đó, đặc trưng của Bancassurance là phân phối qua TCTD, đối tượng bán là nhân viên TCTD, đối tượng được bán là khách hàng của TCTD. Do đó các sản phẩm bảo hiểm thường liên quan đến hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ của TCTD và phù hợp với phân khúc khách hàng của TCTD. Hoạt động Bancassurance hiện nay thường chia các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua kênh này thành hai nhóm: các sản phẩm bảo hiểm truyền thống và các sản phẩm bảo hiểm tích hợp.
Các sản phẩm bảo hiểm truyền thống là những sản phẩm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm luật định, đã có sẵn và phổ biến trên thị trường. Các sản phẩm bảo hiểm truyền thống được phân phối qua kênh Bancassurance rất đa dạng. Trong đó bảo hiểm phi nhân thọ với các sản phẩm như bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm của chủ hàng, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm máy móc… là loại bảo hiểm thường được bán qua kênh Bancassurance cho đối tượng là khách hàng doanh nghiệp đi kèm với việc thế chấp những tài sản liên quan. Đối với khách hàng cá
156 Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12
157 Nguyễn Thị Thủy (2017), tlđd (36), tr18
nhân, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe nhằm mục đích đảm bảo cho việc vay vốn tại TCTD hay bảo hiểm nhân thọ thường được triển khai. Về phía các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống, đây là sản phấm gắn với sự ra đời và phát triển của Bancassurance đồng thời hiện tại là loại hình chiếm tỉ trọng cao nhất trong các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua kênh Bancassurance. Bảo hiểm nhân thọ cùng với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thường được cung cấp cho các khách hàng là cá nhân nhằm đảm bảo việc vay vốn tại các TCTD hoặc khách hàng có nhu cầu đầu tư, đây cũng là các sản phẩm đang có mặt trên thị trường như: bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp, bảo hiểm nhân thọ trọn đời, bảo hiểm ung thư và các bệnh hiểm nghèo,…
Trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường các nước trên thế giới, sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ không phải là sản phẩm được phân phối chủ yếu qua Bancassurance và chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ. Trong khi đó, các sản phẩm NH và bảo hiểm nhân thọ có thể bổ trợ cho nhau vì cả hai đều hướng tới phục vụ việc tích lũy và quản lý tài sản của khách hàng. Do vậy, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dễ bán qua NH hơn các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ158.
Như đã trình bày phía trên, ngoài các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, hoạt động Bancassurance với những đặc trưng về hệ thống khách hàng, mạng lưới phân phối đã hình thành nên những sản phẩm bảo hiểm đặc thù. Khác với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, Bancassurance phát triển các sản phẩm bảo hiểm đặc biệt để đáp ứng một nhu cầu nào đó bắt nguồn t giao dịch NH, hoặc để cải thiện các sản phẩm hiện có nhằm thu hút khách hàng hoặc khiến chúng trở nên hữu ích hơn đối với khách hàng159. Đây là những sản phẩm được thiết kế riêng cho kênh phân phối Bancassurance, các sản phẩm này thường được thiết kế để bán kèm với các sản phẩm NH hoặc được coi như là một phần của sản phẩm NH160, được tác giả gọi chung là sản phẩm bảo hiểm tích hợp. Các sản phẩm bảo hiểm tích hợp là những sản phẩm bảo hiểm thông thường tích hợp thêm một, một số điều kiện/nội dung/hình thức bán có liên quan đến hoạt động, sản phẩm dịch vụ của TCTD nhằm tạo ra dòng sản phẩm liên kết đặc thù. Cũng như các sản phẩm bảo hiểm truyền
158 Lương Xuân Trường, “Bancassurance – Cách thức kết hợp các dịch vụ tài chính “một cửa” hiệu quả”, https://webbaohiem.net/bancassurance-cach-thuc-ket-hop-cac-dich-vu-tai-chinh-mot-cua-hieu-qua.html, truy cập ngày 18/02/2020
159 Phí Thị Minh Nguyệt (2016), “Đánh giá thực trạng vận dụng mô hình Bancassurance và những giải pháp kiến nghị phát triển mô hình này trong thời gian tới”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/danh-gia-thuc- trang-van-dung-mo-hinh-bancassurance-va-nhung-giai-phap-kien-nghi-phat-trien-mo-hinh-nay-trong-thoi- gian-toi-43749.htm, truy cập ngay 17/02/2020
