CHƯƠNG 1: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH
1.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch của một số tỉnh thành Việt Nam và bài học rút ra cho thành phố Hồ Chí Minh
1.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội
Những năm gần đây ngành du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là tốc dộ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018, thủ đô Hà Nội đón 26,3 triệu lượt khách (tăng 9,3% so với năm 2017). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến đạt 6 triệu lượt khách (tăng 16%
so với năm 2017); khách du lịch quốc tế có lưu trú là 4,3 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 20,3 triệu lượt khách (tăng 7% so với năm 2017). Tổng thu từ khách du lịch đạt 75.000 tỷ đồng (tăng 11,7% so với năm 2017).
Đây là một kết quả hết sức đáng mừng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đòi hỏi Hà Nội phải tăng cường duy trì môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, giữ lòng tin đối với du khách đến với Thủ đô.
Với lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo nhu cầu lưu trú cao. Vì vậy, để đảm bảo cơ sở lưu trú tại thủ đô đủ số lượng đáp ứng và chất lượng mong muốn, Sở Du lịch Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn, kịp thời ứng phó với những hiện tượng bức xúc trong môi trường du lịch: kiểm tra phòng ngừa hướng dẫn viên là người nước ngoài, xử lý nghiêm hành vi vi phạm do đó hạn chế hướng dẫn viên người nước ngoài hành nghề trái pháp luật tại Hà Nội; ngăn chặn xử lý tình trạng chèo kéo, bắt chẹt, ép giá… khách du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực Hồ Tây trong dịp ngày lễ, Tết.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiến hành phân cấp quản lý khách sạn hạng thấp cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn để dễ dàng quản lý, sát sao, theo dõi hoạt động của các cơ sở lưu trú hiệu quả hơn.
Đối với nguồn nhân lực quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng, nhất là ở khối các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Vì vậy, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, bồi dưỡng lĩnh vực lữ hành, vận chuyển; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên tại điểm và tổ chức các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về cơ sở lưu trú cao cấp, theo Sở Du lịch Hà Nội thì hiện nay trên địa bàn chưa đủ cung ứng nhu cầu khách du lịch, vì vậy Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, xin quỹ đất để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng
các khách sạn hạng sang, khu lưu trú cao cấp tiêu chuẩn 4-5 sao đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, để giúp nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và khuyến khích các cơ sở thi thành đúng pháp luật về kinh doanh lưu trú, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên thẩm định và cấp giấy chứng nhận nhãn du lịch bền vững Bông Sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch thủ đô.
1.3.2. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng
Thời gian qua, ngành Du lịch Đà Nẵng đã có sự tăng trưởng đáng kể về chất và lượng. Năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 4,33 lần so với năm 2010, trong đó khách quốc tế đạt 2,9 triệu lượt, tăng 7,8 lần so với năm 2010, khách nội địa đạt 4,8 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với năm 2010. Tổng thu du lịch đạt 24 ngàn tỷ đồng, tăng 7,8 lần so với năm 2010.
Cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố cũng đang phát triển mạnh trong những năm trở lại đây. Giai đoạn 2013 – 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng cơ sở du lịch đạt 14% và tốc độ tăng trưởng về số lượng phòng đạt 21%. Năm 2018, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng là 785 cơ sở (tăng gấp 2 lần so với năm 2013) với hơn 35.000 phòng (tăng 2,6 lần so với năm 2013). Đây là những con số thể hiện sự phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên nó cũng phản ánh sự khó khăn trong việc quản lý hoạt động của các cơ sở lưu trú nhằm đạt được chất lượng dịch vụ như mong muốn.
Để bảo đảm an ninh trật tự địa bàn và nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú trên địa bàn, từ tháng 6/2018, Đà Nẵng đã chủ động thực hiện phân cấp các cơ sở lưu trú về cho các quận, huyện trực tiếp quản lý các
cơ sở lưu trú từ mức 1 sao trở xuống. Cụ thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm và chủ trì thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước đối với các loại hình khách sạn có quy mô dưới 20 phòng (bao gồm khách sạn đã xếp hạng 1 sao và khách sạn chưa xếp hạng có quy mô tương đương 1 sao), nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), nhà trọ giường tầng - hostel. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, giải pháp này giúp giảm được nhân lực và chi phí, bởi vì các quận, huyện với lợi thế về việc nắm địa bàn sẽ làm tốt hơn việc nắm bắt tình hình, triển khai kịp thời công tác kiểm tra, giám sát và công nhận các tiêu chí nhằm tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ này đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng luôn tăng cường quản lý hoạt động lưu trú du lịch, các cơ quan chức năng giám sát, quản lý khá chặt chẽ về quy định giá phòng tại các cơ sở lưu trú, đòi hỏi việc niêm yết và bán theo giá niêm yết được công khai, hạn chế tình trạng tăng giá phòng, bán giá không đúng với chất lượng phòng... làm ảnh hưởng chung đến hoạt động kinh doanh lưu trú nói chung và hình ảnh du lịch Đà nẵng; tăng cường việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ nhân viên; triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, trang điện tử đặt phòng cho hệ thống khách sạn, nhà nghỉ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung nâng cấp cơ sở vật chất xuống cấp tại các cơ sở lưu trú đảm bảo đúng tiêu chuẩn, hạng sao được cấp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền, biểu dương những doanh nghiệp du lịch làm tốt và xử lý nghiêm đối với các hành vi không niêm yết giá, tăng giá dịch vụ sai quy định, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Qua đó góp phần đưa Đà Nẵng thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước.
1.3.3. Kinh nghiệm của tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là nơi có nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại nước ta, vì vậy du lịch Bình Thuận luôn phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, khách du lịch nội địa cũng như khách du lịch quốc tế vào Bình Thuận ngày một tăng cao, điều đó kéo theo sự phát triển không ngừng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch nói chung và kinh doanh cơ sở lưu trú nói riêng. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không ngừng lớn mạnh, tạo nên thương hiệu riêng cho từng cơ sở lưu trú, góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương. Kết quả, năm 2018, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch Bình Thuận đã có những khởi sắc ấn tượng, góp phần vào thành công của du lịch Bình Thuận đón hơn 5,7 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 675 ngàn lượt, tăng 1,5 lần so với năm 2015, khách nội địa đạt 5,025 triệu lượt, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Doanh thu du lịch đạt 12.851 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 488 cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng với tổng số 14.739 phòng. Để nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tên địa bàn, Bình Thuận đã hướng đến tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tỉnh Bình Thuận thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, phân công tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kinh doanh lưu trú. Thực hiện công tác thanh kiểm tra theo Luật Du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến du khách.
Thứ hai, song song đó là việc tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến chất lượng, cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng tốt. Chủ trì, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.
Thứ ba, đối với các Sở Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, các địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú. Riêng Hiệp hội Du lịch và các cơ sở lưu trú phải cam kết thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng, sao đã được công nhận, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du khách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường trong lành, thân thiện để luôn có một hình ảnh đẹp, an toàn, thân thiện và chất lượng cho Du lịch Bình Thuận.