160 Đoàn Thị Thanh Tâm (2014), tlđd (5), tr230
thống, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp được DNBH thiết kế và tạo ra sản phẩm161, bên cạnh đó các sản phẩm bảo hiểm này còn nhận được sự hỗ trợ từ phía TCTD trong việc lên ý tưởng để tạo ra dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và định hướng phát triển Bancassurance. Có thể kể đến một số loại bảo hiểm tích hợp được tạo ra trong Bancassurance bao gồm: bảo hiểm người vay tín dụng là sản phẩm được bán kèm khi khách hàng vay tín dụng tại các TCTD, nhằm bảo đảm quyền lợi tài chính của TCTD thông qua việc bảo hiểm cho tính mạng, sức khỏe của khách hàng vay và cam kết chi trả tiền bảo hiểm khi khách hàng tử vong/tai nạn;
bảo hiểm thấu chi (là loại bảo hiểm tính mạng, sức khỏe của khách hàng có khoản vay thấu chi tại TCTD162); bảo hiểm hoàn trả vốn (là bảo hiểm đối với các khoản vay có cầm cố, thế chấp vì mục đích giáo dục, mục đích cá nhân hay kinh doanh với kế hoạch hoàn trả vốn vay thông qua Hợp đồng bảo hiểm163); bảo hiểm cho khách hàng tiền gửi (thường bảo hiểm tính mạng cho khách hàng gửi tiền tại TCTD, có thể áp dụng với mọi loại tiền gửi và thường giới hạn ở một mức tiền nhất định, phí bảo hiểm có thể do TCTD chi trả hoặc người được bảo hiểm kết hợp cùng TCTD chi trả). Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm bảo hiểm tích hợp đều thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Mặc dù pháp luật đã dành những quy định rất rõ ràng về các nghiệp vụ bảo hiểm tại Luật kinh doanh bảo hiểm, nhưng những quy định riêng dành cho các sản phẩm bảo hiểm được bán qua kênh TCTD, hay thậm chí là quy định về các sản phẩm bảo hiểm tích hợp kể trên chưa được chú trọng, có thể kể đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, khi trên thế giới đang tồn tại loại hình bảo hiểm bảo đảm thanh toán (Payment protection insurance) hay còn gọi là bảo hiểm tín dụng (Credit Insurance) (sau đây được tác giả gọi chung là PPI) rất phát triển, phổ biến và phù hợp với kênh Bancassurance thì ở Việt Nam lại không thực sự tồn tại loại hình bảo hiểm này. Mặc dù như đã kể trên, ở Việt Nam có tồn tại bảo hiểm liên quan đến khoản tiền vay nhưng được pháp luật và các DNBH đang xem là một dạng bảo hiểm con người, với phạm vi bảo hiểm là tính mạng hoặc sức khỏe của Người được bảo hiểm. Trong khi đó, pháp luật bảo hiểm nhiều nước trên thế giới ghi nhận PPI là một loại nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt bên cạnh các nghiệp vụ bảo hiểm khác như
161 Điểm a Khoản 2 Điều 8 TTLT 86/2014/TTLT-BTC-NHNN
162 Vay thấu chi là một hình thức tín dụng tự động với khoản tiền đã được ấn định trước, thường là 2-3 tháng lương cố định của người vay. Khoản vay này không có thời hạn hoàn trả và luôn tổn tại trong phạm vi số tiền tín dụng thỏa thuận trước.
163 Nguyễn Thị Bạch Tuyết, tlđd (135), tr17
bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người… Theo đó, bảo hiểm bảo đảm thanh toán PPI sẽ trả một khoản tiền để giúp người được bảo hiểm trả các khoản thanh toán hàng tháng cho các khoản thế chấp, khoản vay, thẻ tín dụng, thẻ cửa hàng khi Người được bảo hiểm không có khả năng thanh toán như rơi vào các trường hợp như: tử vong, bệnh tật, tai nạn hoặc thất nghiệp164. Chính sách bảo vệ thanh toán thường được bán như một phần của thỏa thuận khi người tiêu dùng có được một khoản vay, thế chấp hoặc thẻ tín dụng, tuy nhiên, cũng có thể nhận được chính sách PPI “độc lập”165.
Khác với những sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng đang tồn tại ở thị trường Việt Nam (đối tượng bảo hiểm là sức khỏe, tín mạng của người vay tín dụng), ở PPI, đối tượng bảo hiểm là khoản tín dụng của Người được bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm là những trường hợp mà Người được bảo hiểm không đảm bảo thanh toán được khoản tín dụng này. Quy định về nghiệp vụ bảo hiểm này vừa đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển kênh phân phối Bancassurance vừa đáp ứng được các quy định liên quan đến người mua bảo hiểm166. Ngoài ra, để phù hợp với đối tượng bảo hiểm là khoản tín dụng, sản phẩm PPI còn mở rộng phạm vi bảo hiểm, không chỉ là tai nạn, tử vong mà thậm chí còn có một số trường hợp khác khi người vay tín dụng không có khả năng trả khoản tín dụng (ví dụ: thất nghiệp…).
Pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới dành những quy định riêng điều chỉnh về sản phẩm PPI, ví dụ ở Mỹ, tại bang Washington, Bộ luật sửa đổi Washington (RCW) đưa ra các quy định về Điều khoản bảo hiểm PPI như phạm vi bảo hiểm, chính sách bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, … đòi hỏi các DNBH phải tuân thủ theo167; hay pháp luật bảo hiểm tại Vương quốc Anh đưa ra những quy định về PPI yêu cầu bắt buộc áp dụng đối với bất kỳ DNBH cung cấp sản phẩm PPI trong Bộ Quy tắc kinh doanh (the Insurance Conduct of Business Sourcebook – ICOBS) do FSA (Cơ quan dịch
164 Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh Ireland (Competition and Consumer Protection Comission),
“Payment Protect Insurance”, https://www.ccpc.ie/consumers/money/insurance/payment-protection-insurance/, truy cập ngày 14/02/2020
165 STA Lawfirm, “United Arab Emirates: Payment Protection Insurance 2018/2019”, http://www.mondaq.
com/x/793006/Insurance/Payment+Protection+Insurance+20182019, truy cập ngày 14/02/2020
166 Trong hợp tác Bancassurance, đôi khi để nhằm mục đích đảm bảo tình hình tài chính, TCTD sẽ đứng ra mua bảo hiểm khoản tiền vay cho Khách hàng của mình, khi khách hàng không thanh toán được khoản tiền vay này, DNBH sẽ đứng ra chi trả cho TCTD. Tuy nhiên đối với nghiệp vụ bảo hiểm con người (bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe) nhằm chống trục lợi bảo hiểm, pháp luật quy định chỉ những đối tượng có
“quyền lợi được bảo hiểm” (xem giải thích từ ngữ tại Khoản 9 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm) như: mua cho bản thân hoặc vợ, chồng, con, cha, mẹ… mua cho người thân của mình mới có thể được quyền mua bảo hiểm (Khoản 2 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm). Trường hợp này TCTD không được xem là có “quyền lợi có thể được bảo hiểm” nên không thể mua cho Khách hàng của mình.
167 Chương 48.34, Revised Code of Washington (RCW)
vụ tài chính Anh) ban hành168. Riêng lĩnh vực Bancassurance tại Pháp, loại hình bảo hiểm tín dụng PPI không chỉ điều chỉnh bởi luật bảo hiểm mà còn được Bộ luật dân sự Pháp điều chỉnh169.
Ngoài sự phổ biến của sản phẩm PPI trên thế giới kể trên, sự cần thiết của PPI còn thể hiện ở một vấn đề: bảo hiểm nhóm. Lấy ví dụ về loại hình bảo hiểm này, tại những quốc gia Châu Âu trong đó có Ban Lan, sau quá trình xuất hiện, tồn tại và phát triển nhiều năm của Bancassurance đã dẫn đến sự xuất hiện của hợp đồng bảo hiểm nhóm (hợp đồng bảo hiểm mang quyền lợi cho bên thứ ba), ảnh hưởng lớn đến pháp luật điều chỉnh. Trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm nhóm, người mua bảo hiểm sẽ tham gia vào một nhóm mua bảo hiểm mà TCTD chính là người ký kết hợp đồng với DNBH (TCTD trong trường hợp này được gọi là Chủ hợp đồng bảo hiểm – Policty Holder), khi đó các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhóm là tồn tại giữa TCTD và DNBH, TCTD đồng ý trả phí bảo hiểm và chấp nhận những yêu cầu khác để tham gia bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm nhóm này thường liên quan đến các sản phẩm được cung cấp bởi TCTD như bảo hiểm khoản tiền vay PPI. Cũng theo quy định tại Luật trung gian bảo hiểm Ba Lan IMA, sự khác biệt để phân định vị trí của TCTD trong hoạt động Bancassurance là đại lý bảo hiểm hay là Chủ hợp đồng bảo hiểm khi tham gia vào hợp đồng bảo hiểm nhóm chính là việc - IMA quy định TCTD cần phải chứng minh “lợi ích bảo hiểm”
khi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm nhóm đó, thiếu “lợi ích bảo hiểm”, vai trò của TCTD trong trường hợp này được xem là đại lý170. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, bảo hiểm nhóm đã không còn xa lạ, trên thị trường đã có khá nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ bán bảo hiểm nhóm. Bảo hiểm nhóm, theo các chuyên gia trong ngành, là sản phẩm có nhiều đặc điểm tương tự như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dành cho cá nhân, nhưng hợp đồng bảo hiểm nhóm bảo hiểm cho một nhóm người.171. Tuy nhiên, những sản phẩm bảo hiểm chủ yếu được triển khai qua bảo hiểm nhóm này là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hưu trí, người mua bảo hiểm là thường là các doanh nghiệp mua cho nhân viên của mình. Mặc dù chưa phát triển và
168 S5.1.2 the Insurance Conduct of Business Sourcebook – ICOBS
169 Pierre-Olivier Leblanc, Pauline Arroyo and Clarence Lefort, “Insurance and reinsurance in France:
overview”, Holman Fenwick Willan France LLP, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/9-501- 3248?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true&comp=pluk&bhcp=1, truy cập ngày 15/02/2020
170 Anna Tarasiuk Flodrowska (2011), Bancassurance on the EU market – Specificalities of the Polish law, Revija za pravo osiguranja, 4/2011, tr16
171 Ngọc Lan, “Bảo hiểm nhóm: Miếng ngon khó xơi”, https://baodautu.vn/bao-hiem-nhom-mieng-ngon- nhung-kho-xoi-d53428.html, truy cập ngày 15/02/2020
phổ biến loại hình bảo hiểm nhóm mà người mua là TCTD nhưng tương lai không xa cùng với sự hội nhập quốc tế, loại hình này sẽ phổ biến tại Việt Nam. Do đó, khi cần giống như nhưng nhiều quốc gia trên thế giới, cơ sở pháp lý để kinh doanh bảo hiểm nhóm tại Việt Nam cần phải được đảm bảo. Cụ thể, chủ thể đứng ra mua bảo hiểm nhóm là TCTD, tuy nhiên như đã đề cập ở trên, đối với những sản phẩm bảo hiểm con người (bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ), TCTD không phải là đối tượng “có quyền lợi được bảo hiểm” nên không có cơ sở pháp lý để mua bảo hiểm cho khách hàng. “Lợi ích bảo hiểm” tại quy định của Luật trung gian bảo hiểm Ba Lan IMA kể trên chính là “quyền lợi được bảo hiểm” trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam. Vì TCTD không có “quyền lợi được bảo hiểm” nên TCTD chỉ có thể phân phối sản phẩm bảo hiểm dưới tư cách đại lý mà thiếu đi quyền làm Chủ hợp đồng bảo hiểm. Việc thêm quy định về nghiệp vụ bảo hiểm bảo đảm thanh toán PPI vào pháp luật Việt Nam sẽ là cơ sở giải quyết vấn đề này.
Thứ hai, đối với những sản phẩm bảo hiểm tích hợp khác, vì phải dựa trên cơ sở những quy định về các nghiệp vụ bảo hiểm hiện có nên thiếu cơ sở áp dụng trong thực tế kinh doanh. Những dòng sản phẩm bảo hiểm tích hợp chính là lợi thế của kênh phân phối Bancassurance so với những kênh truyền thống khác vì vậy cần thiết có một khung pháp lý riêng biệt đề cập và thậm chí là điều chỉnh những vấn đề liên quan như: biểu phí, quy tắc, quyền lợi bảo hiểm, vai trò của TCTD… Thực tế cho thấy, mô hình Bancassurance phát triển mạnh tại Pháp là bởi pháp luật nước này rất chú trọng vào những quy định về sản phẩm Bancassurance, đặc biệt là các ưu đãi về thuế cho các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, chất lượng, kết hợp tiết kiệm trung và dài hạn172.
Ngoài cách phân loại các sản phẩm bảo hiểm của kênh Bancassurance mà tác giả đã đề cập ở trên, một số quan điểm còn phân chia sản phẩm Bancassurance ra thành 3 nhóm là: Các sản phẩm bảo hiểm tài chính và hoàn trả (Finance and repayment products); Các sản phẩm bảo hiểm cho người gửi tiền (Depositors products); Các sản phẩm bảo hiểm trọn gói tiêu chuẩn đơn giản (Simple standardized package products)173.
172 Lê Mỹ Duyên, tlđd (16), tr52
173 Phí Thị Minh Nguyệt, “Đánh giá thực trạng vận dụng mô hình Bancassurance và những giải pháp kiến nghị phát triển mô hình này trong thời gian tới”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/danh-gia-thuc-trang- van-dung-mo-hinh-bancassurance-va-nhung-giai-phap-kien-nghi-phat-trien-mo-hinh-nay-trong-thoi-gian-toi- 43749.htm, truy cập ngày 16/02/2020